Hoa rừng đón Xuân
Đã mấy mươi mùa Xuân trôi qua Thư chưa một lần quay về thành phố SàiGòn vào những ngày Xuân mới để ăn tết với những người thân quen, bè bạn cũ. Kể từ ngày Thư còn bé đã được mẹ đưa về một vùng trời xa lạ, Thư gần như mất hẳn những ký ức tuổi thơ ở thành phố náo nhiệt ồn ào ngày xưa ấy.
Những ngày đón Tết, giữa vùng quê yên tĩnh, Thư cảm thấy thật an bình thanh thản với cuộc sống bình dị. Tuy đôi lúc thấy hơi thiệt thòi cho đứa con trai giờ đã khôn lớn đang độ tuổi thanh xuân. Bù lại nơi đây, con trai của Thư lại hiền hoà, tâm hồn trong sáng khác xa với các thanh niên thành thị nhiều tiện nghi vật chất.
Có thể khi mình mất cái này sẽ được cái kia, định luật Tạo hoá hay sao?
Trầm ngâm, tư lự nơi hiên nhà bên giò lan rừng mà đứa con trai mang về mấy ngày hôm trước.
...
- Mẹ ơi! Con tặng mẹ cành hoa lan mừng Tết nè!
Hôm đó, đứa con trai đi rừng về hí hửng cầm cành lan vừa trổ bông gọi mẹ. Thư thật xúc động, thằng con trai rất biết ý mẹ, nó đã trồng cây mai vàng trước sân nhà để hàng năm vào mùa Xuân có hoa vàng trước ngõ, như một biểu tượng của mùa Xuân thật tinh khiết, thật nên thơ ở nơi vùng quê an bình.
Hoa mai vàng có lẽ quá quen thuộc với nó mấy năm qua, nó chăm sóc cắt tỉa, vặt lá cẩn thận nên năm nào cũng trổ bông đúng tết. Đây là cây hoa mai rừng nó đưa về nhà trồng đã lâu lắm, loài hoa mai núi rừng khác với mai thuần trồng lâu năm quen thuộc thông thường với hoa năm cánh, hoa mai rừng cũng màu vàng tươi thắm nhưng có đến bảy tám cánh hoa. Mai vàng thuần hay mai rừng rất khó để nhận ra mùi hương đặc trưng của nó, nhưng cây mai rừng nhà Thư lại có một mùi hương thoang thoảng mà bất cứ ai đến nhà Thư vào dịp đầu Xuân, lúc hoa vàng nở rộ cũng sẽ nhận ra một cách dễ dàng. Có lẽ nơi vùng quê không ô nhiễm chút nào tạo nên cảnh trí tao nhã trong lòng người mà mùi hương cũng lưu luyến chăng?
...Thư nâng cành hoa lan còn thơm mùi rừng núi lên cảm động:
- Con mới tìm được hả Quý? Năm nay ăn tết có thêm hoa lan nữa, con thật là hay đó nha!
Thằng con trai sung sướng nhìn mẹ nâng niu cành lan, nó biết mẹ rất yêu hoa vì mẹ có tâm hồn rất tinh tế nhạy cảm trong cuộc sống, cũng nhờ đó, nó được mẹ thương yêu rất nhiều, không phải vì là con một, mà do lòng mẹ đầy tình cảm ẩn chứa trong lòng trao tặng cho con mình.
Cành lan mới mang về có lẽ thuộc loại lan hoàng thảo, đây là lan rừng thông thường ở các vùng rừng núi Việt Nam và đặc biệt nó rất dễ nuôi trồng tại nhà với sức sống bền dai mạnh mẽ. Có lẽ cũng nhờ vậy mà con trai Thư đã tìm ra được nó nơi vùng núi xơ xác này, nơi mà khi Thư còn nhỏ cùng mẹ tới đây cảm thấy sợ hãi không khí rừng thiêng âm u có cả thú hoang, vậy mà giờ đây...chẳng có thể gọi là...rừng nữa!
