Năm 1918 Liên Bang Xô Viết (USSR) hình thành và chọn Moscow làm thủ đô của đế quốc thế kỷ 20 rộng lớn này. Năm 1991, đế quốc này tan rã lôi kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Russia.
Nhà thờ St. Basil, di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Moscow. (Hình: ATNT Tours)
Tháng Tư, 1992, Liên Bang Nga (Russia Federation) ra đời và vẫn chọn Moscow làm thủ đô. Moscow là tên đọc trong tiếng Anh, còn trong tiếng Nga đọc là Moskva và tiếng Hán Việt được phiên dịch là Mạc Tư Khoa. Mạc Tư Khoa ngày nay có gì lạ?
Mạc Tư Khoa là thủ đô đầu tiên của nước Nga sau khi quốc gia này được thống nhất vào cuối thế kỷ 14 nhưng sau khi thành phố St. Petersburg ra đời vào thế kỷ 18 thì thủ đô Moskva của nước Nga được dời đến St. Petersburg suốt 204 năm. Sau khi Nga Hoàng Nicolas II bị lật đổ vào năm 1917 thì Moskva lại được chọn làm thủ đô của Liên Bang Xô Viết. Chính vì thế mà thành phố Moskva mang nhiều nét văn hóa và kiến trúc của nước Nga hơn so với cố đô St. Petersburg mang nhiều dáng dấp kiến trúc của một thành phố Âu Châu.
Khu vực trung tâm thành phố nơi có rất nhiều di tích lịch sử suốt từ thế kỷ 16 là khu Quảng Trường Đỏ. Ở đây ngôi nhà thờ St. Basil (Thánh Vasily) với 9 mái vòm có hình dáng như những giọt nước mắt là một công trình kiến trúc đã trở thành biểu tượng của nước Nga, đồng thời cũng là một công trình kiến trúc đáng để du khách tìm hiểu và thán phục.
Quảng Trường Đỏ được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 15 và trải qua biết bao thăng trầm đổi tên đổi họ, khi là Quảng Trường Thương Mại, khi là Quảng Trường Thánh Ba Ngôi và sau cùng đến thế kỷ 17 thì quảng trường đổi tên là Quảng Trường Đỏ cho đến ngày nay. Ở đây, Đỏ không có nghĩa hoàn toàn là màu đỏ mà trong ngôn ngữ cổ của nước Nga "krasnaya" có hai nghĩa "Đẹp" và "màu Đỏ" còn có nghĩa bóng là Đẹp, vì thế Quảng Trường Đỏ còn có nghĩa là Quảng Trường Đẹp vì quả thật quảng trường này rất đẹp.
Nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Moscow. (Hình: ATNT Tours)
Du khách đến Moskva mà không đến thăm Quảng Trường Đỏ là chưa đến Moskva. Nhất là nơi đây có sự hiện diện của ngôi nhà thờ Chính Thống Giáo St. Basil đầy màu sắc rực rỡ. Đây là ngôi nhà thờ được người dân Mạc Tư Khoa xây dựng vào những năm 1555-1561 nhằm cám ơn Thượng Đế đã giúp họ đánh đuổi được kẻ thù ra khỏi đất nước. Trong lịch sử cận đại dưới thời Sô Viết, Quảng Trường Đỏ là nơi hằng năm diễn ra các buổi diễn binh vĩ đại vào các ngày lễ Cách Mạng Tháng Mười, Lao Động 1 Tháng Năm.
Đối diện ngôi nhà thờ St. Basil vào cuối quảng trường là viện bảo tàng lịch sử Mạc Tư Khoa, kiến trúc của viện bảo tàng này cũng rất là lạ mắt trong quần thể khu vực. Nối liền ngôi nhà thờ St. Basil với viện bảo tàng lịch sử là tường thành của Điện Kremlin với bức tường đỏ tượng trưng cho uy lực. Chính giữa và sát với tường thành là lăng Lenin màu đỏ thẫm, thiết kế theo Kim Tự tháp ba tầng hình vuông.
Điện Kremlin không những chỉ là trung tâm của Moskva mà còn là biểu tượng và trung tâm quyền lực chính trị văn hóa kinh tế của Liên Bang Nga. Đây cũng là nơi làm việc của tổng thống nước Nga. Mặt chính của điện nhìn ra Quảng Trường Đỏ và một phần tường nằm dọc theo sông Moskva. Về mặt lịch sử, khu vực Điện Kremlin hiện nay là một nhà bảo tàng lớn nhất thế giới, những biểu tượng vô giá, những viện bảo tàng vũ khí và nữ trang kim cương vàng ngọc, những ngôi nhà thờ và lăng mộ của các Nga hoàng đều được lưu giữ ở đây.
Cách Quảng Trường Đỏ không xa lắm là ngôi nhà thờ Chúa Cứu Thế vĩ đại được xây dựng từ năm 1839 theo phong cách Russia-Byzantin và được hoàn thành vào năm 1883 trong ngày đăng quang của Nga Hoàng Nicolas I. Ngôi thánh đường gồm có năm mái vòm, một mái ở trung tâm và bốn mái vây quanh với 14 quả chuông lớn và 600 cái giá thắp nến. Có nhiều huyền thoại linh thiêng về ngôi nhà thờ này dưới thời Cộng Sản. Chế độ Cộng Sản đã cho phá hủy ngôi thánh đường và muốn xây dựng một hồ tắm lớn thay thế, nhưng họ đã không thành công. Sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, ngôi nhà thờ Chúa Cứu Thế được xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1995.
Sông Moskva và Điện Kremlin. (Hình: ATNT Tours)
Tôi vừa trình bày giới thiệu đến một số những danh lam thắng cảnh chính và những điểm di tích lịch sử chính yếu của Mạc Tư Khoa mà bất cứ du khách nào đến thăm đều sẽ ghé qua. Nhưng nếu ai đã có dịp đến Mạc Tư Khoa vào những thập niên trước (1985-1995), bây giờ có dịp trở lại thành phố này, có lẽ không có ai có thể ngờ được rằng từ một thành phố hấp hối, nghèo kém của 30-40 năm trước, ngày nay, nó đã lột xác tận cùng để vươn vai đứng dậy cùng với thế giới thị trường tư bản.
Vài năm nữa Mạc Tư Khoa sẽ thay đổi! Bạn muốn du ngoạn một Mạc Tư Khoa ngày xưa còn lại một ít dấu vết thời cộng sản thì hãy đến Mạc Tư Khoa ngay, không chần chờ gì nữa. Còn bạn muốn thăm viếng một Mạc Tư Khoa hiện đại như New York, Paris hay Tokyo thì xin hãy chờ thêm ít năm nữa.
Hiện tại, số lượng người Việt Nam sinh sống ở Mạc Tư Khoa cũng khá nhiều (khoảng 60,000 người?). Các cửa hàng Việt Nam cũng ở rải rác nhiều nơi và đang bắt đầu phát triển. Đến Mạc Tư Khoa du khách Việt Nam còn có thể thưởng thức những món ăn Việt Nam thuần túy Bắc do người Việt Nam kinh doanh. Ngoài ra, nếu quí vị có được một người Việt Nam tại Moskva hướng dẫn, nói thêm về văn hóa và kinh nghiệm sống tại nước Nga, thì quả thực không uổng công cho chuyến du lịch Mạc Tư Khoa.
Trần Nguyên Thắng
Nguoi-viet.com