Hương Đồng Quê - Con Ngựa Sắt.
Nói đến “con ngựa sắt” thì lớp nhỏ bây giờ có thể chẳng mấy ai hiểu là cái gì! Nhưng với độ tuổi trên dưới năm mươi, thì chắc chắn ai cũng đã một thời ngang dọc trên nó: “chiếc xe đạp”, từ làng trên xuống xóm dưới.
Có lẽ ông bà cha mẹ ngày xưa, với cái thú trưởng giả “cưỡi ngựa xem hoa”, cũng chẳng được mấy vị nhà có con ngựa để cưỡi đi đây đi đó. Đến khi xe đạp bắt đầu thịnh hành, thì cũng chỉ ở thành thị mới nhiều, chứ vùng quê đèo heo hút gió, quanh năm vác cuốc dẫn bò ra ruộng, chiếc xe đạp vẫn là một xa xí phẩm không dễ gì sắm được.
Cho đến thập niên Sáu mươi, khi ông bà cha mẹ đã tạm ổn nơi vùng đất đỏ Bình Giã thì “con ngựa sắt” có vẻ hấp dẫn bà con ta lắm! Rất nhiều nhà đã có xe đạp. Riêng xe máy nổ thì coi như đang là thứ quí hiếm chẳng mấy khi thấy, chứ đừng nói đến mua sắm.
Cứ tưởng tượng chiều chiều đạp xe ra thăm ruộng, nhìn cánh đồng lúa chín vàng, gió hiu hiu thoang thoảng mùi thơm lúa chín, lẫn mùi thổ ngơi đồng ruộng mà cảm thấy lòng lâng lâng dạt dào tình quê!
Hoặc là sớm mai, cỡi chiếc xe đạp chạy lên chợ Làng Hai, xứ Vinh Châu tìm vào một quán phở, ngồi ăn tô phở nóng hổi, ngửi mùi cà phê thơm bốc khói, nhìn bà con tấp nập kẻ vào người ra buôn bán mà cảm thấy khung cảnh làng quê đáng yêu làm sao!
Xe đạp hồi năm Sáu mấy thông thường chỉ có hai loại, xe khung sườn ngang đàn ông thanh niên rất thích, và xe đầm sườn chéo tiện cho mấy bà mấy cô “dễ lên xe xuống ngựa”!
Nhớ lại thuở nhỏ, mới chừng năm sáu tuổi nhà có chiếc xe đạp khung, thấy cha hay anh lên xe chạy như bay thích quá, thừa lúc không có ai ở nhà dắc xe ra sân thử một vòng coi sao. Thấy dễ mà không phải dễ, chỉ riêng việc dắc nó ra sân đã là vất vả, vì năm sáu tuổi, đầu chỉ cao hơn cái yên xe một chút, một tay “với” lên “ghi-đông” để lái, tay kia vịn vào yên xe, đun đi chưa đủ một vòng thì đã ngã kềnh ra sân. Lật đật gắng sức vực nó dậy để hoàn trả vào chỗ cũ, chỉ mong đừng có móp méo kẻo ăn đòn!
Lắm khi mẹ đang ở trong nhà nghe tiếng loảng xoảng xe ngã hỏi vọng ra:
-Đứa mô mần chi đó?
Thế rồi sau vài đợt dắc ra dắc vô, cậu nhóc nhà ta đã tiến thêm một bước nữa, thò (lòn) một chân qua dưới khung, tay trái nắm ghi-đông, tay phải nắm ngay khung ngang, chân phải đặt lên “pê-đan” và bắt đầu một cuộc thao dượt mới.
Thật là khoái chí, chân phải cứ đạp lắt nhắt, còn chân trái thì “phụ đẩy” xe đi, chẳng dám đặt lên pê-đan phía trái, vậy mà xe cũng cứ chạy vòng này sang vòng khác loanh quanh trong sân nhà.
Lắm khi xe ngã, người thì bổ chồng lên xe, tọac cẳng bầm tay lại bị mẹ nạt cho:
-Xe với cọ! Gãy tay gãy chân cho mà coi! Chưa mần được mô!
Thế rồi, chẳng bao lâu, cậu nhóc đã có thể đặt cả hai chân lên pê-đan, tuy cũng vẫn e dè đạp lắt nhắt, nhưng thực ra cậu nhóc đã thành công trong việc tập chạy chiếc xe đạp một mình. Lúc này thì cậu đã mạnh dạn đưa xe ra đường cái trước nhà và chỉ sau vài tuần, lắm cậu đã có thể “dứt cú chót”: lên khung! Thừa cơ xe đang có đà cu cậu co chân lên đưa ngang qua trên khung, hai tay nắm ghi đông lái xe, chỉ có điều không cách nào ngồi lên yên được, vì chân sẽ không đủ dài để đạp. Thế là chỉ sau vài lần chạy đi chạy lại con đường trước nhà, cu cậu thẳng cánh chạy ra sân nhà thờ hay sân banh, nơi đó rộng rãi cu cậu tha hồ lượn qua lượn lại.
