Xuân Nhớ Mẹ

10 Tháng Giêng 20233:00 CH(Xem: 5224)

Mỗi mùa xuân qua đi, lại thêm một lần người ta ngậm ngùi nghĩ về quá khứ, về thời gian đã vụt mất rơi vào dĩ vãng vô tận. Tôi cũng vậy, đã có một mùa Xuân trăn trở trong lòng, mùa Xuân thiếu vắng một tình cảm bao la mà có lẽ niềm vui lúc ấy: lấy chồng, cũng đã không khoả lấp được nỗi nhớ Mẹ.

blank

Năm ấy, tôi vừa tròn mười tám tuổi, tuổi đẹp nhất đời con gái, tuổi “lấy chồng lý tưởng” ở Việt Nam, theo như quan niệm của ông bà Cha Mẹ mình. Tôi lấy chồng, nhưng lại lấy chồng xa xứ, lấy chồng Việt kiều. Chuyện tình cảm đó đến với tôi vừa bất ngờ vừa có vẻ “nhanh gọn” làm cho tâm hồn tôi ở tuổi mới lớn, rất nhiều mơ mộng, cũng chẳng mơ mộng được gì nhiều về tình cảm lãng mạn, về tình yêu trai gái hẹn hò nhớ nhung. Có lẽ chuyện lấy chồng bắt nguồn từ việc ra đi tới một xứ xa lạ làm cho tôi hình như “mơ ước” nhiều hơn mơ mộng.

Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua thật đẹp và êm đềm. Tôi rời Việt Nam vào một mùa Noel có lẽ vui nhất cho gia đình. Ba Mẹ tôi rất vui sướng, con gái vừa đến tuổi lấy chồng thì đã có người hỏi cưới, lại là một anh chàng Việt kiều nữa. Tôi thì vừa vui, vừa lo, vừa có một nỗi buồn mênh mang trong hồn. Tôi tiếc nuối tuổi thanh xuân vừa chớm, vừa biết đọc những vần thơ tình tứ yêu đương, vừa viết được vài trang nhật ký của tuổi thần tiên mơ mộng thì đã vội xếp lại để theo chồng. Mẹ tôi, người Mẹ tuyệt vời, Mẹ đã lo cho tôi từng chút từ bé thơ, Mẹ thương tôi vì là đứa con gái duy nhất, Mẹ ôm ấp tôi như lo sợ tôi sẽ bay biến đi đâu mất. Tôi cũng vậy, tình thương của Mẹ đã làm cho tôi đã đến tuổi mười lăm,mười bảy, nhưng mỗi lần có chuyện buồn vơ vẩn ở lớp học, có chuyện bực dọc trong giao tiếp với bè bạn, tâm trí tôi vẫn nghĩ đến chuyện: về nói với Mẹ, thực ra có lẽ nói là “về méc Mẹ” mới đúng. Vậy mà mới mười tám tuổi, tôi đã phải rời Mẹ để đi lấy chồng tận nước Mỹ xa xôi.

Qua đến Mỹ, mọi chuyện cưới hỏi nhà trai đã xếp đặt đâu vào đấy. Tôi chẳng có gì phải lo. Gia đình chồng rất thương mến tôi, và chồng tôi thì lại càng quan tâm đến tôi, chàng nâng niu tôi “như sợ chiếc bình vỡ toang ra thì phải”! Mùa Noel ở đây lạnh hơn ở Việt Nam nhiều, nhưng có lẽ cái lạnh bên ngoài cũng không thấm thía bằng cái lạnh của tâm hồn. Tôi như cảm thấy mất mát một cái gì đó mà không nhận ra. Niềm vui lấy chồng tôi có cảm tưởng không trọn vẹn lắm. Tình yêu trong trái tim tôi chưa đủ cho tôi quên hết những tình cảm gia đình quen thuộc. Tình yêu của chồng tôi rất tha thiết, nhưng lại không đủ sưởi ấm cho cõi lòng giá lạnh thiếu hình ảnh Mẹ hiền của tôi.

