Bài 1. NẾU CHỈ CÒN MỘT NGÀY ĐỂ SỐNG
Lá xanh hay lá vàng có thể “rụng” bất kỳ lúc nào, dù gió to hay gió thoảng; trái xanh hay trái chín cũng có thể được (hay “bị”) người ta “hái” bất cứ lúc nào, dù sáng hay chiều.
Không ai muốn nói đến sự chết. Người ta cho đó là “chuyện xui xẻo”. Nhưng “chết” là điều có thật, không ai tránh khỏi. Chết là vấn đề rất thật, thật hơn cả sự thật: “Nếu chỉ còn một ngày để sống…”.
Bạn sẽ phản ứng thế nào và sẽ làm gì? Bạn có bao giờ nghĩ như vậy? Chết lúc nào tốt, lúc nào xấu? Giờ nào thì chết “hên” và lúc nào thì chết “xui”? Ai có thể cưỡng lại Tử thần? Sao biết 9 giờ sáng là giờ hên mà không chết, lại chết vào 6 giờ tối? Xui hay hên là do mình. Chẳng ai biết mình chết lúc nào và chết cách nào. Khi sắp chết mới biết mình… sắp chết. Cũng có thể lúc đó là muộn rồi!
Quả thật, “Nếu chỉ còn một ngày để sống…” là một giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật đến nỗi điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí là ngay bây giờ, dù bạn mới vài tuổi, ngoài đôi mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ… trăm tuổi!
Tình cờ nghe ca khúc “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của NS Hoài An – nhạc sĩ ngày xưa, đã cao niên, nay ở hải ngoại, trong một chương trình của Paris By Night, tôi thực sự xúc cảm cái “đẹp” (đúng nghĩa ĐẸP) trong ca khúc đó về phương diện tích cực. Vâng, ca từ của ca khúc này đầy tính nhân bản, nguyên văn như sau:
Nếu chỉ còn một ngày để sống, người đưa tôi về đến quê nhà, để tôi thăm làng xưa nguồn cội, cho tôi mơ… mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống, người cho tôi một khúc kinh cầu, người tôi thương êm ấm môi cười, cho con tôi bước đời yên vui.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời, làm sao ta đền đáp bao người, nâng ta lên qua bước đời chênh vênh? Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm, làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông?
Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi này, cho tôi được ngắm sao trên trời giữa hương đồng cỏ nội. Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa, cho tôi được cám ơn cuộc đời, cám ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người bằng những lời ca.
Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành? Buồn vì ai, ta làm ai buồn, xin bao dung tha thứ vì nhau. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp, phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an?
Với cảm nhận của riêng tôi, giai điệu đẹp và ca từ cũng đẹp. Có thể NS Hoài An viết theo cảm nhận đời thường, nhưng cái “nếu” của ông rất gần với Công giáo.
Vâng, nếu chỉ còn một ngày để sống. Cách đặt vấn đề quá thực tế. Cái “nếu” này rất ý nghĩa và quan trọng biết bao – dù bạn là ai, ở bất kỳ cương vị nào, dù bạn có hay không có niềm tin tôn giáo! Tôi chợt nhớ tới thánh “nhí” Saviô. Một lần, khi đang giờ chơi, cậu Saviô (thuộc Khánh lễ viện của Thánh Don Bosco) được hỏi: “Nếu chỉ còn 1 giờ nữa con chết, thì con làm gì?”. Cậu bé Saviô đáp ngay: “Con vẫn tiếp tục chơi”.
Câu trả lời thật tuyệt vời, vì đó là thi hành Ý Chúa trong hiện tại. Giờ nào việc nấy. Dù là việc đọc sách thiêng liêng hay đọc kinh, cầu nguyện, thậm chí là đang được Chúa mặc khải, nếu không “đúng lúc” thì cũng vô nghĩa. Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất quan trọng qua cách thể hiện đức tin.
Vậy đó, con người quá yếu đuối, quá nhỏ bé, dù là gì thì cũng không là gì cả! Tôi chỉ nói ra cảm nhận riêng mà tôi khả dĩ chân nhận, tất nhiên không tránh khỏi tính chủ quan. Tôi biết tôi chỉ là con-số-không-to-lớn (a big zero), một “số không” lớn nhất trong những “số không” khác. Đó là một thực-tế-thật, dù rất có thể chính tôi không muốn… chấp nhận!
Theo tôi, dù là ai thì trước tiên vẫn phải là con người, mà là con người thì không chỉ phải giữ luật sống của một con người bình thường mà còn phải “lưu ý’ rằng cuối cùng mình cũng phải… chết! Đó là một thực tế vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Có sợ chết thế nào thì cũng không ai thoát chết!
Người giàu sang, có danh vọng, có địa vị hoặc chức tước, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ, nam hay nữ, người giỏi hay dốt, người tài năng hay bình thường, người có niềm tin tôn giáo hay không có niềm tin tôn giáo, người xấu hay đẹp, người cao hay thấp,… cuối cùng rồi ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay”. Nhắm mắt xuôi tay là… “chấm hết”. Vua Thánh Louis đã làm gương là “để hai tay ra ngoài chiếc quan tài” cho người ta thấy một thực-tế-thật. Nhưng có lẽ người ta chỉ nghe cho biết, đọc cho vui, thấy để mà… thấy. Thế thôi!
Ai cũng biết vậy, thế mà người ta vẫn cứ tranh giành nhau, chi li từng chút – cả vật chất lẫn tinh thần! Thua một chút là cảm thấy “khó chịu”. Mà thua một chút thì có sao? Hơn nhau một chút thì được lợi gì? Phải chăng đó chỉ là ảo tưởng? Quả thật, “cái Tôi” của chúng ta rất LỚN, do đó mà Pascal xác định: “Cái TÔI là đáng ghét”. Nhưng mấy ai dám ghét mình? Chúa Giêsu nói “từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi cả (x. Mt 10:37-39; Lc 14:26-27).
Con người rất dễ ảo tưởng, càng “lớn” càng dễ ảo tưởng, càng dễ độc đoán, càng muốn “chứng tỏ mình”, càng dễ áp chế và bóc lột người khác. Nhưng người ta vẫn cho đó là áp dụng theo Luật Chúa, theo Phúc Âm, là làm nhiệm vụ, là sống khiêm nhường, không ai muốn nhận mình là kiêu ngạo!
R.I.P. Xin Chúa cho các linh hồn được an nghỉ ngàn thu. Và xin Chúa cũng tha thứ mà cho chúng con được an nghỉ trong Lòng Thương Xót của Chúa muôn đời. Amen.
Tháng Mười Một, tháng cầu hồn
Nhớ người, rồi nhớ đến phần lượt ta…
Con người luôn thắc mắc về chính mình, về nguồn gốc và về đích đến – tức là thắc mắc về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một tam-giác-nghi-vấn khiến con người lao tâm khổ tứ và tốn công hao của. Các chuyên ngành – từ khoa học tới y học, từ vật lý học tới thiên văn học, từ nhân chủng học tới khảo cổ học,… – vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm từ xưa tới nay, thế nhưng con người vẫn không thể tìm ra đáp án nào thỏa mãn nhất. Không thấy đạo nào nhắc đến nguồn gốc của con người, chỉ nói đến giáo lý của đạo hoặc học thuyết, nhưng Kitô giáo mạch lạc “hai năm rõ mười”.
Con người là ai?
Ngày xưa, trong chương trình giáo dục tiểu học có ngụ ngôn “Con trâu, Con cọp và Con người” thế này:
Ngày xửa ngày xưa, khi dắt trâu ra ruộng, người ta thường lấy dây buộc vào sừng trâu mà kéo đi. Một hôm, có con chim đậu ở bụi cây, thấy người nông dân dẫn trâu đi như vậy, bèn hỏi: “Sao ông không thọc lỗ ở mũi trâu mà dắt đi?”. Người kia bèn buộc con trâu vào gốc cây, đâm thủng mũi trâu, xỏ dây và dắt đi. Sau đó có nhiều người bắt chước theo. Một hôm, sau buổi cày, khi người chủ nghỉ ngơi, còn trâu đang gặm cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu: “Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế sao?”. Trâu trả lời cọp: “Tuy bé nhỏ nhưng con người có trí khôn to lớn”.
Vừa lúc ấy, người đi cày trở lại, cọp bèn hỏi: “Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho tôi xem với”. Người đi cày đáp: “Trí khôn tôi để ở nhà”. Cọp bảo: “Hãy về nhà lấy trí khôn cho tôi xem”. Người nông dân trả lời: “Được chứ! Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt thì ông cọp ăn mất trâu của tôi. Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem được không?”. Cọp bằng lòng ngay.
