Trả lời câu hỏi của phóng viên về chiếc máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan và eo biển Miyako của Nhật Bản vào tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis phát biểu : « Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên trong khu vực, tại Biển Đông và biển Hoa Đông, hãy kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong hoạt động của mình ».
Trước đó, ông Trầm Kim Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên lực lượng Không Quân Trung Quốc, khẳng định cuộc tập trận trên khi trích lại thông báo trên website của kênh truyền hình nhà nước CGTN : « Lực lượng Không Quân Trung Quốc trong tuần qua đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi, với chiến đấu cơ H-6K và với nhiều loại máy bay khác qua eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, để thử nghiệm thực lực chiến đấu ngoài khơi ». Theo truyền thông Tokyo, Nhật Bản đã điều chiến đấu cơ đến khu vực, đề phòng chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh báo « các bên liên quan không cần phải cường điệu và làm ồn ào về chuyện này mà nên quen dần với các cuộc tập trận như vậy ».
Thế nhưng, theo Economic Times, chính Trung Quốc lại phản đối máy bay ném bom của Mỹ bay trên Biển Đông trước cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
Theo RFI
Trung Quốc phản đối dự luật cho phép chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan

Trung Quốc hôm 17/07/2017 đã lên tiếng phản đối sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật cho phép các chiến hạm Mỹ lại được ghé thăm Đài Loan.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang),được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức trao đổi chính thức hay tiếp xúc quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan ». Ông Lục Khảng cho rằng dự luật này « rất có hại », kêu gọi phía Mỹ « không nên quay ngược chiều lịch sử, làm tổn hại cho lợi ích chung trong quan hệ hai nước ».
Hạ Viện Mỹ hôm thứ Sáu 14/7 đã thông qua dự luật quốc phòng (National Defense Authorization Act) cho năm tài chính 2018, cho phép chính phủ định ra ngân sách quốc phòng hàng năm. Luật này còn phải được Thượng Viện thông qua và tổng thống phê chuẩn, trong đó có một điều khoản sửa đổi, kêu gọi Lầu Năm Góc xem xét khả năng tái lập những chuyến viếng thăm Đài Loan của các chiến hạm Mỹ và ngược lại.
Các chiến hạm Mỹ không còn ghé thăm Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh năm 1979.
Quan hệ Mỹ-Trung trong những tuần lễ gần đây đang căng thẳng do Hoa Kỳ bán vũ khí trị giá 1,3 tỉ đô la cho Đài Loan, bất đồng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh vốn luôn coi Đài Loan là một tỉnh nổi dậy, đã giận dữ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sợ rằng ông Trump sẽ từ bỏ chủ trương « Một nước Trung Hoa ». Nhưng sau đó tổng thống Mỹ khẳng định với ông Tập Cận Bình là vẫn tôn trọng nguyên tắc lâu nay.
Theo RFI