Được biết có 23 quốc gia bị xếp vào hạng này, trong bản báo cáo đầu tiên về nạn buôn người dưới thời chính quyền Donald Trump. Ba nước châu Phi là Cộng hòa Dân chủ Congo, Congo-Brazzaville và Mali bị cho vào danh sách vì bắt trẻ vị thành niên đi lính, còn Miến Điện tuy có tình trạng tương tự nhưng được đưa lên hạng nhì vì đã có nỗ lực khắc phục.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm chi tiết :
« Gần nửa triệu công dân Bắc Triều Tiên bị đưa đi làm việc tại các nước có quan hệ với Bình Nhưỡng », theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc đồng lõa với chế độ của Kim Jong Un.
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố : « Trung Quốc bị đánh sụt hạng vì không có những biện pháp nghiêm túc để đối phó với nạn buôn người, kể cả việc cưỡng bức lao động những người Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Trung Quốc. Người tiêu thụ Mỹ cũng phải biết mình có vô tình đồng lõa với nạn buôn người hay không ».
Ông Tillerson khẳng định rằng thông qua lao động cưỡng bức, Bắc Triều Tiên đã trực tiếp nhận được hàng trăm triệu đô la một năm thông qua các ngân hàng nhà nước.
Washington loan báo các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, vì vẫn tiếp tục các vụ thử nghiệm hạt nhân. Và trong một tin Twitter, tổng thống Donald Trump viết rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc tác động lên chế độ Bắc Triều Tiên.
Như vậy biểu lộ giận dữ đầu tiên của Mỹ là việc cho Trung Quốc vào danh sách đen các quốc gia dung dưỡng cho nạn buôn người. Việc này không chính thức ảnh hưởng đến mối quan hệ tốt đẹp Mỹ-Trung, nhưng người tiêu dùng Mỹ coi như đã được lịch sự yêu cầu tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc.
Theo RFI
Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia buôn người tồi tệ nhất

WASHINGTON, DC (AP) – Chính phủ Mỹ hôm Thứ Ba cho hay Miến Điện nay không còn ở trong danh sách các quốc gia có tình trạng buôn người tồi tệ nhất, nhưng đưa Trung Quốc vào thành phần này.
Ngoài ra, cả Miến Điện và Iraq cũng được đưa khỏi danh sách các quốc gia buộc trẻ nhỏ cầm súng chiến đấu.
Trong bản báo cáo thường niên về buôn người, Bộ Ngoại Giao đưa Trung Quốc xuống hàng tệ hại nhất, cùng với Bắc Hàn, Zimbabwe, và Syria. Afghanistan được công nhận là có nỗ lực ngăn chặn tình trạng này, trong khi Iraq được cho là đạt được các tiến triển cần phải có.
Cô Ivanka Trump, cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc và cũng là ái nữ của Tổng Thống Donald Trump, cho hay nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng buôn người trên thế giới là điều lợi ích cả về phương diện đạo đức và chiến lược cho nước Mỹ, gọi đây là một ưu tiên quan trọng hàng đầu của chính phủ Donald Trump.
“Là một người mẹ, đối với tôi điều này không chỉ là một chính sách ưu tiên hàng đầu,” cô cho hay trong buổi lễ công bố bản báo cáo. “Đây là tiếng kẻng báo động phải có biện pháp bảo vệ những thành phần yếu đuối và bị lợi dụng.”
Ngoại Trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson, nói rằng sự kiện có khoảng 20 triệu người trên thế giới là nạn nhân của tệ nạn buôn người cho thấy còn cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa.
Trong bản báo cáo, chính phủ Mỹ cho hay Trung Quốc không chỉ không đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu nhằm ngăn chặn buôn người, mà còn không có nỗ lực để làm điều này. (V.Giang)
Mỹ kêu gọi Bắc Kinh để Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài chữa bệnh

Theo AFP, hôm nay, 28/06/2017, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc lên tiếng mong muốn giải Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba, đang bị trọng bệnh, có thể được ra nước ngoài chữa trị. Cùng ngày, chính quyền Đài Loan tuyên bố sẵn sàng đón và chữa bệnh cho nhà ly khai số một Trung Quốc.
Một ngày sau khi tới Bắc Kinh nhận nhiệm vụ đại sứ, hôm nay, ông Terry Branstad, một người được cho là có quen biết với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cho phép Lưu Hiểu Ba được « tự do đi lại » chọn bác sĩ điều trị bệnh. Tân đại sứ Mỹ tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh rằng Mỹ sẵn sàng làm những gì có thể, để Lưu Hiểu Ba có điều kiện lựa chọn bác sĩ điều trị tốt nhất cho ông.
Cũng ngày hôm nay, ông Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng), phó chủ tịch Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan cho biết Đài Bắc sẵn sàng đón tiếp và chữa trị Lưu Hiểu Ba. Quan chức trên tuyên bố : « Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho Lưu Hiểu Ba, cho phép ông lựa chọn nơi chữa bệnh », ông Khâu nói thêm, nếu Lưu Hiểu Ba chọn Đài Loan, ông sẽ được hưởng chăm sóc y tế tốt nhất. Đài Loan có kinh nghiệm chuyên môn rất giỏi về các bệnh về gan.
Từ khi có thông báo Lưu Hiểu Ba được trả tự do có điều kiện để chữa bệnh, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh cho phép giải Nobel Hòa Bình 2010 ra nước ngoài điều trị.
Trả lời phỏng vấn RFI, ông Mạc Thiếu Bình (Mo Shaoping), luật sư của Lưu Hiểu Ba cho rằng nhà ly khai chỉ có thể ra nước ngoài chữa bệnh nếu Bắc Kinh coi đây là trường hợp đặc biệt:
" Thông thường thì không thể được. Theo luật pháp Trung Quốc thì đây là trả tự do có điều kiện chỉ để chữa bệnh, tức là vẫn thi hành án dưới sự giám sát bên ngoài nhà tù. Đây chưa phải được trả tự do hoàn toàn mà vẫn là tiếp tục thi hành án dưới hình thức khác. Trong thời gian Lưu Hiểu Ba nằm viện, ông vẫn tiếp tục bị nhân viên nhà tù giám sát. Nếu để ông rời Trung Quốc, tức là trại giam sẽ không còn kiểm soát được ông nữa. Chính vì thế Bắc Kinh không thể cho phép Lưu Hiểu Ba ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc để chữa bệnh. Điều này là không thể được. Như ta biết, ở Trung Quốc người ta vẫn hay tìm được giải pháp để sao cho phù hợp với tình huống. Đó là cách người ta vẫn thường làm. Nếu Lưu Hiểu Ba có thể ra nước ngoài chữa bệnh, thì đó sẽ là trường hợp ngoại lệ, chứ không phải là thông lệ ."
Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, đang thụ án tù 11 năm từ năm 2009 với tội danh « lật đổ chính quyền ». Ông bị ung thư gan giai đoạn cuối, vừa được chính quyền cho ra khỏi nhà tù để chữa bệnh tại một bệnh viện ở tỉnh Sơn Dương, Trung Quốc.
Theo RFI