Hương Đồng Quê - Bắt Ếch Đầu Mưa
Lẩu ếch là một trong những món nhậu “đặc sản” không những của miền quê đồng ruộng, mà còn ở “thành hoa đô hội” nữa. Dân thành phố mặc dù chẳng bao giờ thò tay bắt ếch trong hang ngoài ruộng, nhưng lắm người sành nhậu món ếch còn hơn cả dân quê chuyên đi câu ếch, bắt ếch.
Nhìn cái lẩu ếch bốc khói nghi ngút giữa bàn, đùi ếch trắng phau nằm lẫn giữa đám rau thơm, xen lẫn mấy trái ớt hiểm cay “xé lưỡi”, cạnh đó vài xị rượu đế thấy đời đáng yêu biết bao!
Dân Bình Giã mình thì chẳng ai lạ gì món ếch, nhưng cũng có thể chẳng được mấy người làm món ếch thật “bài bản” đúng điệu dân nhậu (hồi xưa, chứ bây giờ thì...). Vì bà con ta “chặt to kho mặn”, có sao làm vậy, chứ chẳng mất công mua ba đồ gia vị lẻ tẻ, mất công tốn tiền…vì phải chờ đợi lâu lắc, hơn nữa cây nhà lá vườn, đâu có mua bán chi mà phải công phu thế, miễn là cũng xào, cũng nấu và thêm vài xị nữa là đủ!
Tuy vậy cũng có người quanh năm quanh quẩn đồng quê, nhưng nấu đồ nhậu, đặc biệt món ếch thì đầu bếp nhà hàng thành phố cũng thua xa!
Khoảng những năm Tám mươi, đồng ruộng Bình Giã còn nhiều khe suối, đầm lầy, mấy "trộ" mưa đầu mùa là dịp các cô cậu ếch tràn ra đồng ruộng “hẹn hò làm mưa làm gió”, để thực hiện cái chức năng Thiên phú là sinh con đẻ cái đầy đồng đầy ruộng, vừa “cân bằng sinh thái” cho đời sống thiên nhiên vừa cho bà con và dân nhậu được nhờ!
Dân ta ban đầu chỉ một số ít biết được “ếch đầu mùa”, nhưng về sau thì rất nhiều thanh thiếu niên trong làng rủ nhau đi bắt ếch dịp mưa đầu mùa.
Bắt ếch đầu mưa thật là một cái thú, vừa vui vừa có món nhậu, món ăn cho gia đình. Chẳng phải ai cũng có thể xách bao mà đi nhặt ếch đâu! Vì phải đi ban đêm, chân cẳng phải chịu được bùn lầy gai góc, lạnh buốt của mưa dầm, phải chịu được cảnh “thức đêm mới biết đêm dài”nữa!
Trước đó, dân bắt ếch đã chuẩn bị hành trang đầy đủ, đèn pin là "vũ khí chính yếu" được trang bị sẵn sàng bằng ba pin hay bốn pin. “Sộp” hơn thì tháo đầu đèn ra, ráp bằng tay đồ tự chế để có năng lượng nhiều hơn, bóng đèn cũng cao “vôn” hơn. Kèm theo một số đồ “sơ cua” phòng hờ hết pin, cháy bóng mà ếch thì còn ngao ngán nơi đồng ruộng!
Một tay bắt ếch chuyên nghiệp nhìn là biết ngay, đèn của “lão” sáng như đèn xe hơi, nhìn thấy mắt ếch xa cả vài trăm mét, có khi xa vậy mà còn nhìn rõ cả cặp "cô cậu ếch" đang tình tự nữa!
