Hôm thứ Sáu (15/1), Joe Biden cho biết ông sẽ ban hành luật nhập cư “ngay lập tức” sau khi nhậm chức, ưu tiên quy chế hợp pháp cho khoảng 11 triệu người nhập cư. Theo đó, luật sẽ cho phép người nhập cư đủ điều kiện được thường trú trong 5 năm, thay vì 3 năm như hiện tại và có quốc tịch 3 năm sau đó.
Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia Marielena Hincapie nói về kế hoạch này: “Điều này thực sự đại diện cho sự thay đổi lịch sử từ chương trình nghị sự chống người nhập cư của ông Trump, [luật này] công nhận tất cả những người nhập cư không có giấy tờ hiện đang ở Hoa Kỳ nên được đưa vào con đường trở thành công dân”.
Còn theo ông Ron Klain, chánh văn phòng của ông Biden, mục tiêu của chính sách cấp tiến này là “khôi phục sự nhân văn trong hệ thống nhập cư của chúng ta”.
Tuy nhiên, tờ Biz Pac Review nhận định, một động thái như vậy chắc chắn sẽ kích động một cuộc nhập cư bất hợp pháp ồ ạt. Như đã thấy trong khảo sát của Gallup năm 2019, ước tính có khoảng 42 triệu người ở Mỹ Latinh và Caribe muốn chuyển đến định cư tại nước Mỹ.
Và điều này thực sự đang xảy ra. Ngay sau cam kết này của ông Joe Biden, thật dễ hiểu, hàng nghìn người Honduras đã bắt đầu đổ bộ về phía biên giới Hoa Kỳ trước khi chính quyền mới chuẩn bị bước vào Tòa Bạch Ốc.
AFP đưa tin hôm Chủ nhật (17/1), ít nhất 9.000 người di cư Honduras đã đến Guatemala sau khi nhóm đầu tiên vượt qua cảnh sát biên giới vào cuối ngày thứ Sáu (15/1). Những người khác cũng sớm theo sau trên bước đầu tiên của cuộc hành trình về phía Bắc, với hy vọng đưa họ tới nước Mỹ.
Các nhân viên biên giới đã yêu cầu những người di cư cung cấp giấy tờ và bằng chứng về xét nghiệm virus corona âm tính – nhưng dường như nhiều người đã lọt qua mặc dù họ không đáp ứng các yêu cầu này.
Nhiều người trốn khỏi Honduras vì các lệnh khóa cửa kéo dài khiến họ mất đi công việc. Phóng viên AFP đã phỏng vấn cô Olga Ramirez, 28 tuổi, đi cùng chồng và 4 người con. Cô nói mình rời đi vì ở Honduras họ chỉ có thể ở nhà và trở thành gánh nặng. Cô đã mất công việc ở một trạm xe bus sau khi cơ sở này được tư nhân hóa, cô cho biết: “Họ ném chúng tôi ra ngoài như thể chúng tôi là những con chó, như rác thải, như thể chúng tôi chẳng có giá trị gì đối với đất nước. Và tôi không có nghề nghiệp gì để nuôi sống gia đình mình”.
Tuy nhiên không rõ liệu gia đình họ có biết nếu bước chân vào những bang do Đảng Dân chủ nắm quyền như California, nơi áp đặt các biện pháp chống dịch hà khắc như đóng cửa nhà hàng, áp lệnh giới nghiêm… thì họ cũng phải đối mặt với tình hình tương tự không.
Chính quyền Guatemala, Mexico và Honduras cho đến nay đã cố gắng giữ chân những người di cư, phần lớn nhờ vào các thỏa thuận đạt được với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
“Chính quyền Mexico và Trung Mỹ đã phối hợp các biện pháp an ninh và sức khỏe cộng đồng nhằm ngăn chặn các phong trào quần chúng của người dân trong khu vực, triển khai hàng nghìn lực lượng an ninh”, Reuters ghi chú.
Một số hình ảnh về dòng người di cư tràn vào Guatemala nhằm tìm đường di cư sang Mỹ.
Vấn đề chính là chính sách của ông Biden trái ngược với chính sách của TT Trump. Thay vì thúc đẩy dừng dòng người nhập cư trái phép vào nước Mỹ như mục tiêu của ông Trump, có vẻ như ông Biden muốn làm cho việc di cư dễ dàng hơn.
Bên cạnh việc khuyến khích nhập cư bất hợp pháp, Biden cũng có kế hoạch nâng lên con số người tị nạn, vốn đã thu nhỏ lại dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, bằng cách hủy bỏ các chính sách đã giúp kiểm soát gian lận trong quá trình xin tị nạn.Điểm tin thế giới 18/1: CIA chặn thông tin Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ

Chính quyền TT Trump tiếp tục tấn công Huawei. Một số nhà cung cấp của Huawei, bao gồm nhà sản xuất chip Intel, đã nhận được thông báo từ chính phủ Mỹ rằng họ đang thu hồi giấy phép cung cấp sản phẩm cho Huawei. Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ ngày 15/1 cho biết, Bộ Thương mại đã thông báo “ý định từ chối một số lượng đáng kể các yêu cầu cấp phép giao dịch với Huawei và thu hồi ít nhất một giấy phép đã cấp trước đó” [Reuters].
