Mỗi năm cứ đến dịp Giáng sinh, các gia đình ở Mỹ thường có rất nhiều hoạt động truyền thống thú vị như: cắt tỉa cây thông Noel, nướng bánh quy và mở quà Giáng sinh. Nhưng truyền thống Giáng sinh trên khắp thế giới diễn ra như thế nào, có khác nhiều so với Hoa Kỳ hay không. Thực ra mỗi quốc gia khác nhau sẽ có truyền thống khác nhau, không chỉ là món ăn, mà kể cả thời điểm tổ chức ngày lễ cũng không trùng khớp với những gì mà nhiều người từng biết.
Từ lễ Giáng sinh trên bãi biển với hải sản tươi sống ở New Zealand, đến món cháo nóng hổi giúp giữ ấm gia đình trong mùa đông lạnh giá ở Phần Lan, bạn sẽ thấy rằng truyền thống ngày lễ toàn cầu này khác nhau như thế nào.
Dê Yule là một biểu tượng văn hóa trong dịp Giáng sinh ở Thụy Điển, vốn xuất hiện từ các lễ hội ngoại giáo thời cổ đại. Tuy nhiên, vào năm 1966, truyền thống này đã được “thổi” thêm một sức sống hoàn toàn mới sau khi một người nảy ra ý tưởng làm một con dê rơm khổng lồ, hiện được gọi là Gävle Goat. Qua mỗi năm khi lễ đến, một con dê cao hơn 13m, rộng 7m và nặng 3.6 tấn sẽ được dựng lên tại cùng một vị trí theo truyền thống. Người dân thậm chí có thể xem buổi phát sóng trực tiếp kéo dài từ ngày “Chủ Nhật đầu tiên của Mùa Vọng” cho đến sau Năm mới khi chú dê bắt đầu bị tháo xuống.
Nếu bạn nghĩ rằng người Mỹ trang hoàng cho dịp lễ Giáng sinh rất cầu kỳ và cẩn thận, thì bạn nên xem những gì mà người dân ở Philippines làm. Hàng năm, thành phố San Fernando tổ chức Ligligan Parul (hay còn gọi là “Lễ hội Đèn lồng khổng lồ”) với những chiếc đèn nháy tượng trưng cho ngôi sao Bethlehem lấp lánh tuyệt đẹp. Mỗi chiếc lồng đèn bao gồm hàng nghìn ngọn đèn nhỏ quay tròn chiếu sáng cả một bầu trời đêm. Lễ hội đã biến thành phố San Fernando trở thành “Thủ đô Giáng sinh của Philippines”.
Mặc dù Giáng sinh không phải là ngày lễ quốc gia ở xứ sở hoa anh đào (ước tính khoảng 1% dân số theo đạo Thiên Chúa, theo Tạp chí Smithsonian), nhưng người dân nước này vẫn tìm thấy nhiều cách thú vị khác nhau để tự tổ chức cho riêng mình. Thay vì quây quần bên bàn ăn cùng với gà tây như một số quốc gia Tây phương, các gia đình Nhật Bản sẽ thưởng thức món Gà rán Kentucky địa phương. Truyền thống bắt đầu vào năm 1974 sau một chiến dịch tiếp thị có tên “Kurisumasu ni wa kentakkii!” (hay còn gọi “Kentucky cho Giáng sinh!”) thành công rực rỡ. Gà Kentucky từ đó cũng dần dà trở thành một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ Giáng sinh của người dân nơi đây. Để mua được gà rán, một số người phải đứng chờ suốt hai tiếng đồng hồ trước quán ăn nhanh hoặc thậm chí có người còn phải đặt hàng trước mấy tháng.
Tương tự như 12 ngày Giáng sinh ở Mỹ, Iceland tổ chức dịp lễ này trong vòng 13 ngày. Mỗi đêm trước Giáng sinh, trẻ em Iceland sẽ được 13 Yule Lads (13 chú lùn trong văn hóa của đất nước này) ghé thăm. Sau khi đặt giày bên cửa sổ, những đứa trẻ sẽ lên lầu đi ngủ. Vào buổi sáng, chúng sẽ được cho kẹo (nếu ngoan ngoãn) hoặc được “tặng” những đôi giày đầy khoai tây thối nếu không nghe lời cha mẹ.
