Hồng Thủy - Vatican News
Đền thờ thánh Phêrô, đã không tiếp du khách viếng thăm từ ngày 10/03, được tẩy trùng hôm 15/05 để chuẩn bị cho việc mở cửa vào ngày 18/05.
Sau Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành vào lúc 7 giờ sáng tại mộ thánh Gioan Phaolô II, nhân kỷ niệm 100 năm sinh nhật của thánh nhân, vào lúc 8 giờ sáng, dân chúng được phép vào thăm viếng đền thờ.
Tuân giữ các biện pháp an toàn sức khỏe
Phía bên ngoài quảng trường thánh Phêrô, có bảng khuyên các tín hữu đeo khẩu trang và đứng cách nhau 2 mét khi vào đền thờ.
Dịch vụ vệ sinh của Vatican đã đặt các thuốc khử trùng tay ở cuối hàng cột xung quanh quảng trường. Từ đó, công chúng thấy các dòng chữ “giữ khoảng cách của bạn” được dán trên con đường đá dẫn đến chỗ kiểm tra sức khỏe và an ninh trước khi vào đền thờ.
Cuối con đường có hai thành viên của Hội Hiệp sĩ Malta mặc đồ bảo hộ đo thân nhiệt của du khách. Nếu không bị sốt, du khách có thể tiếp tục đi đến chỗ máy dò tìm kim loại. Sau khi kiểm tra an ninh và trước khi vào trong đền thờ, du khách lại thấy các dụng cụ cung cấp thuốc khử trùng tay.
Các nhân viên an ninh của Vatican yêu cầu du khách đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi thấy có vẻ như du khách đang đứng gần nhau để nói chuyện, kể cả các nhà báo đang cố gắng phỏng vấn một số người đầu tiên bên trong.
Tuy đền thờ thánh Phêrô đã được mở lại cho dân chúng thăm viếng, quảng trường vẫn còn đóng. (CNS 18/05/2020)
Căng thẳng Israel-Palestine: Tòa thánh tái khẳng định giải pháp hai dân tộc và hai quốc gia

Ngọc Yến - Vatican News
Qua cuộc điện thoại, ông Saeb Erekat, trưởng đoàn đàm phán Palestine và tổng thư ký của Tổ chức Giải phóng Palestine cho Ngoại trưởng Tòa Thánh biết: nếu Israel áp dụng chủ quyền cách đơn phương trên một phần khu vực của hai quốc gia, thì sẽ làm tổn hại thêm tiến trình hòa bình trong khu vực.
Trước những thông tin này, Tòa Thánh tái khẳng định tôn trọng luật pháp quốc tế và bày tỏ “mối quan ngại về bất kỳ hành vi nào có thể làm tổn hại thêm cuộc đối thoại” giữa người Israel và Palestine. Tòa Thánh nhắc lại rằng cần phải “tôn trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc, là những yếu tố không thể thiếu để hai dân tộc có thể sống cạnh nhau, có biên giới được quốc tế công nhận trước năm 1967”.
Tòa Thánh vẫn đang quan tâm theo dõi tình hình và bày tỏ quan ngại về bất kỳ hành vi nào có thể làm tổn hại thêm cuộc đối thoại. Tòa Thánh hy vọng, một lần nữa, người Israel và người Palestine sẽ sớm tìm ra khả năng đàm phán trực tiếp một thỏa thuận, với sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Và như thế, cuối cùng hòa bình có thể ngự trị trên Thánh địa, vùng đất được người Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo yêu mến.
Vào Chúa nhật tuần trước, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố: Đã đến lúc sáp nhập các bộ phận của Bờ Tây bị chiếm đóng. Lời tuyên bố của ông trước khi Quốc hội nhóm họp để bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ liên minh của ông với đối thủ cũ là ông Benny Gantz.
Thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các chính trị gia dự kiến công bố vào ngày 01 tháng 7, liên quan đến chiến lược thực hiện kế hoạch của Mỹ, nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Kế hoạch này bị người Palestine từ chối, do liên quan đến việc sáp nhập của Israel tại Thung lũng Jordan và các thuộc địa của Israel ở Bờ Tây, lãnh thổ Palestine bị Nhà nước Do Thái chiếm đóng từ năm 1967.
Vatican News