Hương Đồng Quê - Đào Chuột, Bắt Rắn, Rập Chim.
Một trong những món nhậu ở đồng quê mình là chuột đồng. Nghe nói chuột thì có vẻ làm sao ấy! Nhưng thực ra ở một vài nước như Thái Lan, Philippine…đã có một vài nhà hàng đãi các món đặc biệt như bò cạp, châu chấu…là những món nhậu “cao cấp” không rẻ tiền đâu!
Mới đây nghe nói ở các thành phố bên mình cũng rộn lên phong trào các món nhậu “đặc sản” vườn quê như dế cơm, ve sầu, mối chúa, rồi rượu rắn, rượu bổ dương ngâm con “bửa củi”…và giá cả cũng chẳng bình dân chút nào!
Dân Bình Giã mình thì cũng không “từ chối” các món đặc sản đồng ruộng, tuy vậy chuột đồng hay rắn mà thôi, chứ bò cạp hay cào cào châu chấu thì có lẽ chưa có ai thử qua!
Chuột đồng phải nói là một mối đại hoạ cho nhà nông ta, nó ăn hại lúa từ khi lúa non, trổ đòng cho đến lúc gặt lúa về. Ngay cả khi lúa đã khô khén nằm nghỉ ngơi trong nhà kho, chuột cũng vẫn đào hang khoét ngạch để tấn công cho bằng được. Hồi xưa có lần có những nơi phát động phong trào diệt chuột bằng cách giao cho mỗi nhân khẩu mấy cái đuôi chuột nộp lên. Nhưng rồi sinh đẻ theo cấp số nhân như chuột thì làm sao mà diệt được, chuột mỗi ngày mỗi nhiều, nó có vẻ cũng có chu kỳ xoay vòng, năm bảy năm lại có một đợt chuột phá hại kinh khủng, sau đó thì lại bớt đi, dù cho có “thuốc chuột” hay không thì vẫn thế!
Dân nhậu rất thích món thịt chuột lột da ướp sả chiên dòn, thịt chuột dòn rụm nhai cả thịt lẫn xương mà không sợ ê răng gì cả. Tất nhiên là chuột đồng thôi, chứ chuột nhà có trả tiền thuê ăn cũng chẳng ai rớ vào!
Đi đào chuột vài ba anh rất vui, vác cuốc đi dọc bờ ruộng, nhìn trước nhìn sau thấy rảng rang rồi thì coi như bờ sụm, đá lổng chổng ra cả ruộng. Có khi rượt chuột chạy lòng vòng quanh cồn đá. Gặp cái cồn đất thấy hang hóc lung tung thì chuột vô số kể trong đó. Tội nghiệp chủ ruộng, đến mùa cày xới phải lăn mấy hòn đá bự vào bờ, hoặc lượm đá kê lại nơi cồn đá như cũ.
Có một dạo các cậu nhóc bẫy chuột đồng bán cho các quán nhậu, loại chuột này rất lớn, có con cả ký, mấy chú nhóc gọi là “chuột khè-đần”. Thịt chuột này cũng ngon không thua gì chuột đồng thường, chỉ có cái thấy chú chuột to con, lông lá có khi lù xù có cảm tưởng chuột cống nên hơi ớn. Tuy vậy, nó sinh sống ngoài đồng ruộng nên cũng sạch sẽ và thịt thì thơm ngon khỏi chê. Dân nhậu thì chẳng ngán làm thịt nhậu tuốt luốt.
Cùng lúc đào chuột thì có rắn bắt rắn. Rắn cũng là món nhậu rất bắt mồi và nghe nói ăn thịt rắn còn bổ khoẻ nữa. Rắn hổ mang trâu, hổ hành, rắn “lại”…là mấy thứ thường gặp nơi đồng ruộng làng quê mình. Cồn đất nào có chuột thì khó có thể thấy rắn và ngược lại. Có rắn thì làm gì có chuột, vì chuột là mồi của rắn mà!
