...Những ngày cuối của tháng Chín, một buổi chiều thật ảm đạm, mây xám giăng đầy trên bầu trời như báo trước sẽ có một cơn giông sắp tới.
Mùa hè đã qua rồi! Nhưng cái không khí oi bức của một ngày hè vẫn còn dai dẳng trong làn khí của đồng quê. Mưa đã bắt đầu lâm râm rơi nhẹ!
Tôi lặng đứng trước ngôi mộ đơn sơ của một người thầy cũ, đúng ra là Linh mục Hiệu trưởng, nhưng bây giờ cái cảm tưởng một vị thầy, một vị Hiệu trưởng để lại ấn tượng trong lòng tôi nhiều hơn cả chức năng mục vụ Linh mục của thầy.
Đã hơn bốn mươi năm qua, ngôi trường nhỏ bé nghèo nàn nơi quê cũ luôn là một kỷ niệm, một nỗi lòng man mác tôi không bao giờ quên được. Ngôi trường với vách gỗ, mái tôn, bàn ghế cũ kỹ có cái gần như xiêu vẹo...Tất cả những gì gợi nhớ trong tâm trí là những hình ảnh mái trường đơn sơ của một làng quê rất xa cách với chốn phồn hoa đô hội. Hình ảnh cây phượng nở hoa đỏ thắm thì chắc chắn nó giống với bất cứ một ngôi trường nào khác, nhưng thực ra trong lòng tôi ấn tượng về một tương lai sáng lạng của vùng đồng quê Bình Giã đầy hy vọng, đó mới chính là điều khác thường của trường trung học Hồng Lĩnh ngày nào.
Cây phượng nở hoa trước sân trường, đó là một điệp khúc của mùa hè hoà lẫn với bản nhạc thiên nhiên bốn mùa như một hoạt cảnh thần tiên của tuổi học trò. Những tà áo trắng bay phất phới trong nắng, những cánh phượng hồng rơi lả tả trên sân trường...Những giờ học nghe tiếng giảng bài của những vị thầy thân thương, những tiếng reo vui hồn nhiên của bè bạn chung quanh trên sân trường... Ôi nhớ làm sao những ngày tháng xa xưa!
Tuổi học trò có rất nhiều mơ mộng, rất nhiều ước mơ...Tôi nghĩ đến vị thầy đáng kính, thầy cũng có một ước mơ không phải cho thầy, mà cho các thế hệ trẻ trong làng xã Bình Giã năm nào. Thuở ấy, với công việc ruộng đồng, nhà nông mấy ai có đủ chi phí cho con cái lên tỉnh thành để tiếp tục con đường học vấn. Thầy đã mạnh dạn mở trường Trung học, những mong sẽ đem lại cơ hội cho lớp trẻ Bình Giã tiến lên trên con đường tri thức. Trung học Hồng Lĩnh, cái tên cũng đã nói lên ý nghĩa hoài vọng của thầy.
...Hồng Lĩnh, là dãy núi nổi tiếng nhất vùng Hà Tĩnh. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ. Theo truyền thuyết tương truyền, có một ông khổng lồ (tên gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Minh Lương dạy cho dân làm nghề rèn - một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.
Theo quốc lộ 1 tới TP. Vinh, du khách sẽ bắt gặp cầu Bến Thủy sừng sững vắt qua đôi bờ một dòng sông rộng. Đó là sông Lam. Và phía bên kia cầu, ngay sát bờ sông là dãy núi Hồng Lĩnh trập trùng, kỳ vĩ như một bức trường thành.
Núi Hồng, hay còn gọi là Hồng Lĩnh, dài khoảng 30km, rộng chừng 15km, chon von, nhấp nhô, vờn đuổi nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Phía Bắc giáp với sông Lam, phía Nam có sông Nghèn, còn phía Đông Nam lan men ra biển.
Tương truyền núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh, đỉnh cao nhất tới 678m. Tên các đỉnh núi ở đây được đặt theo hình dáng như: Thiên Tương, Ngũ Mã (hình 5 con ngựa), Sư Tử, Hàm Rồng, Lập Phong... (Theo Nguoihatinh.net)
...Hoài vọng của thầy như thế đó, mong muốn nơi làng quê Bình Giã sẽ có những nam thanh nữ tú nối bước cha ông làm nên truyền thuyết, mong muốn từ nơi Trung Học Hồng Lĩnh Bình Giã nhỏ bé nghèo nàn nhưng sẽ là nơi phát xuất ra những anh tài cho thế hệ mai sau, và điều đó cũng đã có niềm hy vọng đầy phấn khởi, khi toàn trường hân hoan chào đón một số anh chị lớp 12 đầu tiên thi đậu Tú tài trở về gặp gỡ các Thầy và học sinh toàn trường vào năm 1973.
Thế nhưng, tất cả những gì thầy đổ hết tâm trí ra xây dựng đã hoàn toàn sụp đổ....Thời cuộc đổi thay...Mùa Hè năm 1975 ngôi trường đã nghèo nàn trông lại càng xơ xác...Cho đến một ngày, nhà nước mượn cơ sở để mở rộng trường tiểu học...Thật là một điều khó phân định, toàn bộ khu vực nhà trường thuộc quyền sở hữu của giáo xứ, nhưng dù muốn dù không, chuyện sẽ đến phải đến.
Tôi nhớ tháng 9-1986, vào ngày khai giảng đầu tiên của trường Tiểu học Vinh Trung trên chính cái khán đài của trường Hồng Lĩnh xưa...Cũng trong khoảnh khắc thời điểm vang lên tiếng trống khai giảng bên nhà trường...thì bên nhà xứ thầy bị đột quỵ! (stroke)
Định mệnh có bao giờ trùng hợp như vậy không? Tôi luôn ngẫm nghĩ về điều đó.
Tôi có cảm tưởng thêm một lần sụp đổ trong tâm trí thầy, và lần này chắc thầy biết sẽ chẳng bao giờ có cơ hội xây dựng lại ngôi trường thân yêu hằng ấp ủ trong lòng.
...Trong cơn mưa thoảng lất phất, từng bước trở về ngôi nhà xưa, lòng tôi trĩu nặng. Mộng ước học hành cho tương lai của tôi cũng sụp đổ như mộng ước xây dựng trường học của thầy cho con dân Bình Giã!
Và những thế hệ thanh thiếu niên bây giờ còn ai biết rằng, chính nơi làng quê nhỏ bé này hơn bốn mươi năm trước đã từng có một ngôi trường trung học, có một vị Linh mục đem hết tâm trí của mình để mong làm nên một núi Hồng Lĩnh như biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Bình làng quê đất đỏ này!
...Kính thưa Cha, vị Thầy đáng kính của trường Hồng Lĩnh ngày xưa, ở một nơi linh thiêng, xin Cha phù trợ cho chúng con, cho lớp trẻ bây giờ. Bốn mươi năm qua, tất cả đã đổi khác, trường học không còn mái tôn vách ván nữa và tâm hồn thanh thiếu niên bây giờ cũng không còn đơn sơ nữa! Xin Cha giúp chúng con xây lại ngôi trường xưa trong lòng mỗi người, để tất cả chúng con trở thành một ngôi trường cho những thế hệ tương lai!..."
Kính nhớ Linh mục Hiệu trưởng Phêrô Trần Đình Trọng
Đặng Xuân Hường