Cơm Trước Kẻng

15 Tháng Tám 20174:36 SA(Xem: 3085)

Người bạn vai anh của tôi, một tác giả chuyên viết về các đề tài luân lý đạo đức trong đạo ngoài đời, bảo:

     – Anh em mình già rồi, chắc phải nghỉ viết thể loại văn nghị luận thôi. Phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều mới viết được, mệt quá!

     Tôi mở lòng:

     – Con ong làm mật, con tằm nhả tơ. Nhà Phật bảo đó là “Duyên, Nghiệp”. Nhà Đạo nói đó là “Ơn Gọi”. Bác không bỏ được đâu. Bỏ thì bác suốt ngày hát “cuộc đời vẫn buồn tênh, tình yêu vẫn buồn tênh” hay sao?

     Anh cười, cởi mở:

     – Mình sẽ nhảy qua viết truyện ngắn. Viết truyện ngắn dễ ẹc ấy mà, cứ phịa ra là xong…

     “Cứ phịa ra là xong”. Anh nói chí lý quá, làm tôi phát thèm. Tôi chợt nhớ tới đề từ của Vương Sĩ Trinh cho bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh:

Cô vọng ngôn chi cô thính chi,

Đậu bằng qua giá vũ như ti.

Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,

Ái thính thu phần quỷ xuớng thi.

     Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi 

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi 

Chuyện đời đã chán, không buồn nhắc

Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.

     Bộ Liêu Trai Chí Dị không phải là bộ truyện ngắn lưu danh kim cổ của Trung Hoa và của nhân loại hay sao? Vậy mà thủy chung toàn phịa là phịa, sách vở ngày nay gọi là “hư cấu” gì đó thì phải.

*

     Câu chuyện tôi sắp kể dưới đây là chuyện thật, tôi cũng muốn “phịa” cho nhẹ nhõm, lại đỡ mang tiếng “thọc gậy bánh xe”, đụng chạm tới các bậc vị vọng, chánh phó trương trùm trưởng tân cựu. Nhưng người kể chuyện này cho tôi nghe là một tân tòng, đòi buộc tôi “có sao nói vậy người ơi”, không được hư cấu, sửa chữa, sắp xếp lại. Vả lại, biết mình chả là cái thá gì mà đòi học đòi Bồ Tùng Linh, vì thế nên tôi phải vâng lời, chả dám phịa, cứ “thật thà là cha mách qué” vậy thôi.

     Chuyện như thế này:

blank

     Chiều hôm ấy, bà chánh thở dài thườn thượt, rụt rè nói với với ông chánh:

      – Người ta thường nói: “Có mười thì tốt, có một vô duyên”. Cả cơ nghiệp nhà mình được mỗi một đứa con gái. Gần đây tôi thấy có gì là lạ, không khéo hỏng to.

      Ông chánh gắt như mắm tôm:

      – Cái gì mà “là lạ”, cái gì mà “hỏng to”?

      Bà chánh càng lí nhí, rụt rè hơn:

      – Ông là đàn ông, lại vô tâm vô mật, ruột để ngoài da, không để ý thì làm sao biết được. Ông thấy không? Thời gian gần đây, con Ngọc Minh nhà mình lên xuống, lục đục đi toilet suốt đêm, lại nôn ọe, ói mửa liên tục, ăn vặt cả ngày, lúc nào cũng lờ đờ uể oải buồn ngủ suốt. Tôi sợ…

     – Sợ cái gì?  

     Ông chánh chợt nghĩ ngay đến điều tệ hại nhất:

     – À, tôi biết rồi. Sợ nó không chồng mà chửa, chứ gì? Lạy Chúa tôi, nếu thế thì tôi giết nó mất.

     Bà chánh lấy tay áo lau mắt:

     – Ôi giời ôi! Cọp dữ không ăn thịt con, ông là người, đâu phải cọp, lại còn là chánh trương, cánh tay phải của cha xứ cơ đấy.

     Ông chánh nổi giận đùng đùng:

     – Sao bà lại vơ quàng vơ xiên, cài cha xứ vào đây. Bà không biết: trong lễ cưới, cha xứ thường xuống cuối nhà thờ rước cô dâu chú lên bàn hôn phối kê giữa nhà thờ, gần gian cung thánh. Nhưng ăn cơm trước kẻng ấy à? Đừng hòng. Có khi chỉ được làm phép giao trong buồng áo thôi. Đến như con của họ, đứa trẻ được sinh ra sau này, có tội tình gì đâu? Vậy mà có khi cha phạt hai, ba tháng mới cho rửa tội. Nhục lắm, nhất là mình lại là chánh trương, cả hàng xứ trông vào…

     Ông nghiến răng nghiến lợi:

     – Gọi con Ngọc Minh xuống, gọi nó xuống đây cho tôi.