“Cú chót” này đã làm nhiều cậu u đầu, chảy máu, trặc cẳng, sái tay...chẳng là vì lúc xuống xe lúng túng làm xe nghiêng ngả, nếu leo lên cục đá, hoặc lạng qua đường mương thì coi như xong, “về nhà mẹ hỏi qua đường rớt mương”! Té chổng mông!
Lắm cậu với cái u trên trán rướm máu về nhà, chẳng biết dấu đi đâu, mặc dù đã cẩn thận nhai lá “tàu bay” để ép vào cho bớt cục máu bầm xanh lè, nhưng cũng đành chiụ một trận “nạt” như trời long đất lở của bà mẹ sốt ruột thấy con u đầu, với câu kết thúc:
-Tau mà còn thấy dắc xe ra nữa là chết với tau!
Tệ hơn là trặc cẳng hay sái tay nên không cách nào dắc xe về được, cũng chẳng dấu diếm được. Báo hại thằng bạn dắc dùm xe về, thả nằm chổng bánh trước sân rồi dông một mạch vì sợ vạ lây!
Tập xe đạp thật là hứng thú, nên mặc dù hai ống quyển bầm xanh vì bị pê-đan đập vào cũng chẳng thấy đau mấy. Xe đầm thì coi bộ dễ, nhưng lại phải cả hai tay nắm ghi đông nên khó giữ thăng bằng, lắm khi lúng túng ngồi trên hai đường khung sắt chéo xuống, xe lại chạy lung tung lên mấy chỗ đá ong lởm chởm ê ẩm đúng ngay “chỗ thằng cu con” mà chẳng biết làm sao để ngừng lại cái xe quỉ quái!
Nhiều cô cậu bắt đầu tập chạy xe đạp phải nhờ một đứa bạn phụ đẩy và giữ thăng bằng, cách này thì mau biết chạy hơn, nhưng không “oách” bằng mấy cô cậu “một mình một ngựa” mà cũng lên xe chạy như ai! Nhất là các cậu mới năm sáu tuổi mà đã không còn “đạp nhắt” nữa, vì đã “lên khung” rồi!
Đa số xe cũ nên chẳng có dè, có hãm gì cả. Ban đầu, các cậu hãm xe bằng cách đặt cả hai chân xuống đất, có dép thì còn đỡ, chân không lắm khi cũng toạc cả gan bàn chân. Sau đó theo được cách thông thường của bà con ta, hãm bằng cách kê gót chân vào bánh xe sau, nếu mang dép thì tránh được cái nóng do ma-sát, còn không thì lắt nhắt vài lượt là xe cũng ngừng lại ngon lành!
Chỉ sau vài tháng biết chạy xe đạp là cu cậu trổ đủ nghề chạy xe, lạng lách quanh co…có khi còn thả tay lái ra nữa. Có cậu cột một cái bong bóng nơi bánh xe trước, ngay vùng giữa “giông” xe, khi chạy do ma sát tạo nên tiếng kêu “phựt phựt” nhanh hay chậm do tốc độ xe chạy, sáng kiến này có lẽ do các cậu choai choai, thèm một chiếc xe máy Honda mà biết chắc là chỉ trong mơ mà thôi, đành ngậm ngùi ngồi nghĩ cách ít ra cũng được thưởng thức một chút âm thanh na ná xe máy!
Khoảng năm Sáu mấy hay trước nữa, lúc đó xe đạp có lẽ nhập nhiều từ Pháp, loại xe Pơrô…rất tốt, lắm khi hư cái vỏ hay cái líp mà không có đồ phụ tùng thay, để nằm bên hè nhà giữa nắng mưa cả mấy năm, vậy mà nước sơn vẫn bóng loáng. Xe Pháp khung nhôm chắc chắn mà nhẹ nhàng, niền xe cũng bằng nhôm nên rất chắc nhẹ nữa.
Thích nhất là vừa lên học Trung học Tấn Đức ở làng Hai, cha mẹ mua cho một chiếc xe đạp để chạy đi học là thấy sung sướng vô cùng. Rất nhiều cô cậu từ làng Ba lên hay từ làng Một tới trường Tấn Đức vì không có xe đạp, đành phải ngày hai lượt đi bộ.
Hồi đó, mới di cư vô Nam nhà ông bà Toàn Gia Hoà là cơ sở đầu tiên buôn bán, sửa xe đạp đủ loại ở Bình Giã. Ông bà Toàn có mấy cậu con trai, cỡ anh Ngọc học nghề theo cha biết ráp, sửa xe đạp có lẽ từ khi còn "ở trần" mặc quần cụt! Các cô cậu học sinh ra vào cửa tiệm này thường xuyên, nhất là các cô cậu làng Ba tiện đường học về vào thay vỏ xe, vá xe lủng, sửa trật líp… lắm khi chỉ để mượn ống bơm để bơm bánh xe lên. Trước nhà ông bà Toàn có mấy cây xoài lớn, cành lá xum xuê bóng mát thoải mái vừa nghỉ tránh nắng vừa bơm xe!
