HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Từ Hà Nội, hôm 1 Tháng Mười Một, 2019, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, viện sĩ cao cấp của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, viết trên trang Facebook cá nhân: “Tôi kêu gọi 90 triệu đồng bào tẩy chay tuyệt đối cuộc bầu cử Quốc Hội và tất cả các cuộc bầu cử sắp tới, nếu Điều 7 của luật này được thông qua. Đơn giản là: không biết thì không bầu, không đi bầu.”
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện nêu rõ: “Theo Điều 7 dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước mà Quốc Hội đang bàn, những thông tin như thân thế sự nghiệp lãnh đạo đảng, nhà nước, quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển, công nghiệp, thương mại… là thông tin bí mật nhà nước. Khi quyền tiếp cận thông tin, quyền được biết, được bàn, được giám sát… của người dân ngày càng trở nên phổ thông thì ngay cả những thông tin về thân thế sự nghiệp lãnh đạo đảng, nhà nước cũng bí mật thì thật buồn cười. Ai đồng ý với tôi, xin hãy like để biểu quyết.”
Sau khi lời kêu gọi được đăng lên Facebook, tính đến ngày 5 Tháng Mười Một đã nhận được hơn 3,500 like, 540 bình luận và 780 lượt chia sẻ.
Luật Sư Lê Văn Hòa, Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội, đồng tình: “Tôi đồng ý với kêu gọi của tiến sĩ.”
Công dân Nguyễn Đệ (ở Sài Gòn) bình luận: “Không lẽ nhắm mắt bầu con mẹ ham ăn vặt, thằng mê game vào lãnh đạo đất nước sao nếu không cho tôi biết họ là ai có tài gì tôi không bầu. Bà ăn tàn mạt ngân khố, thằng mê game bán đứng đất nước. Hay chúng ta sẽ đi bầu cử những người với tên giả hoặc mật danh như: 007, A12… Không ăn cắp, không bán nước hại dân, không phải là giặc cài vào thì việc gì phải bí mật danh tính? Tại sao những điều người dân cần biết lại phải bí mật? Trước nạn gián điệp hoành hành, bắt giam những người yêu nước, dân chúng đang kêu đòi xét nghiệm ADN của những ứng cử viên để chắc ra nguồn gốc.”
Ông Đỗ Đức Đồng Ngân, một người dân, cho rằng: “Điều 7 dự thảo Luật Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước là một điều luật ngu ngốc, chỉ có trong chế độ phát xít và chỉ có những ‘con bò’ mới có thể nghĩ ra. Xã hội đã xuống cấp trầm trọng.”
Nghệ sĩ Quan Họ Bắc Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng lên tiếng: “Sao luật gì kỳ vậy. Thế thì còn gì ý nghĩa với câu ‘dân biết, dân bầu, dân bàn, dân kiểm tra?’”

Từ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Tiến Sĩ Chu Mộng Long phản đối gay gắt hơn: “Chơi điều luật như vậy nhỡ người ta đưa chó vào danh sách ứng cử thì tôi cũng phải bầu à?”
Bà Nguyễn Thị Hồng (ở Hà Nội) bất bình nhận định: “Các cuộc bầu cử ở Việt Nam gần đây rất mờ ám, trong khi ở thế giới người ta công khai thì mình lại giấu.”
Ông Trịnh Kim Thuận (ở An Giang) đề nghị: “Tôi đồng ý, tốt nhất là dẹp ngay cái nhóm người được gọi là Quốc Hội gì đấy. Bầu cử Quốc Hội ở Việt Nam lâu nay là không trung thực. Dân đi bỏ phiếu lấy lệ vì các ghế đã được chia sẵn từ trước ai ngồi ghế đó hết cả rồi. Bầu hay không họ cũng có số liệu đểu 99.98%.”
Ông Sỹ Cường (ở Sài Gòn) tuyên bố: “Mấy thằng ăn cắp, ăn cướp rồi bí mật leo lên lãnh đạo, rồi tha hồ giở trò bỉ ổi.”