Vào mỗi buổi sáng Giáng sinh, các gia đình theo truyền thống thường ăn cháo làm từ gạo và sữa được làm từ hỗn hợp sữa, quế và bơ. Ai tìm thấy quả hạnh được giấu bên trong những chiếc bánh pudding sẽ “thắng” - nhưng một số gia đình đã gian lận và đặt thêm một vài quả tương tự để tránh khiến lũ trẻ cảm thấy khó chịu khi bị “thua”. Vào cuối ngày, theo thông lệ, các thành viên trong gia đình sẽ thường cùng nhau sưởi ấm trong phòng tắm hơi.
Trong khi ngày Giáng sinh rơi vào mùa đông ở nhiều quốc gia thì đối với New Zealand, dịp lễ này lại diễn ra đúng vào mùa hè. Người dân nơi đây có truyền thống tụ họp và chung vui với nhau trong những quán nướng, tại đây các thành viên trong gia đình và bạn bè sẽ nấu một bữa ăn bình dị gồm hải sản tươi sống, thịt và rau xanh. Cây Giáng sinh ở New Zealand là Phutukawa, một loài cây mọc ở ven biển và nở hoa đỏ tươi vào tháng 12, mang lại bóng mát trong những ngày nắng khi cư dân địa phương hát những bài hát chúc mừng Giáng sinh bằng cả tiếng Anh và tiếng Maori.
Trước khi Cơ Đốc giáo xuất hiện ở Đan Mạch, ngày Giáng sinh là một lễ kỷ niệm để chào đón “những ngày tươi sáng hơn”, vì nó xảy ra ngay trước ngày đông chí (trong văn hóa Châu Âu, mùa đông thường có đêm dài và ngày ngắn, vì vậy sự xuất hiện của ngày đông chí báo hiệu rằng mùa đông sắp qua đi và những ngày tháng với ánh mặt trời dài hơn sắp đến, người dân cổ đại thường nhân dịp này để tổ chức lễ chào đón). Ngày nay, các ngôi nhà được trang trí bằng nhiều nhân vật được gọi là “nisser” - một sinh vật thần thoại có tác dụng bảo vệ an toàn cho gia đình theo quan niệm của người dân địa phương. Vào tối ngày 24/12, những gia đình ở Đan Mạch thường đặt cây thông Noel của họ ở giữa phòng rồi nhảy múa xung quanh trong khi hát những bài chúc mừng.
Ở đảo Martinique thuộc vùng biển Caribe, Giáng sinh cũng là một truyền thống lâu đời. Vào dịp này các gia đình sẽ ghé thăm hàng xóm trong Mùa Vọng và vào Ngày đầu của năm mới, đồng thời mang theo những món ăn ngày lễ như khoai lang, boudin créole, pâtés salés và thịt lợn hầm. Họ cùng nhau hát những bài ca mừng Giáng sinh vào đầu giờ sáng, để thêm phần hứng thú, họ còn sáng tạo thêm những câu thơ lục bát của riêng mình vào lời bài hát truyền thống.
Ở Na Uy, mùa Giáng sinh bắt đầu từ ngày 3/12 và được gọi là “julebord”. Mọi người thường hay đến các quán bar và nhà hàng địa phương trong suốt cả tháng. Trong khi đó đối với gia đình, các thành viên thường tổ chức Lễ Giáng sinh nhỏ vào ngày 23 tháng 12, mỗi người có nghi thức riêng trong ngày, có thể bao gồm trang trí cây, làm một ngôi nhà bánh gừng và ăn risengrynsgrøt (bánh gạo nóng).
Người Ireland để một ngọn nến đỏ trên cửa sổ phía trước của ngôi nhà qua đêm, nó được xem là một biểu tượng chào đón sự ấm áp và nơi trú ẩn cho kỳ nghỉ lễ. Thức ăn Giáng sinh truyền thống ở Ireland thường bao gồm ngỗng quay tự làm, rau, nam việt quất (một loại cây) và khoai tây.
Bàn tiệc Giáng sinh ở Barbados sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu món bánh dăm bông nướng được trang trí bằng dứa và men chua, bánh rượu rum và Jug Jug, một món ăn được lấy cảm hứng từ sự ảnh hưởng văn hóa của người Scotland trên hòn đảo kết hợp với đậu chim bồ câu, bột ngô guinea, thảo mộc và muối thịt.
Vào đêm Giáng sinh ở Ba Lan, các thành viên trong gia đình sẽ chia sẻ oplatek (một loại bánh quế không men), mỗi người bẻ ra một miếng để chúc nhau Giáng sinh vui vẻ. Bữa tối có thể không bắt đầu cho đến khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời đêm và theo truyền thống, một bữa ăn phụ được đặt trên bàn nếu ai đó xuất hiện mà không được mời.
