
Hoa Kỳ đưa thêm 5 công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm, chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 21/6, Bộ Thương mại Mỹ cho hay 5 đơn vị bị cấm có chuyên môn phát triển siêu máy tính.
Bộ này nói các đơn vị này gây quan ngại an ninh vì các máy tính sử dụng cho quốc phòng, hoặc có hợp tác với quân đội Trung Quốc.
Các công ty bị cấm gồm Higon, là một đối tác của công ty Mỹ AMD.
Ngoài ra là Sugon, được biết tới như chủ sở hữu của Higon.
Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology cũng bị cấm, vì Higon bị Mỹ xem là có cổ phần tại đây.
THATIC, là liên doanh Trung Quốc với AMD, cũng bị đưa vào danh sách cấm.

Tổng thống Donald Trump sẽ gặp ông Tập Cận Bình bên lề một hội nghị G20 ở Nhật cuối tháng Sáu.
Những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc thay nhau dẫn đầu trong sản xuất máy tính nhanh nhất thế giới.
Sugon có 63 máy tính trong danh sách 500 siêu máy tính thế giới.
Lệnh cấm mới của Mỹ đồng nghĩa việc các hãng Mỹ không được bán công nghệ cho các hãng Trung Quốc mà phải xin phép chính phủ trước.
Tháng trước, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách này.
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế 25% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỉ đôla.
Đàm phán tháng trước đã đổ vỡ.
Bên cạnh đó, trong cử chỉ hòa hoãn, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã hoãn một diễn văn lẽ ra sẽ đọc thứ Hai tuần sau, mà trong đó ông chỉ trích Trung Quốc.
Theo BBC
LHQ kêu gọi Trung Quốc không trục xuất người đào thoát Triều Tiên về nước.
Một nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc kêu gọi Bắc Kinh không hồi hương những người Triều Tiên mà họ bắt được trong những tháng gần đây, vì những người này sẽ đối mặt với những hình thức trừng phạt hà khắc, Reuters đưa tin.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói với Reuters rằng có ít nhất 30 người Triều Tiên đã bị vây bắt trong các cuộc đột kích trên khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 4 đến nay.
Ông Tomas Ojea Quintana, một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, cho biết: “Thông tin cho biết, gần đây, Trung Quốc có thể đã tăng cường tìm kiếm những người trốn thoát từ Triều Tiên để phối hợp với chính phủ Bắc Hàn”.
Ông cho nói với các phóng viên ở Seoul, thủ đô của Hàn Quốc: “Người Triều Tiên hồi hương có nguy cơ bị xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm cả tra tấn”.
Ông nói thêm: “Chính phủ Bắc Hàn luôn hình sự hóa những người vượt biên bất thường”.
Liên Hợp Quốc trước đây từng bày tỏ mối quan ngại về tình trạng Triều Tiên tiếp tục sử dụng các trại tù chính trị. Ông Quintana cho biết người dân sống trong nỗi sợ hãi khi bị gửi đến những nơi này.
Ông Quintana cũng cho các phóng viên thấy một chiếc khóa cũ mà ông được tặng bởi một cậu bé trốn thoát khỏi Triều Tiên. Ông nói: “Cậu bé đã tặng tôi chiếc khóa này như một biểu tượng cho nhu cầu mở cửa đất nước đó”.
Một số người có thể may mắn hơn, họ rời khỏi Trung Quốc để sang một quốc gia thứ ba, như Thái Lan hay Mông Cổ, những nước sẽ bàn giao họ cho các nhà chức trách Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc có chính sách tiếp nhận người Triều Tiên đào thoát, đối xử với họ những người đồng hương và tạo điều kiện cho họ xây dựng cuộc đời mới ở Hàn Quốc.
Từng là một quốc gia thống nhất, hai miền nam bắc Triều Tiên bị chia cắt sau chiến tranh thế giới thứ II, với sự hiện diện của Liên Xô ở miền bắc và Hoa Kỳ ở miền nam.
Các cuộc đàm phán thống nhất đã thất bại, và hai miền thành lập các chính phủ riêng biệt. Miền bắc, với sự giúp đỡ của Liên Xô đã thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, với sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), mở đầu một triều đại thống trị của gia tộc 3 thế hệ họ Kim.
Miền nam, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, xây dựng Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) theo chủ nghĩa tư bản.
Dù hai miền chỉ cách nhau vĩ tuyến 38, đại đa số người đào thoát Triều Tiên không thể vượt biên trực tiếp từ miền bắc sang miền nam, vì giới tuyến này được canh gác nghiêm ngặt, có rải mìn mà những hàng rào thép gai.
Một số ít các vụ đào thoát đã diễn ra ngay tại biên giới, trong đó có trường hợp của một người lính Bắc Hàn chạy sang miền nam trong làn mưa đạn của những người đồng đội. Anh trúng đạn và gục ngã trên lãnh thổ Hàn Quốc. Các binh sỹ Hoa Kỳ và Hàn Quốc thuộc Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ở miền nam đã trườn bò tới vị trí người lính gục ngã và kéo anh vào nơi an toàn. Sau đó, người thanh niên được đưa đi cấp cứu trên một chiếc trực thăng của Hoa Kỳ.