Hạ sơn: Ngày còn nhỏ, tôi rất mê đọc truyện kiếm hiệp, và hình ảnh một môn sinh hoàn tất công việc học hỏi, bái tạ thầy để xuống núi luôn luôn là một hình ảnh gây xúc cảm. Người môn sinh sau một thời gian rất dài theo thọ giáo đã được vị thầy khả kính truyền hết bí quyết võ thuật, kiếm thuật...đôi khi cả những tuyệt chiêu mà chỉ có những môn sinh tài đức vẹn toàn mới được thầy thương mến truyền cho. Trước khi xuống núi, môn sinh còn được chính thầy kiểm tra lại khả năng, lắm lúc thầy trao tặng một vật báu phòng thân, kèm theo những lời dặn dò về phong cách của một đấng trượng phu quân tử. Người môn sinh xuống núi với nỗi háo hức mong chờ gặp lại người thân, hoặc truy tìm kẻ thù xưa.
Thế nhưng không ít ngườiđã thất bại, hoặc mang tật nguyền, hay mất mạng trước kẻ thù và lắm khi còn phải trở lại "mái trường xưa" để thêm một lần khổ công tu luyện nữa!
Tôi cũng đã là một Cursillista, đã từng mang tâm tư của một môn sinh xuống núi, cũng đã háo hức trước cánh đồng lúa bao la chín vàng, chỉ mong có dịp cầm hái để gặt về những bó lúa trĩu nặng được mùa. Chỉ có mấy ngày ngắn ngủi tại Mission Hill, nhưng cũng chính nơi đó đã khơi dậy trong tôi một lời kêu gọi mãnh liệt trong công việc Tông đồ: "Con đã được yêu thương trong cánh tay của Thầy, hãy đem tình thương yêu này đi gieo vãi khắp nơi bằng chính con tim, bàn tay của con và sự trợ lực của Thầy".
Tôi đã hăng hái lên đường với bao niềm vui và hy vọng, với gói hành trang tương đối đầy đủ do sự hy sinh của những anh em đi trước chuẩn bị cho. Có thể nói rằng tôi đã xuống núi trong tâm trạng của một người được sai đi trong trách nhiệm và vinh dự, thầm hát những câu: "Cuộc lễ đã hết, nhưng lễ đời ta nói tiếp.Ta đi bốn phương trời làm chứng nhân cho… muôn người đưa về nơi vĩnh phúc cõi trời...!" Tôi đã lên đường trong sự tin tưởng vào Thầy Chí Thánh.
Tiến-bước: Trong một câu chuyện xưa kể lại: có ba vị pháp sư đồng hành trên quãng đường dài qua một sa mạc đồng trống hoang vu, sau những ngày trò chuyện về tương lai, quá khứ, những chuyện tình cảm bàn dân thiên hạ và ngay cả chuyện sức tài cao thấp của nhau. Ngày nọ, ba vị dừng chân trước bộ xương khô của một chú sư tử, có lẽ lìa đời đã lâu lắm đến nỗi bộ xương xem chừng đã mục và nằm rải rác lung tung. Một vị nổi hứng phát biểu:
-Tôi có thể làm cho bộ xương này ráp nối lại y nguyên.
Bộ xương khô lập tức trở về nguyên dạng.
Vị thứ hai cũng không kém:
-Còn tôi, tôi sẽ làm cho bộ xương này có đủ thịt da như còn sống vậy. Bộ xương tức thì có đủ thịt da, móng vuốt...
Vị thứ ba cười lên tiếng:
-Các anh còn kém lắm, hãy xem tôi. Tôi có thể cho con thú này sống lại và khoẻ mạnh nữa.
Và kết quả thật bi thảm, khi con sư tử được cho sống lại, trong bụng trống rỗng thèm mồi, cả ba không đủ no cho nó!
Suy nghĩ về hành động của ba vị pháp sư, tôi cảm thấy có lẽ tôi cũng đã vấp phải những khuyết điểm đó trong những ngày hoạt động. "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con" (Jn15,16). Có khi tôi tự hỏi: Phải chăng tôi vì một ngẫu hứng cá nhân, vì hư danh trần thế mà đã bước theo Thầy, chứ Thầy không chọn một người như tôi! Có lẽ tôi ước muốn thật nhiều, mà lòng tham không đáy nên tôi cảm thấy được chẳng bao nhiêu.
Mục đích để hành động là cho tôi, hay cho Thầy? Việc tôi làm có hại cho tôi hay cho cả anh em? Tôi lẩn quẩn ở cả một vài điều đơn giản đó. Trước cuộc lên đường, tôi đã bước theo Thầy. Nhưng chỉ sau một quãng đường ngắn, bao nhiêu ngoại cảnh vui buồn chi phối, Thầy ở đâu, tôi cũng không hay! Trong mắt tôi, tôi thấy chỉ còn lại tôi, anh em, và ai có thể làm được điều gì đó, nếu cảm thấy lợi ích thì cứ làm!
