Buổi sáng thứ Bảy trời mát, nắng ấm rọi vào tận ngạch cửa nhà, đã gần đến giờ học Giáo lý Thêm sức của thằng cu Tĩnh, mà nó còn loi nhoi nơi mấy con dế. Hôm qua đi học ở trường về, chiều thứ Sáu không có bài tập làm ở nhà, nó xin mẹ đi ra nơi đám ruộng gần nhà bắt dế. Gặp bữa hên, nó bắt được gần chục con dế chọi đen thùi lùi, mấy con dế này chọi nhau rất ác liệt. Cả đêm cu Tĩnh ngủ ngon trong tiếng ru của dế.
Bà Huyễn vừa đi ra sân sau vừa nhắc con:
-Rửa mặt mũi đi rồi qua lớp học Giáo lý đi con!
Nhà cu Tĩnh rất gần với nhà thờ, nên nó chỉ cần năm phút là chạy qua vào lớp học chẳng bao giờ lo trễ. Các Dì dạy Giáo lý cũng rất dễ dãi, nói dễ dãi là với những em siêng năng mà vì những lý do chính đáng nên trễ hoặc nghỉ học, chứ mà làm biếng thì các Dì cũng chẳng dễ đâu! Cu Tĩnh chăm học lại ngoan, nên Dì nào cũng thương. Gặp bà Huyễn đi lễ, các Dì khen cu Tĩnh hết lời làm bà cũng nở mũi.
Thằng cu Tĩnh đã cất dế vào gầm tủ, nó từ trong nhà chạy ra cười với mẹ:
-Mẹ đừng cho đứa nào rớ vào mấy con dế của con nhé!
-Ai mà ăn dế của mày được! Cả đêm tao điếc tai vì dế của mày rồi! Bà Huyễn cũng cười.
Cu Tĩnh vừa rửa mặt vừa nói:
-Tối nay con đem ra sau hè nhà! Không để trong nhà nữa đâu mà mẹ lo!
Bà Huyễn đang rửa mớ rau, bà dừng tay nhìn lên ngọn cây đu đủ, có vài trái đã hơi có màu vàng. Cây đu đủ này rất cao, nhưng trái lớn và cũng ngon ngọt nhất trong mấy cây đu đủ trong vườn. Mỗi trái cũng cỡ chừng năm sáu ký là ít, lúc chín ruột có màu tím nhìn rất hấp dẫn, loại đu đủ này ở đây còn đang hiếm lắm. Bà nói với cu Tĩnh:
-Tĩnh, hay là con trèo lên cây đu đủ hái vài trái đem qua biếu mấy Dì đi con. Để thêm vài hôm nữa là mấy anh mấy chị xí phần mất, chẳng bao giờ có mà biếu mấy Dì cả. Mấy lượt rồi, mẹ tính biếu Dì mà lúc ra nhìn lên thì đu đủ đã mất tiêu đâu rồi!
Cu Tĩnh ngước nhìn lên ngọn cây:
-Con thấy ở nhà mấy Dì cũng có đu đủ mà mẹ!
-Nhưng cây đu đủ này ít ai có lắm, con không biết sao? Đu đủ tím mà, trái lại to nữa!
Bà Huyễn lấy cái thang dài ra đặt dựa vào cây đu đủ, cây thang đã dài thế mà cây đu đủ còn cao hơn cái thang cả mét. Thằng cu Tĩnh đã mấy lần trèo lên hái cây đu đủ này rồi, nên cao nó cũng không ngán. Nó cầm cái giỏ lác trèo lên cái thang thoăn thoắt, một loáng là đã lên đến gần ngọn cây, cái khoảng một mét cao hơn cái thang của cây đu đủ lần nào cũng làm nó mệt đừ, vì phải mang cái giỏ lác vào vai rồi ôm lấy cây đu đủ leo lên.
Cu Tĩnh đã lên đến ngọn cây đu đủ, nó hổn hển thở hỏi mẹ:
-Hái một trái hay hai trái mẹ?
-Một trái thôi! Hai trái nặng quá, con không mang nổi đâu! Hái trái vàng hơn phía bên tay phải con đó!