Người đi cày lấy dây thừng cột cọp thật kỹ vào gốc cây, rồi ông lấy một chiếc gậy to vừa đánh vào đầu cọp vừa nói to: “Trí khôn của tao đây này”. Trâu thấy vậy, cười ngả nghiêng, híp mắt vào nên đập hàm vào đất, gãy cả hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đánh.
Giết một con vật thì không có tội, nhưng giết một con người thì tội tày trời. Giết một con vật mà có tội chỉ vì con vật đó thuộc loại quý hiếm, nhưng tội giết động vật quý hiếm cũng chỉ là khinh tội, không như tội giết một con người, dù chỉ là một phôi thai. Thậm chí chỉ đối xử tệ với con người cũng là trọng tội, vì con người là động vật cao cấp nhất, mỗi người đều có trọn vẹn một NHÂN VỊ, một NHÂN PHẨM và đầy đủ NHÂN QUYỀN, đặc biệt là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27; St 9:6).
Dù chỉ là động vật, sống theo bản năng, không biết lý luận, nhưng con chó bị dồn vào góc tường thì nó cũng chống trả bằng cách cắn lại ngay cả chủ của nó, dù nó vẫn được coi là con vật trung thành. Những người làm xiếc có khi cũng “sinh nghề tử nghiệp” vì chính con vật mà mình đã thuần hóa. Nói chung, loài vật không biết phân biệt điều thiện hay điều ác. Ngược lại, chỉ có con người mới biết phân biệt thiện – ác và biết đắn đo suy nghĩ, có người phản ứng mạnh nhưng có người lại nhịn nhục – như tục ngữ nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Thế mới là con người! Thậm chí một danh nhân đã xác định: “Ai không có lòng yêu thương thì không xứng đáng nhận danh hiệu con người”.
Con người đến từ đâu?
Người ta cho rằng con người tiến hóa từ loài khỉ. Nói như vậy nghĩa là con người xuất xứ từ loài khỉ, và như vậy khỉ là tổ tiên của con người. Nói vậy thì bạn sẽ tự ái và nói: “Khỉ làm sao có thể là tổ tiên của tôi?”. Đúng vậy, nhưng khi bạn công nhận con người tiến hóa từ loài khỉ – dù gián tiếp hay trực tiếp, nghĩa là bạn đã chấp nhận “khỉ là tổ tiên của mình”. Không thể biện hộ bằng cách nào khác!
Có 3 loài chính: Thực vật, Động vật và Con người. Thực vật có sinh hồn, tức là chỉ sống mà không có cảm giác; động vật có giác hồn, tức là sống và có cảm giác, nhưng chỉ sống theo bản năng sinh tồn; con người có linh hồn, tức là không chỉ sống và có cảm giác mà còn có trí khôn, biết sáng tạo, biết phân biệt thiện và ác.
Loài này không thể là loài kia – dù là động vật: Con vật không thể là con người, và tất nhiên con người không thể là con vật. Con nòng nọc biến hóa thành con nhái, con ếch, dù hai con khác nhau nhưng vẫn là “loài tương cận”. Cũng vậy, con ngài biến thành bướm, nhưng chúng vẫn chỉ là loài động vật có giác hồn. Con chó có hình dáng giống con bò, con trâu, nhưng mãi mãi là loài chó; con cọp có dáng giống con beo nhưng không bao giờ là con beo. Con tinh tinh nhìn giống con vượn nhưng khỉ không thể là vượn. Sáo có thể bắt chước âm gần giống tiếng người (thật ra không giống bao nhiêu), cà cưỡng cũng có khả năng đó, nhưng sáo là sáo và cà cưỡng là cà cưỡng. Những loài gần giống nhau nhưng không cùng “họ hàng thân thuộc” mà chỉ là “những con tương cận”.
Kitô giáo tin rằng Thiên Chúa dựng nên con người, có nam có nữ, theo hình ảnh của Ngài (St 1:27; St 9:6), Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người (đàn ông), rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2:7). Rồi Ngài thấy con người ở một mình không tốt (St 2:18) nên Ngài lấy xương sườn của người đàn ông để tạo nên phụ nữ (St 2:21-22). Điều này còn nhắc chúng ta PHẢI nhớ rằng chúng ta chỉ là cát bụi (x. 1 S 2:8; G 7:21; G 10:9; G 20:11; G 21:26; G 34:15; Tv 10:18; Tv 22:30; Tv 44:26; Tv 90:3; Tv 103:14; Tv 104:29; Tv 146:4; Kn 7:9; Is 29:4).
Chắc chắn rằng loài khỉ không thể và không bao giờ là tổ tiên của loài người. Và chắc chắn bất kỳ ai cũng không hề muốn chấp nhận loài khỉ là tổ tiên của mình! Con người phải xuất xứ từ một Đấng Tạo Hóa quyền năng và vô thủy vô chung, đó là Ông Trời, đó là Thiên Chúa.
Con người đi về đâu?
Khởi đầu cuộc đời bằng tiếng khóc, kết thúc cuộc đời bằng giọt nước mắt. Sinh ký, tử quy. Sinh ra trắng tay, chết cũng trắng tay. Được tạo nên từ bụi đất thì sẽ trở về với bụi đất, nơi mình xuất phát. Đó là điều chắc chắn!
Nhưng đó là theo nhãn quan trần thế. Chó chết thì hết chuyện. Con người chết không hết chuyện. Cọp chết còn để da huống chi con người. Chó chết không ai xây mộ, lập bàn thờ hoặc thắp nhang trước di ảnh… chó. Nhưng con người chết, dù là ai, cũng được tổ chức đám tang trang trọng, được lập mộ, được lập bàn thờ và được thắp nhang trước di ảnh, thậm chí còn được cầu khấn xin phù hộ. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo cũng lâm râm khấn vái với người quá cố. Lạ thật!
Từ 1 tới 8-11, khi lãnh ân xá để cầu cho các linh hồn nơi luyện hình, chúng ta đọc Kinh Tin Kính:“Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau”. Đó là đích đến của mỗi người, nghĩa là hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa đời đời trên Thiên quốc. Nếu không được làm công dân Nước Trời là chúng ta phụ tình Chúa, là uổng phí Ơn Cứu Độ, là lãng phí Lòng Chúa Thương Xót, bởi chính Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà. Lòng Chúa Thương Xót ngoài sức tưởng tượng của con người. Thánh Phaolô nói: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:13-14).
Mừng lễ chư thánh là mừng Giáo hội Khải hoàn, cầu cho các linh hồn là chia sẻ yêu thương và là nhiệm vụ của chúng ta đối với Giáo hội Đau khổ, đồng thời chúng ta cũng cầu cho chính mình là những thành phần của Giáo hội Chiến đấu. Đó là Giáo hội hiệp thông với 4 đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.
Với con người bình thường thì “đau đầu” vì tam-giác-nghi-vấn kia, nhưng với người có niềm tin vào Thiên Chúa thì đó là một hành trình thú vị và đầy ý nghĩa vậy. Bởi vì Thiên Chúa đã khuyến khích: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).
Tháng Mân Côi qua, Tháng Cầu Hồn đến. Đến hẹn lại lên…
Tháng Cầu Hồn là Tháng Mười Một, tháng dành riêng cầu cho các linh hồn, nhưng không chỉ cầu nguyện cho những người đã vào cõi vĩnh hằng mà còn là lời nhắc nhở chính mình “là bụi tro và chắc chắn sẽ trở về bụi tro” – dù trẻ hay già, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù quyền thế hay cô thân, dù tài hoa hay bình thường, dù xinh đẹp hay xấu xí, dù bề trên hay bề dưới… Đó là định-luật-muôn-thuở!
Vẫn biết “sinh ký, tử qui” (sống là GỬI, chết là VỀ). Có ai lại không muốn “về” sau những ngày “lưu vong”? Nhưng có lẽ nhiều người vẫn ngần ngại khi đến lúc “lên đường về quê”. Đó là lẽ thường tình của nhân sinh.
Cố Ns Trịnh Công Sơn đã trăn trở: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi?” Và hạt đó cũng có luc thấy “mệt nhoài”, khó hiểu, vì không biết “tiếng động nào gõ nhịp trong tôi”.
Bất kỳ ai cũng một lần đối diện Tử thần, dù đang ở độ tuổi nào, có sinh ắt có tử, có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Tháng Mười Một không chỉ cầu cho các linh hồn mà còn mời gọi chúng ta suy tư về sự chết, nhìn lại thân phận bất túc, nhỏ bé, yếu đuối và mỏng dòn của mình để nỗ lực “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, không được quên “mình là cát bụi và sẽ trở về cát bụi”.
