Lối Sống Đạo Của Người Công Giáo Vinh Trung Trong Bối Cảnh Đô Thị Hóa

16 Tháng Mười Một 20212:00 CH(Xem: 10617)

LỐI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG TRONG BỐI CẢNH ĐÔ THỊ HÓA

KỲ I: QUAN NIỆM SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG HIỆN NAY

Binhtrung.org trân trọng giới thiệu đến Quí độc giả bài nghiên cứu về "Sống Đạo" tại Giáo xứ Vinh Trung, xã Bình Trung, quê nhà của Sinh viên Cao học Kim Liên. Bài viết này đã bảo vệ thành công tốt nghiệp Cao học về Xã Hội Học của Kim Liên trong tháng Chín năm 2012 vừa qua.


vtc6

Kim Liên

Hiệp định Genève được ký kết gồm 47 điều nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam và Đông Dương. Trong đó, Điều 14D của Hiệp định Genève chỉ rõ: “Trong thời gian 300 ngày, dân chúng được tự do di cư, từ khu vực này sang khu vực thuộc bên kia”. Điều 14D đánh dấu hành trình di cư của những người dân từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ vào Nam Bộ, trong đó có những giáo dân thuộc Nghệ - Tĩnh, nay là tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mang tâm thế tìm kiếm một vùng đất mới với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn, các giáo dân Nghệ - Tĩnh rời quê hương "chôn rau cắt rốn" đến tái định cư tại vùng Bình Giã (nay là xã Bình Giã và xã Bình Trung), thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (trước đây là tỉnh Đồng Nai). Việc chấp nhận rời bỏ quê hương để đến định cư ở một vùng đất mới và hoàn toàn xa lạ theo đề nghị của các linh mục là một thử thách lớn đối với đời sống Đạo, với việc “giữ đạo” của các tín đồ Công giáo.

Khi đến vùng đất mới, hành trang mang theo của các tín đồ là những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và những chuẩn mực đạo đức của tôn giáo. Với tâm thức đó, họ đã tái cấu trúc lại một cộng đồng Công giáo mới mang tất cả các đặc điểm của cộng đồng Công giáo tại quê hương Nghệ - Tĩnh, do đó mà giáo xứ Vinh Trung ngày nay có những tên gọi thân quen như: họ Yên Đại, Xuân Mỹ, La Nham, Quy Hậu hay Bình Thuận,...đó là những cái tên gắn liền với quê hương Nghệ - Tĩnh.

Giáo xứ Vinh Trung được thành lập ngày 28/10/1955 và hiện nay thuộc địa bàn xã Bình Trung. Sau hơn 40 năm thành lập, giáo xứ Vinh Trung được nhận định là một trong những giáo xứ "có nề nếp sống đạo chuẩn mực, trưởng thành. Dẫu là các ngày thường trong tuần nhà thờ bao giờ cũng có đông đảo giáo dân đến tham dự các giờ kinh lễ cách sinh động, trang nghiêm và sốt sắng". Điều đó nói lên tâm thức và tình cảm tôn giáo của các thành viên trong cộng đồng Công giáo Vinh Trung. Hiện nay, xã Bình Trung đang bước vào thời kỳ đô thị hóa với những thay đổi về kinh tế - văn hóa - xã hội, cụ thể là: hệ thống cơ sở hạ tầng (điện - đường - trường - trạm) được đầu tư xây dựng với quy mô lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và dễ dàng trong việc giao lưu văn hóa vùng - miền với các vùng lân cận (Ngãi Giao, Đá Bạc, Lâm San và Hòa Bình,...). Trước đây, Bình Trung vốn là xã thuần nông thì hiện nay, cơ cấu ngành nghề đa dạng hơn khi xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ; các loại hình dịch vụ mọc lên nhiều hơn; vị thế của các cá nhân trong cộng đồng ngày càng có nhiều thay đổi khi trình độ học vấn ngày càng được nâng cao; mối quan hệ không chỉ bó hẹp giữa các thành viên trong cộng đồng mà mở rộng hơn khi đội ngũ thanh niên trong cộng đồng di cư đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận ngày càng tăng vì lý do học tập và công việc. Những thay đổi đó, nói lên sự phát triển tất yếu của một địa phương và điều đó cũng đồng nghĩa rằng, đời sống của người dân ngày càng được đảm bảo hơn. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực đó, đô thị hóa lại là một trong những yếu tố góp phần nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội (cơ bạc, đá gà, ma túy, nghiện game,...), trào lưu thực dụng đang xâm lấn nhiều thành phần, đặc biệt là giới trẻ, lối sống truyền thống đang bị đe dọaVà không thể không quan tâm đến sự tác động của quá trình đô thị hóa đến đời sống đạo của một cộng đồng Công giáo nông thôn "toàn tòng". Các yếu tố đô thị hóa tác động thế nào đến quan niệm sống đạo và niềm tin tôn giáo của giáo dân? Các giáo dân thể hiện lối sống đạo thế nào trong các ứng xử với mọi người, qua việc tham dự các nghi lễ, qua cách thức giáo dục con cái và các vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân - gia đình? Những thay đổi về lối sống đạo bắt đầu từ sự thay đổi trong quan niệm sống đạo, dẫn đến sự biến chuyển trong đời sống lễ nghi và xa hơn là cách thực hành sống đạo. Trong phạm vi từng bài viết, chúng ta sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các khía cạnh của lối sống đạo. Riêng, trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến quan niệm sống đạo của người Công giáo Vinh Trung trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay đang diễn ra như thế nào?