     – Nhưng mà ông không được nóng giận, phải nhẹ nhàng thôi, nhé!

*

     Cuộc hỏi cung con gái được tiến hành ngay sau đó. Ông bà chánh dùng hết lời nói nặng nhẹ, chua ngọt, phải trái, được mất… hỏi con, nhưng cô Ngọc Minh không trả lời câu nào, chỉ bưng mặt khóc, khiến cho ông chánh nổi giận, không tự chủ được. Ông túm tóc con gái giáng vào mặt con một cái tát thẳng cánh tay. Phải như vậy, cô Ngọc Minh mới mở miệng:

     – Bố ơi! Mẹ ơi! Con biết tội rồi! Xin bố mẹ tha tội cho con.

     Có vậy thôi và chỉ vậy thôi, ngay tức khắc ông chánh nhận ra rằng điều tệ hại nhất đã xảy ra. Ông cảm thấy trái tim mình vỡ vụn tan tác và thấy bản thân ông yếu đuối ngoài cứng trong mềm, mềm như bún. Ông khóc rống:

     – Lạy Chúa tôi! Chúa để cho tôi phải đi đến bước đường này sao?

     Bà chánh bỗng dưng trở thành một nữ tướng, một người chỉ huy:

     – Ông về phòng, nghỉ chút đi. Con Ngọc Minh cũng đi đi.

*

     Đêm ấy bà chánh qua lại giữa phòng ngủ của chồng và phòng ngủ con gái như một nhà ngoại giao con thoi. Bà vừa nắm quyền ngoại giao, vừa nắm quyền nội vụ, vừa là trung gian hòa giải giữa hai bố con. Sáng ra, bà báo cáo với ông:

     – Con bé nhà mình dại dột, ăn ở với thằng Khanh (Quang Khanh chứ không phải Sở Khanh đâu nhé!), bác sĩ hệ chính quy đàng hoàng, hiện là trưởng khoa Sản Nhi, bệnh viện huyện nhà. Chúng nó muốn lấy nhau, nhưng trở ngại duy nhất là khác đạo.

     Ông chánh sòng sọc rít một điếu thuốc lào:

     – Tôi gả ngay, nhưng nó phải giở lại đạo mới được. Ít nhất hai tháng học giáo lý dự tòng, hai tháng hội nhập làm quen thực hành nền nếp sống đạo, hai tháng học giáo lý hôn nhân, mất toi, đi đứt nửa năm trời. Lúc ấy con Ngọc Minh đẻ rồi còn gì. Không được, không được. Phải làm sao kín kẽ che mắt được cha xứ và cả giáo xứ. Cả đêm không ngủ tôi nghĩ rồi, chỉ có cách đi bệnh viện.

     Bà chánh thở hắt ra:

     – Giêsu Maria lạy Chúa tôi. Ý ông là đưa con bé đi phá thai phải không? Tội lòi con mắt ra. Tội giết người, vạ tuyệt thông tiền kết, ông biết không?

     – Ai bảo là phá thai? Chỉ là đi hút điều hòa thôi. Mới chưa đầy hai tháng phải không? Ai dám bảo nó đã có linh hồn? Với lại mình phải kín kẽ, không để ai biết.

     – Ông biết, tôi biết, chúng nó biết, và Chúa biết. Chạy trời không khỏi nắng đâu. Ông muốn nói gì thì nói. Từ bào thai ấy, một con người, một đứa trẻ, lại là cháu ngoại ông sẽ được sinh ra.

     Ông chánh ho:

     – Mặt mũi tôi thế này. Ra ngoài, từ cha xứ trở xuống ai cũng một điều cụ chánh, hai điều cụ chánh. Con Ngọc Minh chửa hoang, hóa ra mặt tôi mặt mo à. Mà cũng tại bà nữa. Tổ tiên ta ngày xưa không bảo: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” và “Phúc đức tại mẫu” là gì. Lần này, tôi đã quyết, bà phải nghe lời tôi. Gọi con Ngọc Minh xuống, tôi chở đi bệnh viện hút điều hòa.

