Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một máy bay tuần tra P-3C đã phát hiện được một tàu do thám loại Đông Điều (Dongdiao) tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc yêu sách chủ quyền.
Chiếc tàu này cho đến tối qua đã nhiều lần lượn qua lượn lại khu vực này, nhưng chưa đi vào vùng lãnh hải của Nhật. Các nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Nhật cho tờ Asahi Shimbun biết chiếc tàu Trung Quốc có thể đang làm công tác tình báo, vào lúc Hải quân Nhật Bản chuẩn bị tập trận trong tháng này.
Nhật Bản thường xuyên phải đối phó với các tàu tuần duyên cũng như máy bay Trung Quốc cố tình xâm nhập khu vực quần đảo Senkaku không người ở, để xác quyết chủ quyền đồng thời thử các phản ứng của Tokyo.
Quan hệ Nhật-Trung đã xấu hẳn đi từ tháng 9/2012 khi Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sau đó đã tìm cách cải thiện quan hệ. Hai nước đã công bố các thông cáo về chủ đề này trước một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tokyo, lâu nay vẫn từ chối nhìn nhận có tranh chấp chủ quyền, nay đã công nhận những «bất đồng » về Senkaku/Điếu Ngư và cho biết « muốn tránh mọi sự cố và tình hình tệ hại, qua việc thiết lập các cơ chế đối thoại và tham vấn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ». Phía Bắc Kinh nói rằng hai bên « nhìn nhận có những các quan điểm khác nhau về chủ đề gây căng thẳng» Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy vậy ngờ vực cao độ vẫn hiện diện, và vụ phát hiện tàu do thám Trung Quốc mới đây là một bằng chứng. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc hoạt động giữa quần đảo Senkaku và đảo Miyako có người ở của Nhật, ông tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát như trước đây ».
Theo RFI
Tranh chấp biển với Jakarta : Bắc Kinh giữ thái độ mập mờ

Jakarta vào hôm qua 12/11/2015 loan báo là đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, nơi mà đường lưỡi bò của Trung Quốc ăn vào một phần vùng biển của Indonesia quanh quần đảo Natuna. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng hòa hoãn, cho rằng không hề tranh chấp quần đảo Natuna với Indonesia, nhưng giữa hai nước vẫn tồn tại một số tranh chấp trên biển.
Trong buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã khẳng định trở lại hai điểm mà mọi người biết rõ : Đó là Bắc Kinh không hề bác bỏ chủ quyền của Jakarta trên quần đảo Natuna (nằm ở rìa Biển Đông), và Indonesia cũng không tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi đã nói thêm là giữa hai nước có « một vài tranh chấp trên biển ». Vấn đề là phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nói đó là các tranh chấp nào, mà chỉ khẳng định chung chung là "Trung Quốc luôn chủ trương là hai bên nên tìm một giải pháp thích hợp thông qua tham khảo và đàm phán trực tiếp, tôn trọng luật pháp quốc tế và trên cơ sở thực tế lịch sử".
Indonesia không trực tiếp tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc như bốn nước Đông Nam Á khác là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, bản đồ 9 đường gián đoạn mà Trung Quốc dùng để khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hơn 80% diện tích Biển Đông có chỗ ăn vào khu vực thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.
Chính vì lo ngại trước khả năng Trung Quốc lại đòi chủ quyền tại một phần khu vực giầu khí đốt này của mình, mà chính quyền Indonesia một mặt tăng cường hệ thống an ninh quốc phòng trong vùng này, một mặt khác yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ các yêu sách.
Theo RFI