Sống đạo là khái niệm được bàn luận rất nhiều, đặc biệt là từ sau Công đồng Vaticano II nơi mà đời sống đạo được bộc lộ thể hiện trên bình diện sâu và rộng hơn khi việc thực hành sống đạo không còn đặt nặng vào vấn đề phải học thuộc lòng các kinh nguyện, tham dự đầy đủ các nghi lễ của đạo mà có sự mở rộng so với trước đây. Sự mở rộng được thể hiện ở chỗ, sống đạo không chỉ đơn thuần là biết các kinh nguyện, tham dự các nghi lễ mà các tín đồ còn cần phải thực hiện sống tinh thần Công giáo trong cuộc sống hàng ngày, trong các mối quan hệ giao tiếp giữa người với người để thể hiện một niềm tin sâu sắc vào Thiên Chúa “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Đời sống đạo cần vừa phải gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đến với tha nhân. Chính vậy, các giáo dân được khuyến khích sống một cuộc đời thể hiện đức tin vào Thiên Chúa thông qua lối sống của mình hơn là chú tâm hoàn toàn vào việc đọc kinh và các nghi lễ.

Công đồng Vatican II cũng làm rõ hơn khái niệm sống đạo khi chỉ rõ:“Công đồng khuyên các Kitô hữu, đồng thời là công dân Nước Trời và xã hội trần thế, hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những trách vụ trần thế, dưới sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng. Thực là sai lầm những Kitô hữu, vịn cớ chúng ta không có quê hương trường tồn nơi trần thế mà phải hướng về quê mai sau, cho rằng mình có quyền xao lãng các bổn phận trần thế, mà không ý thức rằng chính đức tin bó buộc mỗi người, tùy theo ơn gọi của mình, phải chu toàn trách vụ đó một cách hoàn hảo hơn. Nhưng ngược lại cũng sai lầm không kém những ai nghĩ rằng có thể dấn thân trọn vẹn vào các sinh hoạt trần thế như thể các sinh họat này hoàn toàn xa lạ với đời sống tôn giáo, vì cho rằng đời sống tôn giáo chỉ hệ tại việc thực hiện các nghi thức phụng tự và chu toàn một số trách vụ luân lý. Việc phân chia giữa niềm tin mà họ tuyên xưng với cuộc sống thường nhật của nhiều người là sai lầm lớn nhất của thời đại”. Chính vì thế, Vatican II mời gọi các tín hữu dấn thân để xây dựng và làm cho cuộc đời này ngày càng tiến bộ hơn, đẹp hơn, nhân ái hơn.