Cuộc sống không nên tính bằng chiều dài mà bằng chiều sâu và chiều rộng. Có cái chết vô ích và có cái chết ý nghĩa. Có người chết trẻ mà được khâm phục và nhớ mãi, nhưng có người chết già mà không được ai quan tâm hoặc nhắc đến. Têrêsa Hài đồng Giêsu chỉ sống 24 tuổi. Lm Maximillien Kolbe đã sẵn sàng chết thay một bạn tù ở Đức, vì ngài thương anh ta còn vợ con. Chính cựu tù nhân đó đã đến dự lễ phong thánh cho ngài do ĐGH Gioan-Phaolô II cử hành. Chiara Luce Badona chỉ sống 19 năm (1971-1990) nhưng đã sống trọn Ý Chúa, ĐGH Benedict XVI đã tôn phong chân phước cho Chiara ngày 25-9-2010. Đức Kitô đã xác định: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15:13).
Trần gian cho đó là ngu dại, là điên khùng, là thua thiệt. Nhưng chính Đức Giêsu đã tiên phong nêu gương khi thực hiện như vậy. Với con người là ngu xuẩn thì với Thiên Chúa lại là khôn ngoan.
Thánh Phaolô xác địnhi: “Chết là giải thoát, là một mối lợi” (Pl 1:21). Có sống tốt thì cái chết mới thực sự lợi ích. Nói dễ, làm khó. Sống tốt không chỉ là tránh điều ác mà còn phải tích cực làm điều thiện. Thật không hề đơn giản! Trong thư gởi cho cha, thiên tài âm nhạc Mozart đã viết: “Con không bao giờ đi ngủ mà không nghĩ rằng có thể con không còn thấy ngày mai nữa. Sự chết là mục đích thực sự của đời sống. Từ vài năm qua, con đã quen với người bạn tuyệt vời đó. Hình ảnh người bạn đó không làm con sợ mà còn cảm thấy người bạn đó hiền lành và cởi mở”.
Là con người, có lẽ ai cũng từng hơn một lần khắc khoải về thân phận mình. Thánh Augustinô có kinh nghiệm: “Hồn con luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”. Thánh Catharine so sánh: “Đời sống là cây cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó”. Cuộc đời là tạm bợ, Nước Trời mới là Quê Thật của những ai theo Chúa, thuộc về Chúa và hành động đúng Ý Chúa. Quả thật: Bỏ Ngài thì con biết theo ai? Vì không có Ngài thì con không làm được gì!
Cụ thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đó cũng là trăn trở về thân phận con người, người Công giáo chân nhận đó là Thánh Ý Chúa. Khó là chúng ta có can đảm vui nhận hay không.
Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô Assisi nhận định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Chết không là thua thiệt, chết không là hết, mà chết chỉ là chấm dứt cuộc đời dương thế để chuyển bước vào cuộc sống vĩnh hằng, tận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, chiêm ngưỡng Tôn Nhan Thiên Chúa và thuộc về Ngài vĩnh viễn.
Lạy Thiên Chúa Phục sinh, xin xót thương cho các linh hồn về hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời, xin cho chúng con thêm vững mạnh ba đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) và phát triển các đức đối nhân (yêu thương, nhịn nhục, chịu lụy, đại lượng, nhân hậu, cảm thông, tha thứ, chia sẻ,…) để sống trọn Thiên Ý theo lệnh Ngài truyền dạy phải “sống hoàn thiện” (Mt 5:48). Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Bài 4. Giáo hội đau khổ
Giáo hội Chiến đấu (chúng ta) vừa mừng Giáo hội Khải hoàn (các thánh) vừa cầu cho Giáo hội Đau khổ (các linh hồn). Cứ mỗi lần đến ngày 2/11, Giáo hội lại tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời một cách đặc biệt, và dành trọn cả tháng Mười Một để cầu cho các linh hồn còn ở luyện ngục (luyện hình) vì chưa đủ “thủ tục” nhập quốc tịch Nước Trời. Anh ngữ gọi đó là “các linh hồn thánh” (holy souls), vì họ chắc chắn lên Thiên đàng.
Nay người, mai ta. Đó là quy luật muôn đời bất biến!
Nhiệm vụ của chúng ta là giúp nhau biết nguyên nhân và biết cách nguyện giúp cầu thay cho “các linh hồn thánh” nơi luyện ngục. Đó là nhiệm vụ chung của những người là chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, đồng thời cũng là nhiệm vụ riêng – vì ai cũng có tổ tiên, thân nhân và bạn hữu đã “ra đi” trước.
Chúng ta đã được biết giáo lý về luyện ngục. Con người “nhân vô thập toàn”, chắc hẳn có nhiều thiếu sót khi còn sinh thời, mà con người thì rất dễ sa ngã và chủ quan, như thánh Inhaxiô Loyola nói: “Ngay cả những tâm hồn đạo đức nhất cũng lần mò tìm về với Chúa qua con đường tội lỗi và thứ tha”. Không có Tình yêu Chúa, không có Lòng Chúa Thương Xót, không ai được thứ tha, không ai xứng đáng vào Nước Trời. Nhưng con người rất may có được lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, “vì Chúa thường rộng lượng thứ tha để cho thiên hạ tôn thờ và kính yêu” (Tv 130:4).
Các linh hồn ở đó không thể làm gì cho mình được nữa, rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Cầu cho các linh hồn là trách nhiệm và bổn phận, vì tội lỗi có sự liên đới và ơn lành cũng có sự liên đới, vì “lên thiên đàng một mình là ích kỷ”. Đó là một trong các vấn đề của thần học Công giáo.
Lòng Chúa Thương Xót luôn hoạt động tích cực. Các tù nhân cần người khác giúp đỡ bằng cách nào đó để được giảm án hoặc phóng thích, các linh hồn cũng rất cần và chỉ còn trông cậy vào những lời cầu nguyện chân thành của chúng ta dâng lên Thiên Chúa thay các ngài. Vả lại, Chúa cũng mong mỏi ban phát Ơn Cứu Độ, như Ngài đã mạc khải cho thánh Faustina: “Cha khao khát cứu các linh hồn”.
Những việc chúng ta làm có thể lợi ích trực tiếp cho các linh hồn là tham dự Thánh lễ, Rước lễ, Chầu Thánh Thể, lần Chuỗi Mân Côi, lần Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót và Chặng Đàng Thánh Giá. Tốt nhất là Thánh lễ, vì đó là việc thờ phượng cao nhất trong các dạng cầu nguyện.
Khi dâng lễ cầu cho người qua đời, chúng ta dùng cả đại dương ân sủng của Chúa để “tắm gội” các linh hồn, đồng thời chính chúng ta cũng được hưởng nguồn Suối Thiêng dồi dào đó. Bạn nhớ đến ai nhất? Bạn muốn làm nhiều điều lợi cho ai? Ai làm bạn tổn thương? Hãy đến với Chúa qua việc dâng lễ. Chúng ta không thể làm điều gì tốt hơn. Hãy nhớ tới các linh hồn bị bỏ quên (quen gọi là “các linh hồn mồ côi”) vì không ai trong gia đình họ cầu nguyện cho học hoặc gia đình họ không tin giáo lý về luyện ngục. Hãy cầu nguyện cho các giáo sĩ và tu sĩ. Chúng ta chỉ “phong thánh” cho họ khi họ qua đời, nghĩa là họ chỉ được cầu nguyện ít ngày sau hoặc vào ngày giỗ chạp, rồi lời cầu nguyện chúng ta dành cho họ cứ giảm dần theo thời gian.
Chúng ta có Kinh Mân Côi là “lời cầu nguyện mạnh mẽ”. Khi lần Chuỗi Mân Côi cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những công lao, niềm vui, đau khổ và sự chết của chính Đấng Cứu Độ để xin ơn tha thứ cho họ.
Chúng ta cũng có thể nguyện giúp cầu thay cho các linh hồn bằng việc Chầu Thánh Thể để và đi Đàng Thánh Giá. Qua các phương cách cầu nguyện đó, “chúng ta được ân xá kèm theo những lời cầu nguyện cho các linh hồn” (x. Giáo lý Công giáo, 1471).
Bao nhiêu người có thể lãnh nhiều ơn tòan xá từ ngày 1-8 tháng 11 khi viếng Nghĩa địa lãnh các ân xá khác trong năm? Hãy tự phấn đấu để trở nên thành viên trong số đó, hãy đưa con cái đi viếng Nghĩa địa và hãy dạy chúng biết cầu nguyện cho các linh hồn, không chỉ trong ngày lễ cầu hồn mà là hàng ngày, đồng thời dạy chúng thành tâm làm việc lành phúc đứcđể chỉ cho các linh hồn.
