LONG AN, Việt Nam (NV) – Nhu cầu xây, đổi nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp “chạy khỏi Trung Quốc” đang khiến cho giá đất tại Việt Nam tăng mạnh, đặt biệt là giá thuê nhà xưởng tại khu vực miền Tây tăng đến 20% chỉ trong vài tháng.
Tờ VietNamNet ngày 8 Tháng Hai, 2019, dẫn tin từ báo Nikkei phỏng vấn bà Vicky Tong, giám đốc Hiệp Hội Kinh Doanh Trung Quốc Tại Việt Nam, cho biết văn phòng của hiệp hội này tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi tập trung nhiều công ty sản xuất đồ chơi của Trung Quốc, trong năm 2018 đã nhận được nhiều chuyến viếng thăm từ những doanh nghiệp “tìm kiếm cơ hội mở rộng sản xuất tại Việt Nam.”
Bà Tong cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã đẩy nhanh việc các công ty sản xuất Trung Quốc chuyển hướng sang Việt Nam. Trong đó, những công ty sản xuất đồ chơi và nhựa nằm trong nhóm công ty “có yêu cầu bức thiết nhất về việc chuyển địa điểm sản xuất.”
Cụ thể, năm 2018 có 27 doanh nghiệp đến hiệp hội để tìm hiểu về việc thay đổi địa điểm sản xuất, cao hơn gấp đôi con số 11 chuyến thăm trong năm 2017.
Bà Tong cũng cho biết, trong Tháng Tám, 2018 thậm chí có doanh nghiệp Trung Quốc mang cả bao tiền đến chủ nhà xưởng ở Việt Nam và năn nỉ: “Hãy cho tôi thuê nhà xưởng,” trong khi xưởng vẫn chỉ đang trong giai đoạn xây dựng.
Ông Jerry Gou, người đứng đầu một nhà máy sản xuất đồ chơi tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), cho biết các hãng sản xuất đồ chơi ở Trung Quốc đang nỗ lực đưa nơi sản xuất ra ngoại quốc “nhằm ứng phó với tình hình chi phí tăng cao và viễn ảnh Hoa Kỳ – nước mua nhiều đồ chơi Trung Quốc nhất, sẽ áp thuế trừng phạt với sản phẩm đồ chơi nhập cảng.”
Bản thân ông Jerry Gou đã nhận ra lợi ích của việc có nhà máy bên ngoài biên giới Trung Quốc. Tại hội chợ đồ chơi thường niên ở Hong Kong gần đây, ông Gou đã cố gắng thu hút được nhiều bên mua hàng bằng việc quảng cáo rằng ông có nhà máy tại Việt Nam và Ấn Độ.
Khi mà Mỹ đe dọa áp thuế 25% với hàng Trung Quốc, ông Gou tin rằng, bên mua hàng sẽ thích những nhà sản xuất có khả năng bán đồ chơi từ nước bên ngoài Trung Quốc: “Bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng tôi cần phải lên kế hoạch sớm.”
Nhu cầu đổi nhà xưởng của các chủ doanh nghiệp Trung Quốc đang khiến cho giá đất tại Việt Nam tăng lên chóng mặt. Cụ thể, giá thuê nhà xưởng tại tỉnh Long An tăng 20% chỉ trong vài tháng. Dự báo trong thời gian tới sẽ xảy ra tình trạng sốt đất mua hay thuê ở các tỉnh thành khác như Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…
Các công ty đồ chơi và nhựa của Trung Quốc nhiều năm qua đã hưởng lợi từ thuế suất 0% tại Mỹ. Do đó, khi có quá nhiều sản phẩm đồ chơi Trung Quốc phải chịu thuế trừng phạt từ chính phủ Mỹ, ảnh hưởng đến giá thành thì các bên kinh doanh quốc tế có liên quan phải kêu gọi di chuyển khỏi Trung Quốc. (Tr.N)
Nguoi Viet
Đức chưa bỏ qua vụ CSVN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Bratislava, Slovakia (NV) – Trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tưởng chừng như đã được dàn xếp để khép lại giữa Đức và Việt Nam thì tờ Slovak Spectator của Slovakia hôm 7 Tháng Hai bất ngờ cho hay Thủ Tướng Đức Angela Merkel đề cập vụ này trong chuyến thăm nhằm cải thiện quan hệ với Slovakia.
Tờ báo tường thuật: “Trong cuộc hội đàm, Thủ Tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Peter Pellegrini đã thảo luận về trường hợp của doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc ở Đức và đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia, bằng cách tận dụng máy bay của chính phủ nước này.”
Bà Merkel được báo Slovak Spectator dẫn lời: “Tôi không có nghi ngờ gì về việc Slovakia đang làm mọi thứ để điều tra vụ bắt cóc này.”
“Các nhóm điều tra vẫn đang thu thập thêm bằng chứng trong vụ này,” Thủ Tướng Pellegrini nói và cho biết thêm rằng nghi phạm chính đã bị bắt giam.
Tiết lộ của báo Slovak Spectator cho thấy Đức chưa “bỏ qua” cho nhà cầm quyền CSVN về vụ Trịnh Xuân Thanh trong lúc Đại Sứ CS Nguyễn Minh Vũ vừa trình quốc thư.