Hơn ba mươi năm trước, sau những chiến trận cuối cùng ông ngoại thằng Quý đã phải cảnh lao tù, bà ngoại chẳng còn nhà cửa gì nữa, bà đã phải mang Thư mới bảy tám tuổi đầu theo một số bà con đi vùng kinh tế mới. Thật phải nói rằng cuộc sống còn được đến bây giờ thì Thư cũng không hiểu tại sao nữa. Ở thành thị, bà ngoại chẳng bao giờ biết đến cây cuốc, bụi chuối, vườn rau...nhưng với đứa con thơ, một mình bà đã làm lụng tất cả. Ngày biết tin ông ngoại không còn nữa, bà ngoại suy sụp tinh thần tưởng như cũng sẽ theo ông. Bà không còn có gì để có thể đi tìm thăm ông ngoại ở đâu nghe nói xa tít tận miền bắc. Chỉ nội lo cho cuộc sống với hai bàn tay đã quen với sách vở thì quá vất vả rồi, còn hơi sức đâu lo toan chuyện khác. Duy nhất một lần nhận được lá thư nhàu nát của ông ngoại với mấy dòng chữ "đừng lo cho anh, rán nuôi con nên người"...và từ đó mẹ Thư chẳng bao giờ nghe biết gì nữa, cho đến khi những người quen báo tin ông ngoại đã qua đời.
Cái khổ đau nào rồi cũng qua đi miễn là mình chống chỏi đừng chịu thua nó! Cuộc sống vẫn tiếp diễn trong khó khăn! Và Thư đã lấy chồng, một anh trai làng hiền lành chịu khó làm ăn. Hình như ông trời không để yên cho gia đình Thư, con trai chưa đầy tuổi, chồng Thư bị sốt rét nặng và cũng không qua khỏi!
Hồi tưởng lại quãng đời đầy khó khăn đó, Thư tưởng chừng mình là một "anh hùng rừng núi" giữa nơi đồng quạnh này, Thư đã vượt qua tất cả với đứa con trai. Cành lan mà đứa con trai vừa mang về trổ hoa đúng vào dịp mừng Xuân mới, có thể nói nó như là biểu tượng của cuộc đời Thư, cành lan rừng bám víu vào cây rừng hoang dã để tồn tại với bao nghiệt ngã của thiên nhiên của con người tàn phá, nhưng hoa nó vẫn nở tươi thắm thật tuyệt vời.
...
- Bao giờ mẹ lên Sàigòn, con sẽ tìm một cành lan để mẹ mang biếu bạn của mẹ!
Tiếng thằng con trai làm Thư chợt tỉnh, ra khỏi cái nỗi niềm bâng khuâng...Thư cười trả lời:
- Đúng đó con, nhớ nha! Trên đó người ta thích hoa rừng lắm! Lần tới con đi với mẹ nhé!
- Chắc thôi đi mẹ, con đi lên đó thấy sao ấy! Sống đây quen rồi, con về thành phố như nai lạc đường!
Thư cười:
- Nai cũng có nhiều nai lắm, con mà nai gì! Nai rừng là không rồi đó!
Hai mẹ con cùng cười. Thư ngẫm nghĩ trong lòng, một ngày nào đó Thư muốn đưa con trai về lại thành phố để sinh sống, dù nơi đây cuộc sống thật an bình thanh thản, nhưng Sàigòn, nơi đó là quê hương của Thư, dù có bao nhiêu phiền nhiễu khó khăn khi trở lại nơi mình đã ra đi từ thuở ấu thơ, nhưng có lẽ nơi đó con trai của Thư mới có thể cảm nhận được thực tế của cuộc sống và cũng nơi đó, chốn phồn hoa đô hội sẽ nhận ra vẻ đẹp thanh khiết của hoa lan rừng giống như đứa con trai hồn nhiên của nàng.
Đặng Xuân Hường