Cu Tĩnh quàng hai tay qua cây để vặn xoay trái đu đủ, nó nặng nên cu Tĩnh cũng rất cẩn thận kẻo lỡ tay rớt xuống đất thì bể mất, nếu không bể thì vài ngày sau lúc chín mềm cũng mất ngon. Trái đu đủ đã đứt cuống lìa ra, một tay nó ôm vào bụng, một tay ôm thân cây tuột từ từ xuống cái thang. Bà Huyễn giữ cái thang cho khỏi rung rinh vừa nói:
-Cẩn thận nghe con!
Trái đu đủ nằm gọn trong cái giỏ lác, cu Tĩnh quàng vào vai rồi từ từ xuống thang. Gần đến đất, bà Huyễn nói:
-Con đưa mẹ đỡ cho. Cẩn thận đừng vội nhé!
Bà Huyễn đỡ cái giỏ nặng trĩu, cu Tĩnh thở phào, còn hai bậc thang nữa mới tới đất, nó nhảy xuống, chân đúng phải hòn đất, ngã sóng soài ra rồi la lên:
-Đau mẹ ơi!
Cuống cuồng, để cái giỏ xuống, bà Huyễn đỡ con đứng lên, nhưng cu Tĩnh bước đi không muốn nổi, chân nó bị bong gân hay sao đó. Bà Huyễn suýt soa:
-Tại mẹ rồi, tại mẹ rồi!
Bà dìu cu Tĩnh vào nhà ngang, ngồi nơi cái phản gỗ, thoa dầu xanh vào bàn chân rồi xoa bóp cho nó. Cu Tĩnh mếu máo:
-Gần đến giờ vào lớp rồi! Làm sao con đi học đây?
-Con đừng lo, để mẹ qua nói với Dì cho con nghỉ sáng nay!
-Con không muốn nghỉ đâu! Mai mốt không đủ điểm con không được chịu phép Thêm sức lần này!
Nói xong cu Tĩnh, đứng xuống đi cà nhắc vào nhà thay quần áo. Bà Huyễn bối rối nhìn con, thoáng ân hận vì bảo nó trèo hái đu đủ mà bị trật chân. Nhìn nó cà nhắc đi qua nhà thờ đến lớp Giáo lý bà vừa vui vừa buồn, vui vì thằng con đau thế mà cũng không chịu nghỉ học, buồn vì đã không để ý, đừng để nó nhảy xuống thì đâu đến nỗi. Bà chắt lưỡi:
-Thôi, nó đi học được thì cũng mừng, chắc mai mốt thì khỏi chứ lâu lắc gì! Con nít mấy cái đau lẻ tẻ này thì nhằm nhò gì!
Nghĩ vậy, bà Huyễn xách cái giỏ lác với trái đu đủ lớn vàng hườm nặng trĩu, đi tới nhà Dòng.
Dì Mến nhìn cu Tĩnh đi vào lớp với cái chân cà nhắc, Dì hỏi nó:
-Sao thế Tĩnh, em chạy bị té hả?
Cu Tĩnh cười lắc đầu:
-Dạ con đâu té ngã gì đâu!
-Sao chân em bị gì vậy?
Nhìn bộ mặt của nó, Dì Mến biết chân nó đau lắm, cười thế nhưng không dấu được cái vẻ chịu đựng. Mới ngã năm mười phút trước đó, lại lật đật đi tới lớp học nên cu Tĩnh ngồi xuống bàn hơi nhăn nhó, thoáng vẻ khó chịu.
Dì Mến bước đến nhìn bàn chân của nó, Dì thấy không chảy máu hay bầm dập gì cả. Dì xoa đầu nó:
-Nói cho Dì biết đi, con té phải không?
Cu Tĩnh nhìn Dì Mến rồi trả lời:
-Dạ, con té đó Dì, mới hồi nãy chứ lâu gì! Tại là vì mẹ con nói con leo lên cây đu đủ hái một trái để mẹ con đưa qua biếu Dì! Mà không phải con té từ trên cao đâu, con leo xuống cái thang con vài bậc nữa con nhảy xuống, trúng ngay cái cục đất nên mới đau đó thôi!
-Có phải trái đu đủ tím mẹ con đưa qua Dì sáng nay không?
-Dạ đúng đó Dì, mẹ con nói là leo lên hái xuống đưa qua Dì, không thì anh Hai con hái mất. Lần nào cũng thế, mẹ con nói vừa thấy đu đủ vàng là biến đâu mất, đâu có mà đưa qua Dì!
