Trung Quốc phản đối phúc trình tự do tôn giáo của Hoa Kỳ
Trung Quốc ngày 16 tháng Tám mạnh mẽ phản bác phúc trình thường niên về tự do tôn giáo thế giới 2016 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Theo đó cáo buộc Bắc Kinh tra tấn hành hạ và bỏ tù hàng chục ngàn người dám sống chết vì đức tin của họ, điển hình như người Uighur theo đạo Hồi, người Tây Tạng theo Phật giáo Mật Tông và những người thực hành Pháp Luân Công.
Những điều vừa nói được ngoại trưởng Rex Tillerson nêu ra khi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo thế giới tại Bộ Ngoại Giao ở Washington DC ngày 15 tháng 8.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói rằng Trung Quốc luôn luôn tôn trọng cũng như luôn luôn bảo vệ tự do tôn giáo cho người dân của mình. Nữ phát ngôn viên này còn nói rằng cái gọi là phúc trình thường niên về tôn giáo của Hoa Kỳ đã bỏ qua những dữ liệu thực tế, cố ý lập lờ giữa đúng và sai để đưa ra những phê bình có tính cách xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo của Trung Quốc.
Vẫn theo lời bà, Trung Quốc dứt khoát bác bỏ những cáo buộc vi phạm tự do tín ngưỡng mà Hoa Kỳ đưa ra, rằng Washington phải hiểu là nên quan tâm đến những vấn đề nội tại của mình thì đúng hơn.
Tân Hoa Xã ngày 16 tháng 8 loan đi Anh ngữ hàm ý Hoa Kỳ nên lo giải quyết sự kiện bạo động đáng tiếc vì chủ nghĩa sắc tộc ở Virginia, Hoa Kỳ cuối tuần qua trước khi phê bình chỉ trích Trung Quốc.
Theo RFA
Việt Nam phản đối phúc trình tôn giáo của Hoa Kỳ

Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ cần tôn trọng sự thật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam sau khi ngoại trưởng Rex Tillerson của Mỹ vào ngày 15 tháng 8 công bố phúc trình thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2016, trong đó có phần về Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho rằng bản phúc trình của Hoa Kỳ co ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam nhưng vẫn giữ những luận điểm bị cho là ‘cũ, lối mòn cùng những đánh giá không dựa trên thực tế.
Quan chức Campuchia sang VN yêu cầu thân nhân gọi người Thượng trở về
Ba người Thượng Tây Nguyên, trốn sang Campuchia tìm quy chế tị nạn, cho biết nhân viên Bộ Nội Vụ nước này đến Việt Nam hồi tuần rồi để buộc thân nhân viết thư kêu gọi họ trở về nhà. Thông tin vừa nêu được tờ The Phnom Penh Post loan đi ngày 16 tháng 8.
Một trong ba người Thượng được nêu tên là ông Kpa Y Rin. Ông Rin nói với tờ The Phnom Penh Post qua người thông dịch rằng sau khi bị đi tù 10 năm với cáo buộc lãnh đạo một cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo, hai vợ chồng chạy sang Campuchia hồi năm 2015 để tìm quy chế tị nạn nhưng giới chức của Campuchia và Việt Nam đã đến nhà vào chiều ngày 11 tháng 8 buộc cô con gái 21 tuổi của họ, viết thư kêu gọi cha mẹ trở về. Một nội dung trong thư được nói là chính quyền Việt Nam sẽ “không bắt bớ”.
Một người Thượng khác giấu tên cũng cho biết giới chức của hai nước Campuchia và Việt Nam cũng đến nhà của người này ở Tây Nguyên hồi tuần trước và buộc người thân viết thư kêu gọi trở về. Tuy nhiên, người này cũng nói rằng ông không muốn về Việt Nam.
Phó Ban phụ trách vấn đề tị nạn, thuộc Bộ Di Trú của Campuchia, ông Mom Sophanarith, lên tiếng phủ nhận thông tin do Phnom Penh Post loan đi, nói rằng không bắt buộc thân nhân của những người Thượng này viết thư kêu gọi trở về nhà như thế.
Ông Sophanarith cũng nói rằng phái đoàn đến thăm 4 gia đình người Thượng đã trở về từ Campuchia và họ không gặp trở ngại nào trong cuộc sống và không ai đối xử phân biệt gì với họ.
Theo số liệu của Bộ Di Trú Campuchia, trong thời gian qua có hơn 200 người Thượng Việt Nam chạy sang xứ Chùa Tháp để tìm quy chế tị nạn vì họ bị bắt bớ về tôn giáo và chính trị ở quê nhà.
Chỉ có 3 người trong số này nhận được giấy xác nhận là “người tìm quy chế tị nạn” và 13 người khác được Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn và đã được chuyển đến Philippines.
Khoảng 39 người Thượng ở Phnom Penh bị đưa về Việt Nam và 13 người trở về hồi tuần rồi nói rằng họ bị bắt buộc hồi hương chứ không phải “tự nguyện”.
Theo RFA
Lãnh tụ dân chủ trẻ Hong Kong sẵn sàng nhận án tù

Anh Hoàng Chí Phong, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong, nói rằng anh không hề hối tiếc về hoạt động của mình và chuẩn bị tinh thần để có thể nhận án tù.
Hoàng Chí Phong và hai lãnh tụ trẻ tuổi khác của phong trào Cây Dù Vàng là La Quán Thông, Châu Vĩnh Khang bị một tòa án Hong Kong cáo buộc kích động tụ tập đông người trái phép trong những cuộc biểu tình lớn đòi dân chủ vào năm 2014.
Tuy nhiên lúc đó cả ba người đều chỉ nhận án lao động công ích, nay cơ quan tư pháp Hong Kong nói rằng họ phải nhận hình phạt nặng hơn, và với tội kích động tụ tập đông người trái phép, họ có thể nhận án với mức cao nhất là 5 năm tù giam.
Nếu phải thi hành án này thì anh Hoàng Chí Phong sẽ không thể ứng cử vào cơ quan lập pháp Hong Kong vào năm tới.
Anh nói rằng anh cảm thấy có lỗi với gia đình và người thân, nhưng anh cho rằng người dân Hong Kong sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh cho dân chủ.
Xin được nhắc lại là vào năm 2014, hàng chục ngàn sinh viên Hong Kong đã xuống đường phản đối một dự luật bầu cử, theo đó người ra ứng cử làm trưởng đặc khu Hong Kong phải nằm trong danh sách được Bắc Kinh đồng ý.
Trong các cuộc biểu tình này, sinh viên Hong Kong đã dùng những chiếc dù để chống lại hơi cay của cảnh sát, vì thế mang tên phong trào Cây Dù Vàng.
Theo RFA