Hương Đồng Quê - Chiếc "Xe Thổ Mộ"
Hồi còn nhỏ, đọc truyện Tuổi Hoa, có một cuốn truyện loại hoa xanh “tình cảm nhẹ nhàng” mang tựa đề “Chiếc xe thổ mộ”, hình như tác giả là Bích Thuỷ thì phải. Cuốn truyện đề cập đến một chiếc xe ngựa hai bánh, có mui che dùng chở khách trong các thị trấn, hoặc qua lại trên những con đường giữa các vùng quê.
Rồi cũng có một bài học thuộc lòng lớp Ba, Tiểu học nói về con ngựa :
…Con ngựa trông khoẻ mạnh
Kéo chiếc xe hai bánh,
Trong chở đầy bạn hàng,
Trên chất đầy gióng gánh.
Xe đỗ ngay trước cửa,
Em ra đứng nhìn ngựa,
Hành khách đã xuống xong,
Xe tiếp tục chạy nữa…
“Chiếc xe thổ mộ” nghe rất là “văn chương”, có một chút gì gợi đến cảm xúc “hoài cổ” của một thời xa xưa “giai nhân tài tử ngựa xe dập dìu”!
Thời gian trước đây, khoảng thập niên 80, khi xăng dầu đắt đỏ, xe đò chạy thưa chuyến, cũng đã có người dùng xe ngựa chở khách từ Ngãi Giao về Bình Giã tới Xuân Sơn. Dân mình có lẽ nhiều người đã thử qua chiếc xe ngựa đó, chỉ có điều chú ngựa hơi ốm yếu, hành khách ngồi trên xe mà cứ thấy tội nghiệp cho “chú mã” nhỏ con!
Bình Giã mình cũng đã từng có một thời dùng bánh xe ngựa làm xe bò kéo đi rãy, chuyên chở nông sản. Xe bò dân nhà mình thì chẳng có gì là “thơ mộng” văn chương cả, nhưng thực sự đã góp phần cho công việc lao động của bà con ta bớt khó nhọc rất nhiều.
Trước đây, trong thập niên 60 rồi qua đầu 70, đa số bà con gặt hái, thu hoạch nông sản hầu hết được “chuyên chở trên đôi vai”, xe bò lúc đó còn ít, và đa số là bò đôi. Mùa gặt hái, bà con thuê xe bò đôi chở lúa, chở ngô về nhà, hoặc có gì cần thiết như chở cây, chở gỗ cũng thuê xe bò đôi chuyên chở. Thời gian đó, dân mình canh tác ruộng rãy cũng chưa nhiều như sau này nên có lẽ chưa thực sự cần đến xe bò.
Giữa thập niên 70, thì lúc đó “xe bò một”(xe bò chỉ một con kéo) bắt đầu “xuất hiện” nhiều ở Bình Giã mình, và bánh xe ngựa của “Chiếc xe thổ mộ”, là một trong những chiếc xe bò một đầu tiên rong ruổi trên đường quê Bình Giã mình.
Một thời gian ngắn sau thì bánh xe “cứu hoả” là loại bánh xe sắt niền nhựa cũng được bà con ta hoan nghênh, ngay cả bánh xe “thiết giáp” (có phải không?), loại bánh xe nhỏ bằng sắt, niền bằng lớp nhựa cứng cũng được xử dụng.
Ban đầu, bánh xe nhỏ nhẹ nhàng, có niền nhựa tương đối “êm ái” các cô hay cậu bò đều có thể kéo đi được. Bà con ta lúc đó “nhất cử lưỡng tiện”, vừa nuôi bò “mạ” đẻ con, vừa kéo cày bừa và nốt thể kéo xe. Các chị bò coi vậy mà cũng không thua đám “trai tráng” đâu, xem chừng còn nhanh chân hơn mấy cậu bò nữa. Chỉ có điều “mấy ả” dọt lẹ một hơi rồi thở hổn hển như sắp bể “mũi”!
Thế rồi, theo nhu cầu của bà con, bánh xe gỗ niền sắt chắc chắn hơn được “nhập cảng”có lẽ từ Hòa Long, Long Tân hay Long Điền…Không bao lâu sau, thợ mộc Bình Giã mình đã ra lò đóng bánh xe thùng mới tinh và chắc chắn, bà con Bình Giã khỏi phải đi đâu xa để mua cặp bánh xe bò.