Sau năm Bảy lăm thì xe đạp trúng mùa, dầu xăng đắt đỏ, nhà nào cũng có hai ba chiếc xe đạp. Thợ sửa xe đạp cắm lều dọc theo đường lộ đếm không hết. Xe sản xuất ra nhiều nhưng kém chất lượng, nhìn chiếc xe mới tinh, đầy đủ yên dè thắng, nhưng chỉ sau chừng ba tháng thì mọi thứ không cần thiết như dè, thắng, chuông…đều “đội nón ra đi”!
Chiếc xe đạp trơ trụi vậy mà tiện dụng, có thể chạy đi rãy mùa nắng, cũng có thể đi lại khắp nơi vào mùa mưa, Bình Giã đất đỏ vừa dính vừa trơn, xe không có dè chẳng phải lo bùn làm kẹt dè.
Mùa nắng, nhiều người đã dùng xe đạp đi củi, lúc đó được gọi là “xe thồ”, nhìn một xe chiếc xe đạp thồ củi thấy mà quá ngán! Chắc người sáng chế ra chiếc xe đạp cũng không ngờ sáng kiến của mình lại được tận dụng để chuyên chở như một “chiếc xe tải hạng nhẹ”! Nhất là loại xe chính hiệu “xe thồ” của mấy người chuyên đi củi rừng, được chế tạo đặc biệt nên rất chắc và cũng nặng khỏi chê. Nhìn một người đẩy chiếc xe thồ chất đầy củi rừng đi một cách nhẹ nhàng, thấy dễ nhưng nếu không quen rớ vào là đổ kềnh ra ngay!
Mấy anh buôn cá từ Long Điền, Đất Đỏ dùng xe đạp lên Vũng Tàu, Long Hải thồ đàng sau một cái “cần xế” (giỏ) lớn đầy cá, chắc gần cả trăm ký, chạy về Suối Nghệ, Ngải Giao, Bình Giã, Xuân Sơn bán lẻ cho bà con.
Các bà các cô đi mua tiêu, mua hạt điều cũng dùng chiếc xe đạp. Buổi sáng thồ tiêu, điều ra chợ, ra vựa cân xong thì chạy tà tà quanh làng xóm, hay ra Ngãi Giao, vào Xuân Sơn tận nhà vườn để thu mua. Chiều về sau “gạc-ba-ga” là một bao tiêu hay đậu, có khi nặng trĩu phải đẩy chứ không thể lên xe chạy được nữa! Rất nhiều gia đình đã nhờ vào chiếc xe đạp ọp oẹp cà rịch cà tàng của bà mẹ mà mua sắm được đủ thứ.
Còn lớp choai choai, những ngày chủ nhật, nghỉ lễ rủ nhau chạy xe đạp đi chơi thác Xuân Sơn, ra hồ Xà Bang, gần hơn thì ra lèn Gia Hoà…Có nhóm Thiếu nhi còn đạp xe ra tận Long Hải để tắm biển nữa, đi xa như vậy thì chỉ có đám con trai mà thôi. Mỗi cậu một xe kèm theo một ít thức ăn thức uống, cũng không quên đồ nghề vá sửa xe, thế là sáng sớm khi mặt trời chưa thức giấc, các cậu rủ nhau cỡi ngựa sắt lên đường tiến ra vùng biển. Sau cả ngày vùng vẫy giữa sóng triều biển cả bao la, chiều chiều gió mát nắng nhẹ lại lên xe đạp về nhà. Từ Bình Giã chạy xe đạp ra Long Hải cũng khoảng ba giờ, các cậu rành đường đi đường tắt qua núi Đất còn gần hơn nữa.
Sau này, xe đạp được tân trang đủ kiểu cách, đủ cỡ lớn nhỏ, cao thấp, nhưng tựu trung thì hai loại xe khung và xe đầm cổ điển vẫn phổ thông hơn cả.
Bây giờ, xe máy nổ đã thịnh hành nhiều, giá cả lại vừa phải nên bà con ai nấy đã mua sắm được. Tuy vậy, chiếc xe đạp vẫn là một “thành viên” không thể thiếu trong nhiều gia đình, và các cô cậu nhóc học Trung học cũng vẫn dùng xe đạp để ngày hai buổi đến trường dùi mài kinh sử, mong ước “có công học tập có ngày…lên xế nổ” để thoải mái đi đây đi đó không còn mỏi cẳng đạp xe nữa!
Đặng Xuân Hường