BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Một ngày sau vụ ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự sát ngay tại Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước, báo Thanh Niên có bài viết khẳng định “Một sự trùng hợp đến kỳ lạ, Thẩm Phán Lê Viết Hòa, phó chánh án Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước, tham gia xét xử phúc thẩm hai vụ án đều có người tự sát.”
Hôm 30 Tháng Năm, cuộc họp báo do Ban Tuyên Giáo tỉnh Bình Phước tổ chức nhằm bênh vực Hội Đồng Xét Xử của phiên tòa khiến ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ thành phố Đồng Xoài) tự tử tại sân tòa sau khi bị tòa án tỉnh tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù, trở thành cuộc “vạch mặt” Thẩm Phán Lê Viết Hòa.
Vài giờ trước khi tự kết liễu mạng sống, ông Phước bị tòa tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù với cáo buộc “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.”
Ông Phước viết trên trang Facebook cá nhân cho rằng mình bị oan với post cuối cùng ghi: “Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!”
Do cái chết của ông Phước khiến công luận rúng động, Ban Tuyên Giáo tỉnh Bình Phước vội vã tổ chức cuộc họp báo để tuyên truyền rằng phiên tòa xử ông này “hoàn toàn công tâm, vô tư.”
Tờ Tuổi Trẻ hôm 30 Tháng Năm dẫn lời Thẩm Phán Lê Hồng Hạnh, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xử ông Phước, nói: “Tôi xin nói đây là vụ án phức tạp, chúng tôi rất thận trọng. Chúng tôi là người làm pháp luật nên yêu cầu đầu tiên là thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.”
Tại buổi họp báo, sau khi biết Hội Đồng Xét Xử gồm Thẩm Phán Lê Hồng Hạnh (chủ tọa), Thẩm Phán Lê Viết Hòa và Thẩm Phán Phạm Tiến Hiệp (Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bình Phước), các phóng viên “xoáy” vào riêng ông Lê Viết Hòa.
Báo Thanh Niên viết: “Một điều trùng hợp là, Thẩm Phán Lê Viết Hòa cũng từng tham gia xét xử phúc thẩm một vụ án dân sự tranh chấp đất đai, sau đó bị đơn đã dùng dao tự sát.”
Theo đó, ông Hòa là một trong ba thẩm phán xử vụ án tranh chấp 39.5 mét vuông đất năm 2015 của ông Võ Chánh ở thành phố Đồng Xoài. Sau hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chánh đều kháng cáo.
Sau khi bị cả hai cấp tòa xử thua trong vụ án dân sự, do uất ức nên ông Võ Chánh đã cầm theo dao sang nhà nguyên đơn ở sát bên với ý định xử người này và sau đó ông Chánh tự sát.
“Trong quá trình thi hành án, bà Đào Thị Xuân (vợ ông Chánh) phản ứng quyết liệt, tuyên bố sẽ tự sát như chồng mình vì không còn chỗ ở nào khác. Bên cạnh đó nhân dân tại địa phương cũng phản ứng cho rằng bản án sơ thẩm và phúc thẩm không khách quan, không đúng với thực tế sử dụng đất của nguyên đơn lẫn bị đơn,” báo Thanh Niên cho hay.
Trước phản ứng này, ngày 13 Tháng Chín, 2018, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đồng Xoài đã có văn bản kiến nghị Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Sài Gòn ra quyết định tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ này. Lý do là những thẩm phán trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án không phát giác được “có nhiều hồ sơ giả mạo chữ ký của nạn nhân.”
Trả lời câu hỏi của báo Lao Động tại buổi họp báo sáng ngày 30 Tháng Năm do Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Bình Phước tổ chức về việc dư luận cho rằng trong quá trình xét xử có hai vụ án mà Thẩm Phán Lê Viết Hòa tham gia đến nay đã có hai người tự tử vì cho rằng oan sai, ông Hòa nói: “Nếu như tôi có sai sót gì thì dứt khoát phải khắc phục sửa chữa càng sớm càng tốt.”
Ông Lê Viết Hòa được bổ nhiệm làm phó chánh án Tòa Án Nhân Dân tỉnh Bình Phước hồi Tháng Ba, 2019. Thời điểm nhận ghế mới, trang tin Đảng Bộ tỉnh Bình Phước ghi rằng ông Hòa được lãnh đạo Tỉnh Ủy nhắn nhủ “chú trọng công tác đào tạo đội ngũ thẩm phán vừa hồng vừa chuyên, vững mạnh và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…”
Nhà báo Lưu Nhi Dũ, báo Người Lao Động, bình luận trên trang cá nhân: “Một thẩm phán xử hai vụ án, mà xử xong cả hai bị cáo của cả hai vụ án đó đều tự tử để phản đối bản án, thì đó là thẩm phán hay đao phủ? Theo các bạn, thẩm phán đó nên xử lý như thế nào?” (N.H.K) [qd]
Nguoi-viet.com