Xem ra dân mình cũng rất khéo tay không thua bất cứ dân thợ chính hiệu nào cả. Nhớ lại một dạo có rất nhiều thợ mộc từ ngoài Trung vào đóng giường hộp, tủ trà…rất đẹp, dân thợ mộc mình chỉ nhìn qua sau đó làm y chang được ngay. Chẳng qua là dân mình không coi đó là nghề chính, nên không tìm tòi mẫu mã, không mua sắm dụng cụ cần thiết để đẽo gọt mà thôi!
Xe bò chỉ trong vài năm đã “phát triển” đến mức hầu như nhà nào cũng có một chiếc xe bò, và thêm một “cậu bò” to béo cao khoẻ để kéo xe.
Bà con ta đỡ được gánh vác bằng đôi vai, gióng gánh được dịp nghỉ ngơi “trên gác bếp” hay sau chái nhà!
Khi xe bò đã đủng đa đủng đỉnh khắp làng trên xóm dưới, khắp đồng cạn đến ruộng sâu thì một “sự cố” từ từ xuất hiện: đường sá do bánh xe bò niền sắt “nghiền” hư hỏng, cộng thêm xe cày tải trọng lớn làm lún sâu thêm. Đường sá từ trong làng ra đồng ruộng “tự động” được xe bò và xe cày chia “lane” thành hai ba làn xe. Nhiều khi thấy cũng “kỳ cục” cho đường sá là có “mương” nước chảy ở giữa, trong khi hai bên lề đường thì lại cao hơn!
Xe bò thùng thì khỏi lo “xẹp bánh, xì hơi”, nhưng nặng nề và không “êm ái” cho “tài xế” chút nào. Tuy vậy, dân mình đi làm rãy chứ có phải đi “thưởng ngoạn” phong cảnh đâu mà êm với ái. Miễn là cày bừa cuốc vét, cơm nước…sáng ra đi tất cả đều được đặt lên xe bò khỏi gồng gánh gì cả, và cả cô cậu chủ cũng ngồi “chễm chệ” trên đó nữa! Đến mùa thu hoạch thì đậu ngô khoai bù gì cũng được đưa về nhà bằng xe bò.
Xe bò bánh hơi tiếp nối mang lại nhiều thoải mái hơn cho “cả thầy lẫn tớ”. Tài xế thấy rất hài lòng, và cậu bò có lẽ cũng cảm thấy nhẹ nhàng êm cổ hơn là chiếc xe thùng cọc cạch. Nhất là chở lúa dưới ruộng còn sình ướt, xe bánh hơi nhẹ nhàng hơn bánh gỗ rất nhiều. Chỉ sau một thời gian không lâu lắm, xe bánh hơi thay thế hầu hết xe thùng. Bánh xe thùng lại có cơ hội nép bên hông nhà hay bên chái để “về hưu non”!
Đường sá do ít xe thùng, xe cày chạy đi chạy lại chuyên chở đã mỗi ngày mỗi “trơn tru” hơn, cộng thêm cuộc sống càng lúc càng thăng tiến, bà con tu sửa đường sá kỹ lưỡng hơn, từ đường đất đến lót đá, trải sạn đến bây giờ bà con ta đã thong dong trên đường trải nhựa rồi.
Thời gian trôi qua, “vật đổi sao dời” bà con Bình Giã mình càng lúc càng khấm khá hơn, sau những vụ thu hoạch trúng mùa tiêu , xe cày xới có vẻ lấn chiếm xe bò bánh hơi vì rất tiện lợi, chạy xe xới ra rãy, rồi cũng với đầu máy kéo đó, chạy môtơ tưới tiêu, phát điện, chuyên chở…
Cho đến lúc này thì xe bò bánh hơi cũng từ từ đã đi vào “lịch sử vận tải chuyên chở”, thuyết “tiến hoá” có vẻ đúng với “chu trình phát triển” làng xã dân Bình Giã mình!
Chiếc “xe thổ mộ” không còn nhìn thấy ở nơi nào nữa, kể cả những làng xã thị trấn quanh Bình Giã. Bánh xe ngựa niền cao su, kể cả những bánh xe thùng ngày xưa có lẽ cũng đã đi vào “lò bếp”! Giá mà có một “viện bảo tàng” lưu trữ những phương tiện vận chuyển của dân Bình Giã, thì có lẽ cái bánh xe ngựa phải được để vào một vị trí đẹp nhất, để bà con lớp hậu sinh Bình Giã. Bình Trung nhìn thấy một thời cha ông “rong ruổi” với cặp bánh xe “thổ mộ” do bò kéo, trên khắp nẻo đường xóm làng đồng ruộng quê mình.
Đặng Xuân Hường