Quê Mẹ ngàn thương!
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê Mẹ, ruột đau chín chiều!
Ca dao trong ngôn ngữ người Việt Nam như là một lời tình tự của quê hương, như là một làn hương thơm mùi đồng lúa chín, như là một nỗi niềm man mác khôn nguôi trong lòng mọi người. Không mấy ai mà không thuộc nằm lòng một số câu ca dao, nhất là những câu ca dao nói đến tình cảm quê hương, xóm giềng, tình cảm nhớ thương quê cũ làng xưa…
Những người đã hơn một lần rời bỏ quê hương ra đi thì có lẽ những lời ca dao đó lại càng làm cho day dứt tâm hồn nhiều hơn nữa. Ngay cả những cô gái lấy chồng cũng mang một nỗi niềm “Mẹ ơi đừng gả con xa!” Đi lấy chồng là sống chung với người mình yêu theo định luật tư nhiên, nhưng vẫn lưu luyến cha mẹ vô cùng. Có lẽ đó là một nỗi niềm ngàn đời của tình cảm!
Người Bình Giã sau khi rời bỏ quê hương Nghệ-Tĩnh di cư vào Nam, đã nối kết với nhau qua tâm tình cùng chung một giáo phận Vinh, đó là một nét đẹp đặc biệt của người dân quê mình, khi để một bên cái ranh giới Nghệ An, Hà Tĩnh… mà hướng lòng về một cội nguồn cao quí hơn, thiêng liêng hơn là giáo phận Vinh. Khi nghe nói đến giáo phận Vinh, tự nhiên ai cũng biết mình cùng là người Công giáo, cùng chung một Mẹ giáo phận nơi một miền đất xa xôi cách trở, nhưng lại rất gần gũi trong lòng.
Trải qua bao năm tháng, người dân Bình Giã vẫn mang trong lòng nỗi niềm nhớ thương quê Mẹ, nhớ giáo phận Vinh như là một phần của cuộc sống, không ai có thể tách rời tình cảm đó được, dù là những lớp người trẻ sinh ra sau này, vẫn nghe biết nơi cha anh về quê Mẹ, vẫn có một hoài niệm về quê cha đất tổ, về quê hương đích thực của mình.
Thế rồi theo năm tháng, làng quê Bình Giã lớn lên, số người cũng được nhân lên và cuối cùng Bình Giã được (hay bị) chia ra làm hai đơn vị hành chánh! Lần chia cắt này không gây đau buồn như sự chia cắt hơn năm mươi năm trước, cũng không ai phải gồng gánh ra đi, không ai phải bỏ lại quê hương sau lưng mình để đến một miền đất mới, nhưng chắc chắn cũng đã gây nên một nỗi niềm cho biết bao người nặng tình với cảnh cũ, người xưa. Nếu như tên Bình Giã được chia ra theo cách thức khác như Bình Giã A, Bình Giã B hay Bình Giã 1 , Bình Giã 2 thì cái nỗi niềm đó cũng không có gì phải đáng nói, nhưng đã được đặt lại một cái tên khác, mặc dù cũng không khác bao nhiêu: Bình Trung, một cái tên đầy ý nghĩa đối với người dân đang sinh sống tại quê nhà, họ không có nhiều cảm tưởng xa cách, họ vẫn thấy gần gũi với Bình thôn ngày nào! Nhưng ngược lại, cái nỗi niềm đó lại rất sâu xa với những người con dân Bình Giã sống cách biệt quê nhà, sống bên kia của bờ Thái Bình Dương, bên Tây, bên trời Âu, đất Úc…
Ra đi “mang theo cả quê hương”, ra đi với tất cả tình cảm gắn bó bao nhiêu năm với làng quê Bình Giã, với bè bạn, xóm giềng Bình Giã, với đất đỏ Bình Giã và với cả cái tên yêu thương trìu mến trong tim: xã Bình Giã nữa! Cho nên rất nhiều người đã sống, đã mơ, đã ôm ấp cái tên Bình Giã trong lòng mình như một cái gì đó quí báu vô giá, điều đó thật đúng và cũng thật trân trọng khi giữ được một tình cảm quê hương như vậy. Cũng vì thế, rất nhiều người xa quê có cảm tưởng dị ứng với cái tên mới Bình Trung, vì đã sinh ra lớn lên tại Bình Giã và bây giờ lại đổi qua Bình Trung, hoặc là cái tên Bình Giã đã bao nhiêu năm như một sợi dây vô hình thắt chặt mối tình thân giữa mọi người cùng quê Bình Giã, nay chia ra tự nhiên thấy khác hơn xưa! Thật ra đó cũng là lẽ thường tình của tình cảm trong lòng mọi người, tuỳ theo mức độ tình cảm sâu sắc nhiều hay ít mà thôi!