Động đất mạnh ở Indonesia gây thiệt hại lớn về người. Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia cho biết, ít nhất 78 người đã thiệt mạng sau khi một trận động đất xảy ra ở tỉnh Tây Sulawesi vào hôm Chủ nhật (17/1), ngoài ra, còn có hơn 740 người bị thương và hơn 27.800 người phải rời bỏ nhà cửa sau trận động đất 6,2 độ richter [Reuters].
Nên đến Đài Loan học tiếng Hoa thay vì Đại lục. Đại sứ thực tế của Hoa Kỳ tại Đài Loan, ông William Brent Christensen, hôm 16/1 đã đưa ra lời khuyên này. Ông Christensen đặc biệt cảnh báo tác hại của các chương trình dạy tiếng Trung ở các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ trong các khuôn viên đại học ở Hoa Kỳ. “Bạn có cơ hội được tiếp xúc với Đài Loan – con người và văn hóa thân thiện của đất nước đó – và nghe kể về một phiên bản lịch sử khác với phiên bản được dạy tại các Trung tâm Khổng Tử”, ông Christensen nói [Epoch Times].
Ông Pence kêu gọi Biden mạnh tay với Trung Quốc. “Chúng ta nên nhớ rằng giá của tự do là sự cảnh giác vĩnh viễn”, ông Pence nói tại Trạm Hàng không Hải quân Lemoore hôm thứ Bảy (16/1). “Và một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở là điều cần thiết cho sự thịnh vượng của chúng ta, an ninh của chúng ta và sức sống của tự do trên thế giới […] Tôi kêu gọi chính quyền sắp tới giữ nguyên lộ trình. Làm những gì chúng tôi đã làm. Đứng lên chống lại sự xâm lược và lạm dụng thương mại của Trung Quốc. Hãy vững vàng vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời đặt Mỹ và các đồng minh yêu tự do của chúng ta lên hàng đầu” [Epoch Times].
CIA chặn thông tin Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ. Trong một bức thư gửi đến Quốc hội vào đầu tháng này, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (DNI) John Ratcliffe cáo buộc rằng thông tin tình báo về việc Trung Quốc can thiệp bầu cử Mỹ 2020 đã bị CIA chặn lại, điều này gây áp lực buộc các nhà phân tích rút lại sự ủng hộ đối với kết luận có sự can thiệp từ nước ngoài vào bầu cử Mỹ. Trước đó, trong một bài phát biểu ngày 3/12, ông Ratcliffe cho biết ĐCSTQ “đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ngày nay, và mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ và tự do trên toàn thế giới kể từ Thế chiến thứ hai” [Epoch Times].
Biden ưu tiên lật đổ ‘ngay lập tức’ chính sách của TT Trump. Đội ngũ của ông Joe Biden ngày 17/1 cho biết, ông Biden sau khi tuyên thệ nhậm chức sẽ “ngay lập tức” có kế hoạch đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán và lật ngược một số chính sách của Tổng thống Trump vừa mới được Tòa Bạch Ốc liệt kê là các thành tựu lớn. Cụ thể, sau 20/1, ông Biden sẽ tạm dừng các khoản vay cho sinh viên, tái gia nhập hiệp định khí hậu Paris, hủy bỏ lệnh cấm đi lại với các quốc gia đe dọa an ninh Hoa Kỳ và áp đặt quy định về đeo khẩu trang cũng như hạn chế đi lại giữa các tiểu bang [News Max].
Đảng Dân chủ sẽ đàn áp các tín đồ Cơ đốc giáo. Đây là nhận định của nhà tư tưởng nổi tiếng David Horowitz. Ông cảnh báo rằng Đảng Dân chủ đang cố gắng “hình sự hóa” Tu chính án thứ nhất trong bối cảnh Hoa Kỳ đang trong “giai đoạn đầu để trở thành một nhà nước phát xít” khi chính quyền mới sẽ bắt đầu công việc trong ít ngày tới. Theo ông Horowitz, Đảng Dân chủ đã chấp nhận một chương trình nghị sự chống Cơ đốc giáo do Barack Obama thúc đẩy mạnh mẽ. Ông gọi Obama là “tổng thống chống Cơ đốc giáo nhất, chống tôn giáo nhất trong lịch sử” [News Max].
Ông Navalny bị bắt ngay sau khi về Nga. Cảnh sát Nga đã bắt giữ nhà phê bình điện Kremlin Alexei Navalny tại Moscow sau khi chính trị gia này làm thủ tục nhập cảnh hôm Chủ nhật 17/1. Đi cùng ông Navalny gồm có vợ, người phát ngôn và luật sư, nhưng họ đều được phép nhập cảnh. Cơ quan quản lý nhà tù Nga cho biết trong một tuyên bố, ông Navalny bị bắt do những vi phạm quy định với bản án tù treo và sẽ bị giam giữ cho đến cuối tháng [Reuters].
Triều Tiên họp quốc hội. Ngay sau đại hội Đảng Lao động, Triều Tiên đã tổ chức họp quốc hội để thảo luận về nhân sự, ngân sách và các vấn đề được thống nhất trong nghị quyết của đảng. Trong đại hội đảng, ông Kim Jong Un đã công bố một kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tiếp theo tập trung vào sự tự cường, ông kêu gọi một “cuộc chiến đấu làm hoặc chết” để hoàn thành kế hoạch này [Yonhap].