Như vậy, sống đạo ngày nay đã vượt qua lối sống đạo trong các Bí tích, các lề luật để chuyển sang một lối sống đạo mới là sống đạo giữa đời. Sống đạo của người Công giáo ngày nay sẽ gắn liền hai trách nhiệm: trách nhiệm với Chúa và trách nhiệm với tha nhân mà rộng hơn là với vai trò của một công dân tốt. Mục đích cuối cùng của sống đạo là hướng đến “Mến Chúa và Yêu Người”. Đạt được điều đó, người Công giáo tin rằng họ sẽ có được “phần thưởng” chính là Nước Trời.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến chuyển, nhất là khi Việt Nam bắt đầu bước vào nền kinh tế thị trường, đồng thời với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc là sự du nhập của các trào lưu văn hóa, các trào lưu lối sống thực dụng từ phương Tây. Những lối sống này đối nghịch với đời sống đạo của người Công giáo và có nguy cơ làm xói mòn đời sống đạo. Đứng trước tình cảnh đó, Thư Mục vụ năm 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã lấy chủ đề “Sống đạo hôm nay” để nhắn nhủ và định hướng lối sống cho các tín đồ, đó là phải canh tân bản thân với sự tự ý thức và sống đúng phẩm giá của mình; đời sống đạo phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương cụ thể nhất là giúp đỡ những người nghèo khổ và còn là việc mỗi tín đồ cùng nhau góp phần xây dựng một xã hội công bằng thông qua việc tôn trọng sự thật. Như vậy, đời sống đạo ở đây được tóm gọn với ba ý chính là: rèn giũa bản thân trong các tín lý Công giáo, biết giàu lòng quảng đại để phục vụ những người nghèo khổ và sống gương mẫu bằng đời sống của mình để làm chứng nhân cho mọi người xung quanh. Có như vậy, tinh thần “Mến Chúa, Yêu Người” mới được thể hiện một cách triệt để và sâu sắc nhất. Đó là quan điểm ở góc nhìn Hội đồng Giám mục Việt Nam - những người đứng đầu Giáo hội Công giáo Việt Nam. Vậy đối với các giáo dân thì sao? Họ nghĩ gì về sống đạo?

Bảng: Quan niệm sống đạo của người Công giáo

STT

Quan niệm sống đạo

Số lượng

Tỉ lệ %

1.

Tham dự đầy đủ các nghi lễ

72

40.0

2.

Tham gia các hội – đòan

16

8.9

3.

Giáo dục con cái theo Luật Chúa

42

23.3

4.

Siêng năng làm việc bác ái

49

27.2

5.

Thực hành Lời Chúa trong đời sống

131

72.8

Ghi chú: Câu hỏi nhiều trả lời

(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)

Theo kết quả khảo sát, 72.8% giáo dân cho rằng sống đạo chính là việc thực hành lời Chúa trong đời sống hàng ngày, đây là ý kiến nhận được sự đồng tình nhiều nhất. Ngoài ra, có 40% cho rằng sống đạo còn là việc tham dự đầy đủ các nghi lễ của đạo, 27.2% nhận định sống đạo là siêng năng thực hiện các việc bác ái xã hội,…

Trao đổi về vấn đề thế nào sống đạo, linh mục chánh xứ Vinh Trung cho biết:

“Sống đạo tức là sống một cuộc sống chu toàn bổn phận của một thụ tạo, mình là thụ tạo đối với Thiên Chúa người là Đấng Tạo Hóa. Chu toàn bổn phận đối với Chúa là Đấng Tạo Hóa là một lòng thờ phượng Thiên Chúa mà thôi, trên các loài thụ tạo khác, rồi cái tiêu chí thứ hai là khi đã mến Chúa hết lòng rồi thì cũng phải yêu thương mọi người”.

(Linh mục chánh xứ giáo xứ Vinh Trung, trích BBPVS số 4)

Trong quan điểm trên, sống đạo được cô đọng là kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người.

Tương tự như vậy, các tín đồ cũng có những nhận định về sống đạo trong bối cảnh ngày nay là:

“Sống đạo là thực hiện sống với đạo đó chứ không phải là sống bằng lý thuyết, ví dụ: đạo mình dạy là sống đức ái nhưng mình sống mà không yêu thương thì sao gọi là sống đạo. Nhưng yêu thương không chỉ là cho người ta tiền, mà còn là đối nhân xử thế như thế nào cho hợp đạo. Cho nên, sống đạo là phải thực hành những điều giáo lý mà Chúa dạy”.

