Bệnh nhân 44 tuổi, “phản ứng khi người ta nói với ông” và sẽ “từng bước” ngừng thở bằng máy, vẫn theo thông cáo của bệnh viện Charité, một trong những bệnh viện nổi tiếng châu Âu.
Tuy nhiên, theo AFP, dù tình trạng của nhà đối lập Nga có nhiều dấu hiệu cải thiện nhưng các bác sĩ không loại trừ khả năng ông sẽ chịu nhiều di chứng về lâu dài do “độc dược quá mạnh”. Chất độc thần kinh Novitchok, được một phòng thí nghiệm quân sự Đức phát hiện trong cơ thể ông Navalny, là được cho là chỉ mình Nga có.
Đức và các nước phương Tây đã yêu cầu Nga giải thích. Berlin cho Matxcơva thời hạn vài ngày để “làm sáng tỏ chuyện gì đã xảy ra” trước khi đưa ra quyết định trừng phạt. Anh Quốc, nơi từng xảy ra vụ đầu độc hai cha con cựu nhân viên tình báo Skripal năm 2018, đã triệu mời đại sứ Nga để bày tỏ quan điểm của Luân Đôn về vụ đầu độc Navalny.
Còn theo ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khi trả lời truyền thông ngày 06/09, “tình hình nghiêm trọng, trước hết là có thêm một nhà đối lập bị đầu độc và hơn nữa sản phẩm được sử dụng là độc dược bị cấm”. Tuy nhiên, Matxcơva lên án những âm mưu “phi lý” cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc.
Ngày 07/09, thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết không loại trừ khả năng đình chỉ dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2, dự kiến được hoàn thiện vào năm 2021, dù Đức được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất từ dự án khí đốt này.
Từ nhiều năm nay, Nord Stream 2 nằm trong tầm ngắm của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 07/09, tổng thống Trum phát biểu “ủng hộ” từ bỏ dự án, vì theo ông, châu Âu sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga. Và để tránh tình trạng này, ông Trump đề xuất châu Âu mua dầu khí của Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng châu Âu sẽ thiệt đủ đường nếu đình chỉ dự án Nord Stream 2 để trừng phạt Nga.
Theo RFI
TT Pháp lên án các vụ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc

Trong một bức thư đề ngày 06/09/2020 gửi cho một dân biểu Pháp thuộc nhóm 30 người đã từng ký vào một lá thư tố cáo Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại vùng Tân Cương, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rằng ông lên án với một thái độ “kiên quyết nhất” “hệ thống đàn áp” mà Bắc Kinh sử dụng nhắm vào thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, xem đó là một điều “không thể chấp nhận được".
Trong thư, tổng thống Pháp còn xác định rằng chính quyền Pháp luôn tận dụng các cuộc tiếp xúc song phương với Trung Quốc để kêu gọi Bắc Kinh “chấm dứt các vụ giam giữ trong các trại ở Tân Cương”.
Ông Macron nói rõ là ông đã xem xét kỹ lưỡng các lời chứng và tài liệu “liên quan đến các trại tù, các vụ giam giữ hàng loạt, mất tích, cưỡng bức lao động, ép buộc triệt sản, phá hủy di sản của người Duy Ngô Nhĩ và đặc biệt là những nơi thờ phụng, việc giám sát dân cư và nói chung là toàn bộ hệ thống đàn áp được áp dụng trong khu vực này”.
Tổng thống Pháp đã viết lá thư trên để trả lời một lá thư của dân biểu Aurélien Taché có chữ ký của khoảng 30 nghị sĩ khác đã gởi cho ông vào tháng 7 vừa qua, kêu gọi ông Macron hành động để đưa Trung Quốc ra trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế xét xử về tội ác chống nhân loại. Chính dân biểu Taché đã công bố bức thư trả lời của tổng thống Pháp.
Mỹ cấm nhập sản phẩm từ bông ở Tân Cương
Lời tố cáo các hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của tổng thống Macron được đưa ra vào lúc hồ sơ này tiếp tục đeo bám Trung Quốc.
Theo nhật báo Mỹ New York Times vào hôm qua, 07/09/2020, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc cấm một số sản phẩm làm từ bông vải sản xuất ở vùng Tân Cương. Đây là biện pháp nhằm trừng phạt các hành vi sử dụng lao động cưỡng bức đối với người Hồi Giáo thiểu số tại Tân Cương.
Còn theo báo Anh The Guardian, việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng đang khiến cho bộ phim Mulan (tức Hoa Mộc Lan) của hãng phim Disney bị công kích dữ dội vì đã quay rất nhiều ngoại cảnh ở Tân Cương vào đúng thời điểm Bắc Kinh tung chiến dịch đàn áp tại nơi này.
Theo RFI