Chuỗi Lòng Chúa Thương Xót là lời cầu thống thiết mà, theo tôi, ai nghe cũng “mủi lòng”. Đó là những ngọn nến tỏa ánh sáng lung linh mầu nhiệm của Tình Yêu Thiên Chúa vô bờ bến và vô điều kiện. Chắc chắn các linh hồn được hưởng nhờ rất nhiều, các “linh hồn tù nhân” sẽ mau được tha trước thời hạn, vì Chúa không thể trì hoãn Lòng Thương Xót.
Nếu chúng ta chấp nhận những gian khổ, bệnh tật, ngược đãi, nhiệm vụ khó khăn, nhịn nhục vì khiêm nhường, chịu đựng những sự phiền toái, tránh xét đoán, biết tha thứ,… và dâng cho Chúa những sự ấy để cứu các linh hồn thì “kho tàng hồng ân của Thiên Chúa” sẽ được ban cho họ, đồng thời phong phú hóa công lao của chúng ta trở nên vĩnh hằng”.
Làm việc bác ái cũng là một cách hữu hiệu để cứu các linh hồn. Kinh thánh dạy rằng làm việc bác ái có thể đền bù nhiều tội lỗi. Giáo lý, số 1032, khuyên chúng ta làm việc bác ái để cứu các linh hồn.
Việc dâng 30 Thánh lễ liên tục trong tháng để cầu cho các linh hồn có từ thời Thánh GH Gregôriô Cả, thế kỷ thứ VI, Giáo hội gọi là Gregorian Masses (Thánh lễ Grêgôriô). Tác dụng của các Thánh lễ này là “cực mạnh”. Có lẽ nhiều người chưa biết “loại” Thánh lễ này. Nếu chưa biết thì bây giờ biết, và biết rồi thì hãy áp dụng ngay!
Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta trở nên “người bầu cử cho chính mình” và tự giúp mình vào Thiên đàng. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, họ trở nên bạn thân thiết của chúng ta mãi mãi. Vì “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Thánh Phanxicô Assisi).
Xin được nói thêm, chúng ta thường thấy trên các bia mộ ghi RIP. Tôi đã được một số người (người lớn) hỏi về ý nghĩa của từ này. Như vậy là nhiều người không biết, chỉ hiểu đại khái là chết thì có chữ RIP. Đây là từ được viết tắt câu “Requiescat in Pace” của tiếng Latin, tiếng Anh là “Rest in Peace”, nghĩa là “Nghỉ ngơi trong Bình an”, chúng ta quen nói: “An nghỉ ngàn thu”. Đó vừa là lời cầu nguyện cho người quá cố được hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa vừa là lời chúc dành cho người “lên đường” vào cõi vĩnh hằng.
Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngời, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già! Gió heo may đã về… Chẳng ai dám nói mình hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, có chăng chỉ là thêm kinh nghiệm để hiểu “đời là thế”, hiểu để khả dĩ chấp nhận mà sống thanh thản và thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày, lời một ngày. Ngày mai cứ để ngày mai lo, vì “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34).
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mơ ước của con người, niềm vui ẩn chứa trong những việc nhỏ nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. Hạnh phúc như nước hoa, càng cho đi càng thơm lừng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Nó có một vị trí nhất định nào đó thôi!
Nghịch-lý-thuận hay thuận-lý-nghịch? Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân: Khi sinh ra chẳng mang gì đến, khi lìa đời chẳng mang gì theo. Vua Louis để hai tay ra ngoài quan tài để cho người ta biết rằng quyền lực và giàu sang như ông là một Hoàng đế, thế mà chết cũng chỉ còn tay trắng buông xuôi!
Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở lòng và mở hầu bao, đó là một niềm vui. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ. Người khôn biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó!
Tiền mua được ẩm thực, nhưng không mua được bữa cơm gia đình; tiền mua được nhà cửa, nhưng không mua được hạnh phúc gia đình; tiền mua được nhà thờ, nhưng không mua được ân phúc; tiền mua được sách báo, nhưng không mua được kiến thức; tiền mua được chỗ nằm, nhưng không mua được giấc ngủ; tiền mua được thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe; tiền mua được chiếc ghế, nhưng không mua được chức tước; tiền mua được địa vị nhưng không mua được uy tín; thậm chí tiền có thể biến lòng người thay trắng đổi đen, nhưng không thể làm mất niềm tin tôn giáo…
Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với “thầy tu khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già. Nghĩa là đừng hà tiện quá, con cháu cũng buồn, chứ không có ý nói “xả láng, sáng về sớm”!
Tiền bạc là của mình, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu cha mẹ lại có hạn. Con ốm, cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm, con nhìn một chút rồi hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.Cha cho con tiền thì cha con cùng cười, con cho cha tiền thì cha con cùng khóc! Nhà của cha mẹ là nhà của con, mà nhà của con lại không phải là nhà của cha mẹ. Khác nhau lắm! Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!
Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy sao? Cũng có thể. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền mà hưởng già, và rồi tiền cũng không cứu nổi mình!
Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì tưởng nó to lắm, đẹp lắm, giá trị lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào cách thưởng thức nó. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Cuộc đời không tính bằng chiều dài mà tính bằng chiều sâu và chiều rộng.
Rất cần có tấm lòng rộng mở, biết yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).
Tập cho mình nhiều đam mê tốt, vui với chúng mà không biết mệt, đó là tự tìm niềm vui, người ta gọi đó là “ngu lạc trường” của riêng mình. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui. Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu hay nghèo, sang hay hèn, chỉ lo tận tâm vì công việc là coi đó là cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Suy cho cùng, ai cũng thế cả, rồi cũng trở về với cát bụi, về với thiên nhiên. Chiếc ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao!
Bạn đã dành khá nhiều phần đời cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, cho mơ ước,… Bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu thì nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với lòng mình. Sống ở đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm mình khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.
Tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già. Bảy mươi phải học bảy mốt, thậm chí chỉ sinh ra trước 1 phút cũng kinh nghiệm hơn!
Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu,… Mọi thứ đều nên “vừa phải”. Đạo trung dung luôn là đạo khó nhất!
Sống ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống, háo sắc, hám lợi,…), sống dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh), sống khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, sức khỏe, cuộc sống,…). Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh,… Tất cả đều muộn màng!
Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già và chóng chết.
Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng: thua không cay, thắng không kiêu, chơi là đùa. Về tâm sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.
Hoàn toàn khỏe mạnh nghĩa là thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh là biết vận động, chơi đúng chỗ, dừng đúng lúc, không sa đà. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ trường thọ.
Con người là con người của xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, riêng một ốc đảo, mà phải nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong các hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, đa sắc. Có vài người bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm cuộc sống tuổi già thêm đẹp và ý nghĩa, đượm nhiều hương vị. Sống luôn phải là sống VỚI, sống VÌ, sống CHO,…
Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Chỉ có thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn, bạn chọn cách sống sao cho phù hợp.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ – nhớ chuyện xa xưa? Những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở vạch cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là niềm vui lớn của tuổi già. Ký ức đầy kỷ niệm. Kỷ niệm đã qua nhưng không hề quên.
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì cứ mặc kệ nó – không có nghĩa là “vô tình” mà vì “muốn cũng không được”. Chấp nhận để lòng mình thanh thản. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt. Sinh-Lão-Bệnh-Tử là quy luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Chỉ cốt sao sống ngay thẳng mà không hổ thẹn với lương tâm.
Cuối cùng, hãy cố gắng tạo cho mình một dấu-chấm-hết thật tròn trịa!
Người đi về cõi ngàn thu
Tôi còn ở lại vẫn mơ kiếp người
Nay người, mai cũng đến tôi
Trở về cát bụi: Khóc, cười, trắng tay!
Trăm năm gom lại một giây
Lá âm thầm rụng xa cây lìa cành
Cuộc đời tưởng dài mà ngắn, thấm thoắt như bóng câu qua cửa. Tuổi già đến nhanh, nghĩa là cái chết cũng gần kề. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tất cả đều qua đi, chỉ còn lại cách sống của mình – còn lâu hay mau trong tâm trí mọi người là tùy vào chính con người của mình.
Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu độ con, xin đừng giận mà ruồng rẫy con, xin đừng bỏ rơi, xin đừng xua đuổi con khỏi Tôn Nhan Chúa, dù mọi người bỏ con thì vẫn còn có Ngài đón nhận con. Vì Lòng Thương Xót của Ngài vô biên và khác thường, xin dạy bảo con cung đường của Ngài và dẫn con đi trên lối phẳng phiu (Tv 27:9-11). Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Bài 6. Có mấy cơ hội được cứu độ?