"Hãy học hỏi với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt11,29). Tôi đã bước đi theo con đường của tôi. Tôi cứ ngỡ hành trang đã quá đủ. Giờ thi thố đã đến. Lời Thầy nói rồi cũng như gió thoảng mây bay. Hành trang anh em chuẩn bị cho, tôi thay thế bằng những thứ nhặt nhạnh được rải rác trên đường. Khởi đầu của cuộc lên đường, tôi đã bước những bước dài lầm lỡ trong sự háo hức đi tìm cái tôi. Thầy ở trong tôi, tôi đã gặp Thầy, gặp chính tôi trong những ngày ở Mission Hill. Vậy mà tôi quên mất, chẳng nhớ rằng: cứ đối diện với "Cái tôi" sẽ gặp lại Thầy. Phải quay lại thôi, quãng đường đã đi qua chẳng có ý nghĩa gì cả!
Tấm gương và tấm bánh: Đã từ lâu, tôi mong ước là sự phục vụ của tôi sẽ tạo nên một gương sáng cho con cái. Có lẽ đó cũng là một trong những động lực thúc đẩy tôi tham gia các sinh hoạt hội đoàn. Sau một thời gian dài qua những thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống, tôi nhận ra một vài điều mà có lẽ ai cũng biết rõ: "Có thực mới vực được đạo!"; "Không thể cho cái mình không có!".
Nhu cầu vật chất cho cuộc sống con người có lẽ cũng đã được thừa nhận trong Kinh thánh, khi Gia-vê ban "manna" cho dân chúng trên đường sa mạc tìm về đất Hứa. Và Đức Kytô cũng đã nói:"Con người không chỉ sống bằng cơm bánh..." (Mt4,4)
Quả tình trước đây, đôi lúc tôi cũng rất áy náy khi lơ là một vài công việc của gia đình để làm công tác đoàn thể. Tất nhiên tôi cũng chẳng phải có đủ thiện chí đến nỗi xả thân bỏ quá nhiều thì giờ cho sinh hoạt chung. Thế nhưng "lời nói lung lay, gương bày lôi kéo", nếu tôi không tham gia một vài sinh hoạt cộng đồng, làm sao có thể tạo được tấm gương sáng cho con cái. Giữa "tấm gương và tấm bánh" là cả một sự hy sinh. Đã có lần tôi được khen "ăn cơm nhà vác ngà voi", tôi thầm trả lời một cách hài hước: Tôi vác đây là vác Thánh giá theo chân Chúa, quí vị cũng đã từng nghe lời của Chúa " Hãy vác Thánh giá mà theo Ta!" (Mt10,38), còn nếu ai coi đó là ngà voi thì lại càng quí,Thánh giá mà bằng ngà voi thì còn gì hơn nữa!
Tuy vậy, tôi cũng cảm nhận rằng không thể là một tấm gương sáng được, nếu "tấm bánh" chỉ là "vụn vỡ", và việc trước tiên là hãy lo toan cho gia đình một tấm bánh tương đối đã. Cái nguy hại là đôi khi tôi lại tự ngụy biện, vì tấm bánh như thế nào là đã tương đối. Phải chăng chỉ tương đối đủ khi tôi dành cả một đời lo thu nhặt, cuối cùng chỉ để cho giun dế thưởng thức!
Nén bạc, nén vàng: Ngày xưa, mỗi lần nghe đọc đoạn lời Chúa nói về dụ ngôn nén bạc, tôi chỉ nghĩ về khả năng Chúa ban: ai có tài gì, có khả năng gì thì nên đem ra để phục vụ.
Gần đây tôi có một suy nghĩ thô thiển không biết có hợp lý không! Nếu chỉ hiểu nén bạc trong dụ ngôn là khả năng thì có lẽ chưa đủ. Cho nên nhiều người trước bổn phận chung đã "hoan hỉ an nghỉ tại gia" với lý do vững "như kiềng ba chân" : không đủ khả năng! Thực tế, tôi nghĩ nén bạc có thể là khả năng, có thể là thời gian. Có người rộng rãi về thời gian, có người vì công việc làm ăn mà thời gian hạn hẹp. Sự ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ cá nhân hoặc gia đình đã làm cho nhiều người lười biếng việc chung mà đúng ra mình có bổn phận phải đóng góp. Thực tình tôi cũng trong số người đó, cứ viện cớ để lơ là. Khả năng: chắc chắn ai cũng có. Người có cái này, người có cái khác, như bàn tay năm ngón vậy! Thời gian: chẳng lẽ trong một năm không tìm ra vài giờ, vài ngày...để tham gia một vài công tác chung sao?
Cứ cho rằng Chúa ban cho tôi chỉ có một nén. Nén đó là khả năng hay thời gian, tôi cũng phải làm lợi, vì đến ngày Ngài sẽ hỏi tôi :"Con đã làm lợi cho Ta được bao nhiêu?" (Mt25,14-30)
Quả thực, con đường tôi đang đi đòi hỏi tôi phải hy sinh, học hỏi, phải khiêm nhường, cầu nguyện nhiều thì mới mong tiến bước được, vì "tôi, cái tôi, chính tôi chỉ là hạt cát giữa sa mạc thôi !"
Kính tặng các anh chị em đã tham dự khoá Tĩnh huấn Cursillo.
Đặng Xuân Hường.