Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM / AFP
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội (Ảnh minh họa)
Sáng 9/9, chỉ sau 2 ngày xét xử, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.
Khi đọc bản luận tội với 29 bị cáo trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, VKSND Hà Nội đã nêu đề nghị thay tội danh.
Với 6 bị cáo bị truy tố tội Giết người, VKS đề nghị TAND Hà Nội tuyên phạt Lê Đình Công, 56 tuổi, con trai ông Lê Đình Kình (đã chết) và Lê Đình Chức, 40 tuổi, tử hình; Lê Đình Doanh, 32 tuổi, con của Lê Đình Công, chung thân; Bùi Viết Hiểu, 77 tuổi và Nguyễn Quốc Tiến 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển 14-16 năm tù.
Theo Vnexpress đưa tin, trong 19 người được thay đổi tội danh từ Giết người thành Chống người thi hành công vụ. Theo đó, VKS đề nghị phạt Nguyễn Văn Quân (Quân "Mạ", 40 tuổi), Lê Đình Uy (27 tuổi), Lê Đình Quang (36 tuổi) 6-7 năm tù. 16 bị cáo còn lại mức phạt đề nghị thấp nhất 18-26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cao nhất 5-6 năm tù.
Báo chí Việt Nam trích lời VKS cho đây vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, vì tham lam, coi thường pháp luật các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội gây hoang mang cho nhân dân. Khi công an làm nhiệm vụ, các bị cáo cùng nhau hô hào kích động, tấn công khiến ba chiến sỹ hy sinh. Các bị cáo hành động "có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man"; có sự cấu kết chặt chẽ với nhau, dưới sự cầm đầu chỉ huy của ông Kình.
Zingnews.vn dẫn lời VKS: từ năm 2017 và đầu năm nay, "Tổ đồng thuận" và nhiều người khác đã gây ra những vụ mất trật tự công cộng, bắt giữ người trái pháp luật hay cố ý làm hư hỏng tài sản ở địa phương.
Trước đó, đỉnh điểm vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm là việc dân làng Đồng Tâm bắt giữ hàng chục cán bộ công an làm con tin ngày 16/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp xuống Đồng Tâm để đối thoại với người dân.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp hôm 22/4/2017, ông Chung đã trao văn bản viết tay, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm.
Nguồn hình ảnh, UGC
Văn bản viết tay của ông Chung năm 2017 khi về đối thoại với người dân Đồng Tâm
Tuy nhiên, cũng dưới thời ông Chung, UBND TP Hà Nội cũng ký văn bản đồng ý với chủ trương của Công an TP Hà Nội về kế hoạch tấn công vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020.
Trong diễn biến khác, một nhóm các tổ chức xã hội dân sự gồm các tri thức và người dân Việt Nam đã khởi xướng một đơn yêu cầu khẩn cấp gửi các lãnh đạo chính quyền và tiến hành thu thập chữ ký với nội dung sau:
"Coi ông Bùi Viết Hiểu là nhân chứng đặc biệt, phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu một cách đặc biệt; tốt nhất nên chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý" vì ông là người chứng kiến một cảnh sát đã bắn chết ông Lê Đình Kình từ phía trước.
Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bắt đầu từ 7/9.
Tuy nhiên, trao đổi với BBC hôm 8/9, luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định, với tốc độ xét xử như hiện tại, có thể phiên tòa có khả năng kết thúc sớm hôm thứ Năm 10/9.
Theo BBC