Hương Đồng Quê - Mùa Bắp.
Một trong những nông sản được trồng rất nhiều ở Bình Giã từ xưa đến nay, đó là bắp. Dân ta thì ít khi gọi là bắp mà gọi là ngô.
Hồi xưa, Bình Giã ta chỉ trồng ngô trắng thường mà thôi. Có hai loại ngô: ngô trắng hạt lớn cứng và ngô nếp có màu vàng nhạt, hạt mềm, luộc ăn non rất dẻo, thơm ngon.
Khi trận mưa đầu mùa vừa đổ xuống, thì bà con đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng rồi, chỉ còn việc vác cày, dắc bò ra rãy cày luống bỏ hạt nữa là xong. Ngô trỉa trong những đợt mưa đầu tiên mọc rất nhanh và mạnh. Mặc dù sau đó có khi phải chịu nắng ba bốn ngày hay cả tuần, nhưng khi mưa trở lại, thì ngô vụt lớn lên như có ai túm ngọn kéo vậy!
Sau vài ba tuần “tuổi” thì ra nhìn rãy ngô đã thấy màu xanh xanh, cỏ dại cũng bắt đầu chen chân mọc lên. Làm cỏ ngô thì dễ dàng nhất là bắt bò cày giữa hai hàng. Có bị đè bẹp một vài cây thì cũng chẳng ăn thua gì.
Bò kéo cày đi theo hàng ngô trông thì dễ dàng, nhưng cũng có con bò đúng là “ngu như bò”, cứ vài ba bước thì đạp một cây, mấy con bò này nhanh chóng được điều động đi công tác khác nhường chỗ cho một cô hay một cậu có ý tứ hơn. Thế nhưng có khi “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, cậu bò này thì ngay hàng thẳng lối lắm, nhưng bị cái tạp ăn, đi một hàng thì cậu cũng đớp được vài ba cây ngô. Cậu chủ bực mình bèn tròng vào mõm cậu một cái “rọ”, thế mà cu cậu vẫn cọ quẹt cái mõm ra chừng muốn ăn hết vạt bắp cho đã tức!
Chừng sáu tuần thì ngô đã gần đầu gối, thêm đợt làm cỏ nữa. Lần này thì các cô cậu bò đa số đều mang rọ, cũng có một vài cô, chú bò chẳng cần rọ riệc gì cả, chẳng bao giờ cúi mõm lúc đang “giờ làm việc”, và đặc biệt cũng chẳng bao giờ mấy cô chú này dẫm phải một cây ngô. Rất là oan cho mấy cô chú này nếu mà nói là “ngu như bò”!
Ngô càng lúc càng lớn như thổi, chẳng mấy lúc trổ cờ, ra bông non rũ râu đỏ như một cu cậu trổ mã. Thế rồi chẳng bao lâu sau đó thì bà con ra rãy bẻ ngô non về luộc chín để hoà tấu thổi kèn “harmonica”! Nhớ lại nồi bắp luộc vừa đưa ra khói bốc lên nghi ngút, còn nóng hổi vậy, vẫn có thể bóc bỏ lớp vỏ còn lại rồi cạp vài miếng, vừa xuýt xoa cho đỡ nóng vừa nhai nhè nhẹ thấy ngọt lịm cả mồm, thơm nức cả mũi!
Dịp này các cậu đi tán gái ban đêm có lúc được cạp bắp luộc cùng người đẹp. Cây nhà lá vườn, cả rổ bắp được nàng đưa ra, các cậu tha hồ “vừa cạp vừa tán”!
Ngô non chỉ ăn được vài tuần thì cứng hạt, thế là thôi đành chiụ. Thêm vài tuần nữa thì vàng cây, vàng bông, coi như thú ăn ngô luộc chờ sang năm.
Vừa vặn ngô vừa cứng hạt thì có một “loài chim biết nói” đó là vẹt, đã chờ đợi từ lâu, các chú nhóc này chẳng biết gọi nhau như thế nào mà từng đoàn từng lũ từ đâu đổ về các rãy bắp. Nhiều chủ rãy ra thăm vạt bắp mà tức lộn ruột, ngô bị vẹt ăn nửa bông đầy dẫy, đàn vẹt thấy động có người thì bay tứ tán lên mấy cây cao gần đó, kêu “kéc kéc” như hỏi chủ lúc nào thì quay về nhà để chúng làm “tăng” nữa!
