Mỗi mùa xuân qua đi, lại thêm một lần người ta ngậm ngùi nghĩ về quá khứ, về thời gian đã vụt mất rơi vào dĩ vãng vô tận. Tôi cũng vậy, đã có một mùa Xuân trăn trở trong lòng, mùa Xuân thiếu vắng một tình cảm bao la mà có lẽ niềm vui lúc ấy: lấy chồng, cũng đã không khoả lấp được nỗi nhớ Mẹ.
Năm ấy, tôi vừa tròn mười tám tuổi, tuổi đẹp nhất đời con gái, tuổi “lấy chồng lý tưởng” ở Việt Nam, theo như quan niệm của ông bà Cha Mẹ mình. Tôi lấy chồng, nhưng lại lấy chồng xa xứ, lấy chồng Việt kiều. Chuyện tình cảm đó đến với tôi vừa bất ngờ vừa có vẻ “nhanh gọn” làm cho tâm hồn tôi ở tuổi mới lớn, rất nhiều mơ mộng, cũng chẳng mơ mộng được gì nhiều về tình cảm lãng mạn, về tình yêu trai gái hẹn hò nhớ nhung. Có lẽ chuyện lấy chồng bắt nguồn từ việc ra đi tới một xứ xa lạ làm cho tôi hình như “mơ ước” nhiều hơn mơ mộng.
Nhưng rồi mọi chuyện cũng trôi qua thật đẹp và êm đềm. Tôi rời Việt
Qua đến Mỹ, mọi chuyện cưới hỏi nhà trai đã xếp đặt đâu vào đấy. Tôi chẳng có gì phải lo. Gia đình chồng rất thương mến tôi, và chồng tôi thì lại càng quan tâm đến tôi, chàng nâng niu tôi “như sợ chiếc bình vỡ toang ra thì phải”! Mùa Noel ở đây lạnh hơn ở Việt
Có lẽ từ nhỏ, Mẹ đã ấp ủ tôi trong lòng, Mẹ đã lo cho tôi từng giấc ngủ, từng miếng cơm. Khi nóng lạnh cảm sốt, Mẹ lo từng viên thuốc. Còn tôi thậm chí mua chiếc áo, tôi cũng hỏi Mẹ xem có vừa không có được không. Cắt mái tóc tôi cũng nài kéo Mẹ đi cho bằng được để xem có đúng ý Mẹ không. Mẹ vui lòng là khiến tôi ưng ý ngay. Những đêm buồn, tôi nằm tỉ tê với Mẹ để nỗi lòng trôi thoát đi trong giấc ngủ êm đềm. Mẹ như là một người bạn để tâm sự lúc vui buồn, như là một người cố vấn khi cần hỏi những điều hay lẽ phải hoặc khi phải quyết định một điều gì khó khăn. Giờ không có Mẹ kề bên, cuộc sống như thiếu vắng một trụ cột chống đỡ cho tôi từ thuở nhỏ.
Mùa Xuân đến, trong khi tôi gọi phôn về thăm Ba Mẹ, mọi người ở quê nhà đang chuẩn bị cho cái Tết đã gần kề, ai cũng náo nức mua sắm, ai cũng thấy bầu không khí hân hoan, chào đón mùa Xuân thật tưng bừng. Nhưng ở nước Mỹ mọi thứ vẫn không có gì khác mấy. Tôi đã ở riêng với chồng và vẫn đang ở nhà với công việc “nhàm chán và xa lạ”: nội trợ! Tôi lấy chồng mà chưa một lần biết lo toan chuyện nấu nướng bữa cơm cho ra hồn, nói chung là mọi chuyện bếp núc ở nhà trước kia đã có Mẹ lo nên giờ đây, tôi như hụt hẫng. Đã có lần gọi phone về thăm Mẹ và cũng vừa hỏi Mẹ phải nấu ra sao một món ăn đang nấu trên bếp. Chồng tôi có lẽ là người chồng rất lý tưởng, vì chàng đoán biết hầu như mọi ý tưởng của tôi. Chàng cũng chẳng phiền trách gì tôi cả. Có lần, thấy tôi lúng túng trong bếp, chàng âu yếm bảo:
-Thôi cưng ơi! Anh đưa cưng ra tiệm nhanh hơn nhé, kẻo chồng đói rồi nè. Món đó để dành mai ăn cũng không muộn.
