KỲ II: QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG TRONG CÁC TÌNH HUỐNG SỐNG

23 Tháng Mười Một 20213:00 CH(Xem: 7457)

KỲ II: QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG TRONG CÁC TÌNH HUỐNG SỐNG
Kim Liên[1]
Trong Tân Ước đã thuật lại lời dạy của Chúa Giê-su: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành” (Mt 7, 24-27). Việc thực hành luật Chúa đối với người Công giáo là một hành động khôn ngoan nhằm giúp họ từng bước tiến đến Nước Trời. Thế nhưng, cuộc sống vốn dĩ có nhiều tình huống, hoàn cảnh phức tạp khiến con người có lúc bị mâu thuẫn về hệ thống giá trị, xung đột nội tâm để có thể đưa ra một quyết định sống đúng đắn. Dựa vào sự lựa chọn giữa được - mất ở cuộc sống “đời này” và cuộc sống “đời sau” mà người Công giáo có những thái độ và ứng xử thích hợp trong từng tình huống sống, 79.4% tín đồ không đồng ý làm những việc có lợi cho bản thân hoặc gia đình nếu điều đó đi ngược lại với giáo lý Công giáo:
Nói chung, theo mình nghĩ họ sống quá coi trọng vật chất ở đời này mà thôi, họ cảm thấy cái vật chất là hơn chứ họ không có thấy cái mặt đằng sau của nó nên nhiều khi như vậy thì mình nghĩ không nên nhưng mỗi người có một suy nghĩ khác nhau”.
(Nữ, 27 tuổi, trích BBPVS số 3)
Trong khi đó, có 8.9% và 3.9% cho rằng họ “tùy lúc” và “đồng ý” làm việc có lợi cho bản thân/gia đình dù điều đó đi ngược lại với giáo lý Công giáo:
“Cái đó thì chia làm hai trường hợp, ví dụ người ta nghèo khổ quá người ta biết có cái tội nhưng mà người ta không làm thì người ta không có tiền thì bắt buộc người ta phải làm, nhưng mà có những lúc chị nghĩ làm vậy rồi sau này họ lại đền tội sau chẳng hạn vì những lúc người ta cùng cực quá”.
(Nữ, 41 tuổi, trích BBPVS số 6).
Nghĩa là, ở một giới hạn nào đó, các tín đồ vẫn có thể “thông cảm” cho những người vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà phạm tội trái với luật của Chúa.
Niềm tin về các tín lý gần như không có những thay đổi lớn khi mà hầu hết các phiếu trả lời đều cho thấy kết quả về niềm tin chắc chắn vào những tín điều của đạo Công giáo. Nhưng đối với các vấn đề trong cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như tìm hiểu quan niệm của tín đồ về vấn đề gian dối, vấn đề bói toán, tử tự hay các quan niệm về việc thất bại/thành công, may mắn/xui rủi,… Đồng thời còn là đo lường ứng xử của các tín đồ khi đứng trước hoàn cảnh phải lựa chọn giữa yếu tố đạo và đời,… tất cả những vấn đề đó, trong tâm thức và trong nhãn quan của một người Công giáo các cá nhân sẽ nhìn nhận các vấn đề này ở khía cạnh “Đời” hay “Đạo”?

dvhatbg

Biểu đồ 2.4: Quan niệm người Công giáo về thất bại và thành công
(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)
Tìm hiểu quan niệm của giáo dân xã Bình Trung về vấn đề thất bại và thành công trong cuộc sống, kết quả khảo sát cho thấy 36.7% nhận định thành công hay thất bại trong cuộc sống là “do bản thân”, bản thân họ tự tạo ra thành công hoặc tự gây ra thất bại chứ vấn đề này không có sự can thiệp, tác động nào từ Chúa, suy nghĩ họ mang lý tính nhiều hơn khi gạt bỏ yếu tố tôn giáo, trong số này nam chiếm 59.1%.
