Quê hương tôi: BÌNH-GIẢ hay BÌNH-GIÃ.
Từ bao năm qua, bà con ta, từ nhỏ đến lớn, sống quanh quẩn trong làng xóm, Làng Hai hay làng Ba, làng Một, ai cũng quá quen thuộc với những tên làng xóm đó. Khi có ai hỏi “Anh chắt nứ…” hay “Ạ hoe nớ ở mô đó hầy?” Thì chẳng mấy ai trả lời dài giòng: Ở xứ Vinh-Trung, ở thôn Vinh Hà, ở ấp Vinh-Châu…mà gọn gàng dễ hình dung ở đâu ngay : Ở làng Ba, làng Một, làng Hai…
Bà con ta có thể cũng chẳng mấy ai biết rõ nguồn gốc tên mấy địa danh ấp, thôn, xứ cho thật rõ ràng, ngoại trừ chữ Vinh thì có thể ai cũng nghĩ do là người mình gốc Địa phận Vinh (Bà con có thể tham-khảo ở mục Lịch sử BG)
Và với âm giọng của dân Nghệ-Tĩnh-Bình, thì mấy địa danh, làng Một, Hai, Ba, Xứ Vinh Hà, Vinh Châu, Vinh Trung rất dễ nói, chẳng có những dấu giọng như hỏi, ngã nào cả.
Qua đến tên các họ thì đa số cũng thế, như làng Một,(các khóm, họ đề cập đến trong bài này là trước lúc chia Xã) với các Họ Văn Yên, Gia Hoà, An Hà, Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc, chữ Vĩnh nằm trước nên âm sau Phước, Lộc cũng chẳng ảnh hưởng chi mấy đến giọng nói.
Làng Hai với các Họ Xuân Phong, Nghi Lộc, Phi Lộc, Phú Linh, Đông Yên, Vĩnh Hoà…cũng hầu như không có hỏi ngã ở chữ thứ hai là những chữ có âm giọng hơi khó nói cho thật đúng với dân mình.
Đến làng Ba thì có Nhân Hoà, La Nham, Xuân Mỹ, Bình Thuận, Yên Đại, Quan Lãng, Qui Hậu, Ngọc Long, Sơn La (Ngọc Long và Sơn La sau này nhập lại làm một với tên gọi Ngọc Sơn). Làng Ba có tên hai họ với dấu ngã ở chữ thứ hai là Xuân Mỹ và Quan Lãng, thế nhưng hầu như chẳng mấy ai nói đúng với dấu giọng đó, vì dấu ngã có âm “trường thanh” đọc một chữ có dấu ngã hầu như phải kéo dài và “rướn lên” một chút. Dân ta “chặt to kho mặn” Xuân Mỹ đọc thành “Xuân-Mỵ”, Quan Lãng đọc thành “Quan-Lạng”, nếu có rán một chút thì cũng thành “Xuân Mỷ”, “Quan Lảng”, có lẽ vì đa số dân ta giọng nói hơi nặng nề một chút nên tất cả đều nói “đoản thanh”, ít khi kéo dài âm ra.
Bà con ở họ Nghi Lộc, Phi Lộc có vẻ âm giọng đọc, nói đúng dấu giọng nhiều hơn so với các họ khác (?). Thực tế thì các âm giọng nói chẳng ảnh hưởng chi đến các sinh hoạt thường ngày của bà con, ngoại trừ các “ chú choai choai”, có khi nghịch ngợm nhại giọng chọc ghẹo nhau một chút, hay “bặm trợn” hơn thì cả gan nhại tiếng chọc mấy bà cụ!!!
Tuy là đọc, nói, viết khác nhau, nhưng địa danh các họ thì từ xưa tới nay vẫn y nguyên, chỉ riêng một địa danh lớn hơn là Xã thì đã bị biến đổi từ “BÌNH GIÔ sang “BÌNH GIẢ”!
Sau một thời gian dài “Năm mươi năm” định cư tại một vùng đất tương đối trù phú, cuộc sống bà con ta đã thay đổi nhiều, và không ít bà con lại tái định cư một nơi xa xôi hơn nữa tận châu Mỹ, châu Âu, châu Úc…Nỗi khắc khoải lưu luyến quê hương hầu như ai cũng nhớ về quê cũ, lớp các cụ thì nhớ nguyên quán ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nếu đã từng sinh sống ở Bình Giả và bây giờ đi xa thì nhớ đến quê hương thứ hai “BÌNH-GIÔ. Lớp trẻ hơn sinh trưởng trong Nam đang ở nước ngoài thì cũng “chạnh lòng thương nhớ nơi chôn nhau cắt rún BÌNH-GIẢ!” Hai ba thế hệ: ông, cha, con, lớp già, lớp trung niên, lớp trẻ vẫn nhớ đến quê nhà! Nhưng “Bình Giã” của ngày mới vô Nam, sau năm mươi năm “định cư”, sau ba mươi năm “đổi đời” đã “tiến hoá”, đã “biến hoá” hay đã “thoái hóa” thành “Bình Giả”???