“Sinterklaas” là tên tiếng Hà Lan của Thánh Nicholas, người đàn ông được trẻ em nhận ra bởi bộ râu dài màu trắng, áo choàng đỏ. Trẻ em đặt một chiếc giày bên trong ống khói hoặc treo ở cửa sau, rồi thức dậy vào buổi sáng Giáng sinh để tìm những món đồ ăn vặt như nhân bánh gừng, bánh hạnh nhân và các thanh sô-cô-la bên trong.
Muộn nhất là vào 10 giờ tối, các thành viên trong gia đình ở Brazil và Bồ Đào Nha thường sẽ tụ họp cùng nhau vào đêm Giáng sinh để ăn tối. Sau đó, vào đúng nửa đêm, họ trao quà, nâng ly và chúc nhau một Giáng sinh an lành. Thánh lễ lúc nửa đêm có tên gọi là Missa Do Galo (Lễ con gà trống), đây cũng là dịp để các gia đình có cơ hội được gặp gỡ lẫn nhau và gửi lời chúc trong mùa lễ. Thời điểm này thường có sự xuất hiện của pháo hoa ở quảng trường thị trấn.
Nước Áo có truyền thuyết kể rằng, từ rất xa xưa có một sinh vật giống quỷ tên là Krampus. Vào ngày 6/12, khi người dân đang tổ chức lễ hội Thánh Nicholas thì bàng hoàng phát hiện sinh vật nọ cũng tham gia cùng. Sinh vật gớm ghiếc yêu cầu trẻ em liệt kê những việc làm tốt và xấu của chúng. Trong khi những đứa trẻ ngoan được thưởng đồ ngọt, táo và các loại hạt, thì những đứa trẻ hư sẽ phải lo lắng những gì mà Krampus có thể mang đến vào buổi sáng hôm sau của ngày Giáng sinh.
Hầu hết các gia đình ở Nam Phi thường cùng nhau nấu ăn vào dịp Giáng sinh, được gọi là “braaing”. Món ăn chính trong những ngày này là thịt nướng ướp gia vị và xúc xích boerewors, tiếp theo là món tráng miệng truyền thống gồm bánh pudding malva đi kèm với sữa trứng. Cây thông Giáng sinh truyền thống của người Nam Phi được trang trí bằng nhiều loại trang sức khác nhau, bao gồm cả đồ trang trí bằng tay của châu Phi.
Cơ đốc nhân Chính thống giáo chiếm gần 49% dân số của Ukraine, và ngày 7/1 cũng là dịp Giáng sinh theo văn hóa nơi đây. Vào dịp này, các tín đồ sẽ mặc trang phục truyền thống rồi tản bộ qua các con đường ở thị trấn và hát những bài chúc mừng. Một món ăn được gọi là “kutya”, được làm từ lúa mì nấu chín trộn với mật ong, hạt anh túc xay, và đôi khi là các loại hạt, là món ăn phổ biến trong đêm Giáng sinh. Một số gia đình ném một muỗng “kutya” lên trần nhà: Nếu “kutya” dính, nó sẽ báo hiệu cho một mùa màng bội thu trong năm mới.
Mùa Giáng sinh ở Mexico bắt đầu vào đầu tháng 12 với tuần lễ Las Posadas - là một cuộc tuần hành nhằm tái hiện lại hành trình của Đức mẹ Maria và Thánh Joseph. Những bông hoa trạng nguyên có màu đỏ rực rỡ còn được dùng trong các dịp lễ tết để trang trí khắp cả nước.
Các gia đình Thụy Sĩ làm lịch của riêng họ cho kỳ nghỉ lễ. Những cuốn lịch này được tặng cho trẻ em như một món quà bất ngờ hoặc được các thành viên trong gia đình làm cùng nhau như một hoạt động vui chơi. Ngoài ra họ cũng làm những chiếc túi chứa những món quà bí ẩn vào đêm Giáng sinh.
Các quốc gia Trung Mỹ như El Salvador chúc mừng Giáng sinh với màn bắn pháo hoa vào đêm 24 và 25 tháng 12. Trong khi đó, trẻ em cũng có cách ăn mừng của riêng mình bằng những loại pháo nhỏ hơn gọi là “volcancitos” (núi lửa nhỏ) và “estrellitas” (những ngôi sao nhỏ). Đối với những người lớn một chút, họ có xu hướng thích các loại pháo bông to hơn hoặc nến La Mã.
Hoàng Tuấn
Theo Country Living