Theo VietnamPlus, ngày 8 Tháng Hai, Nguyễn Minh Vũ, đại sứ CS Việt Nam tại Đức đã trình quốc thư lên Tổng Thống Frank-Walter Steinmeier.
Tờ báo cho hay: “Đại Sứ Vũ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Đức, đối tác hàng đầu của Việt Nam tại EU trên hầu hết các lĩnh vực.”
Hệ lụy của vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam đã rơi vào khủng hoảng trong nhiều tháng liền. Đồng thời, vụ này còn khiến Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu–Việt Nam (EVFTA) được dự báo gần như không thể thông qua trong năm 2019 vì vụ bắt cóc là bằng chứng rõ rệt nhất cho tình trạng vi phạm nhân quyền và coi thường luật pháp quốc tế của CSVN.
Dường như tình hình vận động cho EVFTA chưa được cải thiện vì Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc được ghi nhận đã tránh gặp Thủ Tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Davos diễn ra hồi trung tuần Tháng Giêng, 2019.
Liên quan đến vụ này, hồi cuối năm 2018, giới quan sát suy đoán rằng CSVN sẽ “gửi trả” ông Thanh, người đang thụ hai án chung thân ở Hà Nội, cho nước Đức để nhằm cứu vãn quan hệ. Tuy nhiên, đến nay, điều đó chưa xảy ra.
Bà Nguyễn Thanh Mai, thành viên của Văn Lang, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu bình luận trên trang Luật Khoa Tạp Chí hôm 9 Tháng Hai: “Đã sang năm 2019 và hiệp định EVFTA vẫn chưa thấy đâu. Trên trang mạng của Quốc Hội Châu Âu có thể đọc thấy lý do của sự chậm trễ này là tình trạng nhân quyền hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và diễn biến trong lĩnh vực này có thể dẫn đến việc Quốc Hội hoãn hoặc từ chối chấp nhận phê chuẩn.”
Bà Mai dẫn chứng là trong năm 2017, các tòa án tại Việt Nam do đảng CSVN kiểm soát “đã kết án 15 blogger và các nhà hoạt động”, và con số đó “tăng gần ba lần, lên tới 42 người trong năm 2018.” (T.K.)
Nguyễn Xuân Phúc dự Hội Gò Đống Đa nhưng tránh nhắc quân Thanh

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 9 Tháng Hai, tức mùng 5 Tết Kỷ Hợi đăng bài về việc Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc trao bằng xếp hạng “di tích quốc gia đặc biệt” trong lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa.
“Di tích quốc gia đặc biệt” là khái niệm do thủ tướng quyết định xếp hạng trên cơ sở lựa chọn các di tích quan trọng đã được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch CSVN xếp hạng là “di tích quốc gia.” Tuy vậy, khái niệm này gây tranh cãi vì ngoài yếu tố lịch sử dân tộc, một số di tích nhận được danh hiệu này chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền cho đảng CSVN như nhà tù Buôn Ma Thuột, khu lưu niệm Hồ Chí Minh tại phủ chủ tịch, địa đạo Vịnh Mốc…
Theo truyền thông Việt Nam, Gò Đống Đa có tổng diện tích 22,120 mét vuông, gồm khu tưởng niệm và khu vực Gò Đống Đa. Khu tưởng niệm bao gồm hệ thống phù điêu, nhà trưng bày cùng tượng đài Hoàng đế Quang Trung–Nguyễn Huệ cao 14.65 mét.
Hình ảnh đăng trên VNExpress cho thấy ông Phúc dẫn đầu một đoàn quan chức của chính phủ và đảng CSVN dâng hương và có cả màn trống hội Thăng Long “tái hiện khí thế tưng bừng của nghĩa quân Tây Sơn.” Trong ảnh chụp một hoạt cảnh trên sân khấu, người ta thấy một diễn viên tái hiện hình ảnh vua Quang Trung đứng cạnh các binh sĩ lăm lăm gươm giáo và phất cờ.
Bài báo trên VNExpress ghi đại khái là Hội Gò Đống Đa “lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.”
Tuy nhiên, “giặc ngoại xâm” cụ thể là quân nước nào thì hoàn toàn không được nhắc đến. Một điều đáng lưu ý khác, dù đây là một sự kiện lịch sử được cho là diễn ra năm 1789 nhưng sân khấu và phông màn của lễ tưởng niệm lại giăng nhiều cờ đỏ và cờ đỏ búa liềm.
Bản tin cùng ngày trên báo Người Lao Động cho hay từ sáng sớm hôm 9 Tháng Hai, hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về Gò Đống Đa “dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung” và các nghi lễ rước, dâng hương “được tiến hành sớm” nhưng cũng không nhắc gì đến quân Thanh.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận, tại Gò Đống Đa vào năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng quân nhà Thanh (Trung Quốc) trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa.
Trong một diễn biến khác, nhiều người dân Sài Gòn đi viếng đền thờ Hai Bà Trưng ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh dịp Tết Kỷ Hợi bày tỏ tức giận trên mạng xã hội về việc nơi này bây giờ thờ cả tượng ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và cờ đỏ búa liềm. (T.K.)