Người Bình Giã ngày xưa từ quê Mẹ giáo phận Vinh đã giữ mãi cái tình cảm cao quí thiết tha với cảnh cũ tình xưa, vẫn luôn khắc ghi tất cả những gì thân thương nhất từ quê Mẹ, mặc dù ngàn dặm cách xa và sự thay đổi của lịch sử. Bây giờ người Bình Giã cũng đang trải qua một thực tế là sự chia cắt mới đây nó đã trở thành một sự kiện lịch sử, và khi nó trở thành một sự kiện lịch sử thì cũng đành phải chấp nhận một sự mất mát nào đó về tinh thần, sự mất mát này chắc chắn những người Bình Giã xa quê phải trăn trở lắm!
Cũng như khi một người con gái trong gia đình đi lấy chồng, thì cả cha mẹ và cô con gái ai cũng thấy lưu luyến pha lẫn chút xót xa, từ nay mẹ con xa nhau và mỗi người đều có một mái ấm gia đình riêng, tuy vậy tình cảm dù có chia sẻ cho người thân thương khác thì tình cảm mẹ con vẫn như ngày nào.
Bình Giã lớn lên từ người Mẹ thiêng liêng giáo phận Vinh, đã hướng lòng về đất Mẹ một cách nhiệt tình dù bao năm tháng trôi qua, dù rằng thực tế đã ở một khung trời khác với rất nhiều sinh hoạt địa phương, hành chánh khác biệt, Bình Giã là Bình Giã, giáo phận Vinh vẫn là giáo phận Vinh. Và giờ đây Bình Trung lại được (bị) chia ra từ đất Mẹ Bình Giã, chắc chắn thế hệ mai sau cũng sẽ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về Bình Giã của ngày xưa như là người Bình Giã từng nhớ đến giáo phận Mẹ bao nhiêu năm qua.
Người Bình Trung với thế hệ hiện tại cả ở trong và ngoài nước, hơn nửa cuộc đời lớn lên trong cái tên yêu thương Bình Giã thì giờ đây có lẽ vẫn mang tâm tình đó cho hết cuộc đời, còn thế hệ sinh ra từ khi giấy khai sinh được ghi bằng tên mới Bình Trung, có còn suy nghĩ như cha anh nữa không? Có còn thấy Bình Giã là quê hương yêu dấu ngàn đời nữa không? Hay trong tim của thế hệ mai sau chỉ còn có Bình Trung mà thôi!
Tất cả những điều đó đang xảy ra và sẽ xảy ra, chúng ta là những người nối kết những thế hệ này với thế hệ mai sau, hãy làm như thế nào để sau này Bình Giã-Bình Trung song hành trong một nhịp đập của con tim đất Mẹ giáo phận Vinh, song hành trên một con đường sống đạo yêu thương, hướng về một Bình Giã của ngày xưa cha ông ta đã phá rừng cày bừa đất hoang để được phong phú như ngày hôm nay.
Đặng Xuân Hường