ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

19 Tháng Hai 20218:51 SA(Xem: 1276)

ĐTC Phanxicô cử hành lễ Tro: Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Vào lúc 9:30 sáng thứ Tư 17/2/2021, lễ Tro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em.

Hồng Thủy - Vatican News

Hàng năm, theo truyền thống, Đức Thánh Cha cử hành lễ Tro vào chiều thứ Tư lễ Tro tại vương cung thánh đường thánh Sabina của dòng Đaminh, trên đồi Avventino ở Roma. Trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha thực hiện cuộc hành hương thống hối, đi bộ từ vương cung thánh đường thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến vương cung thánh đường thánh Sabina. Năm nay do đại dịch, Đức Thánh Cha không thực hiện nghi thức truyền thống này; trái lại, ngài cử hành Thánh lễ tại đền thờ thánh Phê-rô với sự tham dự giới hạn của khoảng hơn 100 tín hữu, như trong các Thánh lễ trong thời gian đại dịch.

Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có các Hồng y thuộc giáo triều Roma. Trong nghi thức xức tro, sau khi Đức Thánh Cha làm phép tro, Đức Hồng y Angelo Comastri, giám quản đền thờ thánh Phê-rô, đã bỏ tro cho Đức Thánh Cha, và sau đó Đức Thánh Cha đã bỏ tro cho các Hồng y.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu sống Mùa Chay như một cuộc hành trình trở về với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và cũng là cơ hội đào sâu tình yêu thương của chúng ta đối với các anh chị em. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng như sau:

Mùa Chay là hành trình trở về với Chúa

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay. Mùa Chay được bắt đầu với lời của ngôn sứ Giô-en. Những lời này chỉ ra con đường chúng ta sẽ đi. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim của Thiên Chúa; với vòng tay mở rộng và đôi mắt chờ mong Người tha thiết mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2,12). Trở về với Ta. Mùa Chay là một hành trình trở về với Thiên Chúa. Đã bao nhiêu lần khi bận bịu việc này việc kia hay dửng dưng, chúng ta đã nói với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ đến với Chúa sau... Con không thể đến hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho tha nhân.” Và cứ thế ngày này qua ngày khác. Giờ đây Chúa đưa ra lời kêu gọi trái tim chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn luôn có những điều để làm và lý do để từ chối, nhưng bây giờ là thời gian trở về với Chúa.

Mùa Chay: thời gian phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu

Chúa nói: Hãy hết lòng trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Nó là thời gian để xem xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm con đường đưa chúng ta trở về nhà và tái khám phá tương quan sâu sắc của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà mọi thứ phụ thuộc vào. Mùa Chay không chỉ là những hy sinh nhỏ bé mà chúng ta thực hiện, nhưng là phân định xem tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi: Hệ thống định vị của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu - về phía Chúa hay về phía chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa hay để được chú ý, khen ngợi và tìm kiếm địa vị? Có phải tôi đang có một trái tim "dao động", tiến một bước rồi lùi lại một bước? Có phải tôi yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay lòng tôi vững vàng nơi Chúa? Có phải tôi bằng lòng với thói đạo đức giả của mình hay tôi đang cố gắng giải thoát trái tim mình khỏi sự giả hình và giả dối đang trói buộc nó?

Cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do

Hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tự do. 40 ngày này tương ứng với 40 năm dân Chúa rong ruổi qua hoang địa để trở về quê hương xứ sở. Thật là khó biết bao để rời bỏ Ai Cập! Trong cuộc hành trình đó, luôn có một cám dỗ ao ước nuối tiếc những củ hành củ tỏi, quay lại đàng sau, bám víu lấy ký niệm của quá khứ hay thần tượng này ngẫu tượng kia. Điều này cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta cũng bị ngăn chặn bởi những bám víu không tốt, bị níu kéo lại bởi những cạm bẫy cám dỗ của tội lỗi, bởi sự an giả tạo của tiền bạc và sự hào nhoáng, bởi những than thở bất hành làm chúng ta tê liệt. Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải lột bỏ những ảo ảnh này.

Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên hành trình trở về với Chúa? Những hành trình trở về được Lời Chúa thuật lại giúp cho chúng ta trong hành trình này.