“Thất bại thì anh nghĩ là do bản thân mình, còn thành công cũng có phần nào do bề trên. Mình thất bại là vì mình làm chưa tốt, còn nếu mình thành công là nhờ ơn trên trợ giúp cho mình, giúp mình có cơ hội làm ăn và cũng là do chính mình nữa”.
(Nam, 40 tuổi, trích BBPVS số 8)
Nhưng 35% lại cho rằng “vừa do bản thân vừa là do ý muốn của Chúa” tỉ lệ chọn ý kiến này tập trung nhiều ở nữ giới (67.4%), như ý kiến của một phụ nữ cho rằng:
“Thành công thì do may mắn còn thất bại cái đó thì do Thiên Chúa thử thách mình, còn thành công thì một phần là do may mắn một phần là nhờ ơn Chúa còn thất bại thì tại vì khi mình làm cái này thất bại thì do Người thử thách mình thôi”.
(Nữ, 27 tuổi, trích BBPVS số 3)
Trong khi đó, chỉ có 25.6% cho rằng “do ý muốn của Chúa” nhưng đến 57.1% nam giới đồng ý với nhận định này. Có thể thấy nam giới có hai xu hướng lựa chọn chính, một bên quan niệm không có yếu tố tôn giáo trong vấn đề thất bại/thành công trong cuộc sống, bên kia lại quan niệm thất bại/thành công “hoàn toàn là do ý muốn của Chúa”. Tuy nhiên, tỉ lệ nam giới có xu hướng lựa chọn mang tính duy lý chiếm tỉ lệ cao hơn nhóm nam còn lại và dĩ nhiên là cũng sẽ có tỉ lệ cao hơn nữ giới khi nhận định về vấn đề thành công và thất bại trong cuộc sống dưới nhãn quan của người Công giáo.
Trong quan niệm về vấn đề giàu hay nghèo, kết quả khảo sát nhận được nhiều số liệu khác hẳn với quan niệm về vấn đề thành công và thất bại. Ở quan niệm về giàu và nghèo yếu tố lý tính đã sút giảm hẳn mà phảng phất hơi hướng của tình cảm tôn giáo nhiều hơn.
Biểu đồ 2.5: Quan niệm người Công giáo về giàu và nghèo
(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)
Chiếm tỉ lệ cao nhất là ý kiến cho rằng giàu/nghèo là “do bản thân và do ý muốn của Chúa” (34.4%) điều đó có nghĩa là vấn đề giàu hay nghèo của một người Công giáo trong cuộc sống chịu sự tác động bởi hai yếu tố là do bản thân họ và do ý muốn của Chúa:
“Giàu nghèo là do Chúa ban cho mình như vậy, nhưng cũng do chính điều kiện của từng người, nhiều khi có điều kiện, có cơ hội thì giàu lên và ngược lại. Có nhiều người làm đêm làm ngày mà không giàu được vì họ không có điều kiện để làm giàu. Có người sinh ra đã là rất giàu. Tóm lại là vấn đề giàu/nghèo vừa do Chúa vừa do bản thân mình nữa”.
(Nam, 58 tuổi, trích BBPVS số 7)
Có 33.3% lại cho rằng giàu/nghèo hoàn toàn là do ý muốn của Chúa không phải do bản thân con người, họ tin vào sức mạnh quyền năng của Chúa có thể khiến cho họ có thể trở nên giàu có hoặc nghèo khổ:
“Chúa thì cho con người tự do, nhưng mà các tông đồ hồi xưa Chúa cũng nói theo thầy là khổ lắm chỉ có dây thắt lưng với cây gậy thôi. Cho nên Chúa không muốn cho mình giàu, đó cũng là cái ý của Ngài, cho mình tốt giàu có lên là đâm ra hư hỏng, chắc chắn 100% có tiền giàu sang là nghĩ đến chuyện này chuyện kia. Dễ sa đọa, xe cộ rồi đi chơi chỗ này chỗ kia, đó là theo mình nghĩ. Theo anh nghĩ cái giàu ai cũng thích cả, theo quam niệm của anh giàu thì đồng ý là tốt thật, nó sẽ giúp con người mình đi đến chỗ xa lạ nhiều lắm, nói chung thì Chúa cũng ban cho anh nhiều đó, nhưng mà anh cầu nguyện với Chúa làm sao cho con biết giữ cái đồng tiền, những của cải Chúa ban cho con, để con sử dụng cho xứng đáng cho đẹp lòng Chúa đó là những tâm niệm của anh”.
