Trung Quốc đang tiếc thương một người kỹ sư có vai trò chủ chốt trong chương trình hàng không mẫu hạm của nước này và ca ngợi ông như người hùng, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang tiến dần đến săn sàng chiên đấu
Ông La Dương, 51 tuổi, đã qua đời vì lên cơn đau tim hôm Chủ nhật ngày 25/11 sau khi chứng kiến lần hạ cánh đầu tiên của máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Ông La là người chịu trách nhiệm phát triển các máy bay chiến đấu-ném bom J-15 vốn được thiết kế dành cho Liêu Ninh – chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Bản tin trưa của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa tin về cái chết của ông La lên thành tin tức đầu tiên – một vinh dự hiếm thấy dành cho một khoa học gia mà trước đây ít người biết đến bên ngoài phạm vi của chương trình hàng không mẫu hạm.
Không ai biết gì nhiều về thân thế ông La. Hãng tin AP đã liên lạc với Tập đoàn phi cơ Thẩm Dương, nơi ông La làm việc, và đã được xác nhận về cái chết của ông nhưng ngoài ra không được cung cấp thông tin gì thêm.
Đây là công ty sản xuất ra phần lớn các máy bay chiến đấu hiện đại trong phi đội của Trung Quốc.
Nhiều chiếc trong số này, chẳng hạn như J-15, dựa trên hình mẫu của phi cơ Nga.
Các khoa học gia Trung Quốc được giao các dự án đặc biệt của chính phủ chẳng hạn nhưng chương trình hàng không mẫu hạm thường phải chịu sức ép dữ dội.
Stress là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong giới trí thức ở đất nước này, AP cho biết.
Sự tiếc thương dành cho ông La đánh dấu tầm quan trọng lớn của chương trình không gian của Trung Quốc vốn được xem là thể hiện sự vươn lên của đất nước từ nghèo đói trở nên hùng mạnh trong suốt ba thập niên qua.
Mặc dù đã có bước đột phá trong việc hạ cất cánh, tàu Liêu Ninh vẫn còn mất nhiều năm nữa mới có khả năng chiến đấu.
Hải quân Trung Quốc vẫn cần phải chứng minh là họ có thể cho hoạt động nhiều phi cơ cùng một lúc và tổ chức hàng không mẫu hạm vào đội hình chiến đấu bao gồm cả tàu ngầm và tàu hỗ trợ.
“Lần hạ cánh đầu tiên có thể là một cột mốc, nhưng đó chỉ mới là bắt đầu,” Giáo sư Toshi Yoshihara tại trường Hải chiến Hoa Kỳ ở tiểu bang Rhode Island cho biết.
“Làm thế nào họ có thể xử lý những tổn thất về máy bay chiến đấu vốn là điều không thể tránh khỏi mới là chỉ dấu rõ ràng hơn cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh với sức mạnh của tàu sân bay,” ông nói.