Theo Tân Hoa Xã, dẫn lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Lục Khảng, để phản ứng lại sự hiện diện của tàu chiến Mỹ, Trung Quốc điều chiến hạm và chiến đấu cơ tới khu vực.
Như tin đã đưa ngày 02/07/2017, một nguồn tin quân sự Mỹ cho biết khu trục hạm USS Stethem, trong ngày, đã tiến sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo. Hành động này, theo AFP, mang ý nghĩa Hoa Kỳ phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực mà Việt Nam vẫn xem là chủ quyền truyền thống, nhưng bị Bắc Kinh tranh đoạt từ năm 1974.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho là Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc và xem đây là hành động « khiêu khích chính trị và quân sự, đe dọa an ninh Trung Quốc ».
Đây là lần thứ hai kể từ cuối tháng 5, Hải Quân Mỹ mở chiến dịch « tự do hàng hải » tại Biển Đông, nhưng lần này diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về hồ sơ Bắc Triều Tiên.
« Đài Loan : yếu tố tiêu cực »
Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, trong cuộc điện đàm sáng thứ hai 03/07/2017, chủ tịch Trung Quốc than phiền với tổng thống Mỹ là có « nhiều yếu tố tiêu cực » làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi trước khi ông nhắc đến Đài Loan và nguyên tắc « một nước Trung Quốc ».
Trong khi đó, thông cáo báo chí của Nhà Trắng không đề cập gì đến vụ « đảo Tri Tôn » nhưng cho biết tổng thống Mỹ sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc bên lề Thượng đỉnh G20 tại Đức vào cuối tuần.
Theo RFI
Mỹ lại đưa chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa
Hoa Kỳ vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 cho chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Hãng Fox News của Mỹ dẫn lời hai quan chức quốc phòng Hoa Kỳ như vừa nêu. Theo đó khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Stethem thực hiện chuyến ‘tự do hải hành’ vào ngày chủ nhật 2 tháng 7 đi qua vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn.
Có một chiến hạm của Trung Quốc đi theo chiếc USS Stethem của Hoa Kỳ khi làm nhiệm vụ này.
Như vậy đây là lần thứ hai kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nhậm chức, Ngũ Giác Đài cho tàu chiến thực hiện hoạt động ‘tự do hàng hải’, tiếng Anh viết tắt là FONOPs tại khu vực Biển Đông. Chuyến đầu tiên do chiến hạm USS Dewey đi vào vùng 12 hải lý của đá Vành Khăn thuộc Trường Sa vào cuối tháng 5 vừa qua.
Tàu chiến Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn lần thứ nhất vào tháng 10 năm ngoái, dưới thời của tổng thống Barack Obama.
Hoạt động thực thi chiến dịch tự do hàng hải mới nhất của chiến hạm Mỹ như vừa nêu diễn ra vào khi Hoa Kỳ tỏ ra mất kiên nhẫn với Trung Quốc về việc Bắc Kinh tiếp tục xây dựng khả năng quân sự tại khu vực Biển Đông.
Một phát ngôn nhân của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, thiếu tá Matt Knight, trong văn bản gửi cho hãng Fox News viết rõ là Mỹ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải như thông lệ; trong quá khứ đã thực hiện và tiếp tục thực hiện trong tương lai.
Mới hôm thứ tư ngày 28 tháng 6, đô đốc Harry Harris chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, lên tiếng tại Brisbane, Úc rằng những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lắp nên tại khu vực Biển Đông là những đảo giả. Vị đô đốc này nói Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên căn bản luật pháp.
Fox News nhắc lại vào ngày 30 tháng 6, Nhóm Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington DC công bố những ảnh vệ tinh cho thấy các cơ sở quân sự mới có cả những hệ thống radar được Trung Quốc bố trí trên ba đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi thuộc quần đảo Trường Sa.