(Nam, 44 tuổi, trích BBPVS số 1)
Có 28.3% tin rằng giàu hay nghèo là do bản thân họ quyết định điều này không liên hệ gì đến Chúa mà là do con người tạo nên:
“Giàu hoặc nghèo do bàn tay của mình, cái óc lao động của mình, một phần cũng do cái cuộc sống của ông bà hoặc cha mẹ mình đời trước nói chung là ông bà cha mẹ mà ăn ở hay làm những việc lành ăn ở cũng tốt thì sau này con cháu nó ăn ở cũng nên”.
(Nữ, 27 tuổi, trích BBPVS số 3)
Như vậy, vấn đề giàu/nghèo trong quan niệm của người Công giáo chủ yếu "vừa do bản thân họ và vừa do chính Chúa".
Đối với quan niệm về vấn đề mạnh khỏe/bệnh tật của một cá nhân thì tình cảm tôn giáo lại chiếm tỉ lệ cao nhất.
Biểu đồ 2.6: Quan niệm người Công giáo về mạnh khỏe và bệnh tật
(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)
Phần lớn người Công giáo Vinh Trung đều cho rằng mạnh khỏe hay bệnh tật là “do ý muốn của Chúa” (39.4%), đây cũng là vấn đề có tỉ lệ người trả lời chiếm cao nhất so với quan niệm về giàu/nghèo, thành công/thất bại hay hạnh phúc/đau khổ, may mắn/xui xẻo:
“Vì bệnh thì không ai muốn bệnh phải không? không ai muốn bệnh cả, nhưng mà đôi khi có những lúc cái "Thánh giá" Chúa gởi cho mình, Chúa thử thách mình một chút xíu thôi nhưng mà mình không vượt qua được, mình cứ nghĩ là do Chúa”.
(Nữ, 41 tuổi, trích BBPVS số 6)
Và 33.9% cho rằng bệnh tật hay mạnh khỏe vừa là do bản thân, vừa là do ý muốn của Chúa:
“Bệnh tật thì cái đó là do xui xẻo thôi, do xui xẻo nó đến với mình, chứ mình cũng đâu muốn bệnh tật, Chúa cũng đâu thích mình phải như vậy đâu, nhưng đôi khi Chúa cũng muốn thử thách mình, xem mình thế nào và cũng có lúc do chế độ ăn uống của mình mà sinh ra bệnh tật. Chúa ban cho mình có sức khỏe là hạnh phúc rồi nhưng mình cũng phải biết giữ gìn sức khỏe”.
(Nữ, 54 tuổi, trích BBPVS số 2)
Chỉ có 22.2% cho rằng bệnh tật hay mạnh khỏe là “do bản thân” như nhận định của một người nam:
“Bệnh tật thì do môi trường xã hội nhiều, nói chung là Chúa cũng chẳng bắt mình khổ đau nhưng mà Chúa cho mình tự do con người, xã hội bây giờ môi trường không trong lành trong sạch gì hết, cái gì cũng đụng chạm đến thuốc thì bệnh hoạn thôi”.
(Nam, 44 tuổi, trích BBPVS Số 1)
Ở đây cho thấy niềm tin của người Công giáo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe là “do Chúa tác động” hơn là “do tự bản thân con người” có được những điều đó. Và điều này cũng được lặp lại ở quan niệm về hạnh phúc và đau khổ.