Có lẽ từ nhỏ, Mẹ đã ấp ủ tôi trong lòng, Mẹ đã lo cho tôi từng giấc ngủ, từng miếng cơm. Khi nóng lạnh cảm sốt, Mẹ lo từng viên thuốc. Còn tôi thậm chí mua chiếc áo, tôi cũng hỏi Mẹ xem có vừa không có được không. Cắt mái tóc tôi cũng nài kéo Mẹ đi cho bằng được để xem có đúng ý Mẹ không. Mẹ vui lòng là khiến tôi ưng ý ngay. Những đêm buồn, tôi nằm tỉ tê với Mẹ để nỗi lòng trôi thoát đi trong giấc ngủ êm đềm. Mẹ như là một người bạn để tâm sự lúc vui buồn, như là một người cố vấn khi cần hỏi những điều hay lẽ phải hoặc khi phải quyết định một điều gì khó khăn. Giờ không có Mẹ kề bên, cuộc sống như thiếu vắng một trụ cột chống đỡ cho tôi từ thuở nhỏ.

Mùa Xuân đến, trong khi tôi gọi phôn về thăm Ba Mẹ, mọi người ở quê nhà đang chuẩn bị cho cái Tết đã gần kề, ai cũng náo nức mua sắm, ai cũng thấy bầu không khí hân hoan, chào đón mùa Xuân thật tưng bừng. Nhưng ở nước Mỹ mọi thứ vẫn không có gì khác mấy. Tôi đã ở riêng với chồng và vẫn đang ở nhà với công việc “nhàm chán và xa lạ”: nội trợ! Tôi lấy chồng mà chưa một lần biết lo toan chuyện nấu nướng bữa cơm cho ra hồn, nói chung là mọi chuyện bếp núc ở nhà trước kia đã có Mẹ lo nên giờ đây, tôi như hụt hẫng. Đã có lần gọi phone về thăm Mẹ và cũng vừa hỏi Mẹ phải nấu ra sao một món ăn đang nấu trên bếp. Chồng tôi có lẽ là người chồng rất lý tưởng, vì chàng đoán biết hầu như mọi ý tưởng của tôi. Chàng cũng chẳng phiền trách gì tôi cả. Có lần, thấy tôi lúng túng trong bếp, chàng âu yếm bảo:

-Thôi cưng ơi! Anh đưa cưng ra tiệm nhanh hơn nhé, kẻo chồng đói rồi nè. Món đó để dành mai ăn cũng không muộn.

Vậy là tôi thoát khỏi cảnh “trái ngang” trong bếp, cười vui vẻ lên xe theo chồng ra tiệm ăn.

Những ngày gần Tết, chồng tôi dẫn tôi đi chợ thật xa, đến thành phố có nhiều người đồng hương, có chợ, có thức ăn Việt Nam. Đã mấy tháng, chẳng mấy khi đi xa, chẳng mấy khi thấy người Việt mình nên tôi vui hẳn lên. Đến chợ thấy cành mai vàng chưng bán để mừng Xuân, có lẽ tôi mới nở đưọc nụ cười vui, chồng tôi thấy tôi đứng ngắm nghía cành mai, chàng không ngại mua ngay cành mai vàng đó và còn lấy thêm nhiều chậu hoa lan, những bó hoa chưng bàn nữa. Tôi nhìn mấy cặp bánh chưng mà cảm thấy nôn nao, chẳng phải thèm gì ăn, nhưng tự nhiên một cảm giác lạ lùng dâng trào trong lòng, tôi như chợt thấy quê hương nằm yên trong tâm trí thức dậy. Nhìn những bao lì xì màu đỏ thắm, tôi như sống lại cái cảm tưởng ngày đầu năm Ba Mẹ lì xì lấy hên cho các con. Ngày hôm đó là một ngày vui cho cả hai vợ chồng tôi. Chàng luôn tay sắp mọi thứ lên xe đẩy, tôi vui vẻ nói cười, một ngày đi sắm chợ Tết, mặc dù so với quê nhà thì chẳng vào đâu cả, nhưng ở đây như thế là tương đối đầy đủ rồi.