Rắn hổ mang bắt được đem treo lên lột da, rồi nấu cháo rất ngon. Có người cắt đuôi rắn lấy ly hứng lấy máu rắn pha với rượu uống cho khoẻ. Xương rắn thì khác với xương chuột không thể nhai “rau ráu” được, dù cho có rôti, chiên dòn gì nó vẫn cứng như “xương”! Có lẽ vì thế mà rượu rắn nghe nói trị đau lưng, giúp xương cốt cứng cáp là phải.
Có lúc đang cày ruộng gặp con rắn hổ mang từ đâu bò ngang, chẳng nói chẳng rằng để cả cày bò đó vội vàng rượt rắn bắt bỏ bao, chiều về có nồi cháo cộng thêm mồi nhậu với vài xị quá đã. Thịt rắn trắng phau như thịt gà. Có người sành nấu ăn, rắn cũng không lột da bỏ, mà chỉ cạo vảy thôi. Da rắn như sụn nhai dòn dòn rất ngon!
Chuột và rắn thì chỉ có dân nhậu mới chiếu cố tận tình, chứ “dân thư sinh, công tử” thì dù có rôti thơm lừng có lẽ cũng chẳng dám đụng vào. Tuy vậy có món chim “túi mắt” thì có lẽ trông sạch sẽ hơn nên ai cũng “xơi” được cả.
Mùa nắng, nhất là sau mùa gặt lúa, ngoài đồng ruộng có một loài chim đi ăn tối, mà bà con hay gọi là chim “túi mắt”, không biết có phải vì nó ngơ ngác khi rọi đèn vào không biết đường mà “bay” nên có tên gọi thế chăng?
Đi rập chim túi mắt thì trước tiên phải có cái cần rập. Đó là một cây sào dài chừng bốn hay năm mét. Đầu sào có một vòng sắt nhẹ tròn to hơn cái “mẹt”một chút, lấy lưới cá quấn vào, vậy là coi như có đồ bắt chim.
Buổi tối, ra đồng rọi đèn pin một vòng thấy có ánh mắt phản chiếu đỏ rực, đó chính là chim túi mắt. Cứ giữ đèn chiếu mắt nó vừa từ từ tiến lại giơ cái rập trên đầu nó, căn chừng vừa lúc là ụp xuống, chim mắc lưới vùng vẫy cách nào cũng không thoát khỏi. Tuy vậy cũng có lúc ụp rồi, giữ rập tới coi thì chẳng biết nó “cất cánh” bay lúc nào mà không hay!
Khác với bắt ếch thì mùa mưa, còn bắt chim thì lại mùa nắng, nhẹ nhàng khô ráo hơn, nhưng chim thì chẳng có nhiều để bắt như ếch. Cho nên cũng chẳng mấy người biết bắt loại chim này để nhậu.
Chim túi mắt rập về vặt lông, bằm nhỏ với gia vị hành ngò tỏi ớt, chiên lên xúc bánh tráng thì thật tuyệt. Hoặc chặt ra ướp gia vị rồi chiên lên, cầm từng miếng nhai nghe dòn thơm ăn hoài không ngán. Nấu cháo cũng vậy, bằm với gia vị rồi chiên sơ đổ vào nồi cháo đang sôi, mùi thơm bốc lên “điếc mũi”! Có khi đi bắt chim về đã nửa đêm, nhưng dân nhậu vẫn hì hục anh bằm anh chiên để “xơi tươi” mới ngon!
Bình Giã, Bình Trung mình bây giờ quán xá cũng nhiều, dân nhậu chẳng mất thì giờ ra đồng ra ruộng tìm rắn bắt chim hay đào chuột, cứ vào quán vài ba anh chung lại là có một bữa vui thịnh soạn từ thịt chó đến lẩu dê, lẩu mắm...cộng thêm vài xị rượu rắn mà cũng không đến nỗi mắc lắm. Tuy thế, các món nhậu đồng ruộng có dịp mà vớ được, bà con ta cũng chẳng tha, vẫn tận dụng như “cây nhà lá vườn” vậy!
Đặng Xuân Hường