Những cơ sở quân sự như thế khiến phía Hoa Kỳ thêm quan ngại về khả năng Trung Quốc sẽ cho bố trí tên lửa đất đối không tại những đảo nhân tạo; từ đó thách thức các chuyến bay quân sự của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như trọn Biển Đông nơi có tuyến hàng hải quan trọng với lượng hàng hóa trị giá hơn 5 ngàn tỷ đô la được vận chuyển qua mỗi năm.
Ngoài Trung Quốc, còn Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam và Đài Loan có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông.
Thất vọng Bắc Kinh, Washington đánh ván bài thách thức tại Biển Đông

Căng thẳng Mỹ-Trung được hoà dịu từ sau cuộc hội kiến Donald Trump-Tập Cận Bình vào tháng tư năm nay tại Florida. Tuy nhiên, quan hệ song phuơng trở thành lạnh giá sau một loạt động thái của Washington làm Bắc Kinh nổi giận.
Vụ khu trục hạm Mỹ USS Stethem tiến sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa hôm chủ nhật 02/07/2017, chỉ là tiếp nối một loạt sự kiện trong 6 tuần lễ gần đây sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung hồi tháng Tư năm nay ở Florida.
Vào ngày 25/05/2017, hải quân Mỹ tiến hành chiến dịch « Tự do hàng hải » lần đầu tiên thời tổng thống Donald Trump, ở Trường Sa trong mục đích phủ nhận trên thực tế những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo AFP, hành động biểu dương của hải quân Mỹ ở Hoàng Sa hôm chủ nhật, vài giờ trước khi tổng thống Mỹ điện đàm với chủ tịch Trung Quốc dường như xác nhận Mỹ chọn chiều hướng cứng rắn trong quan hệ với Bắc Kinh trên nhiều hồ sơ.
Trong tuần qua, Washington đã đưa ra một loạt biện pháp gây bất bình cho Bắc Kinh. Hôm thứ năm 27/06, chính quyền Trump bật đèn xanh bán cho Đài Loan 1,4 tỷ đô la vũ khí. Cùng ngày, Washington lần đầu tiên thông báo trừng phạt ngân hàng Trung Quốc Dandong, cáo buộc ngân hàng này vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc cấm vận Bắc Triều Tiên. Cũng trong ngày thứ năm, bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố quan ngại các quyền tự do tại Hồng Kông không được Trung Quốc tôn trọng. Trước đó hai hôm, Mỹ đưa Trung Quốc và danh sách đen các nước buôn người ngang hàng với Bắc Triều Tiên, Syria và Venezuela.
Những quyết định trên đây của Hoa Kỳ hoàn toàn trái ngược với không khí « thân hữu » nhân cuộc tiếp xúc lần đầu giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng tư và những tuần lễ sau đó mà cụ thể là vào giữa tháng 5, Trung Quốc cho phép nhập khẩu thịt bò và khí đốt của Mỹ.
Gần đây, chủ nhân Nhà Trắng nhiều lần tỏ ý thất vọng chính quyền Trung Quốc không giữ lời hứa gây sức ép với Bắc Triều Tiên hoặc ít ra « không mang lại kết quả ».
Bình Nhưỡng thử một loạt tên lửa, công khai vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.
Tại Biển Đông, chủ quyền truyền thống của Việt Nam và Philippines bị Trung Quốc đòi làm chủ đến hơn 80%. Sau nhiều năm gia cố, xây dựng trên các đảo thiên nhiên và bãi đá ngầm, Trung Quốc đã hoàn tất một loạt căn cứ, phi trường, hải cảng có khả năng đón máy bay, tàu chiến, bố trí tên lửa các loại, trong mưu đồ bị tố cáo là quân sự hóa Biển Đông để thống trị.
Nghi ngờ Bắc Kinh thôn tính biển đảo của các nước láng giềng bằng vũ lực, và khống chế con đường hàng hải huyết mạch quốc tế, Washington đưa hạm đội 3 về châu Á Thái Bình Dương tăng cường cho hạm đội 7.
Theo RFI