Tân Liêu Trai: Hoa Xuân.
Những truyện ngắn được viết ra khoảng năm 2005-2008 theo "phong cách truyện Liêu Trai Chí Dị" của nhà văn Bồ Tùng Linh (1640-1715), truyện cũng như lời bàn chỉ có tính cách "giả tưởng, mua vui"...và cũng vì dựa theo các câu chuyện hiện tại nên tạm gọi là "Tân Liêu Trai". Trước đây dưới tên tác giả là BỒ TÌNH TANG, THƯ SINH.
Đặng Xuân Hường
Cuối năm, người người đua nhau sắm Tết. Cảnh chợ tấp nập người mua kẻ bán, hối hả chào mời trả giá, như thể Xuân đã tới nơi rồi.
Sinh cũng náo nức như mọi người, mặc dù trăm sự đã có vợ lo, nhưng chiều chiều vẫn chạy xe ra chợ hoa xem cho đã mắt. Đúng như người ta nói, mùa Xuân trăm hoa đua nở, chợ hoa chờ Tết cũng trăm hoa đem bán! Đủ loại hoa từ Cúc vạn thọ vàng rực rỡ đến Hồng đỏ thắm, từ Lan rừng Lan đất đến Mai núi, Đào nương…
Những cành Đào, cành Mai được cắt tỉa cẩn thận, có khi chưng sẵn trong những chiếc bình sứ rất đẹp. Hoa Mai từ loại năm cánh đến chín cánh, được các nhà chuyên môn trồng tỉa lai giống nên như hoa Mai Cúc vài chục cánh cũng có. Rồi “Mai Tứ Quí” là một loại hoa Mai vàng, nhưng sau khi rụng cánh còn lại đài hoa đỏ và hạt xanh, chừng một tuần hạt chín sẽ chuyển thành màu đen, trông như một bông hoa, vì vậy nó còn được gọi là “Nhị Độ Mai”, nghĩa là Mai nở hai lần.
Đặc biệt có những chậu cảnh Mai, do những nghệ nhân chăm sóc theo kiểu “Bonsai”, búp hoa xanh mướt dày đặc như được gắn lên vậy. Người sành điệu chơi loại hoa cảnh này toàn là những Nghệ nhân, có óc sáng tạo độc đáo, hầu như họ gởi vào cây cái tình cảm, ý niệm thẩm mỹ có tính triết học rất sâu sắc!
Sinh đứng ngắm một chậu Mai được cắt tỉa theo thế “Ngũ Phúc”, cây có năm tán lá, hoa, mỗi tán được chia ra mỗi hướng cao thấp không đồng nhau. Dáng cây như là biểu tượng của năm điều ước muốn đơn giản, mà ý nghĩa vô cùng của con người từ xưa đến nay: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Bên cạnh đó là một chậu Mai theo thế “Phượng Vũ”, cũng với năm tán, một cành lượn ra phía sau như đuôi chim, hai cành tả hữu thành hình hai tán xoè như hai cánh chim đang xoãi múa, cành ức nhỏ hơn các cành khác, ngọn cây để dài ra vươn lên, tượng trưng cho đầu chim. Dáng cây có vẻ đi ngang hơi chúc xuống, làm biểu tượng con chim Phượng Hoàng đang múa, chào đón mừng vui. Còn những cây khác nữa với các thế “Long Giáng”, thế “Mẫu Tử”…cây nào cũng có một tờ “lý lịch” buộc chỉ đỏ trên cành.