Chồng tôi qua Mỹ từ hồi còn nhỏ xíu, vậy mà rất tinh ý trong việc giúp tôi quen thuộc với Tết Việt Nam ở Mỹ, chàng chưng dọn cành mai, bàn thờ ông bà với bình hương, chân nến đầy đủ cả. Ngay cả những bó hoa chàng cũng có thể cắt ra chưng vào bình một cách gọn gàng. Tôi nhìn chàng sắp xếp mà thầm cám ơn Trời. Gặp phải người chồng không biết thông cảm có lẽ tôi đã bị chê là đồ vô dụng. Nhà tôi ở cách rất xa khu chợ đông người Việt Nam, quanh quẩn trong nhà còn nếu ra ngõ cũng vắng hoe. Đôi khi chàng đi làm, tôi rảo bước quanh khu xóm, chẳng thấy người Việt Nam nào cả. Tôi có cảm tưởng mùa Xuân chẳng có ở trên đất Mỹ này, vì lễ Giáng sinh được chuẩn bị thật chu đáo, thật rầm rộ với đủ thứ hàng hoá màu sắc, nhưng đến Tết Tây thì cũng chẳng thấy gì khác hơn. Có vẻ như Tết Tây chỉ là dư âm cuối của Mùa Giáng Sinh mà thôi.

Đêm giao thừa, tôi gọi phone về thăm và chúc tuổi Ba Mẹ, nhưng gọi mấy lần mà đường phone chẳng nối được. Tôi ngồi im lặng lẽ nơi sofa, chồng tôi biết tôi đang nhớ nhà, chàng thông cảm và tìm cách làm cho tôi vui. Nhưng có lẽ thâm tâm tôi đang lẫn lộn giữa nỗi nhớ nhà, thương Mẹ, cảm giác xa lạ của không khí Tết nơi quê người nên chẳng thấy vui chút nào cả. Hồi tưởng lại năm ngoái giờ phút này tiếng pháo Giao thừa nghe ròn rã, xác pháo đỏ hồng bay tung toé khắp nơi, mùi khét của thuốc pháo cộng với khói bay mù mịt, thật khó chịu nhưng không khí Tết thật rộn ràng khắp trong cùng ngõ hẻm ra đường phố.

Đêm ấy, tôi nằm khóc thầm, nước mắt thấm ướt cả gối. Giao thừa trên đất Mỹ sao mà nhớ Mẹ vô cùng. Chỉ mới mấy tháng xa nhà mà tôi có cảm tưởng mấy năm. Tôi cứ nghĩ giá mà có xe đò về quê được chắc tôi cũng chẳng từ. Buổi chiều ngày mồng một, chồng tôi dẫn tôi xuống chúc Tết Ba Mẹ chồng. Nơi nhà chồng, mấy anh chị em tụ họp lại, các cháu vui cười tung tăng mới thấy không khí có vẻ Tết một chút.

Rồi từng Mùa Xuân qua đi, tôi đã có mấy con với chàng, nhưng mỗi độ Xuân về, lòng tôi lại nao nao nhớ đến mùa Xuân xưa, mùa Xuân thời con gái mới lớn vừa lên xe hoa về nhà chồng, niềm vui lấy chồng lẫn lộn với nỗi buồn man mác xa Ba Mẹ, xa quê hương. Mùa Xuân đó xem ra chẳng trọn vẹn lắm, nhưng lại là mùa Xuân day dứt để lại dư âm vấn vương nhớ mãi trong đời.

Đặng Xuân Hường.