Vậy là tôi thoát khỏi cảnh “trái ngang” trong bếp, cười vui vẻ lên xe theo chồng ra tiệm ăn.
Những ngày gần Tết, chồng tôi dẫn tôi đi chợ thật xa, đến thành phố có nhiều người đồng hương, có chợ, có thức ăn Việt Nam. Đã mấy tháng, chẳng mấy khi đi xa, chẳng mấy khi thấy người Việt mình nên tôi vui hẳn lên. Đến chợ thấy cành mai vàng chưng bán để mừng Xuân, có lẽ tôi mới nở đưọc nụ cười vui, chồng tôi thấy tôi đứng ngắm nghía cành mai, chàng không ngại mua ngay cành mai vàng đó và còn lấy thêm nhiều chậu hoa lan, những bó hoa chưng bàn nữa. Tôi nhìn mấy cặp bánh chưng mà cảm thấy nôn nao, chẳng phải thèm gì ăn, nhưng tự nhiên một cảm giác lạ lùng dâng trào trong lòng, tôi như chợt thấy quê hương nằm yên trong tâm trí thức dậy. Nhìn những bao lì xì màu đỏ thắm, tôi như sống lại cái cảm tưởng ngày đầu năm Ba Mẹ lì xì lấy hên cho các con. Ngày hôm đó là một ngày vui cho cả hai vợ chồng tôi. Chàng luôn tay sắp mọi thứ lên xe đẩy, tôi vui vẻ nói cười, một ngày đi sắm chợ Tết, mặc dù so với quê nhà thì chẳng vào đâu cả, nhưng ở đây như thế là tương đối đầy đủ rồi.
Chồng tôi qua Mỹ từ hồi còn nhỏ xíu, vậy mà rất tinh ý trong việc giúp tôi quen thuộc với Tết Việt
Đêm giao thừa, tôi gọi phone về thăm và chúc tuổi Ba Mẹ, nhưng gọi mấy lần mà đường phone chẳng nối được. Tôi ngồi im lặng lẽ nơi sofa, chồng tôi biết tôi đang nhớ nhà, chàng thông cảm và tìm cách làm cho tôi vui. Nhưng có lẽ thâm tâm tôi đang lẫn lộn giữa nỗi nhớ nhà, thương Mẹ, cảm giác xa lạ của không khí Tết nơi quê người nên chẳng thấy vui chút nào cả. Hồi tưởng lại năm ngoái giờ phút này tiếng pháo Giao thừa nghe ròn rã, xác pháo đỏ hồng bay tung toé khắp nơi, mùi khét của thuốc pháo cộng với khói bay mù mịt, thật khó chịu nhưng không khí Tết thật rộn ràng khắp trong cùng ngõ hẻm ra đường phố.
Đêm ấy, tôi nằm khóc thầm, nước mắt thấm ướt cả gối. Giao thừa trên đất Mỹ sao mà nhớ Mẹ vô cùng. Chỉ mới mấy tháng xa nhà mà tôi có cảm tưởng mấy năm. Tôi cứ nghĩ giá mà có xe đò về quê được chắc tôi cũng chẳng từ. Buổi chiều ngày mồng một, chồng tôi dẫn tôi xuống chúc Tết Ba Mẹ chồng. Nơi nhà chồng, mấy anh chị em tụ họp lại, các cháu vui cười tung tăng mới thấy không khí có vẻ Tết một chút.
Rồi từng Mùa Xuân qua đi, tôi đã có mấy con với chàng, nhưng mỗi độ Xuân về, lòng tôi lại nao nao nhớ đến mùa Xuân xưa, mùa Xuân thời con gái mới lớn vừa lên xe hoa về nhà chồng, niềm vui lấy chồng lẫn lộn với nỗi buồn man mác xa Ba Mẹ, xa quê hương. Mùa Xuân đó xem ra chẳng trọn vẹn lắm, nhưng lại là mùa Xuân day dứt để lại dư âm vấn vương nhớ mãi trong đời.
Đặng Xuân Hường.
(Viết theo tâm tình của một người bạn)