Biểu đồ 2.7: Quan niệm người Công giáo về hạnh phúc và đau khổ
(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)
Quan niệm về hạnh phúc hay đau khổ là “do ý muốn của Chúa” chiếm tỉ lệ cao nhất với 34.4%, “vừa do bản thân, vừa do ý muốn của Chúa” chiếm tỉ lệ 33.9% và “do bản thân” chiếm tỉ lệ 27.8%. Thông tin định tính cũng thể hiện rõ những quan điểm này như sau:
“Mình là con người duy tâm nên mình nhìn nhận theo khía cạnh duy tâm. Hạnh phúc và đau khổ nhiều khi là Chúa trao ban cho mình, vấn đề là mình có nhận ra hay không. Có những lúc, người ta cũng tự gây ra cho mình những đau khổ, chẳng hạn như người ta ngoại tình, đó là tội lỗi, tòa án lương tâm sẽ cắn rứt họ vì họ đã vi phạm luật của Chúa và có lỗi với vợ con, cái này là do con người, chứ không phải là do Chúa”.
(Nam, 58 tuổi, trích BBPVS số 7)
Biểu đồ 2.8: Quan niệm người Công giáo về may mắn và xui rủi
(Nguồn: Kết quả khảo sát tháng 3/2012, tại giáo xứ Vinh Trung)
Quan niệm về may mắn và xui rủi là “do ý muốn của Chúa” chiếm tỉ lệ khá cao (38.3%) đứng sau quan niệm của người Công giáo về vấn đề mạnh khỏe/bệnh tật, bởi vì nhiều tín đồ cho rằng may mắn hay xui rủi là những điều nằm ngoài khả năng của họ, họ bị động trước những vấn đề này, như ý kiến một tín đồ cho rằng:
“May mắn hay xui rủi là cái nằm ngoài khả năng và ý muốn của con người, nên tôi nghĩ là do Chúa ban cho mình, nếu Chúa ban cho mình được may mắn thì đó là hạnh phúc của mình, còn nếu Chúa cho mình gặp chuyện xui xẻo này kia thì không phải Chúa ghét bỏ gì mình mà là Chúa đang thử thách mình”.
(Nam, 58 tuổi, trích BBPVS số 7)
Bên cạnh đó, cũng có 35% ý kiến nhận định rằng may mắn hay xui rủi vừa là do bản thân vừa là do ý muốn của Chúa:
“Tôi nghĩ may mắn hay là xui xẻo thì đó là do bản thân mình và cũng là do ý muốn của Chúa. Mình cũng phải nỗ lực thế nào đó mình mới được gặp may mắn như ngày hôm nay và ngược lại, tại mình không chịu cố gắng hết mình thì mình mới thành ra như vậy. Đôi khi Chúa cũng muốn cho mình thấy quý trọng những gì mình đang có nên Chúa sẽ đưa đến cho mình những chuyện xui rủi này kia để mình rèn luyện bản thân”.
(Nữ, 26 tuổi, trích BBPVS số 5)
May mắn hay xui rủi là “do bản thân” chiếm tỉ lệ thấp nhất (17.8%) so với các quan niệm khác về hạnh phúc/đau khổ, thành công/thất bại, mạnh khỏe/bệnh tật.