*

     Bác sĩ Quang Khanh biết tin nhờ cuộc điện thoại của cô Ngọc Minh từ sáng sớm. Anh đón cha con ông chánh từ lâu ngay trước công bệnh viện:

     – Con xin thưa với bác! Hai đứa con trót dại. Con xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Con sẽ nhờ ba má con qua thưa chuyện với hai bác xin cưới em Ngọc Minh. Có điều con thưa trước, con là con một. Nói gia đình con theo Phật giáo cũng được, vì ngày sóc, vọng nào cả nhà đều ăn chay, đi lễ chùa. Nhưng con có được học hỏi, hiểu biết gì Phật giáo đâu. Đúng ra gia đình con theo đạo Ông Bà Tổ Tiên để lại, vậy thôi. Con không theo đạo được không? Con nhớ có lần chở em Ngọc Minh đi học giáo lý hôn nhân. Hôm ấy mưa to lắm không đi đâu được, con đành phải ngồi nghe cha xứ dạy về đề tài “Sinh sản có trách nhiệm”. Con còn nhớ như in, lời dạy của cha xứ: “Hút điều hòa là phá thai, là giết người, là tội ác.”

     Ông chánh giật mình:

     – Cái gì? Anh nói cái gì cơ?

     Bác sĩ Khanh nhắc lại trong nghẹn ngào:

     – Nghề của con, con biết. Người ta gọi là “hút điều hòa” cho nhẹ đi. Thực ra đó là một hình thức phá thai trực tiếp. Con trộm nghĩ: Bác đưa em Ngọc Minh về nhà đi, Con xin hoàn toàn tự nguyện chịu tất cả trách nhiệm của một người chồng, người cha. Nếu bác và em Ngọc Minh nhất quyết hút điều hòa thì con xin lỗi, hết tình, hết nghĩa, chẳng có chuyện cưới xin đâu. Con không thể làm chồng một mụ sát nhân, làm con rể của một tay giết người, mà kẻ bị giết chết lại là con, cháu, máu mủ, ruột thịt của mình…

*

     Cha con ông chánh đưa nhau về, ông rí rủm nói với bà chánh, vẻ lập công:

     – Con Ngọc Minh đòi siêu âm cho bằng được. Đứa bé được bảy tuần tuổi, bắt đầu có móng chân móng tay. Nghe theo lời bác sĩ (không, không thể gọi thằng Khanh là bác sĩ được, chú sĩ cũng không, tử sĩ càng không, con sĩ thì họa may), bố con tôi về. Thế là giã biệt thanh danh của tôi. Nào là ông chánh, nào là cụ chánh, nào là chủ tịch ban thường vụ hội đồng mục vụ giáo xứ, đều tan vỡ như bong bóng xà phòng.

     Bà chánh nguýt dài:

     – Vợ đạo gốc nói thì không nghe, đi nghe một kẻ chưa dự tòng. Thanh danh mà chi? Hay chỉ là hư danh? Danh không bằng của, của không bằng người. Ông sẽ đươc người, được một đứa trẻ gọi ông là ông ngoại. Sướng nhể?

*

     Nghe đâu ông chánh nộp đơn từ nhiệm ngay trong tháng và đã được cha xứ đồng ý.