Có những đàn vẹt đã quá biết chủ rãy chẳng làm gì được, cứ thong thả đợi trên cây, cho đến khi cậu chủ tức quá, ném vài cục đá lên thì lũ vẹt mới chịu cất cánh bay xa.
Sau một vài năm bị vẹt tàn phá rãy ngô, thì các cậu nhóc lại có một công tác mới: sáng sớm khi mặt trời chưa mọc thì đã khăn gói lên đường vào rẫy “canh vẹt”!
Lũ vẹt rất là tinh quái, nó biết những hình nộm bù nhìn làm ra để hù doạ chúng, nên sau một thời gian thì các ông bù nhìn chẳng còn hiệu quả. Một vài người giăng các loại giây có màu sắc , loại giây đó là giây dùng may bì, có người treo ống loong theo dây để có tiếng động leng keng cho vẹt sợ nữa. Nhưng tất cả đều chẳng làm lũ vẹt sợ, ngoại trừ một người đứng đó, khi thấy vẹt bay đến thì giơ tay giơ cẳng, đập vào miếng sành kêu loảng xoảng thì chúng mới sợ.
Chính vì vậy các cậu nhóc mới có trách nhiệm đi canh vẹt vào mùa ngô cứng hạt cho đến khi gần khô để thu hoạch.
Sáng sớm có khi từng nhóm vài ba cậu rủ nhau đi chung cho vui, sương mai còn ướt đẫm, các cậu vội vã lên đường mong là tới rãy trước lũ vẹt tinh quái đó.
Vậy mà có hôm tới rãy thì đã thấy vẹt từ trong đám ngô nhà mình vụt bay lên. Kiểm tra lại thì ngô đã bị vẹt “hỏi thăm” rồi!
Các cậu cũng có “vũ khí” hạng nhẹ để trị lũ vẹt là “ná cao-su”, nhưng xem ra chỉ gãi ngứa cho lũ vẹt mà thôi! Thấy đàn vẹt bay qua thì giơ ná bắn chỉ thiên lên cho đỡ tức. Lắm khi lũ vẹt đậu trên cây cao, các cậu tới đứng dưới gốc, nả liên tục đạn đá lên, nhưng lũ vẹt vẫn “bình chân như vại” kêu “kéc kéc” ra vẻ thách thức, cho đến khi có lẽ một viên đạn tình cờ vụt bay qua “màng tang” một chú vẹt nào đó, làm chú mất hồn kêu “quang quác” hoảng hồn vụt bay đi, thì cả đàn mới giật mình bay theo.
Một ngày có hai lần vẹt lạng qua lạng lại rãy bắp nhiều nhất là lúc sáng sớm, và lúc chiều tối. Các cậu nhóc canh vẹt, phải đi từ sáng sớm, rồi chiều lại phải ra rãy lần nữa.
Ngồi canh vẹt chẳng biết làm gì, bèn nhúm lửa nướng ngô ăn. Trong túp lều lợp lá kè, bếp lửa cháy khói toả mù mịt, từng bông ngô nướng lần lượt “chui” vào “máy nghiền” các cậu nhóc một cách ngon lành, chập tối lúc ra về thì bụng đã no kềnh, còn cắp theo vài bông ăn dọc đường nữa.
Thời gian sau này thì bà con trồng bắp đỏ, bắp “cao sản”, và có lẽ rừng núi hết rồi, căn nhà thiên nhiên cho các loài cầm thú không còn nữa, lũ vẹt có lẽ cũng “khăn gói quả mướp” dẫn bầu đoàn thê tử thiên di sang những vùng rừng rú khác. Các cậu nhóc Bình Giã bây giờ không phải sáng sớm xách gói cơm chạy tranh đua với lũ vẹt như hồi xưa.
Có chăng chỉ còn sót lại những kỷ niệm của những người thanh niên Bình Giã mấy mươi năm trước, cày bừa cực nhọc với con bò nơi rãy bắp nương khoai, rồi đến khi sắp thu hoạch lại phải canh chừng khỏi bị vẹt phá họai. Tuy vậy, nghĩ đến nồi ngô luộc nghi ngút khói, bên ngoài trời mưa lâm râm, cả nhà vây quanh rổ bắp luộc đầm ấm, cái mệt nhọc ngày xưa lại trở thành những kỷ niệm đẹp trong đời làm nông Bình Giã.
Đặng Xuân Hường