Cựu tù nhân lương tâm, thầy giáo Vũ Hùng, hiện đang bị bắt giữ tại Công an Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Lý do trong thông báo do thượng tá Nguyễn Thế Bảy, phó thủ trưởngCơ Quan Cảnh sát Điều Tra của Công an Quận Thanh Xuân ký ngày 4 tháng giêng, đưa ra là ông Vũ Hùng ‘có hành vi gây rối trật tự công cộng’ theo điều 318 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào chiều ngày 5 tháng giêng, lúc 5:10 phút bà Lý thị Tuyết Mai, vợ của thầy giáo Vũ Hùng, khi có mặt tại trụ sở Công an Quận Thanh Xuân chờ để gửi một số đồ dùng cá nhân vào cho thầy giáo Vũ Hùng, nói với Đài Á Châu Tự Do một số thông tin về việc người chồng bị bắt giữ:
“Anh Hùng bị công an bắt từ chiều hôm qua, sau khi bắt họ đưa về Công an Phường Thanh Xuân Bắc. Rồi tối hôm qua họ đưa anh ấy lên Quận Thanh Xuân. Hiện giờ đang ở quận Thanh Xuân và tôi cũng đang đứng chờ anh điều tra viên để gửi đồ vào cho anh Hùng. Anh điều tra viên nói đang làm việc, khi nào xong sẽ gọi tôi vào gửi đồ gồm quần áo, thức ăn cho anh Hùng.
Hôm qua họ nói anh Hùng gây gối trật tự công cộng; nhưng khi tôi đến lúc hơn 10 giờ và tôi hỏi thì anh Hùng nói là họ vu khống và đánh anh ấy nữa.”
Đài RFA có liên lạc qua điện thoại với điều tra viên tên Kim Minh Đức, được nêu tên phụ lý vụ việc, cũng như Công an Quận Thanh Xuân nhưng không ai bắt máy.
Thầy giáo Vũ Hùng hiện cư ngụ cùng gia đình tại Lô 53, Khu Dân cư mới Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ông từng là giáo viên môn Vật Lý tại trường Trung học Cơ sở Bích Hóa, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ.
Bản thân ông từng phải đi tù hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2007 sau khi ông cho một đồng nghiệp cùng trường mượn xem một số sách về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Vào trung tuần tháng 9 năm 2008, ông bị bắt giữ cùng đợt với 9 nhà đấu tranh ôn hòa khác. Việc bắt giữ diễn ra sau phiên xử blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Thầy giáo Vũ Hùng bị bắt lúc đó với lý do kẻ những khẩu hiệu treo ở cầu Thăng Long với nội dung kêu gọi đa nguyên, đa đảng.
Trước khi bị bắt ông tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhân dịp rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008.
Sau lần bị bắt vào năm 2008, thầy giáo Vũ Hùng bị tuyên án 3 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Trong khi bị giam tù, thầy giáo Vũ Hùng từng nhiều lần tuyệt thực để phản đối cách đối xử của nhà tù đối với những người bị giam giữ, cũng như phản đối bản án mà ông cho là vi phạm nhân quyền.
Vào tháng giêng năm 2009, tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi hành động khẩn cấp đối với tình trạng sức khỏe của tù nhân Vũ Hùng trong nhà tù Việt Nam sau cả tháng trời tuyệt thực. Thông tin thầy giáo Vũ Hùng tuyệt thực trong tù được các tù nhân ra tù cho gia đình ông biết.
Sau khi mãn án tù, thầy giáo Vũ Hùng tiếp tục sinh hoạt cùng các nhà bất đồng chính kiến và giới xã hội dân sự độc lập.
Theo RFA
Luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh: "Tôi bị cấm nhập cảnh Việt Nam"
Ba ngày trước phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, luật sư người Đức từng giúp cựu lãnh đạo ngành dầu khí xin tị nạn ở nước của bà không được nhập cảnh vào Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh trong bản tin của truyền hình Việt Nam VTV cuối tháng 7, 2017. Phiên tòa xét xử ông Thanh sẽ diễn ra ngày 8/1/2018.
Bà Petra Schlagenhauf cho VOA biết bà đã bị “cấm vào Việt Nam” vào lúc 8 giờ tối (giờ địa phương) ngày 4/1 dù đã đáp máy bay tới Hà Nội.
Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh.'Petra Schlagenhauf, luật sư thụ lý hồ sơ xin tị nạn ở Đức cho Trịnh Xuân Thanh
Phiên tòa xử ông Thanh, người bị Việt Nam cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (147 triệu USD), cùng hàng chục quan chức PetroVietnam dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.
Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh tại Berlin trong khi Hà Nội tuyên bố người đàn ông 51 tuổi bị cáo buộc tội tham nhũng đã tự nguyện về Việt Nam đầu thú sau một thời gian trốn chạy.
Trong một email gửi cho VOA từ Bangkok sáng sớm ngày 5/1, luật sư người Đức nói bà bị buộc quay trở lại Bangkok và đang chờ chuyến bay về Berlin.
“Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh,” bà Schlagenhauf cho biết.
“Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của tôi với phía Việt Nam nhưng không có kết quả.”
VOA không thể liên lạc ngay lập tức với Sứ quán Đức ở Hà Nội để biết thêm chi tiết về vụ việc.
Sứ quán Đức hôm 20/12 cho VOA biết họ dự định sẽ “quan sát” phiên tòa sắp tới xử Trịnh Xuân Thanh.
Bà Schlagenhauf dự định tới Việt Nam để phối hợp với các cộng sự về vụ việc của ông Thanh trong thời gian diễn ra các phiên xét xử dự kiến kéo dài trong khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Luật sư này nói bà không có ý định tham dự phiên tòa vì “điều này không hợp pháp” khi bà là luật sư người Đức chứ không phải Việt Nam.
Ông Thanh, người sẽ bị xử trong 2 phiên tòa riêng biệt, sẽ có nhiều khả năng nhận án tử hình, theo nhận định của bà Schlagenhauf.
Trong một lần trả lời VOA trước đây, bà Schlagenhauf nói việc kết luận cho rằng thân chủ của bà là có tội đã được định trước. “Phiên xét xử này sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của một vụ xét xử công bằng. Sự thể đó là điều không thể chấp nhận được.”
Theo truyền thông trong nước, đây là một phiên tòa được nhiều người mong đợi vì trong số hơn 20 bị can bị xét xử sẽ có cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Ông Thanh được coi là một “thuộc hạ thân tín” của ông Thăng. Cả 2 cùng từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị cáo buộc tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”
Theo VOA