Tháng Mười Một lại về. Tháng Mười Một nhắc nhở chúng ta về thân phận con người. Thời điểm cuối năm. Cuối năm nhắc nhở chúng ta về cuối đời, vì sớm muộn gì thì chúng ta cũng… chết. Đó là điều chắc chắn. Lúc chết là lúc tận thế của riêng cuộc đời mình.
Nhưng liệu chúng ta có mấy cơ hội được cứu độ? Kinh thánh nói rõ rằng chết là chấm dứt mọi cơ hội: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27). Thánh Phaolô nói quá rõ ràng, không hề mơ hồ chút nào. Và chắc chắn ai cũng chỉ một lần chết. Hai năm rõ mười. Trắng đen rạch ròi.
Chết là hết cơ hội “làm lại cuộc đời”. Hối hận muộn màng. Nhưng khi còn sống thì chúng ta có nhiều cơ hội được cứu độ, không chỉ lần hai, lần ba, lần bốn,… mà thậm chí là lũy thừa n lần, nếu biết chân nhận Đức Kitô là Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai TIN vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). “Được sống muôn đời” nghĩa là “được cứu độ”. Còn Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn TIN rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ ĐƯỢC CỨU ĐỘ. Quả thế, có TIN thật trong lòng, mới ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH; có xưng ra ngoài miệng, mới ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ” (Rm 10:9-10).
Sách Công vụ kể chuyện viên cai ngục hỏi ông Phaolô và ông Xila: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để ĐƯỢC CỨU ĐỘ?” (Cv 16:30), hai ông nói ngay: “Hãy TIN vào Chúa Giêsu, ông và cả nhà sẽ ĐƯỢC CỨU ĐỘ” (Cv 16:31). Rõ ràng TIN thì phải TIN trước, chứ khi chết rồi thìchẳng còn cơ hội nào khác. May mắn thì vào Luyện Ngục (Luyện Hình). Truyền thống Công giáo tin rằng Luyện Ngục là nơi người ta vào để thanh luyện, để đền tội mình.
Để hiểu được điều gì xảy ra sau khi chết đối với những người không tin, sách Khải Huyền nói:“Bấy giờ tôi thấy một ngai lớn màu trắng và thấy Đấng ngự trên đó. Đất và trời biến mất trước mặt Người, không để lại dấu vết. Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:11-15). Điều xảy ra là “người chết bị xét xử theo những gì họ đã làm khi còn sinh thời”.
Thánh Phaolô cho biết: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội” (Rm 3:20), nghĩa là Luật giúp người ta nên công chính, nhưng “người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3:28). Tác giả Thánh vịnh xác định: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130:3-4). Thật vậy, ngay cả việc chúng ta ca tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng lại sinh ích lợi cho chính chúng ta. Những người bị xét xử theo công việc và tư tưởng thì bị “án chung thân” nơi Hỏa Ngục. Nhưng những người TIN VÀO ĐỨC KITÔ lại không bị xét xử theo “sổ sách” ghi các hành động của mình, mà tên tuổi họ được ghi trong một cuốn khác, đó là “Sổ Trường Sinh của Con Chiên” (Kh 21:27). Đó là những người đã TIN VÀO ĐỨC KITÔ, và chỉ những người này mới được vào Nước Trời – nghĩa là ĐƯỢC CỨU ĐỘ.
Vấn đề để hiểu điều này là Sổ Trường Sinh. Bất kỳ ai được ghi tên vào Sổ đó thì “đã được chọn từ trước khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1:4) vì Ơn Cứu Độ của Chúa là một phần của Giáo hội Đức Kitô. Chính Ngài đã chọn chúng ta, đã cứu thoát chúng ta, và sẽ cứu độ chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8:39). Chúa Giêsu tuyên bố:“Những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37), và “tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 10:28). Đối với những người tin, không cần cơ hội thứ hai vì một cơ hội cũng là đủ.
Còn những người không tin? Họ không ăn năn và không tin thì họ có cơ hội nào khác? Chắc chắn là KHÔNG, vì trái tim họ đã xơ cứng, họ không còn cơ hội thay đổi vì họ đã chết. Tâm trí họ “đối nghịch” với Thiên Chúa và không chấp nhận Ngài ngay cả khi trực diện. Thánh sử Luca kể chuyện một người giàu và Ladarô. Người giàu nói với ông Ápraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này” (Lc 16:27-28). Ápraham nói:“Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16:29). Người giàu năn nỉ: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối” (Lc 16:30). Ông Ápraham phân tích: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”(Lc 16:31).
Trái tim xơ cứng vì cố chấp. Mà cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32).
Nhưng dù ai ở đâu thì vẫn phải quy phục Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rõ: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11).
Chẳng chóng thì chày, rồi mọi người sẽ phải bái thờ Đức Giêsu mà chân nhận Ngài là Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế. Nhưng đợi đế lúc đó thì đã quá trễ, không thể được cứu độ nữa. Sau khi chết, ai cũng bị phán xét: “Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:14-15). Dù với ý khác, khi nói về những người đã chết rồi còn bị trái pháo làm tan xương nát thịt trong chiến tranh, nhưng cố NS Trịnh Công Sơn cũng có cách nói tương tự: “Người chết hai lần, thịt da nát tan…”.
Đó là lý do mà chúng ta phải TIN vào Đức Kitô, và phải TÍN THÁC vào Lòng Chúa Thương Xót, có vậy mới khả dĩ ĐƯỢC CỨU ĐỘ.
Lạy Chúa, xin ban lại cho chúng con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng chúng con (Tv 51:14). Xin thương xót chúng con, và xin thương cứu các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Tháng Mười Một là khoảng thời gian cuối năm, vào mùa Đông, hơi sương phả trắng mờ ngọn cây, không khí lạnh làm lòng con người lắng xuống. Với người Công giáo, Tháng Mười Một là Mùa Cầu Hồn, mùa nhắc nhở mỗi người nhớ đến người đã “đi trước”, và cũng nhắc nhở mỗi người:“Mai cũng sẽ đến lượt mình”.
Nói đến sự chết, người ta cho là “xui”, nghĩa là người ta sợ. Nhưng có ai trường sinh bất tử? Có chăng chỉ là trong truyện cổ tích thần thoại. Cũng có người cho là bi quan hoặc yếm thế khi nói đến sự chết. Thực ra nó có chiều kích tích cực giúp chúng ta sống tốt hơn, như Chúa Giêsu truyền:“Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5:48).
Thường thì khi con người biết suy tư nhiều về cuộc đời là lúc người ta không còn trẻ, nghĩa là đã bắt đầu bước sang bên kia con-dốc-cuộc-đời: Có người 1 giờ chiều, có người 3 giờ chiều, có người 5 giờ chiều,… Nhưng có những người lại biết nghĩ đến cái chết từ rất sớm, có thể từ 7 hoặc 8 giờ sáng. Tôi nghĩ người đó có một đặc ân để hướng thiện!
Khoa học tiến bộ, hầu như người ta khả dĩ làm được mọi thứ, nhưng người ta vẫn không thể nào tạo được sự sống và ngăn chặn được lưỡi hái tử thần. Người ta không “bó tay” mà cũng như “bó tay”, vì cứ phát hiện thuốc chữa bệnh này thì lại phát sinh bệnh khác, có chữa được bệnh nan y cũng chỉ là kéo dài sự sống thêm một thời gian, rồi cũng… chết. Các khoa học gia mới khám phá được vệ tinh này thì lại chợt phát hiện còn những “lỗ đen” xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng. Chắc chắn con người phải “bó tay”. Và cứ câu hỏi này chồng chất lên câu hỏi khác… Dự báo có bão tố sắp tới mà không làm gì được, chạy trước cũng không kịp. Vậy mà người ta vẫn muốn khoe mẽ, muốn làm ngơ Thượng Đế, muốn loại bỏ Tạo Hóa, thậm chí là không muốn tin có Thiên Chúa!
Mỗi người có một nhãn quan riêng. Mỗi người có một lối suy tư riêng. Mỗi người có cách cảm nhận riêng. Muôn người muôn vẻ, nhưng tất cả vẫn là suy tư về thân phận con người, nhất là cái chết, tại sao không ai tránh khỏi?
Đời người dài, ngắn, sang, hèn
Trăm năm gom đủ một lần đưa tang!
Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi? Ôi cát bụi mệt nhoài! Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi! Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát Bụi). Con người luôn trăn trở về thân phận – dù là người có niềm tin tôn giáo, người không có niềm tin tôn giáo, hoặc người vô thần.