(Viết theo tâm tình của một người bạn)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Tôi thực sự xúc động khi nghe lời kinh nguyện: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời…!” Vậy ra, tôi còn một người Cha nữa sao! Ba ơi! Ba có còn nhớ đến con không? Con không bao giờ oán trách ba nữa! Con cầu mong cho tâm hồn mẹ được yên bình và con cũng cầu mong cho mái ấm gia đình của ba mãi mãi hạnh phúc!/TrướcSau Về một người cha 15 Tháng Sáu 2013(Xem: 1804) Đặng Xuân Hường/
Bom đạn đã gây bao nhiêu cái chết, vết thương tật nguyền cho con người! Vậy mà có một thứ vô tri vô giác cũng mang đầy “mảnh đạn” trong thân mình, để lại những “vết sẹo suốt đời” nữa! Đó là…cây rừng!/01 Tháng Năm 2013(Xem: 2377) Đặng Xuân Hường /
Từ ngoài Bắc di cư vào Nam, hay sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất Bình Giã, những bà Mẹ đã góp bàn tay cùng chồng con xây dựng lên một thị trấn trù phú đầy sức sống sinh động. Từ nhà tranh vách lá, đường đất lầy lội, nay mọc lên những ngôi nhà gạch khang trang, đường trải nhựa bằng phẳng, phong cảnh xanh tươi…/12 Tháng Năm 2013(Xem: 9716) Đặng Xuân Hường/
Buổi chiều hôm ấy, hồn nhỏ thơ thẩn lang thang đi xa mãi! Con đường đầy hoa lá xôn xao, nó mời gọi hồn nhỏ đi xa nữa vào cõi mộng mơ. Bước chân trên đường, lòng cố gắng lãng tránh những lôi cuốn phù phiếm, nhưng dù đã cố gắng đến mấy hồn nhỏ vẫn hướng về con đường/30 Tháng Ba 2013(Xem: 4335) Đặng Xuân Hường/
...với những phát triển phương tiện giải trí thông tin mới đã làm suy giảm lòng đạo đức của mọi người, nhất lớp Trẻ, vậy biết đâu việc hồi sinh “Truyền thống học Kinh Bổn” trong mùa Chay, lại có thể là phương cách hay nhất để chống lại “căn bệnh tân tiến” phát sinh đủ thứ tệ nạn trong xã hội, đặc biệt nơi lớp Trẻ ngày nay!/24 Tháng Ba 2013(Xem: 4256) Đặng Xuân Hường/
Tôi đến Phi trường đón người bạn từ Tiểu bang Texas qua chơi vào một buổi chiều tối. Anh từ Việt Nam đi du lịch Hoa Kỳ thăm bà con. Thành phố Los Angeles đã rực ánh đèn khi xe chạy trên giao lộ Freeway 105/110, từ trên cao cầu nối Freeway người bạn nhìn thấy cảnh phố đèn nhấp nhoáng đã tấm tắc: -Đúng là Thành phố Thiên Thần!/03 Tháng Tám 2012(Xem: 4969) Đặng Xuân Hường/
Tôi cảm thấy lưu luyến quê hương, tình cha nghĩa mẹ, thân thiết xóm giềng. Những kỷ niệm thời thơ ấu không thể nào phai mờ trong tâm trí tôi, mà hình ảnh đậm nét, gợi nhớ hương vị quê nhà vào những ngày đón Xuân : là những chiếc bánh chưng xinh xắn, giản dị với gạo nếp đậu xanh, đã đi vào huyền sử của Dân tộc tự ngàn xưa./11 Tháng Hai 2013(Xem: 5566) Đặng Xuân Hường/
Có thể nói ngày Tết đã đem đến cho mọi người một "cửa mở" soi rọi vào tâm khảm, không khí Tết bên ngoài sôi động bao nhiêu thì bên trong tâm lòng mỗi người có thể cũng có những xao động chợt đến chợt đi, ẩn hiện như đùa giỡn cùng với một suy tư nào đó trong ngày đầu năm mới./20 Tháng Hai 2015(Xem: 5422) Đặng Xuân Hường/
...chẳng bao giờ quên nồi bánh đầu tiên nấu ở phố Los Angeles gần bên mấy building cao tầng, với lá chuối nhà ông Mễ, nếp đậu từ China Town, dây cột bánh ở tiệm tạp hóa ông già Ấn Độ và một chiếc trực thăng bay trên mái nhà khi bánh vừa chín chưa kịp vớt ra./02 Tháng Hai 2014(Xem: 8534)/
Khi tới nơi bờ sông, hai người thấy một ông lão trên chiếc xuồng nhỏ giữa sông đang chao đảo...Họ trố mắt nhìn xem chuyện gì đang xảy ra. Hình như ông lão đang cố gắng chèo chống để vào bờ, nhưng chiếc xuồng cũ nát đã ngập đầy nước
Bảo Trợ