Sau một dạo đèn pin, bà con thay qua bình ác-qui, vừa mạnh điện, vừa xài được lâu. Hơi nặng một chút, nhưng nhằm nhò gì so với thanh niên dân ta. Tiện lợi là sau một đêm bắt ếch, sáng mai đưa lên chợ xạc lại, tốn chẳng bao nhiêu, khỏi mất tiền mua pin. Bình ác-qui được nai nịt gọn gàng mang sau lưng như cái ba-lô, hoặc được đặt trong ba-lô lính hồi xưa, còn đầu đèn rọi thì cũng được biến chế mang trên đầu, vừa đúng với tầm mắt nhìn. Ra ruộng quét đèn một vòng là xác định được mục tiêu ngay!
Chiều chiều mưa một trận to thì coi như tối đó dân nhậu trúng mánh. Chập tối đồ đạc đã sẵn sàng, có thêm trận mưa nho nhỏ nữa thì chắc mẻm vác bao ếch về!
Lắm khi có cơn mưa nửa đêm, dân bắt ếch vẫn “vùng lên” vất chăn quăng gối, giã từ “em yêu” lên đường tìm đồ nhậu!
Thật ra nói đồ nhậu không thôi cũng oan! Vì có anh mùa ếch bắt cả mấy trăm con ếch, ăn đủ kiểu, nhậu đủ món làm sao hết, vậy là mẹ nó (bà xã) cột lại thành từng chùm năm hay mười con đưa ra chợ bán kiếm tiền dễ như chơi.
Ban đêm ra đồng mùa ếch thì thật là khác thường, góc nào phía nào cũng có ánh đèn pin lia qua lia lại tìm đối tượng. Ếch thì kêu inh ỏi khắp nơi, cộng với nhái bén, ễnh ương giun dế…cũng hoà tấu theo khúc nhạc "du dương" mà chẳng êm tai chút nào!
Có anh mải mê đi tìm “của trời cho” lạc đường không biết lối nào mà mò về, vác bao ếch quanh quẩn đến gần sáng thì mới tìm ra phương hướng. Cũng có anh sau vài giờ mò mẫm bèn chịu thua, tìm đại một căn lều vào nằm ngủ chờ trời sáng cho chắc ăn.
Thực ra đồng ruộng Bình Giã thì chẳng lạ gì với các tay đi bắt ếch, nhưng vì bước chân ra đồng rồi thì coi như chăm chú vào ánh đèn, lắng tai nghe tiếng ếch kêu, “trọn cả tấm lòng” chỉ một nỗi niềm tìm ếch, chẳng phương hướng nào được định ngoài hướng thấp thấp thoáng mắt ếch phản chiếu, thế rồi cứ bước cho đến khi chẳng biết “mười hai bến nước” mình ở bến nào!
Nhất là gặp ngày “ếch rạp”, cứ một lần cúi xuống là một “cặp chàng và nàng lên xe hoa về… nằm lẩu”! Những lúc đó dù có Tây Thi hay Hằng Nga mà kêu: Vô lều em nghỉ ngơi chút anh ơi! Cũng đành từ chối khéo!
Mưa lâm râm, ếch kêu oáo ộp, đèn pin láng nháng khắp ruộng đồng, các “chiến sĩ vô danh” ba lô trên vai bước bước đều dù ruộng sục bùn hay đá dăm lởm chởm…
Nửa đêm về sáng dân bắt ếch về đi dọc đường làng, nói chuyện rì rầm, bà con nằm ngủ trên giường nghe tiếng ếch ộp oạp ngoài đường biết là dân bắt ếch vô mánh rồi! Nghĩ đến nồi ếch xào chuối lá lốt, cay cay ớt mọi…ngủ không nổi nữa!
Trải qua nhiều năm “biến thiên đổi địa”, bây giờ chẳng biết ếch phiêu bạt nơi nào, đồng ruộng Bình Giã qua Bình Trung thì vẫn nằm đó, chứ ai mà khiêng đi mô được, nhưng ếch thì biệt tăm, chỉ còn một ít nơi đồng ruộng khe suối chẳng bõ bèn gì so với ngày xưa!
Đặng Xuân Hường