WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ tố Trung Quốc bắt nạt và gian xảo với các nước ASEAN trong khi Washington không thúc ép họ phải chọn về phe nào giữa hai đại cường.
Ông David Stilwell, phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, hôm Thứ Ba, 15 Tháng Chín, nhấn mạnh rằng Washington nhất quyết duy trì sự hiện diện ở khu vực, theo hãng tin AP. Mục đích là ngăn chặn “chủ trương phiêu lưu quân sự không được chào đón và chắc chắn cũng không hữu ích gì” bao gồm cả chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Ông Stilwell nói như vậy với giới truyền thông qua cuộc họp báo trên mạng, và đây là những lời tuyên bố mới nhất của các giới chức Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Tuần trước, người ta đã thấy các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau về những bất ổn trên Biển Đông và mối quan hệ giữa hai đại cường với 10 nước của khối ASEAN.
Ông Stilwell dẫn chứng các hành vi Trung Quốc đối với các nước tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Đông, hành động đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông cũng như việc xây dựng hơn chục đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong chặn nguồn sống của các nước hạ du là những bằng chứng chứng minh cho việc nói một đằng làm một nẻo.
Không những vậy, Washington còn quan ngại cả chuyện Bắc Kinh kiên trì bơm võ khí cho nhiều nhóm võ trang khác nhau ở Myanmar. Người ta được biết chính phủ nước Myanmar đang phải đối phó với nhiều nhóm thiểu số chống đối khác nhau có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Ông cho hay, tiêu biểu nhất cho sự không thành tín của Trung Quốc đối với ASEAN biểu hiện bằng việc họ biến các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa thành những pháo đài khổng lồ trên Biển Đông dù họ từng cam kết giữ nguyên trạng khu vực, không quân sự hóa các vị trí chiếm giữ rồi vẫn ngang nhiên làm ngược lại.
Chính phủ Mỹ, nhất là thời gian gần đây, qua các lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mike Pompeo, gọi tuyên bố chủ quyền theo hình “lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông là “bất hợp pháp,” bây giờ ông Stilwell lặp lại. Ông kêu gọi các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình qua đàm phán ôn hòa và qua đối thoại.
Ông Stilwell nói Bắc Kinh kiểm soát dòng sông Mekong ở thượng nguồn “làm hại đời sống của hàng chục triệu dân các cộng đồng cư dân Đông Nam Á ở hạ du” trong đó gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam mà ông đòi hỏi phải bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi thường nghe từ các thân hữu ASEAN và nhiều nước khác là họ không muốn chọn đứng về phía bên nào,” ông Stilwell nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không ép nước nào phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh.
Nếu Trung Quốc “mang ổn định và đem đến những thành quả tích cực cũng như tôn trọng chủ quyền của các đối tác ASEAN… chúng tôi không có gì phản đối,” ông nói. Tuy nhiên “thành tích của Trung Quốc lại không tốt.”
Tuần trước, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây chia rẽ Bắc Kinh với các nước ASEAN nhằm phá các cố gắng của họ muốn giải quyết tranh chấp xuyên qua đàm phán với các nước trong khu vực. Lâu nay, người ta biết rằng tổ chức ASEAN bị Bắc Kinh lũng đoạn, gây chia rẽ để đạt được chủ đích. (TN)
BẮC KINH, Trung Quốc (AP) – Chính phủ Mỹ hôm Thứ Ba, 15 Tháng Chín, đưa ra lời khuyến cáo dân chúng chớ tới lục địa Trung Quốc và Hồng Kông, do có các rủi ro “dễ bị tùy tiện bắt giữ” và làm khó dễ qua việc “tùy tiện thi hành luật lệ địa phương.”
Lời khuyến cáo này chắc chắn sẽ làm tăng thêm mối căng thẳng giữa hai quốc gia, vốn đã lên cao từ khi Bắc Kinh hồi Tháng Sáu áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia mới, và sau đó bị một loạt các phản ứng trừng phạt từ phía Mỹ.
Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ nói rằng chính quyền Trung Quốc “tùy tiện đưa ra lệnh bắt giữ và cấm rời khỏi nước” để buộc người ngoại quốc phải hợp tác trong các cuộc điều tra, áp lực người đang sống ở ngoại quốc phải trở về Trung Quốc, ảnh hưởng tới các cuộc tranh tụng dân sự, và “cũng để tạo lợi thế thương lượng với chính quyền ngoại quốc.”
Khuyến cáo này nói rằng: “Công dân Mỹ đến hoặc đang sống ở Trung Quốc hay Hồng Kông có thể bị bắt giữ mà không cho liên lạc với nhân viên tòa đại sứ, hoặc cho biết lý do vì sao họ bị bắt. Công dân Mỹ có thể bị qua các cuộc thẩm vấn liên tục và bị gia hạn giam giữ mà không theo đúng thủ tục pháp lý.”
Cũng theo thông báo này, tại Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc có toàn quyền thi hành các biện pháp với cá nhân hay tổ chức quốc tế bị coi là vi phạm pháp luật. Do đó các cá nhân công dân Mỹ từng công khai chỉ trích Trung Quốc có thể gặp nguy cơ bị bắt giữ, trục xuất hay truy tố.
Và khi ở Hồng Kông, công dân Mỹ nên cẩn thận “để ý tới tình hình chung quanh và tránh đến gần nơi có các cuộc biểu tình,” cũng theo khuyến cáo nói trên.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba, nói rằng phía Mỹ nên “hoàn toàn tôn trọng sự thật và không nên có hành động chi phối chính trị khi đưa ra các khuyến cáo như vậy.”
“Trung Quốc luôn bảo vệ an toàn và quyền lợi pháp lý của người ngoại quốc tại Trung Quốc theo đúng pháp luật. Trung Quốc là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Và dĩ nhiên người ngoại quốc ở Trung Quốc cũng phải có bổn phận tôn trọng pháp luật Trung Quốc,” ông Uông nói thêm. (V.Giang)
WASHINGTON, DC (NV) – Chính phủ Mỹ hôm Thứ Ba, 15 Tháng Chín, loan báo có biện pháp trừng phạt một công ty xây cất quốc doanh Trung Quốc, cáo buộc là công ty này chiếm đất của dân chúng Cambodia để xây một dự án, vốn theo truyền thông thì có thể được dùng cho mục tiêu quân sự.
Bộ Tài Chính Mỹ trong bản thông cáo nói rằng họ đưa công ty Union Development Group Co. Ltd. vào “sổ đen” vì các hoạt động liên quan tới việc xây cất khu nghỉ mát Dara Sakor, một dự án bao gồm việc thiết lập phi đạo có khả năng đón nhận các phi cơ lớn nhất thế giới.
Theo Bộ Tài Chính thì chính quyền Trung Quốc đã dùng các dự án của công ty tại Cambodia để trợ giúp vào việc “phô trương sức mạnh toàn cầu” của mình. Bản thông cáo cho biết, các kế hoạch xây cất do công ty này thực hiện ở Cambodia đã “đuổi dân ra khỏi các khu vực sinh sống của họ, hủy hoại môi trường, phá hoại đời sống của các cộng đồng cư dân địa phương.”
Cũng theo chính phủ Mỹ thì Washington lo ngại sau khi ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Cambodia, nói rằng Dara Sakor có thể chuyển đổi để thành căn cứ quân sự.
“Một căn cứ quân sự thường trực của Trung Quốc tại Cambodia có thể đe dọa sự ổn định khu vực và gây nguy hại cho các cuộc thương thảo hòa bình để giải quyết tranh chấp, khuyến khích an toàn và an ninh hàng hải, cùng là tự do hải hành và phi hành,” theo Bộ Tài Chính Mỹ.
Dự án Dara Sakor khởi sự năm 2008, sau khi Cambodia đồng ý cho công ty Union thuê 45,000 hécta đất trong khu công viên quốc gia, với thời hạn hiệu lực là 99 năm.
Công ty này nói sẽ đầu tư $3.8 tỷ vào nơi này, xây khu nghỉ mát, khu dân cư, thương mại và kỹ nghệ. Phi trường ở Dara Sakor sẽ hoạt động vào cuối năm nay, theo tổng giám đốc công ty nói với giới truyền thông Cambodia hồi tháng qua. (V.Giang)
Nguoi-viet.com