Và lúc khác, NS họ Trịnh lại suy tư: “Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe, im lặng của ngày, tôi đã lắng nghe, im lặng của đời, tôi đã lắng nghe. Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài, bao đêm đã qua, im lặng mặt người, tôi đã lắng nghe im lặng của tôi” (Im Lặng Thở Dài). Chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần gục đầu ăn năn, suy tư, và muốn tìm ra ẩn số cuộc đời mình.
Suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, phân tích đủ kiểu, áp dụng mọi khoa học, nhưng vẫn không thể có đáp án thỏa mãn. Có những điều tưởng đơn giản mà lại nhiêu khê, và có những điều tưởng phức tạp mà lại đơn giản. Chuyện kể thế này:
Một chiếc xe tải chở hàng, tài xế không để ý nên bị kẹt dưới gầm cầu. Xe chạy tới không được mà lùi cũng không xong. Rất nhiều người đứng chung quanh trố mắt nhìn, bàn tán, chỉ trỏ, các xe phía sau phải dừng lại vì kẹt. Kỹ sư, cảnh sát và chủ hãng xe đều đến. Người thì bàn là đào đường cho thấp xuống, người khác lại tính cắt bớt mui xe,… Cách nào cũng không ổn, mà tình trạng kẹt xe càng lúc càng tăng, xe nối đuôi nhau như rồng rắn vậy.
Lúc ấy, có một cậu bé chen vào, nói lớn với tài xế: “Bác tài, cháu chỉ cho bác một cách, bác xì bớt hơi mấy bánh xe đi, xe sẽ thấp xuống và có thể qua được”. Đám đông cười ồ lên. Còn những chuyên viên thì khó chịu, vì trẻ con mà tài lanh, dám dạy khôn người lớn. Bác tài cũng thế, nhưng cũng đành phải thử xem sao, và kết quả hơn cả tuyệt vời!
Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Đừng để sự đời chi phối mình thái quá. Hãy tìm cách “xì” bớt hơi bon chen, đua đòi, kiêu ngạo, ghen ghét, đố kỵ, thù hận, tranh giành, ích kỷ, tham lam, phe cánh, xét đoán, bất mãn, chống đối, chua ngoa, nóng giận,… để có thể thoát ra khỏi “đường hầm cuộc đời”. Cậu bé kia có cách giải quyết đơn giản, hợp lý và hiệu quả vì em đơn sơ và thật thà, không nghĩ cong queo hoặc cao xa như người lớn. Biết “xì hơi” cuộc sống là chúng ta đang hoàn thiện từng ngày, biết “chết” dần mỗi ngày vậy.
Cụ thi hào danh nhân văn hóa Nguyễn Du có cách kết luận: “Trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì” (Truyện Kiều). Nhắm mắt xuôi tay rồi thì ai cũng như ai: Trắng tay. Vậy mà người ta vẫn tranh giành nhau chi li. Khó hiểu quá! Có làm đám tang lớn, dùng áo quan đắt tiền, vòng hoa để chật nhà, dàn kèn tây hoành tráng,… chẳng qua là đẹp mặt người sống chứ người chết chẳng được lợi gì: Sống thì chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi!
Còn nhạc sĩ Vũ Thành An (nay là phó tế vĩnh viễn) lại băn khoăn trong một ca khúc Bài Không Tên: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Nghĩa tử là nghĩa tận. Thế nhưng trong đám tang thiên tài âm nhạc Wolfgang Mozart (27/1/1756 – 4/12/1791) chỉ có vài người và một con chó đi tiễn đưa!
Chó chết là hết chuyện. Con người chết thì không thể hết chuyện: Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Chữ “tiếng” ở đây có hai nghĩa: Tiếng tốt hay tiếng xấu. Khi ta sinh ra, người cười mà ta khóc, vậy hãy sống sao để khi ta chết, người khóc mà ta cười. Đáng quan ngại là Thiên Chúa cho chúng ta hoàn toàn tự do. Vì thế, việc chọn lựa cách sống rất quan trọng: “Ai làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai làm điều dữ sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5:29). Tuy nhiên, chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32).
Mình chết có được người khác nhớ đến hay không là do cách sống của mình. Người ta nhớ mình hay không là “quyền” của người ta. Nhưng chính chúng ta có bổn phẩn phải nhớ đến người đã khuất, vì “quên người đã chết là làm cho họ chết thêm một lần nữa”. Nhớ đến họ để cầu nguyện cho họ, vì họ là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè, thầy cô, ân nhân, người quen,… Mà dù họ là ai, dù mình không quen biết, chúng ta vẫn có bổn phận với họ trong tình liên đới và hiệp thông Kitô giáo trong Chúa. Muốn người khác nhớ đến mình thì mình đừng quên người khác: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12). Vả lại, với đức tin Công giáo thì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi), và giáo lý Công giáo đã dạy: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin Kính).
Tác giả Anon viết: “Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn. Tôi tin rằng được sinh ra để chết, chết mỗi ngày một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi”. Một lối suy tư tuyệt vời! Quả thật, chúng ta đang sống nghĩa là chúng ta đang chết, khi chúng ta chết là lúc chúng ta bắt đầu sống. Một nghịch-lý-thuận. Đó là loại triết lý “hiện sinh” mà chỉ người có niềm tin Kitô giáo mới khả dĩ hiểu.
Hạ tuần tháng 10-2011, cư dân mạng xôn xao về vụ một em bé 2 tuổi ở Trung quốc bị xe cán nát 2 chân, người đi đường thấy mà làm ngơ, một chiếc xe tải khác chạy tới không tránh và lại tiếp tục cán lên chân em bé tội nghiệp kia, người qua kẻ lại vẫn hoàn toàn vô cảm. Mãi sau mới có một phụ nữ bế em vào lề đường. Thế nhưng em bé này vừa qua đời ngày 21-10-2011. Có thể Chúa cho em từ giã cõi đời này quá sớm cũng là kết thúc tốt đẹp đối với em, nhưng sự vô tình nhẫn tâm của những người lớn sẽ là “vết chàm” của xã hội loài người ngày nay, coi con người không bằng con thú!
Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi (Lc 5:8), nhưng đừng bỏ mặc con trong cơn khốn khó. Con muốn thân thưa: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 & 9). Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ ân xá cho các linh hồn nơi luyện hình được sớm hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Bài 8. Luyện ngục trên thế gian
Theo các thần học gia, các giáo phụ và các vị tiến sĩ giáo hội, đau khổ nơi luyện ngục là việc trì hoãn hưởng hạnh phúc thiên đàng. Các linh hồn chịu đau khổ vô cùng vì khao khát hưởng Tôn nhan Chúa. Họ yêu mến Chúa mãnh liệt và muốn được ở bên Ngài. Họ được xác nhận là tốt lành và chắc chắn được hưởng hạnh phúc thiên đàng, nhưng họ cũng biết rằng đáng lẽ họ đang được hưởng sự sống vĩnh hằng nếu họ đã chuẩn bị từ khi còn sống trên thế gian. Như vậy, đau khổ đầu tiên nơi luyện ngục là sự chờ đợi – chính sự chờ đợi này thanh luyện họ.
Giáo huấn của các thần học gia là đau khổ nơi luyện hình thường nhiều hơn đau khổ trên thế gian. Như vậy, chịu một ít đau khổ trên thế gian với tinh thần sám hối và yêu mến, cùng với ý hướng chịu đau khổ để thanh luyện tâm hồn mình, thì có nhiều ích lợi hơn – một ít đau khổ trên thế gian có thể tránh được nhiều đau khổ nơi luyện hình. Do đó, chúng ta nên muốn sống tinh thần luyện hình trên thế gian càng nhiều càng tốt. Cách đầu tiên chúng ta có thể thực hiện là CẦU NGUYỆN.
Cầu nguyện và đau khổ
Thánh Gioan Thánh giá có một bài thơ về sự đau khổ mà linh hồn trải nghiệm khi khao khát Thiên Chúa. Trong bài thơ này, ngài thường xuyên dùng cách nói: “Tôi chết mà tôi không chết”. Ngài có ý nói là ngài chết (nghĩa là chịu đau khổ dữ dội) vì ngài chưa có thể vào thiên đàng (vì thế, ngài chờ cái chết về thể lý). Thánh Gioan Thánh Giá đã nếm thử điều gì đó ngọt ngào về Thiên Chúa trong những kinh nghiệm thần bí của việc cầu nguyện, nhưng ngài rất đau khổ vì ngài chưa thể đạt được đỉnh điểm của sự cầu nguyện là hạnh phúc thiên đàng.
