Tuyên bố của bộ Thương Mại Trung Quốc được loan báo trên mạng chính thức : đàm phán tại Achentina mang lại kết quả tốt. Trung Quốc sẽ thực thi những vấn đề đã được giải quyết. Hai bên sẽ đàm phán tích cực theo lịch trình 90 ngày.
Trước đó vài giờ, từ Washington, tổng thống Donald Trump bắn lên trang « Tweet » lời de dọa : nếu không đạt được thỏa thuận « đúng nghĩa » với Trung Quốc, tôi sẽ áp thuế. Cũng theo tổng thống Donald Trump, ông và chủ tịch Trung Quốc đồng ý với nhau có « 90 ngày để đàm phán, kể từ bữa ăn tuyệt vời ở Buenos Aires », tức là cho đến đầu tháng 3/2019.
Theo Washington, Bắc Kinh đã đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, tháo bỏ chướng ngại thuế quan, tích cực đàm phán bảo vệ, tôn trọng tác quyền và chuyển giao công nghệ. Theo tin riêng của Reuters, công ty dầu khí Trung Quốc UNIPEC chuẩn bị mua dầu hỏa của Mỹ kể từ tháng ba 2019.
Thực hiện một lời hứa : Trung Quốc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ
Không đầy một tuần sau khi đạt được hưu chiến thương mại với Mỹ, qua cuộc đàm phán Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề G20, Bắc Kinh thông báo các biện pháp tăng cường bảo vệ tác quyền. Bị đánh cắp phát minh là một trong những ưu tư lớn của các đối tác Tây phương làm ăn tại Trung Quốc.
Từ Thượng Hải, thông tín viên Simon Leplatre tường thuật :
"Đây là những biện pháp cụ thể đầu tiên mà Trung Quốc ban hành để xoa dịu Hoa Kỳ. Thứ ba, 04/11/2018, Bắc Kinh thông báo sẽ trừng phạt nặng nề những ai không tôn trọng sở hữu trí tuệ.
Các biện pháp mới, nhằm ngăn ngừa những người tái phạm, bằng cách cải thiện hợp tác giữa các cơ quan hành chính : Tên tuổi những kẻ tái phạm nhiều lần bị đưa vào danh sách đen, dẫn đến hình phạt nặng nề hơn, chẳng hạn như bị cấm đi máy bay và xe hỏa cao tốc.
Bảo vệ tác quyền là một vấn nạn trầm kha tại Trung Quốc nơi mà hàng nhái, hàng giả và tin tặc là chuyện cơm bữa, nhưng tình hình có thay đổi trong những năm gần đây.
Sau một thời gian dài phủ nhận tệ nạn này, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc hơn, bởi một lý do đơn giản : chính những xí nghiệp công nghệ hiện đại của Trung Quốc muốn bảo vệ các khám phá của mình.
Động thái đầu tiên của chính quyền Trung Quốc « tôn trọng tác quyền » có lẽ là quyết định dễ nhất trong cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, bởi vì Bắc Kinh cũng theo con đường này. Đàm phán mở rộng thị trường Hoa lục, không thiên vị công ty Trung Quốc mới là chuyện khó."
Theo RFI
Hồng Kông: Hồng y Trần Nhật Quân bảo vệ phong trào dân chủ

Đức hồng y nổi tiếng Hồng Kông Trần Nhật Quân (Joseph Zen), vào hôm nay, 05/12/2018, đã lên tiếng bảo vệ các nhà đấu tranh dân chủ đang bị chính quyền đặc khu xét xử về vai trò trong các cuộc biểu tình năm 2014.
Theo AFP, được phía bảo vệ mời ra với tư cách nhân chứng, cựu tổng giám mục Hồng Kông, giải thích ông nghĩ là việc bất phục tùng dân sự là một ''cách tiếp cận phải lẽ'' của hành động chính trị. Ông nói thêm là rất ''xấu hổ'', vì đã không cùng hứng chịu hơi cay mà những người biểu tình phải chịu.
Từ ngày 19/11 vừa qua, giáo sư xã hội học Trần Kiện Dân (Chan Kin-man), 59 tuổi, giáo sư luật Đái Diệu Đình (Benny Tai), 54 tuổi, và linh mục Chu Diệu Minh (Chu Yiu-ming), 74 tuổi, đã bị xét xử về tội gây rối loạn trật tự công cộng.
Năm 2013, những người nói trên đã thành lập phong trào « Chiếm Đóng Trung Hoàn – Occupy Central», tức phong tỏa khu tài chính Hồng Kông, đòi thiết lập chế độ phổ thông đầu phiếu. Hai tháng biểu tình, bất phục tùng dân sự đòi dân chủ, tự do chính trị năm 2014 đã làm tê liệt Hồng Kông.
Đức hồng y Trần Nhật Quân còn tuyên bố là sử dụng khí cay chống biểu tình là điều không tốt, vì những người bị truy tố đều là những người ôn hòa.
Từ năm 2014, chính quyền Hồng Kông bắt đầu truy tố những người '‘gây rối'’. Họ có thể bị đến 7 năm tù.
Theo RFI