Các nguồn tin chính thức của Việt Nam trích thông báo của bộ Công An : « Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ Quan An Ninh điều tra, bộ Công An đầu thú. Cơ Quan An Ninh điều tra, bộ Công An đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật » mà không đề cập đến chi tiết ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước từ khi nào hay bằng con đường nào. Trước đó một hôm, được báo chí hỏi về thông tin Trịnh Xuân Thanh đã về nước, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói « chưa nắm được thông tin ».
Trong khi đó vào hôm nay, trong một cuộc tọa đàm video của BBC Việt ngữ chủ trì, ông Lê Xuân Khoa, chủ nhiệm trang mạng thông tin tiếng Việt tại Đức, thoibao.de, cho biết đã gặp trực tiếp luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức và ông được biết có thể ông Thanh đã bị một nhóm người đến bắt đi tại Berlin để đưa về Việt Nam ngày 23/07/2017, chỉ một ngày trước khi ông Thanh có hẹn đến nhận giấy tờ cư trú hợp pháp do chính quyền Đức cấp.
Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi bị lệnh truy nã đặc biệt theo quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra - bộ Công An. Trước đó vào tháng 6/2016, Trịnh Xuân Thanh khi đó đương chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc Hội khóa 14, bị báo chí phát giác sử dụng xe cá nhân hiệu Lexus gắn biển xanh xe công. Từ sau chuyện đó, hàng loạt các vụ việc làm ăn thua lỗ tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 bị điều tra.
Tháng 9/2016, theo chỉ đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị Ban Bí Thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh được cho là đã rời khỏi Việt Nam từ tháng 7/2016 cùng lúc gửi đơn đến Tỉnh Ủy Hậu Giang xin nghỉ phép và không rõ tung tích từ đó. Ngày 15/9/2016, bộ Công An đã ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Cùng ngày 31/07, theo Đài Tiếng Nói Việt Nam, tại Hà Nội, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - chủ trì một phiên họp.Tại hội nghị , ông Nguyễn Phú Trọng chỉ thị : « Rà soát lại tất cả các vụ án đang làm, vụ án nào có điều kiện thì tập trung làm dứt điểm, nhất là vụ án Hà Văn Thắm và vụ án Trịnh Xuân Thanh ».
Theo RFI
Chính quyền Việt Nam bắt bốn nhà ly khai

Hôm qua 30/07/2017, chính quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm bốn nhà tranh đấu. Các nhà ly khai bị khởi tố với tội danh hoạt động nhằm « lật đổ chính quyền nhân dân ».
Trả lời AFP, vợ của các nhà tranh đấu bị bắt cho biết, tất cả các vụ bắt giữ diễn ra tại nhà riêng ngày Chủ nhật, hôm qua. Bốn nhà tranh đấu, mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn, nhà báo tự do Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển đều là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức dân sự độc lập, được thành lập đầu năm 2013.
Theo trang mạng của bộ Công An Việt Nam, bốn người bị bắt theo điều 79 bộ Luật Hình Sự. Bốn nhà ly khai nói trên từng bị phạt tù nhiều năm vì các tội danh chống Nhà nước, tuy nhiên, với tội danh mới nói trên, họ có nguy cơ nhận những án phạt nặng nề hơn nhiều.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ kỹ sư Nguyễn Văn Trội, khẳng định mục tiêu hoạt động của chồng bà là đấu tranh chống lại các bất công xã hội tại Việt Nam, và việc Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, hoàn toàn không liên quan đến chuyện lật đổ chính quyền. Theo các nhà quan sát, Việt Nam có nhiều tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, tuy nhiên Hà Nội « hết sức nhạy cảm » trước bất cứ chỉ trích nào nhắm vào thái độ của chính quyền đối với Trung Quốc trong vấn đề này.
Báo mạng Tiếng Dân, một tờ báo độc lập mới ra mắt tại Việt Nam, dẫn lại quan điểm của Hội Anh Em Dân Chủ, « lên án và phản đối » các vụ bắt giữ. Hội Anh Em Dân Chủ cho rằng hành động này « đi ngược lại Hiến pháp » của Việt Nam, « chà đạp các Quy tắc phổ quát về Quyền Con Người được Hiến chương Liên Hiệp Quốc xác định, phản bội lại những cam kết mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết với quốc tế ».
Ông John Sifton, thành viên tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, nói năm 2017 là « một năm tệ hại » đối với nhân quyền tại Việt Nam, với nhiều vụ « tay chân của chính quyền » đánh đập các nhà ly khai, nhiều án tù nặng nề hơn đối với các nhà tranh đấu. Ông kêu gọi « các đồng minh và các nhà tài trợ cho Việt Nam, nhất là Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản lên tiếng ».
Theo RFI