Trở về với Chúa Cha

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng nó cũng là thời gian để chúng ta trở về với Chúa Cha. Giống như người con đó, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà của mình, chúng ta đã lãng phí một gia sản quý giá vào những thứ tầm thường và cuối cùng chúng ta chỉ còn lại đôi bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ liên tục bị ngã; chúng ta giống những đứa bé đang cố gắng bước đi nhưng vẫn tiếp tục ngã và mỗi lần đều cần được người cha nâng dậy. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn khiến chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – bí tích Giải tội –  là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta.

Trở về với Chúa Giêsu

Tiếp đến, chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi, khi đã được chữa lành, đã trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở về với Chúa Giêsu (x. Lc 17, 12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tội lỗi đâm rễ sâu mà chúng ta không thể tự nhổ bỏ chúng. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta tê liệt mà chúng ta không thể tự mình vượt qua. Chúng ta cần noi gương người phong cùi đó, người đã trở lại với Chúa Giê-su và quỳ xuống dưới chân Người. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giê-su, chúng ta cần bày tỏ với Người những vết thương của mình và nói: “Lạy Chúa Giê-su, con đang ở trước mặt Chúa, với tội lỗi của con, với sự đau buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải thoát con. Xin chữa lành trái tim con.”

Trở lại với Chúa Thánh Thần

Lời Chúa mời gọi chúng ta trở lại với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi chính chúng ta, Thiên Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Người. Vì vậy chúng ta sẽ không còn sống cuộc sống chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Chúa Thánh Thần, Đấng ban Sự Sống, trở về với Lửa thổi bùng tro tàn của chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện một lần nữa với Chúa Thánh Thần và khám phá lại ngọn lửa ca ngợi, ngọn lửa thiêu rụi tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Thiên Chúa đến trước với chúng ta

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hành trình trở về với Thiên Chúa của chúng ta chỉ có thể thực hiện được bởi vì Người đã đến với chúng ta trước. Trước khi chúng ta đến với Chúa, Người đã đến với chúng ta. Người đi trước chúng ta; Người xuống trần gian để gặp chúng ta. Vì chúng ta, Người đã hạ mình xuống thấp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Người trở nên tội nhân, chịu chết. Vì vậy thánh Phao-lô nói với chúng ta, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2 Cr 5,21). Để không bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành cùng chúng ta trong cuộc hành trình, Người đã bước vào tội lỗi và sự chết của chúng ta. Do đó cuộc hành trình của chúng ta là để Người nắm lấy tay chúng ta. Chúa Cha, Đấng mời gọi chúng ta trở về nhà, chính là Đấng đã rời bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa Giê-su, Đấng chữa lành chúng ta, chính là Đấng chịu thương tích trên thập giá; Chúa Thánh Thần, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thổi hơi nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên thân xác bụi đất của chúng ta.

Làm hòa với Thiên Chúa

Do đó, thánh tông đồ kêu gọi: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (c. 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta; không ai có thể tự làm hòa với Chúa nhờ sức riêng mình. Sự hoán cải chân thành, với những hành động và thực hành thể hiện điều đó, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu từ sự ưu việt của hành động của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta trở lại với Chúa không phải là khả năng hay công trạng của chính chúng ta, mà là quà tặng ân sủng. Chúa Giê-su nói rõ điều này trong Tin Mừng: điều khiến chúng ta công chính không phải là sự công bình mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Khởi đầu của việc trở lại với Thiên Chúa là việc chúng ta nhận ra chúng ta cần Người và lòng thương xót của Người. Đây là con đường đúng đắn, con đường của sự khiêm tốn.

Mùa Chay: hạ mình trong nội tâm và hướng đến người khác

Hôm nay chúng ta cúi đầu xức tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả trong nội tâm và đối với người khác. Đó là nhận ra rằng ơn cứu độ không phải là bước lên đỉnh vinh quang, nhưng là hạ mình xuống vì tình yêu. Đó là trở nên bé nhỏ. Nếu chúng ta lạc lối trên hành trình của mình, hãy đứng trước thánh giá của Chúa Giê-su: ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm niệm những vết thương của Người. Trong những vết thương đó, chúng ta nhận ra sự trống trải, những thiếu sót của mình, những vết thương của tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào bất cứ ai, mà là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương Người chịu vì chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Plm 2,25; Is 53,5). Khi  hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Người. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Người đã đến gặp chúng ta. Và bây giờ Người mời chúng ta trở về với Người để khám phá lại niềm vui được yêu thương.