Sự cầu nguyện phát triển sự trải nghiệm về những điều nơi thiên đàng trong linh hồn. Trải nghiệm thực tế này (dù chỉ mơ hồ), linh hồn đó càng khao khát được kết hiệp với Thiên Chúa trong vinh quang. Tuy nhiên, linh hồn đó biết mình vẫn phải ở trên thế gian cho đến lúc chết, chính sự tách rời này gây đau khổ dữ dội. Trải nghiệm về điều tốt lành của Thiên Chúa thì không có gì trên thế gian có thể an ủi linh hồn và ngay cả Thánh Thể cũng chỉ làm cho linh hồn cảm thấy đau khổ; vì càng gần Đức Kitô, linh hồn càng khao khát Nước Trời và càng nhận thấy mình phải chờ cái chết. Tuy nhiên, linh hồn yêu mến Chúa được đầy niềm vui đổ tràn vào những việc lành – có bình an tâm hồn, nhưng cũng quá đau khổ.
Sự khao khát từ việc cầu nguyện chân thành này là “gần như luyện ngục” (quasi-purgatory) trên thế gian – nỗi đau khổ mạnh mẽ do lòng khao khát được lấp đầy. Cũng như luyện ngục, nỗi đau khổ của lời cầu nguyện đang thanh luyện: Linh hồn càng khao khát Chúa càng xa tránh tội lỗi và dịp tội. Ước muốn kết hợp với Đức Kitô, linh hồn trở nên giống Ngài hơn. Đau khổ này, dù có thể không dữ dội như đau khổ nơi luyện hình, đáng giá hơn và hiệu quả hơn đau khổ nơi luyện hình – bởi vì, nếu chỉ những hy sinh nhỏ trên thế gian cũng cứu chúng ta thoát nhiều đau khổ nơi luyện hình. Khao khát đau khổ từ lời cầu nguyện mau đưa chúng ta lên thiên đàng biết bao!
Chúng ta có thể tiến xa hơn và nói rằng đau khổ nơi luyện hình vượt trên đau khổ ở trần gian, cho nên quá nhiều đau khổ gây ra cho linh hồn khao khát nhìn thấy Chúa cũng vượt trên mọi đau khổ ở trần gian. Niềm vui sướng của việc cầu nguyện đều là niềm vui nhục thể, cho nên đau khổ từ lời cầu nguyện vượt trên mọi đau khổ thể lý! Tuy nhiên, đừng sợ cầu nguyện về điều này. Dù có đau khổ và đau khổ thật, nhưng vẫn ngọt ngào! Đó là loại đau khổ mà chúng ta không muốn chấm dứt, ngoại trừ việc hoàn thành lời cầu nguyện trong niềm vui của Nước Trời.
Bài thơ của thánh Gioan Thánh giá về linh hồn chịu đau khổ vì khao khát Thiên Chúa
Con đang sống, nhưng không phải con sống trong con, và con hy vọng rằng con chết mà con không chết.
1. Con không sống trong con nữa và con không thể sống thiếu Chúa, vì không có Ngài hoặc không có con thì sự sống sẽ là gì? Đó sẽ là một ngàn lần chết, là khao khát sự sống thật và con đang chết mà con không chết.
2. Sự sống mà con đang sống không hề là sự sống, và như thế con tiếp tục chết cho đến khi con sống bên Ngài; lạy Chúa, xin lắng nghe con: Con không muốn sự sống này, con đang chết mà con không chết.
3. Khi con ở xa Ngài, sự sống nào con có thể sống ngoại trừ phải chịu đựng cái chết cay đắng nhất? Con tự tội nghiệp con, vì con tiếp tục sống, con đang chết mà con không chết.
4. Con cá ra khỏi nước sẽ có sự an ủi này: Chịu đựng cơn hấp hối cho đến lúc chết. Cái chết nào có thể tương đương sự sống đáng thương của con? Vì con càng muốn sống thì càng rút cạn cơn hấp hối của con.
5. Khi con cố tìm sự an ủi trong lúc con thấy Chúa trong Bí tích Thánh Thể, con thấy đó là nỗi buồn quá đỗi: Con không thể nào vui mừng. Mọi sự là đau khổ vì con không thấy Ngài khi con khao khát, và con chết mà con không chết.
6. Lạy Chúa, nếu con vui mừng hy vọng thấy Chúa, nhưng con biết con có thể mất Chúa, gấp đôi nỗi sầu khổ của con. Sống trong nỗi sợ hãi như vậy và hy vọng như con hy vọng, con chết mà con không chết.
7. Lạy Chúa, xin nâng con lên khỏi sự chết này và ban cho con sự sống, đừng giữ con nối kết với hệ lụy này quá mạnh; xin biết con khao khát gặp Ngài biết bao; tình trạng khốn khổ của con quá đầy đủ đến nỗi con chết mà con không chết.
8. Con sẽ kêu gọi Tử thần và than khóc đời con khi con bị giam giữ tại đây vì tội con. Lạy Chúa, khi điều đó xảy ra con có thể thật lòng thân thưa: “Hiện nay con đang sống chứ con không chết”.
Bài 9. Ảo ảnh
Minh Tâm
Tập san Mẹ Hiền 11/2012
Cuối năm, soạn lại đống hồ sơ bề bộn trên bàn viết, một bức ảnh đen trắng lộ ra. Ảnh chân dung của tôi đây mà. Ảnh trắng đen, một tác phẩm hơn bốn mươi năm rồi. Tôi xăm soi nhìn thật kỹ bức chân dung như lâu ngày gặp lại hình ảnh của một người bạn xa cách. Thật vậy ảnh chân dung này quá khác biệt với bức ảnh tôi vừa chụp trong lễ cưới của cô gái út nhà tôi, cách nay vài tháng.
Chúng không khác biệt về màu sắc hay hoa lá lung linh của tác phẩm nhiếp ảnh hiện đại. Nhưng hai tấm ảnh của một con người lại khác nhau một trời một vực như hai tấm ảnh của hai con người nào đó khác nhau về dòng tộc, huyết thống, tâm lý, giáo dục, môi trường…
Một tấm ảnh của một thanh niên hai mươi xuân xanh, chưa lập gia đình. Tấm kia là ảnh của cụ ông sáu mươi nhăm, ông nội cũng là ông ngoại của một lũ nhóc tì. Mới đây đã bốn mươi lăm năm trôi qua. Nhanh thật. Bà nhà tôi nói :
- Mau quá hả ông. Mới giáng sinh đây, bây giờ lại giáng sinh. Mới tết Con Mèo Tân, giờ lại tết Con Nhâm Rồng.
Một năm nhanh thật, nhưng bốn mươi năm nhanh hơn. Tôi mường tượng như vừa diện bộ cánh trẻ trung này và chụp bức ảnh trắng đen mới sáng hôm qua đây thôi. Suy nghĩ của tôi hiện giờ không khác suy nghĩ của tôi cách đây 45 năm là mấy. Nhân sinh quan, vũ trụ quan… của tôi ngày nay cũng không có gì khác. Chỉ có khác ở chỗ ngày xưa còn bé tôi thường mang kính màu hồng. Giờ già rồi, do tia cực tím của thời gian, màu hồng thắm ấy đã ngã sậm màu một tí. Thế thôi. Tôi chợt nhớ đến lời của một giảng sư triết : Chủ thể tâm hồn của con người không bao giờ thay đổi. Cái thay đổi là hình thức bên ngoài mà thôi. Hôm nay tôi mới nghiệm thấy điều đó là đúng.
Mỗi lần tắm gội kỳ cọ tay chân, tôi thấy rất nhiều tế bào chết của cơ thể mình đào thải ra ngoài dưới dạng cáu bẩn. Khoa học cho biết theo chu kỳ bảy năm tất cả tế bào cơ phận con người đổi mới hoàn toàn. Cũng môi miệng này, cũng tay chân này… vào ngày này bảy năm sau được đổi thay mới hoàn toàn. Dỉ nhiên tiến trình lột da sống đời ấy xảy ra rất tiệm tiến, nên tôi không cảm nhận được lộ trình ấy.
Người ta thường châm biếm: Già mà như con nít. Nhưng đó là một thực tế khó tránh. Một người bạn vừa đến thăm tôi sau hơn ba mươi năm xuất ngoại. Anh cũng như ngày nào. Cũng cậu tớ, cũng ngôn từ têu tếu như ngày chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường với nhau. Nhưng hình dáng bên ngoài có khác. Khác nhiều lắm. Trước khi về nước mấy tháng, anh ấy có gửi cho tôi một bức ảnh chụp chung với nhiều người bạn trong công ty. Tôi không tài nào nhận ra người bạn nối khố của mình ngày xưa, đứng ở góc nào trong ảnh. Bạn của tôi ngày nào có mái tóc đen nhánh, bồng bềnh đầy nghệ sĩ tính, ôm lấy gương mặt căng hồng bầu bỉnh, giờ tóc anh đã bạc khói lam chiều kèm hơi hói một tí..