Lão Ngu

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sàigòn đang vào Tết Trung Thu. Sàigòn, bấy giờ đã được đổi tên. Cũng đúng thôi ! Bởi vì “nó” không còn giống cái “Sàigòn” của thời trước, cái thuở mà mỗi món vật mỗi con người đều được nhận diện một cách trung thực, cái thuở mà tiếng nói chưa bị thâm nhập bởi những “mỹ từ… dao to búa lớn”, cái thuở mà tình cảm còn thật là tràn đầy… Cái tên mới của Sàigòn có hơi… dài, nên sau này, người ta chỉ còn gọi là “thành phố”, vừa ngắn gọn lại vừa hợp… thời trang !
Vĩ Dạ là một khu rất yên tịnh ở vùng sông Hương núi Ngự. Chiều đến thả thuyền từ bến Đông Hà theo dòng sông đi xuôi xuống phía dưới, vượt qua cù lao Bộc Thanh, lữ khách sẽ nghe tiếng ồn ào ở trong chợ (12-5-2012)
Nguyễn là một nhà văn. Cứ tạm gọi như thế, khi ngoài giờ đi làm việc kiếm sống như mọi người, chàng còn có thú viết. Nguyễn có một số bài đăng rải rác trên các báo địa phương, có một số độc giả ái mộ, nên nghiễm nhiên được truy tặng là nhà văn, mặc dù chàng biết muốn đạt được danh hiệu ấy, chàng còn phải viết tướt khói ra, mới được ngồi vào cái chiếu văn chương đầy chữ nghĩa.
Cu Tố vừa đi vừa khóc, một tay kéo quần, một tay lau nước mắt. Thật tội cho thằng bé, mới tý tuổi đầu mà phải hứng chịu quá nhiều đau khổ. Bằng tuổi nó, con nhà khác thì được học hành đến nơi đến chốn, còn nó, đang học dở cấp 2 phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Mẹ nó bỏ làng ra đi dễ đến sáu, bảy năm rồi, còn bố nó là kẻ nát rượu nhất vùng, mỗi khi quá chén lại thượng cẳng tay hạ cẳng chân, trút lên đầu nó tất cả sự hận thù về mẹ nó.
Truyện ngắn song ngữ Giá trị của sự quan tâm...Dù bận rộn đến mấy, bố mẹ cũng đừng quên trò chuyện, chia sẻ với con. Đôi khi, chỉ một hành động nhỏ của bố mẹ có thể thay đổi cả cuộc đời của đứa trẻ. - Một buổi tối sau giờ làm việc, một người đàn ông trở về nhà và ngồi nói chuyện với cậu con trai 14 tuổi của mình: “Hôm nay bố gặp một chuyện rất lạ. Khi bố đang ở văn phòng, một nhân viên bước vào và nói
Hồi học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ), tôi có đọc đâu đó truyện ngắn tựa là "Lấy vợ miền quê" của tác giả nào tôi quên. Tôi rất khoái truyện ngắn nầy và định bụng lớn lên mình cũng “lấy vợ miền quê” như tác giả kia. Nói thì hơi xấu hổ, vừa đậu Tú Tài phần hai, lúc đó tôi mới 18 tuổi tây tức 19 tuổi ta mà tôi đã... "muốn vợ"! Con trai mà “muốn" chuyện gì thì thường vòi vĩnh với mẹ như chiếc xe đạp, đồng hồ, quần áo mới kể cả chiếc solex cáu cạnh tôi đang chạy mà chỉ hàng “thiếu gia”... ở tỉnh như tôi mới có.
Khuôn viên trường trong những giờ học yên vắng đến lạ, hôm nay tôi ở lại trường vì có giờ học ngoại khóa vào buổi chiều. Cái cảm giác này, đã bao lần tôi bắt gặp mình thơ thẫn trong dòng cảm xúc miên man của những buổi trưa vắng lặng như thế này. Sau giờ ăn trưa, tôi mang theo trên mình chiếc ba lô con cốc dùng để đựng tập sách của mình lững thững đi về khoảng đất trống sau trường. Đây là nơi mà theo tôi đó là nơi đẹp nhất của ngôi trường không quá lớn này.
Ngày xửa ngày xưa, ở vương quốc kia vua và hoàng hậu sống rất hòa thuận và có mười hai người con trai rất khôi ngô tuấn tú. Có lần, vua nói với hoàng hậu: - Nếu đứa con thứ mười ba lại là con gái thì mười hai đứa con trai kia phải chết để cho con gái ta thừa hưởng một mình gia tài và trị vì vương quốc này.
GIA ĐÌNH LÀ MÁI TRƯỜNG CHỦNG VIỆN ĐẦU TIÊN Tác phẩm Truyện ngắn đoạt giải Khuyến Khích – Cuộc thi Sáng tác Văn Hóa – Nghệ Thuật Đất Mới 2017 của Tác giả Cao Dương Cảnh CHƯƠNG 1: THUỞ ẤU THƠ Phanxico Cao Khát Vọng được sinh ra trong gia đình dường như đầy khó khăn và bất trắc, khi đến 1 tuổi cậu đã phải ở với ngoại vì hoàn cảnh gia đình đầy thử thách và khó khăn. Ba mẹ em lúc bấy giờ đang trong tình trạng rối đạo (không có phép hôn phối). Người mẹ là bà Nguyễn Thị Của, bà buôn bán đầy gian khổ, và ba của em là Ông Cao Văn Con, ông làm nghề nông. Nguyên nhân dẫn đến gia đình em đày sống gió là do mâu thuẫn giữa hai bên gia đình.
Tôi nhắn cho anh 1 sms khi anh chưa kịp nói những câu tôi cần nghe...vì tôi biết rằng có những thứ tình cảm thầm lặng thật khó nói, và cũng thật khó lý giải như một bí mật bị chôn dưới đáy đại dương sâu thẳm...và chúng tôi vẫn là bạn rất thân của nhau...
Bảo Trợ