Đài Vatican
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO - Tin tức từ Vatian và thế giới
Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một thông điệp video, đề nghị những mô thức đặc biệt cho Đại Hội Gia Đình Thế Giới năm 2022, và kêu gọi các giáo phận hãy có những sáng kiến, kế hoạch đề ra những sáng kiến mới như một phần của sự kiện. (Tin Vatican - Devin Watkins) Trong khi chuẩn bị cho Đại Hội Gia đình Thế giới (WMF) diễn ra vào ngày 22-26 tháng 6 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tín hữu trên toàn cầu hãy tham gia vào Đại Hội thứ 10 này. Trong thông điệp video được công bố vào thứ Sáu (2/7/2021), Đức Thánh Cha cho biết một mô thức mới đang được lên kế hoạch cho Đại Hội Gia đình Thế giới (WMF), được tổ chức tại Rome nhưng cũng được tổ chức mọi nơi trên toàn thế giới. Đức Thánh Cha nói: “Sau khi bị hoãn lại một năm do đại dịch, mong muốn được gặp lại là một khát vọng lớn.
Vatican News (16.4.2021) - Trong sứ điệp gửi các tín đồ Hồi giáo nhân tháng Ramadan, Đức Hồng y Miguel Ayuso Guixot, nhấn mạnh đến niềm hy vọng của những người tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài mời gọi các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo trở thành những chứng nhân và người mang hy vọng cho các anh chị em đang gặp khó khăn. Trước hết, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn chúc các tín đồ Hồi giáo một tháng tràn đầy phúc lành và phát triển thiêng liêng. Ngài nhắc rằng: ăn chay, cầu nguyện, bố thí và các thực hành đạo đức khác, đưa chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa và tất cả những người chúng ta đang chung sống và làm việc.
WHĐ (12.04.2021) – Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã khai mạc Hội nghị thường niên lần I/2021, được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 4 tại Toà Giám mục Nha Trang. 19g30 ngày 12 tháng 4 năm 2021, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm – Tổng Thư ký HĐGM – đã chủ sự Chầu Thánh Thể, tiếp theo là cử hành phụng vụ Kinh Tối. Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng với 25 Giám mục chính toà và Giám quản tông toà của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đã hiện diện trong sự tiếp đón nồng hậu và ân cần của Giáo phận Nha Trang. Nhân dịp này, Giáo phận Nha Trang sẽ tổ chức Thánh lễ tạ ơn vào chiều ngày 15 tháng 4 mừng kỷ niệm 350 năm Đức cha Pierre Lambert de la Motte – Đại diện Tông tòa đầu tiên của Đàng Trong – đặt chân đến vùng đất Nha Trang và kỷ niệm 50 năm linh mục của Đức cha Giuse Võ Đức Minh – Giám mục Giáo phận Nha Trang.
Trong bài giảng lễ Truyền Dầu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng loan báo Tin Mừng và bách hại và Thánh giá đi liền với nhau. Đức Thánh Cha mời gọi đừng ngạc nhiên và khủng hoảng khi nhận thấy Thánh giá trong cuộc sống. Thánh giá có sức mạnh tiêu diệt sự ác. Và ơn Chúa cũng được ban cho chúng ta qua những thánh giá trong cuộc sống, vì yêu thương. Hồng Thủy - Vatican News Lúc 10 giờ sáng ngày 1 tháng 4, thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ truyền Dầu tại bàn thờ Ngai tòa trong đền thờ thánh Phê-rô. Mọi năm, khi không có đại dịch, khoảng một ngàn linh mục ở Roma đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ truyền Dầu. Các linh mục quy tụ quanh Đức Thánh Cha để lặp lại lời tuyên hứa mà các ngài đã tuyên thệ trước giám mục trong ngày lãnh nhận chức linh mục
