Sự kiện đầu tiên được Ana Palacio nêu bật thành ví dụ về hành động hung hăng của Trung Quốc là vụ một công ty con của tập đoàn dầu hỏa Tây Ban Nha Repsol, vào tháng 6 vừa qua, đã bắt đầu khoan một giếng dầu ngoài khơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc lập tức phản đối, trước hết là hủy bỏ một cuộc họp an ninh chung giữa Trung Quốc và Việt Nam, và sau đó tuyên bố đe dọa dùng hành động quân sự đánh vào các vị trí của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Không thể dựa vào Hoa Kỳ, Việt Nam đã khuất phục trước sức ép của Trung Quốc, ra lệnh cho Repsol ngừng việc khoan thăm dò.
Đối với tác giả bài viết, đó là chiến thắng của quyền lực thô bạo, và là thất bại của luật lệ được mọi nước chia sẻ. Kết luận đó cũng có thể được áp dụng cho sự kiện thứ hai mang tầm vóc toàn cầu.
Vào tháng 7 vừa qua, ngay trước hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 ở thành phố Đức Hamburg, đã rộ lên thông tin về giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, bị Trung Quốc giam giữ trong gần 10 năm nay, đã bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông Lưu Hiểu Ba đã xin phép được ra điều trị ở nước ngoài, nhưng bị Bắc Kinh từ chối. Ông qua đời ngay sau đó.
Điều đáng nói, theo Ana Palacio, là thay vì lên án cách hành xử độc ác đó của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế - và châu Âu nói riêng - chỉ đưa ra một phản ứng nhẹ nhàng. Không nước nào dám nêu tên ông Lưu Hiểu Ba một cách công khai trong cuộc họp G20. Và ngay cả sau khi Giải Nobel Hòa Bình qua đời, các lãnh đạo phương Tây chỉ gởi lời chia buồn mà thội. Không ai dám đụng đến Trung Quốc.
Đối với tác giả bài viết, cách tiếp cận đó thoạt nhìn có vẻ hợp lý, đặc biệt đối với một châu Âu vẫn đang tìm sự hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Liên Hiệp Châu Âu sau Mỹ, và là nguồn đầu tư trực tiếp chủ yếu, đã đầu tư hơn 35 tỷ Euro vào năm ngoái.
Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dụng đó có nhược điểm nghiêm trọng. Hơn bất kỳ khối nước nào khác, cả châu Âu – chứ không riêng gì Liên Hiệp Châu Âu - cần đến một trật tự được hình thành trên hợp tác hơn là cạnh tranh. Thật vậy, trật tự hiện tại, dựa trên sự tôn trọng luật lệ chung, mang lại sức mạnh cho châu Âu, đồng thời giảm thiểu những điểm yếu.
Theo Ana Palacio, dĩ nhiên là châu Âu không thể đứng ra kháng lại bạo quyền của Trung Quốc, nhưng có thể hỗ trợ Hoa Kỳ, nước trong một tương lai gần, vẫn là một cường quốc mà thế giới cần đến.
Có điều là nước chính quyền Mỹ của Donald Trump dường như ít quan tâm, và thậm chí không có nhiều năng lực trong vai trò lãnh đạo thế giới. Nếu Washington không thay đổi cách tiếp cận theo chủ trương « Nước Mỹ Trên Hết », thì sẽ có rất ít hy vọng về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ. Nhưng nếu chính quyền Trump thay đổi cách nghĩ, thì tất cả vẫn chưa hoàn toàn bị mất.
Trong khi chờ đợi, Châu Âu phải kiên quyết hơn trong việc bảo vệ luật lệ quốc tế, không phải bằng cách tung ra những cuộc thập tự chinh liều mạng và vô ích, nhưng bằng cách tiếp tục thúc đẩy nhân quyền và nhà nước pháp quyền, một cách kiên quyết, nhưng có cân nhắc.
Đối với tác giả, thực tế đáng buồn hiện nay là nếu Châu Âu không lên tiếng, thì không còn ai lên tiếng, và một trật tự thế giới dựa trên sự dẫn dắt của Trung Quốc sẽ có kẻ thắng người thua, nhưng số lượng người thua sẽ vượt xa số người thắng. Châu Âu có trách nhiệm ngăn chặn kết quả đó.
Theo RFI
Học giả quốc tế kêu gọi chống Bắc Kinh kiểm duyệt học thuật

Theo AP, hôm nay 21/08/2017, nhiều học giả quốc tế đã kêu gọi nhà xuất bản Đại Học Cambridge khôi phục lại hơn 300 bài báo được coi là « nhạy cảm chính trị » bị xóa trên trang web của tạp chí học thuật China Quarterly vào tuần trước.
Kiến nghị trên trang change.org, với nội dung kêu gọi Nhà xuất bản Đại học Cambridge từ chối yêu cầu kiểm duyệt, đã thu thập được hơn 200 chữ ký, sau ba ngày công bố, theo ông Christopher Balding - phó giáo sư kinh tế tại trường Đại học Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến (Shenzhen) - người khởi xướng kiến nghị.
Bản kiến nghị cho biết các học giả quan ngại sâu sắc về việc kiểm duyệt lịch sử và những áp đặt tư tưởng của chính phủ Trung Quốc đối với hệ thống giáo dục. Theo kiến nghị, các nhà nghiên cứu và các trường đại học có thể tẩy chay nhà xuất bản đại học Cambridge và các tạp chí liên quan, nếu họ nghe theo sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc.
Trước đó nhà xuất bản Đại học Cambridge ngày 18/08 đã thông báo rằng họ đã tuân thủ yêu cầu để chặn nhiều bài báo từ tạp chí China Quarterly, được đăng tải ở đại lục. Tạp chí China Quarterly được coi là tạp chí nghiên cứu hàng đầu thế giới về Trung Quốc.
Các bài báo bị chặn có nội dung liên quan đến các chủ đề « chính trị nhạy cảm » như cuộc đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989, cuộc Cách mạng Văn hoá 1966-76 và các vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, chính trị ở Hồng Kông, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, cũng như các bài viết về Mao Trạch Đông.
Nhà xuất bản Đại học Cambridge cho biết họ đã tuân thủ việc này để đảm bảo rằng các tài liệu học tập và giáo dục khác vẫn được mở cho giới học giả. Dự kiến một cuộc họp giữa nhà xuất bản Anh và nhà chức trách Trung Quốc sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ sách Bắc Kinh vào tuần này.
Ông cho rằng các tổ chức giáo dục quốc tế tại Trung Quốc không có nghĩa vụ phải tuân thủ theo những tư tưởng chính trị bị áp đặt bởi nhà cầm quyền, Bắc Kinh không thể « xuất khẩu chế độ kiểm duyệt ».
Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng hôm nay 21/08/2017, trong một bài xã luận, nói rằng Bắc Kinh đã chặn một số thông tin trên các trang web nước ngoài, mà họ cho là gây hại cho xã hội. Bài xã luận cũng viết, nếu các tổ chức phương Tây « nghĩ rằng thị trường internet của Trung Quốc là quan trọng đến nỗi họ không thể bỏ lỡ thì họ cần phải tôn trọng luật pháp Trung Quốc và thích nghi theo cách của Trung Quốc ».