Ông Nguyễn Chiến (ở Hà Nội) viết: “Càng ra luật càng thể hiện độc tài.”
Trong khi đó, ông Lê Hữu Tài (ở Hưng Yên) cho biết bản thân mình đã tẩy chay hai kỳ bầu cử liên tục: “Bầu cử chỉ là hình thức có mấy ai đi bầu mà vẫn có… 99% phiếu. Người dân ba miền hãy lên mạng Internet tố cáo bầu cử gian dối, không cho Liên Hiệp Quốc giám sát. Đến lúc này các nhân viên an ninh cũng không thể đe dọa được người dân nữa.”
Ông Trịnh Bá Khiêm (ở Sài Gòn) kể lại câu chuyện về bầu cử cưỡng ép và gian dối: “Cách nay 30 năm tôi không đi bầu. Chủ nhiệm Hợp Tác Xã đọc loa dọa phạt ba kg gạo. Tôi phát khiếp, vội đi bầu. Nay thì khác, kỳ vừa qua công khai lên mạng không đi bầu luôn. Từ nay quyết tẩy chay…”
Anh Nguyễn Công (ở Hải Dương) tài xế xe tải cho rằng: “Lối bầu cử hiện nay ở Việt Nam sẽ lại bầu ra Trịnh Xuân Thanh hay Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son.” Những người mà anh Công gọi là “một lũ khốn nạn.”
Ngoài những bày tỏ trên, hàng trăm lượt tương tác đồng ý giống như ông Trần Thái: “Tôi ủng hộ anh. Dân chủ giả cầy không chơi.” Hay “Chỉ đi bầu khi biết rõ thân thế, đạo đức và tài năng của người được bầu…”
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện năm nay 49 tuổi, hiện đang là phó giám đốc Thư Viện Hán Nôm Việt Nam. Ông còn được biết tới là người viết blog với tên Lâm Khang, Chú Tễu mà thời gian qua được cộng đồng mạng xã hội biết tới, nhiều người vào đọc vì những vấn đề nóng hổi và những phát biểu khá quyết liệt của ông về xã hội Việt Nam. (Tr.N)
Nguoi-viet.com
3 trong 9 người “đi nhờ” chuyên cơ bỏ trốn ở Hàn Quốc đã về VN

Thông tin này được thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra ngày 5/11 và được truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Thứ trưởng Ngọc khẳng định sẽ xử lý theo quy định và thông tin cho báo chí biết sau khi điều tra và phát hiện sai phạm trong vụ việc này.
Trước đó tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra vào ngày 2/10, báo giới quốc nội cũng đã được thứ trưởng kế hoạch đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết rằng ông đã nhận trách nhiệm trong việc 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc, tuy nhiên ông không thể cung cấp danh sách 9 người này vì “chưa có thẩm quyền”.
Hôm 18/10/2019, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã khẳng định 9 người bỏ trốn lại Hàn Quốc nằm trong đoàn doanh nghiệp VN do Bộ kế hoạch đầu tư lên danh sách, đi dự Diễn đàn đầu tư & thương mại hai nước tại Hàn Quốc.
Ông Phúc đã từng thông tin cụ thể về vụ này với Infonet.vn rằng: “Họ không ở trong đoàn đại biểu cấp cao do Chủ tịch quốc hội dẫn đầu sang thăm chính thức Hàn Quốc. 9 người này chỉ đi nhờ chuyên cơ”.
Hơn 10 tháng sau khi phái đoàn ĐBQH Việt Nam, do Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc mới loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.
Tin cho biết, phái đoàn ĐBQH Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn ĐBQH Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm 2019 và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới được vỡ lẽ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn ĐBQH Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp, 2 trong số họ đã trở về nước, 7 người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Như vậy, tính đến ngày 5/11, theo thông tin của thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc thì 3 trong số 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc đã về nước, 6 người vẫn còn đang ở lại xứ sở Kim Chi.
RFA