Cuối tuần qua, hình ảnh oanh tạc cơ H-6K bay qua bãi cạn Scarborough được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội Vi Bác. Đây là loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tờ báo Mỹ Forbes ấn bản ngày 17/07/2016 nhấn mạnh, hành động nói trên là thông điệp cứng rắn Bắc Kinh gửi đến Washington : Trung Quốc có khả năng đáp trả một cách tương xứng những hành vi của Hoa Kỳ. Trong những tháng gần đây, chiến đấu cơ Thunderbird A-10 của Mỹ, rồi máy bay B-52 đã nhiều lần bay qua vùng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhân danh quyền « tự do lưu thông hàng hải ».
Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu mạnh Trung Quốc gửi đến cả Phlippines lẫn Hoa Kỳ về quyết tâm của Bắc Kinh không từ bỏ bản đồ đường 9 đoạn đối với Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough, và nhiều đảo thuộc Trường Sa và Hoàng Sa.
Một cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Hoa Kỳ James Fanell, gắn liền việc máy bay ném bom bay ngang qua bãi Scarborough với phán quyết của Tòa La Haye hôm 12/07/2016. Theo tòa, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông căn cứ theo bản đồ đường 9 đoạn.
Một điểm đáng chú ý khác là lần đầu tiên Không quân Trung Quốc cho phổ biến rộng rãi hình ảnh của oanh tạc cơ H-6K cất cánh từ Hoa lục để bay ngang bãi đá Scarborough. Theo cựu lãnh đạo Tình báo Hải quân Mỹ, James Fanell thì đây là một chiến dịch tuyên truyền có hệ thống của Bắc Kinh.
Bãi cạn Scarborough được đặt dưới quyền quản lý của Philippines nhưng Bắc Kinh căn cứ trên bản đồ đường « lưỡi bò 9 đoạn» để khẳng định chủ quyền với thực thể này.
Thứ Sáu 15/07/2016 hải cảnh Trung Quốc không cho phép ngư dân Philippines vào đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scarborugh. Trước đó, một tàu cá Trung Quốc đã bám sát và ngăn cản một số phóng viên của đài truyền hình Phiilippines ABS-CBN đến bãi cạn Scarborough.
Theo RFI
Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc sau phán quyết về Biển Đông

Tại cuộc họp thượng đỉnh Diễn Đàn Âu-Á (ASEM), Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đòi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ kiện Biển Đông.
Theo hãng tin Nhật Jiji Press, nhân hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Ulan Bator, Mông Cổ, ngày 16/07/2016, thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc lại với các lãnh đạo khác về « nguyên tắc phổ quát » của luật quốc tế, đồng thời nhấn mạnh đến phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông.
Trong phán quyết đưa ra ngày 12/07, tòa án này đã cho rằng không có sở pháp lý nào để Bắc Kinh khẳng định « quyền lịch sử » đối với các tài nguyên ở các khu vực nằm trong đường 9 đoạn, còn được gọi là « đường lưỡi bò », bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông.
Đây là một phán quyết thuận lợi cho Nhật Bản, vì nước này cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông.
Tại thượng đỉnh ASEM ngày 16/07, thủ tướng Abe đã kêu gọi các bên có liên hệ tuân thủ phán quyết nói trên của Tòa Trọng Tài Thường Trực và đi đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong những ngày qua, Tokyo đã nỗ lực vận động để đưa Biển Đông thành một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh ASEM. Tại Ulan Bator, thủ tướng Abe cũng đã gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.
Với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Abe đề nghị là Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tăng cường lực lượng trên biển. Còn theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nhật Bản, khi gặp thủ tướng Abe, ngoại trưởng Philippines đã chấp nhận sẽ « hợp tác chặt chẽ » tại các hội nghị của ASEAN trong tương lai để bảo đảm là tất cả các bên sẽ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Trong cuộc hội đàm với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 15/07 bên lề thượng đỉnh ASEM, ông Abe cũng đã đặt thẳng vấn đề Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng « trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ». Nhưng ông Lý Khắc Cường đã đáp trả rằng Nhật Bản, không có liên quan gì đến tranh chấp Biển Đông, nên « có thái độ kềm chế, không đổ dầu vào lửa và không can thiệp vào vấn đề này ».
Theo RFI