Như vậy, quan niệm của người Công giáo về các vấn đề thành công/thất bại, hạnh phúc/đau khổ, mạnh khỏe/bệnh tật và may mắn/xui rủi hầu hết đều mang tình cảm và màu sắc tôn giáo, đặc biệt là đối với quan niệm về mạnh khỏe/bệnh tật (39.4%) và may mắn/xui rủi (38.3%) vì hai vấn đề này hầu như không nằm trong ý muốn của họ mà họ thụ động chấp nhận sự tác động từ bên ngoài, chính vậy đối với họ đó là do ý muốn của Chúa trao ban, nhưng đối với các vấn đề như: hạnh phúc/đau khổ, giàu/nghèo hay thành công/thất bại là những cái họ có thể “cầm nắm” được, có thể chi phối và kiểm soát được nên yếu tố tôn giáo dường như không rõ nét ở các vấn đề này. Điều này có thể thấy rằng, niềm tin của người Công giáo mang tính duy lý chứ không phải là một niềm tin mù quáng với kiểu thức cái gì cũng gán nhãn cho Chúa. Thật vậy, linh mục chánh xứ với tư cách là người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp nhưng khi trao đổi về các vấn đề này linh mục đều khẳng định đó là do con người mang lại:
“Có những cái thất bại là cái tai họa thì nằm ngoài khả năng của mình, có những cái thất bại do mình không tiên liệu trước đó là do chính bản thân mình không có cái nhìn xa trông rộng cho nên sẽ dẫn tới thất bại và cũng có những cái thất bại mà do người ta làm hại mình… Hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình có bằng lòng với cuộc sống của mình hay không mà thôi, mình hoàn toàn được tự do khi xây dựng hạnh phúc”.
(Linh mục chánh xứ giáo xứ Vinh Trung, trích BBPVS số 4)
Bởi vì các tín đồ được thấm nhuần đạo lý rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, Chúa không bao giờ muốn làm cho con người phải khổ chính bởi vậy mà Thiên Chúa đã sai con của Người là Chúa Giêsu đến trong thế gian để cứu chuộc cho con người “Chúa cũng chẳng bắt mình khổ đau nhưng mà Chúa cho mình được tự do” (Nam, 44 tuổi, Trích BBPVS số 1). Do đó, chỉ những việc nằm ngoài khả năng của họ thì niềm tin vào Chúa được đặt lên cao, cũng chính vì ý thức được rằng Chúa luôn yêu thương họ nên trong cuộc sống đời thường nếu gặp phải những vấn đề thất bại, bệnh tật hay đau khổ thì họ lạc quan tin là Chúa đang thử thách họ mà không tỏ ra oán trách Chúa“Không ai muốn bệnh cả nhưng mà đôi khi có những lúc cái thánh giá Chúa đến với mình, Chúa thử thách mình một chút xíu thôi” (Nữ, 41 tuổi, trích BBPVS số 6). Điều này khiến người Công giáo dễ dàng vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống với một tinh thần lạc quan vì họ biết bên cạnh họ luôn có Chúa đồng hành.


[1] Các số liệu trong bài viết được trích từ luận văn Thạc sỹ ngành Xã hội học: "Lối sống của cộng đồng Công giáo trong bối cảnh đô thị hóa, điển cứu tại giáo xứ Vinh Trung, Bình Trung, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu" (2012).

LỐI SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG TRONG BỐI CẢNH ĐÔ THỊ HÓA

KỲ I: QUAN NIỆM SỐNG ĐẠO CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VINH TRUNG HIỆN NAY

vtc6-thumbnail
Giáo xứ Vinh Trung được thành lập ngày 28/10/1955 và hiện nay thuộc địa bàn xã Bình Trung. Sau hơn 40 năm thành lập, giáo xứ Vinh Trung được nhận định là một trong những giáo xứ "có nề nếp sống đạo chuẩn mực, trưởng thành.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Giáo xứ Vinh Trung được thành lập ngày 28/10/1955 và hiện nay thuộc địa bàn xã Bình Trung. Sau hơn 40 năm thành lập, giáo xứ Vinh Trung được nhận định là một trong những giáo xứ "có nề nếp sống đạo chuẩn mực, trưởng thành.
