Thắt chặt hợp tác quân sự song phương là nội dung cuộc họp của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Nhật Bản tại căn cứ quân sự Andersen trên đảo Guam. Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 29/08/2020, lãnh đạo quân sự hai nước lên án mạnh mẽ những nước đơn phương dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng các tuyến lưu thông hàng hải, ngụ ý đến Trung Quốc.
Bộ trưởng Mark Esper và đồng nhiệm Taro Kono nhất trí duy trì kiểm soát chiến lược hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nhắc đến cam kết Washington bảo vệ Tokyo theo điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật, được áp dụng với trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền.
Về bốn vụ bắn tên lửa của Trung Quốc ra Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đều xác nhận đó là nhằm cảnh cáo các máy bay trinh sát của Mỹ hoạt động gần khu vực hải quân Trung Quốc đang tập trận. Trong hai tuyên bố riêng biệt trước đó, cả ông Kono và Esper đều cho rằng các vụ bắn thử trên là có thể “gây bất ổn định trong vùng”, riêng Washington đã phản đối mạnh mẽ.
Theo Kyodo, trước mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc, vào tháng Chín, Nhật Bản có thể sẽ thảo luận những giải pháp phòng thủ thay thế, sau khi từ bỏ dự án triển khai hệ thống chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.
Mỹ tổ chức họp "Bộ Tứ" để đối phó với Trung Quốc
“Thái độ rất hung hăng” hiện nay của Trung Quốc cũng bị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien lên án khi phát biểu ngày 28/08 tại tổ chức phi chính phủ Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council). Reuters cho biết Hoa Kỳ dự trù tổ chức nhiều cuộc họp cấp cao với các đối tác an ninh Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong “Bộ Tứ” (QUAD). Cụ thể, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ họp với đồng nhiệm Bộ Tứ vào tháng 09 và 10/2020. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien sẽ họp với các đồng nhiệm Bộ Tứ ở Hawaii vào tháng 10.
Theo trang Taiwan News, vào lúc Trung Quốc trận bắn đạn thật tại bốn vùng biển từ phía bắc tỉnh Sơn Đông đến phía nam đảo Hải Nam, quân đội Mỹ cũng điều lực lượng đến khu vực. Tầu đổ bộ USS America (LHA-6) hoạt động ở phía đông Đài Loan ngày 27/08. Bốn máy bay (1 máy bay do thám EP-3E, 2 máy bay chống tầu ngầm P-8A và một máy bay tiếp liệu KC-135R) của Mỹ được xác định ở kênh Ba Sĩ (Bashi) giữa Đài Loan và Philippines. Đặc biệt, Mỹ điều máy bay do thám U-2 từ Hàn Quốc đến theo dõi hải quân Trung Quốc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Theo RFI
WASHINGTON, DC (NV) – Trong hành động nhằm biểu dương lực lượng, quân đội Mỹ hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Tám, đã huy động một số oanh tạc cơ B-52, có khả năng mang theo võ khí nguyên tử, bay ngang qua tất cả 30 quốc gia thành viên NATO chỉ trong một ngày.
Sự thể hiện khả năng của quân đội Mỹ diễn ra trong lúc có sự căng thẳng với Nga, cùng là vấn đề hiện vẫn được các quốc gia đồng minh ở Âu Châu đặt ra là mức độ gắn bó của chính phủ Tổng Thống Trump với liên minh quân sự này tới đâu, sau quyết định giảm quân số Mỹ ở Âu Châu mới đây.
Bộ Chỉ Huy Âu Châu của Mỹ đưa ra bản thông cáo hôm Thứ Sáu, cho biết: “Sáu oanh tạc cơ B-52 Stratofortress của Không Quân Mỹ bay ngang qua 30 quốc gia NATO ở Âu Châu và Bắc Mỹ hôm 28 Tháng Tám.”
Hai chiếc B-52 đồn trú tại căn cứ Không Quân Minot ở North Dakota đã bay qua Mỹ và Canada, trong khi bốn chiếc B-52 khác hiện đang đóng ở Anh bay qua 28 quốc gia NATO còn lại.
Tổng Thư Ký NATO, ông Jens Stoltenberg, hôm Thứ Sáu gửi tweet ra nói: “Hôm nay nước Mỹ chứng tỏ sự gắn bó với NATO với sáu chiếc B-52 bay ngang qua tất cả 30 quốc gia thành viên.”
Phi cơ quân sự của khoảng 19 quốc gia bay hợp đoàn cạnh các oanh tạc cơ Mỹ trong lần biểu dương lực lượng này.
Trong số các phi cơ bay cùng với oanh tạc cơ Mỹ có chiến đấu cơ F-16 của Ba Lan và chiến đấu cơ JAS-39 của Cộng Hòa Tiệp. (V.Giang)
Nguoi-viet.com