(Nam, 58 tuổi, trích BBPVS số 7)

Mặt khác, sống đạo là tích cực làm các việc bác ái, giúp đỡ những người xung quanh. Một trong những hành động bác ái mà người Công giáo vẫn thường thực hiện đó là việc đóng góp tiền của hoặc công sức cho các hoạt động xây dựng các công trình của Giáo hội, chẳng hạn như: xây dựng nhà thờ, xây dựng các cơ sở tôn giáo khác. Họ thực hiện hành vi này một cách vô vị lợi với ước vọng:

“Cái thứ nhất là mình gửi đồng tiền của mình vào đó, tâm của mình, giống như gửi tiền vào ngân hàng tức là mình tin tưởng Chúa sẽ trả công cho mình, sức khỏe và tất cả mọi sự bình yên trong cuộc sống. Tâm nguyện của anh là cái căn nhà được mở ra rộng bao nhiêu thì gió sẽ lùa vào bấy nhiêu, thì giống như tâm hồn mình mở rộng ra bao nhiêu cho người ta thì Chúa sẽ ban lại cho mình thôi. Lí do thứ hai là mình cộng tác với Giáo hội trong công việc xây dựng Giáo hội, nhà thờ là trách nhiệm của mình”.

(Nam, 44 tuổi, trích BBPVS số 1)

Sống đạo theo quan niệm của các tín đồ ngày nay đã biến chuyển như mong đợi, như lời mời gọi của Công đồng Vaticano II và của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thể hiện rõ nhất là một tỉ lệ cao các tín đồ đánh giá sống đạo là sống theo lời Chúa dạy (72.8%) mà chỉ có 40% cho rằng sống đạo là phải thực hành đầy đủ các nghi lễ. Chưa kể, sống đạo là phải siêng năng làm các việc bác ái (27.2%). Không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ trong quan niệm sống đạo. Điều đó nói lên rằng, quan niệm sống đạo của tín đồ ngày nay là quan tâm nhiều đến việc gắn các tín lý Công giáo vào trong các mối tương quan giữa mọi người trong cuộc sống đời thường, hơn là quá chú tâm vào việc thực hành đầy đủ các nghi lễ. Nói như thế, không có nghĩa là tín đồ bỏ bê việc thực hành các nghi lễ mà trái lại họ vừa tham dự đầy đủ các nghi lễ, vừa đưa lời Chúa vào cuộc sống. Các câu trả lời trong các phỏng vấn sâu cho ta một cái nhìn thú vị, rằng: các tín đồ thường hiểu sống đạo theo đúng nghĩa “sống đạo”, chứ không đơn thuần sống đạo là “giữ đạo”.

Như vậy, quan niệm sống đạo của các tín đồ trong cộng đồng Công giáo Vinh Trung - một cộng đồng nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa - đang có nhiều chuyển biến so với thế hệ cha ông của họ ở những ngày đầu đến mảnh đất này. Sự chuyển biến này thể hiện sự thích nghi với những thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội đương thời. Yếu tố “Đạo” và “Đời” được sát nhập gần nhau hơn kể từ sau Công đồng Vatican II, điều đó được thể hiện rõ nét qua quan niệm sống đạo của các tín đồ trong giai đoạn hiện nay.



Các số liệu trong bài viết được trích từ luận văn cao học ngành Xã hội học: "Lối sống của cộng đồng Công giáo trong bối cảnh đô thị hóa, điển cứu tại giáo xứ Vinh Trung, Bình Trung, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu" (2012).

Đình Quang, Bình Giã Quê hai, lưu hành nội bộ, 1995, tr.14

Tòa giám mục Bà Rịa, Kỷ yếu giáo phận Bà Rịa 5 năm thành lập 2005-2010, NXB Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr.285

Công Đồng Vatican II, dẫn lại theo Nguyễn Trọng Viễn (2003).

Nước Trời còn gọi là nước Thiên Chúa, được hiểu đó là nơi mà con người được sống trong Thiên Chúa. Để đạt được Nước Trời con người sẽ phải lựa chọn sống theo những gì Chúa Giêsu đã dạy, phải sẵn sàng từ bỏ vật chất, danh vọng, địa vị và từ bỏ chính cái tôi của mình.