Dì Mến đi vào nhà Xứ lấy thêm lọ dầu nóng với cuộn băng, Dì thoa thêm dầu nóng rồi quấn băng lại:
-Con cứ giữ thế cho dầu nóng làm ấm chỗ bị đau sẽ mau lành hơn.
Hôm đó cu Tĩnh học Giáo lý với cái bàn chân “băng bột”, nên mấy đứa bạn chọc ghẹo:
-Ê Tĩnh mày gãy chân hồi nào vậy?
-Tao nghĩ là tuần tới mày phải chống nạng đi học đó mày!
Nhưng nó rất cảm động vì được Dì Mến săn sóc đến cái bàn chân của nó. Tan học, Dì Mến dẫn nó về. Bà Huyễn luống cuống thấy chân cu Tĩnh trắng xoá hơi khập khễnh đi với Dì Mến vào nhà. Dì cười:
-Hồi sáng bác đưa đu đủ qua, con nói vườn nhà Dòng cũng có đu đủ, bác bảo là trái đu đủ tím này ngon lắm! Thế nhưng có lẽ chưa thấy đu đủ tím ra sao cả, mà Tĩnh đã tím chân rồi đây bác!
Bà Huyễn cười lúng túng:
-Dạ lỗi tại con đó Dì, biểu nó leo cây đu đủ hái nên mới bị đó. Mà thực ra tại nó nhảy trúng mấy cục đất mới bị đau chứ hồi nào tới giờ nó leo giỏi lắm! Mà nó có sao không Dì, con nói nó nghỉ học để mẹ qua xin phép cho, nó đâu có nghe!
-Cũng chẳng sao đâu, vài bữa là khỏi! Nhưng lần sau có leo hái đu đủ cũng đừng nhảy nữa nghe Tĩnh. Dì Mến vừa nói vừa xoa đầu nó.
Bà Huyễn nhìn theo bóng Dì Mến đi ra ngõ, chiếc áo Dòng nổi bật giữa nắng buổi trưa. Bà có cảm tưởng như những Bà Tiên trong chuyện cổ tích, các Dì Sơ thật là những người có tấm lòng hy sinh. Họ đã dâng hiến suốt một đời để phục vụ, bà chưa biết ở bệnh viện, trại mồ côi hay trại cùi ra sao, nhưng bà có nghe nói ở những nơi đó, có rất nhiều Dì Sơ hy sinh tận tuỵ để chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, giúp đỡ người bệnh. Tháng trước, bà đưa con gái đi bệnh viện để sinh đứa con đầu lòng, vào bệnh viện chỉ ngửi mùi thuốc bà đã muốn ói, vậy mà nhiều Dì Sơ cả đời cứ lo chăm sóc người bệnh ngày này qua ngày khác trong các bệnh viện.
Đã có lần trời mưa tầm tã, bà Huyễn mang áo mưa đi đọc kinh, qua bên nhà thờ bà thấy Dì Mến cũng đang mang áo mưa, tay ôm mấy bó hoa để chưng trên bàn thờ. Từ những công việc nhỏ bé đó cho đến những việc dạy Giáo lý, tập hoạt cảnh, tập hát…các Dì vẫn luôn quan tâm âm thầm làm việc chẳng bao giờ than phiền gì cả.
Bóng Dì Mến đã khuất sau con ngõ, bà Huyễn nhìn mấy cây đu đủ, bà nghĩ thầm “cây nhà lá vườn” chẳng đáng chi với mấy Dì, nhưng để “chia sẻ” cho vui vậy mà! Ở vùng quê, ai cũng nghèo cả, chẳng dư giả, các Dì Sơ cũng biết quá rõ, nên nhà Dòng có gì, các Dì cũng đem cho người nghèo hết! Có lẽ cái cảnh nghèo của làng quê nó cũng làm cho nhà Dòng mấy Dì càng nghèo thêm! Nhưng dù nghèo ra sao đi nữa thì các Dì vẫn “giàu lòng bác ái!” Bà Huyễn bật cười lẩm bẩm một mình:
-Cái giàu này lại không mấy ai ham mới chết chứ!
Đặng Xuân Hường