Một thực tế không phải tranh cãi: địa danh “BÌNH GIÔ là tên nguyên-thuỷ đã được đặt cho khu định cư bà con ta, và bây giờ theo thời gian đã biến đổi đi một chút, mà một chút đó lại “không nhỏ”!
Cái thay đổi “không kèn không trống” này có lẽ chẳng là chủ đích của ai cả! Nó đến từ từ đến nỗi chẳng ai để ý, chẳng ai quan tâm. Mà thật là “khó hiểu”, nó chỉ được bà con trong Xã “đổi thay”, trong khi nơi bản đồ Hành chánh hiện hành của Tỉnh Bà-Rịa Vũng-Tàu cũng chẳng “thay đổi”! Thành phố Vũng Tàu có một con đường mang tên “Bình Giã”, đúng với tên nguyên thuỷ của Xã nhà chúng ta! (Xem attach BandoBRVT hoặc vào Saigonbao.com ở mục báo Bàrịa VT)
Trong Lịch sử cũng có rất nhiều trường hợp tên địa danh biến đổi, và sau này thì con cháu “chẳng biết đàng nào mà mò cho đúng cả”! Như tên Sài Gòn, La Vang…cũng đã được ghi vào “sổ bàn cãi” của các nhà khảo cứu!
Vậy thì tên “Bình Giả” có nên đem trở về “nguyên thuỷ” là “Bình Giã” không? Cả ba thế hệ còn đang “hiện diện” đầy đủ cả, bà con chúng ta có lẽ nên hội ý để tìm ra giải pháp cho cái “biến đổi đi một chút” này, kẻo rồi sau này trăm năm nữa con cháu lại “cãi nhau như mổ bò” để “nghiên cứu”!
Thời gian sau này, địa giới được cả bên Giáo hội, cả bên Chính quyền phân ranh lại. Xã Bình Trung ra đời, bà con ở Xã Bình Trung thì khỏi phải băn khoăn sau này có bị “biến đổi” gì không? Bảo đảm chữ Trung này thì đọc, nói, viết thế nào “cụng rứa mà thôi! Nỏ trật đi mô được”!
Chỉ có chữ “Giã” đã không biết vì lý do gì thành “Giả”? Có phải vì giọng nói lâu ngày thành quen, rồi từ ấn tượng nghe ra viết….Hầu hết bà con ta khi nói thì chữ “Giả” đó ai cũng nói thành “Giạ”! “Bình Giạ độ ni tiêu trúng lắm!”; “Về Bình Giạ dừ khác lắm rồi! Nhưng nếu phải viết ra thì không ai viết “Giạ” mà viết là “Giả”! Có lẽ từ đầu chẳng ai cho là quan trọng khi nói “Bình Giã” hay “Bình Giả” hay “Bình Giạ” cũng được! Tiếng dân ta mà!
Thế là từ chuyện nói sang chữ viết cũng thế, Bình Giã hay Bình Giả cũng chẳng ai nói chi. Trên giấy tờ chẳng ai để ý cái dấu hỏi hay ngã đó. Nếu như Bình Ba, Ngãi Giao hay Xuân Sơn mà thêm một cái dấu cỏn con vào chữ thứ hai thì có lẽ ai cũng “há hốc mồm ra!”
Dù sao thì khi biết chữ “Bình Giã” của một thời được bao bọc bởi luỹ tre làng, đã thay đổi từ từ theo các bụi tre lần lượt ra đi, và bây giờ trở thành “Bình Giả”, có lẽ ai cũng có nhiều suy tư lắm!
Ôi! Quê-hương, Bình-Giã của tôi ơi!
Năm mươi năm, đã quá nửa đời người,
Đây đất lành, nơi chôn nhau cắt rốn,
Một thời trên đất Mẹ, một đời tôi!
Ôi! Quê-hương, Bình-Giã ngày xưa ơi!
Nhớ mãi trong tim, dẫu ở xứ người,
Mai này giũ sạch nợ trần vương-vấn,
Về vui trong đất Mẹ, thoả lòng tôi!
đặngxuânhường.
Bài viết này chỉ là một ý kiến riêng, nhân đọc bức thư của Bác Thông, người đã đưa ý kiến về hai chữ nguyên-thuỷ tên Xã Bình-Giã. Xin Bà con xa gần góp ý để thảo-luận về đề-tài này trong mục DIỄN ĐÀN BÌNH-GIẢ.
Xem bài viết của thầy ĐINH BẠT LIỆU: Tìm Hiểu Lịch Sử Và Tên Gọi Bình Giã
https://binhtrung.org/a37527/tim-hieu-lich-su-va-ten-goi-binh-gia