Hội đồng giám mục Việt Nam, Thư chung 2006.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)
...quan họ Bắc Ninh cũng đang đứng trước thử thách khốc liệt trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế , bởi vì lớp già lần lượt ra đi , lớp trẻ thì phải lăn lộn mưu sinh, không gian Quan họ Bắc Ninh ngày ngày bị thu hẹp , luỹ tre làng , ruộng lúa bị các Khu công nghiệp đẩy lùi .
Bối cảnh lịch sử thời cấm đạo - Nước ta lúc ấy, thế kỷ 16, thời Nam Bắc phân tranh, các vua chúa Lê, Mạc rồi Trịnh, Nguyễn đều cho phép mở cửa biển đón các tàu buôn ngoại quốc vào giao thương. Bởi thế, mới có người Âu Châu sang Việt Nam để buôn bán và truyền đạo.
Tìm hiểu quan niệm của giáo dân xã Bình Trung về vấn đề thất bại và thành công trong cuộc sống, kết quả khảo sát cho thấy 36.7% nhận định thành công hay thất bại trong cuộc sống là “do bản thân”, bản thân họ tự tạo ra thành công hoặc tự gây ra thất bại chứ vấn đề này không có sự can thiệp, tác động nào từ Chúa, suy nghĩ họ mang lý tính nhiều hơn
Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc đã nhất trí đánh giá Bến Tre là một trong những cái nôi dân ca Nam Bộ mang đậm dấu ấn vùng sông nước và đồng bằng sông Cửu Long. Ở Bến Tre có nhiều làn điệu dân ca như: hát ru, hò, lý, nói thơ..Khuyết danh - Vanchuongviet.org
Âm nhạc Việt Nam có hai truyền thống, truyền thống dân gian và truyền thống bác học. Truyền thống dân gian dính liền với đời sống trong xã hội và đi dài theo suốt cuộc đời của người Việt Nam từ lúc sơ sanh cho đến khi trở về với cát bụi. Bắt đầu là tiếng hát ru khi còn nằm nôi, vừa lớn lên có đồng dao...
Câu nói của đại văn hào Thánh Augustinô là âm vang phổ quát nhất đi lọt vào tất cả các nền văn hóa cổ kim, đông cũng như tây, trong tất cả các chiều kích của cuộc sống con người. Thật thế tôn giáo là gì nếu không phải vì yêu thương mà con người được tạo dựng.../07 Tháng Sáu 2012(Xem: 4093) Nguyễn Đăng Trúc - VanchuongViet/
Theo các công trình nghiên cứu thì cư dân Hòa Bình đã định cư thành từng xóm làng, trồng rau, củ như khoai mỡ ở thung lũng đồi và chế tạo đồ gốm. Đó là thời kỳ văn hóa nương rẫy của cư dân Hòa Bình. Di tích hang Tham Fi là hang ma (spirit cave) tại Đông Bắc Thái Lan có niên đại khoảng từ 8 đến 10 ngàn năm. Tại đây, nhà khảo cổ Mỹ Chester Gorman đã tìm thấy nhiều hóa thạch lớn của các loại cây trồng như trám, cau, bàng và một số loại rau như rau sắng chùa Hương nửa hoang dại nửa trồng trọt. Thời kỳ này, cư dân đã chuyển hẳn sang chăn nuôi trồng trọt nhỏ tuy vẫn còn hái lượm và săn bắt cá và nghề trồng lúa nước đã bắt đầu từ vùng thung lũng rồi phát triển lên vùng cao.
Ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, người Pháp đã nỗ lực để tìm biết nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, tên của một thành phố mà qua phong cách lãng mạn tây phương họ biến nó thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrêm Orient).../08 Tháng Sáu 2012(Xem: 4337) Bình Nguyên Lộc - Vantuyen/
Bình thường việc người Tàu nghiên cứu hay viết về Việt nam là một việc làm bình thường, không có gì đáng chú ý vì nước Tàu và nước ta là hai nước kế cận nhau...nhưng thời điểm mà người Tàu đẩy mạnh công tác nghiên cứu về Việt Nam nhằm những mục đính riêng của họ là điều chúng ta cần phải suy nghĩ. Thời điểm đó là năm 1978. /1 Tháng Bảy 2012 (Xem: 2909) Phạm Cao Dương - vanchuongviet.org
Trong cuốn văn phạm của mình, Arte da lingoa de Iapam (Ngữ pháp tiếng Nhật), ấn hành tại Trường Kỳ (Nagasaki) năm 1604, linh mục Bồ Đào Nha dòng Tên João Rodrigues khẳng định: “Muốn viết ngôn ngữ này bằng mẫu tự của chúng ta, chúng ta chủ yếu phải sử dụng cách viết La Tinh và Bồ Đào Nha,/ 28 Tháng Năm 2012 (Xem: 2556) Roland Jacques, Canada - GS Đoàn Xuân Kiên chuyển ngữ
Bảo Trợ