Đức Hồng y Newman: “Lương tâm là một luật của tâm trí ta, nhưng lại vượt quá tâm trí, nó ra lệnh và nói cho ta biết đâu là trách nhiệm và bổn phận của ta, những gì ta nên sợ và nên hy vọng. Nó là sứ giả để nói với chúng ta qua tấm màn, trong thế giới của tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng...”/27 Tháng Bảy 2012(Xem: 5651) Jos. Thanh Phong - SimonHoaDalat /
Tôi bắt đầu cảm thấy đau ở bụng dưới, một cái đau không giống bất cứ cái đau nào tôi từng trải nghiệm. Thế rồi tôi bị chẩy máu. Máu thực sự phun ra từ trong tôi… Tôi ngồi đấy hàng giờ, máu cứ chẩy, tứ tung vào thùng rác phòng tắm, chỉ biết khóc và đổ mồ hôi. Đó là lời của Abby Johnson, nguyên giám đốc lâm sàng của tổ chức Planned Parenthood (phá thai), và hiện là một người tranh đấu phò sự sống./02 Tháng Bảy 2012(Xem: 6491)/
Thưa cha, tờ tạp chí khoa học mới đây nói về sự khác biệt giữa sự cấu tạo thần kinh của những người khác phái tính và những người đồng tính. Sự khám phá mới này có mang lại việc thay đổi phán quyết luân lý về những người đồng tính luyến ái không và trong nghĩa nào?/05 Tháng Bảy 2012(Xem: 5456) Lm Agostio Nguyễn văn Dụ./
Khi người yêu ở hai đầu đất nước, thậm chí là hai đầu quả đất, sự cách trở về không gian sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, thậm chí làm nhạt nhòa cảm xúc. Vậy làm cách nào để các cặp đôi ''giữ lửa'' trong khoảng thời gian đợi chờ?/10 Tháng Bảy 2012(Xem: 5477)/
Phải chăng là khi tim bạn đập nhanh, lòng bạn tay bạn ướt đẫm mồ hôi, giọng nói bạn phải chạy theo mới có thể bắt kịp với nhịp đập trái tim nơi lồng ngực? Đó chưa phải là yêu… Chỉ là THÍCH..../09 Tháng Sáu 2012(Xem: 7357) /
Trong mọi chiều hướng suy tư của nhân loại từ khi con người xuất hiện đến nay đều chứa đựng những cố gắng để bảo toàn, phát huy và thăng tiến cá nhân, gia đình, tộc họ, dòng giống vv... Các tranh chấp xẩy ra trong lịch sử đều có nền tảng trên sự sợ hãi rằng chính mình.../ 27 Tháng Sáu 2012 (Xem: 4970) Trần Việt Kim Đài /
Nhờ thân xác con người tiếp xúc với tha nhân và vũ tru… Ở đây chúng tôi muốn tiếp tục bàn về một đặc tính của thân xác đó là phái tính. Nhờ thân xác mà con người mang một phái tính, nam hay nữ; tuy nhiên phái tính không chỉ liên quan đến thân thể mà thôi nhưng còn ảnh hưởng đến tinh thần nữa./post 19 Tháng Năm 2012(Xem: 4931)
Sau ngày lễ tình yêu (14/02), có lẽ nhiều cuộc tình mới bắt đầu và cũng có không ít những cuộc tình tan vỡ. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Chúng ta cùng bắt đầu với một thao tác đơn giản, “mở google và gõ dòng chữ ‘tình yêu’/‘love’”, chỉ mất 0,54 giây, bạn sẽ nhận được khoảng 381.000.000 (tiếng Việt) và 13.960.000.000 (Tiếng Anh) các bài báo và tài liệu có liên quan. Điều này chứng tỏ ‘tình yêu’ không phải là đề tài mới mẻ nhưng tính nóng sốt của nó thật không thể phủ nhận.
Sự tự tin là điểm mạnh nhưng tự tin thái quá lại dễ dẫn đến những hành động bốc đồng, làm hỏng các mối quan hệ tốt đẹp. Khi còn trẻ, bạn có quyền tự hào về sức khỏe và quỹ thời gian rất dài phía trước. Nhưng chính sự ỷ lại vào điều đó khiến bạn phung phí rất nhiều điều quý giá, mà phải đi qua những năm tháng tuổi trẻ bạn mới nhận ra.
Bảo Trợ