19g thứ Sáu 19/3 giờ VN: Đàng Thánh Giá trực tuyến trên chính con đường Chúa đã đi lên đồi Golgotha Tại Giêrusalem nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối cùng của Ngài trong cuộc sống dương thế, trong suốt Mùa Chay và đặc biệt là trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu cùng đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha. Được đi lại trên chính con đường thương khó Chúa đã đi qua là một kinh nghiệm sâu sắc thay đổi cuộc đời biết bao người hành hương đến Giêrusalem. Tiếc thay vì hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng này, điều này không thể thực hiện. Chính vì thế các hiệp sĩ quản thủ Thánh Mộ đã dùng đến phương tiện truyền thông trực tuyến để các tín hữu gần xa có thể hiệp ý với các ngài.
Ngày 8/2/2021 Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chuyến viếng thăm Iraq của Đức Thánh Cha trong các ngày từ 5-8/3 sắp tới. Ngài sẽ thăm các thành phố Najaf, Ur, Erbil, Mosul và Qaraqosh, nơi ngài sẽ viếng thăm nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội Al-Tahira đã bị Nhà nước Hồi giáo đốt phá sau khi nhóm này nắm quyền kiểm soát thị trấn vào năm 2014. Hồng Thủy - Vatican News Ngày thứ nhất 5/3/2021 Đức Thánh Cha sẽ rời Roma vào sáng thứ Sáu 5/3 và đến phi trường thủ đô Baghdad vào ban chiều. Sau nghi thức tiếp đón chính thức tại phi trường, Đức Thánh Cha sẽ hội kiến với Thủ tướng Iraq tại phòng VIP của phi trường. Tiếp đến Đức Thánh Cha sẽ đến Dinh Tổng thống, viếng thăm xã giao Tổng thống; tại đây sẽ có nghi thức chào đón chính thức.
“Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20) là chủ đề của Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật thứ ba của tháng Mười. Trong Sứ điệp Đức Thánh Cha nói rằng Giáo Hội ngày nay cần những tấm lòng có khả năng thúc đẩy mình đi đến "các vùng ngoại biên của thế giới". Hồng Thủy - Vatican News Mở đầu Sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định: “Khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe.” Đàng khác, mầu nhiệm Nhập Thể, Tin Mừng và mầu nhiệm Phục sinh tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương nhân loại, nhắc chúng ta rằng Chúa biết thế giới và biết nó cần ơn cứu độ và mời gọi chúng ta tham gia tích cực vào sứ vụ truyền giáo.
1. ĐẠI DỊCH COVID-19 Sự kiện quan trọng nhất và bao trùm cả năm 2020 là đại dịch Covid-19, do virus Corona chủng mới gây ra, làm thay đổi bao nhiêu nề nếp sinh hoạt phụng vụ và mục vụ trong Giáo hội Công Giáo. Vào ngày 11-3-2020, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là ‘đại dịch’. Trước đó 2 ngày, nước Ý đã phong tỏa toàn quốc vào ngày 9-3-2020. Trong buổi chiều cùng ngày, Hội đồng Giám mục Ý đã thông báo về việc ngưng toàn bộ các Thánh lễ trên toàn nước Ý từ ngày 10-3 đến ngày 3-4-2020 để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona. Ngày 16-5, nước Ý ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất kể từ lúc phong tỏa hôm 9-3, nên đã phê chuẩn sắc lệnh khôi phục phần lớn hoạt động kinh tế, dỡ bỏ lệnh hạn chế di chuyển.
Ngày 21/1, trong điện thư được ký bởi Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô lên án vụ đánh bom tự sát kép tại thủ đô Baghdad vào sáng cùng ngày, khiến cho hơn 30 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương, và ngài cầu nguyện cho các nạn nhân. = Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ việc tàn bạo này. Trong điện thư, Đức Hồng y Parolin nói rằng Đức Thánh Cha “vô cùng đau buồn khi hay biết về các vụ đánh bom tại Quảng trường Tayaran ở Baghdad sáng nay. Ngài lên án hành động tàn bạo vô nghĩa này và cầu nguyện cho những nạn nhân đã qua đời và gia đình của họ, những người bị thương và những nhân viên cấp cứu tham gia cứu trợ.” Đức Thánh Cha hy vọng rằng Iraq sẽ tiếp tục làm việc để vượt qua bạo lực bằng “tình huynh đệ, liên đới và hòa bình”, và ngài cầu khẩn phúc lành của Chúa cho quốc gia Iraq và người dân nước này.
Bảo Trợ