Già lão, tóc bạc da mồi, là qui luật tạo hóa. Nhưng con người lại muốn lách luật như thường quen lách luật dân sự, luật hình sự… Quí ông, quí bà rủ nhau tắm bùn, tắm nắng, tắm sữa… nhuộm tóc, nhuộm da, căng da mặt, treo mày, cấy mi, nối mi, cắt mắt, cắt cằm, độn mũi, độn ngực… Người già không muốn người ta thấy mình già, họ muốn trốn lệnh truy nã của thần thời gian .
Vào cuối thập niên tám mươi, thế kỷ trước, sau năm 1975, nhiều loại hình giải trí đã bị xóa sổ : bi da, đua ngựa, tennis, võ thuật, chiếu bóng, ca nhạc, hòa tấu… duy nhất còn lại là sân khấu Cải lương. Một buổi tối, sau xuất diển dài tại rạp cải lương Cao Đồng Hưng, cạnh chợ Bà Chiểu, vợ chồng tôi theo chân đám khán giả mộ điệu ào đến cửa hậu trường để đón lỏng cô đào chính nổi tiếng tại đất Sài Thành này từ thập niên 60. Cô đào vừa bước ra khỏi cửa, cố lách đi giữa đám fan mộ điêu, bỗng có tiếng của một phụ nữ thốt lên rõ nồm một : Già rồi !
Nụ cười xinh xắn trên môi cô đào vụt biến mất. Cô sa sầm nét mặt, hét lên : Bảo vệ đâu hết rồi. Lập tức có hai thanh niên vạm vỡ đến vẹt đám đông và đưa cô đào nhanh ra xe hơi chờ sẵn trước cổng rạp, vọt mất. Già theo tuổi là qui luật. Tiếng nhạc ngũ âm, ánh đèn bảy màu sân khấu, qua lớp phấn son dầy trên mặt ngôi sao, dễ dàng đánh lừa khán giả. Nhưng khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì sự thật lại phơi bày nguyên vẹn. Cách đây vài tháng báo chí Sài gòn đưa tin ngôi sao màn bạc Liz Taylor vừa qua đời trong tuổi U 80, kèm bức ảnh của cụ vào những năm tháng cuồi đời trên chiếc xe lăn. Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy bức chân dung mới của bà. Cũng con người này, cách đây 40 năm, trong vai nữ hoàng Cléopatre, Ai Cập, đã làm hàng triệu triệu quả tim trai trẻ mê mệt.
Già theo tuổi là nổi đau của người già. Nhưng trong những tháng cuối năm 2011, báo chí lại vừa phát giác tại Việt Nam có những trường hợp già không theo tuổi. Một cô gái 25 tuổi, tại xứ dừa Bến Tre, bị một ác bệnh làm da mặt cô sưng rợp, chảy xệ. Bỗng chốc cô gái biến thành bà lão 65 tuổi, y như những câu chuyện cổ tích thần kỳ có mụ phù thủy áo đen chuyên phù phép hại người vô tội. Những bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác ấy phải đau khổ đến mực độ nào ? Chỉ có họ mới thấu. Đoạn trường, ai có qua cầu mới hay.
Ngày xưa con bé, tết đến, xun xoe trong bộ quần áo mới thơm, xanh xanh đỏ đỏ, tôi chúc tết Bà và ba mẹ tôi sống đến đầu bạc răng long. Bây giờ tết đến, lũ cháu con của tôi cũng chúc tôi như vậy. Kinh Thánh cũng viết : Người đầu bạc thì đáng được kính trọng. Nhưng từ hơn ba năm nay tôi phải nhuộm tóc vì bà nhà tôi nói : Để tóc bạc nhìn phản cảm lắm. Mới mấy ngày trước tết, báo Tuổi Trẻ có đăng tin : Liệt não vì thuốc nhuộm tóc. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh cho người già nhuộm tóc đen, người trẻ nhuộm tóc đỏ.
Tôi không còn răng long, vì tôi đã nhổ tất trước khi chúng long ra. Giờ tôi đã có hai hàm răng giả cứng chắc hơn răng thật. Các cụ thích sống lâu, nhưng không thích đầu bạc răng long.
Cụ Tú Xương khuyên thiên hạ chớ:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Vì ông sợ :
Bống bế nhau lên nó ở non.
Cụ cũng khuyên chớ:
Chúc nhau bạc tiền đầy năm, xài không hết.
Vì ông sợ:
Phen này chắc hẳn gà ăn bạc.
Gà ăn bạc, gà phải chết. Ông không còn mồi để chén thù chén tạc với bạn bè, và đến lúc vì sợ ung thư người ta kiêng thịt đỏ, quay lại thịt gà thì khó tìm ra gà.
Tiền bạc ai cũng ham. Gặp nhau đầu năm người ta luôn chúc nhau : Năm mới phát tài hơn năm cũ. Suốt một đời làm lụng vất vả, đầu tắt mặt tối, chấp nhận đạp lên lương tâm, dẫm đạp lên đồng nghiệp, miễn sao có tiền, vàng đầy két. Có tiền rồi cũng không dám xài. Ky cóp, nhịn ăn, nhịn mặc cho có đồng dư. Không dám du lịch đó đây, thăm viếng thân bằng quyến thuộc cũng rất hạn chế. Đến tuổi về hưu, lắm tiền, thì sụm bà chè, không đi du lịch được. Lên mâm cơm, thịt cá ê hề, nhưng không gắp được miếng nào cho bao tử, bộ tiêu hóa đã lão suy trước tuổi. Ai cũng cảm nhận đời là bể khổ, nhưng ai cũng muôn sống lâu trăm tuổi.
Cụ Nguyễn Công Trứ đã thốt lên:
Đã sinh ra thì đà khóc chóe.
Đời có vui sao chẳng cười khì.
Thời trung học, tôi ở nội trú rất khắt khe. Tết được về sum hợp với gia đình vỏn vẹn có hai tuần chẳn. Sáng mồng một tết, chúng tôi mừng tuổi bà ngoại trước rồi mới đến ba mẹ. Năm nào bà ngoại cũng rơm rớm nước mắt. Bà cảm động tạ ơn Chúa đã cho ngoại sống đến từng tuổi ấy. Ngoại nói : Không biết tết năm sau bà có còn sống với các cháu hay không. Mọi người thinh lặng, trân trọng lời tâm sự đầu năm của bà. Thằng Xuân, con dì út, là tay nghịch ngợm nhất, lúc đó cũng đứng yên há mồm trố mắt nhìn chằm chằm vào mắt bà ngoại, quên mất mai vàng, dưa đỏ, bánh chưng xanh. Thương ngoại quá, tôi không rời ngoại nửa bước trong buổi sáng mồng một . Ngoại còn tâm sự với tôi nhiều điều khó quên. Bà nói:
“Sau một ngày, sau một năm là càng bước gần đến mồ cháu ạ. Con người cần sống sao cho có ý nghĩa, để khi nằm xuống thì yên lòng nhắm mắt, không còn gì để hối tiếc.”
Cuối năm phụng vụ, nhiều bài hát về “phận người” làm tôi phải suy tư.
Đời người như ánh chớp, như áng mây cuối trời, như bóng câu cửa sổ…
Chúa ơi !, con chỉ là cát hoang… con chết đi không mang được gì chỉ để lại tiếc thương cho người thân…
Sinh, bệnh, lão , tử là qui luật của Chúa, tôi phải chấp nhận. Có người vừa sinh ra, chưa bệnh chưa lão, đã tử. Buồn hơn, có người chưa sinh ra đã tử trong lòng mẹ ruột mình. Sinh: khổ, bệnh: khổ, lão: khổ, tử : khổ. Nhưng không ai muốn chết trẻ. Con cháu hãnh diện khi cha mẹ mình hưởng thọ 60, 70, 80… Không ai muốn bảng cáo phó của cha mẹ chỉ ghi hưởng dương, 30, 40, 50. Thọ là phúc lớn nhất của con người. Phúc – Lộc – Thọ tóm lại thành hai điều ước của con người đó là LỘC và THỌ.
Tan hợp – hợp tan, kiết hung – hung kiết, vui buồn – sướng khổ, sinh ly – tử biệt, sinh – bệnh – lão tôi đã trải qua. Tôi cảm nhận một ngày sống là một món quà quý Thiên Chúa trao ban. Dỉ nhiên ngày nào cũng đều có cái khổ và niềm vui trong Chúa cho ngày ấy. Tôi mãn nguyện vì Chúa đã cho phép tôi hưởng thọ hơn sáu mươi năm, dù cuộc đời tôi đã mang đậm nhiều vết đắng cay giữa chốn trần ai này.
Lamhong.org