Nhân một cuộc tiếp xúc với báo chí trước ngày mở ra hai hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Manila và ASEAN tại Kuala Lumpur sẽ có lãnh đạo Bắc Kinh tham gia, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) xác định : « Chính phủ Trung Quốc có quyền và có năng lực thu hồi các đảo và đá ngầm bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp ».
Tuy nhiên, cũng theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc « đã không làm điều đó mà đã tự kiềm chế tối đa ».
Bắc Kinh đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông và trong thời gian gần đây đã tìm cách củng cố yêu sách của mình bằng cách rốt ráo bồi đắp các bãi đá họ chiếm được từ tay Việt Nam và Philippines trước đây thành đảo nhân tạo, và cấp tốc xây dựng trên đó các cơ sở có thể dùng làm căn cứ quân sự.
Hành động biến đá chìm thành đảo nổi với ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc đã gây nên căng thẳng với các láng giềng cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia... và với Hoa Kỳ vốn quan ngại trước các đe dọa đối với quyền tự do lưu thông trong khu vực.
Trong buổi họp báo hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng biện minh cho các hành động của Bắc Kinh tại Trường Sa. Ông Lưu Chấn Dân cho rằng việc Trung Quốc xây dựng một phi đạo đủ dài để cho máy bay quân sự lên xuống trên một trong những hòn đảo nhân tạo chủ yếu phục vụ mục tiêu dân sự : « Cơ sở càng lớn càng có thể được sử dụng tốt hơn cho mục đích dân sự ».
Nhân vật này cũng tiếp tục tìm cách ngăn cản không cho các nước ngoài vùng can dự vào công việc Trung Quốc đang làm tại Biển Đông, và ngăn cản không cho các nước Đông Nam Á kết hợp với nhau chống lại các yêu sách của Bắc Kinh.
Mới đây, Trung Quốc đã nhấn mạnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC trong tuần này không phải là nơi để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Cũng ngày 17/11/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc quay sang các hội nghị ASEAN sau đó và cảnh báo là không nên để cho tranh chấp Biển Đông trở thành tiêu điểm của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Theo ông Lưu Chấn Dân, vấn đề Biển Đông đã bị « thổi phồng », và Trung Quốc « hy vọng rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ không thảo luận về Biển Đông ».
Theo RFI
Chiến hạm Mỹ quá cảnh Thượng Hải dù Biển Đông đang căng thẳng

Một chiến hạm Mỹ ngày 16/11/2015 bắt đầu thả neo một tuần lễ tại Trung Quốc. Đây là một động thái hòa hoãn, vào thời điểm hai cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Biển Đông.
Khu trục hạm hỏa tiễn USS Stethem đến Thượng Hải để thao dượt chung với quân đội Trung Quốc về truyền tin và cứu hộ. Chỉ huy trưởng Harry Marsh tuyên bố chuyến viếng thăm này nhằm « xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau » giữa hai quân đội.
Hoạt động này diễn ra sau khi chiến hạm Mỹ USS Lassen vào cuối tháng Mười đã tiến gần khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp tại quần đảo Trường Sa. Hoa Kỳ và các quốc gia Đông Nam Á coi việc xây đảo nhân tạo là mối đe dọa cho tự do hàng hải, còn Bắc Kinh nói rằng đây chỉ là cái cớ của Washington trong khuôn khổ chiến lược « xoay trục » sang Châu Á-Thái Bình Dương.
Biển Đông vốn bị Trung Quốc coi là ao nhà của mình. Đề tài này là bất đồng chủ yếu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, có thể sẽ được nêu ra trong hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Manila (Philippines) trong tuần này. Phía Bắc Kinh đòi hỏi không đề cập đến tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong hội nghị APEC, với lý do đây là một diễn đàn kinh tế.
Theo RFI