Manila sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ nếu Trung Quốc tấn công hải quân Philippines ở Biển Đông. Lần đầu tiên, dưới thời tổng thống Duterte, Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines được nhắc đến trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng sức ép ở Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Philippines ABS-CBN ngày 26/08/2020, ngoại trưởng Teodoro Locsin khẳng định quân đội Philippines vẫn tiếp tục tuần tra trên không ở quần đảo Trường Sa, thách thức lời đe dọa đáp trả của Bắc Kinh đối với « những hành động bất hợp pháp » trong vùng biển mà Trung Quốc đơn phương đòi gần như toàn bộ chủ quyền.
Một mặt, ông Teodoro Locsin bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh khi khẳng định rằng « họ (Trung Quốc) đã thua trong phán quyết » của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016. Mặt khác, ông nói : « Nếu xảy ra chuyện gì vượt quy mô xâm nhập, hoặc kiểu một cuộc tấn công nhắm vào một tầu của hải quân Philippines, tôi sẽ gọi điện cho Washington DC ».
Tuy nhiên, ngoại trưởng Philippines tránh đi sâu vào chi tiết, cũng như những điểm được đề cập trong cuộc hội đàm hồi tháng Tám với đồng nhiệm Mỹ sau khi Washington bác mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Aaron Jed Rabena, thuộc tổ chức cố vấn đối ngoại Asia Pacific Pathways to Progress (APPFI) của Philippines, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn, Bắc Kinh « có thể coi đây là một dấu hiệu của sự liên kết chiến lược tiếp tục giữa Manila và Washington ».
Trước đó, ngày 23/08, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana tái khẳng định chính Trung Quốc « mới là bên gây hấn khi chiếm đóng trái phép một số khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vì thế, họ không có quyền nói là họ áp dụng luật pháp ».
Theo RFIHoa Kỳ tiếp tục đưa ra biện pháp cụ thể để ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng quân sự ở Biển Đông. Hôm qua, 26/08/2020, bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo trừng phạt nhiều quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các hoạt động xây dựng cơ sở quân sự ở Biển Đông, cũng như dùng vũ lực ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á khai thác các nguồn tài nguyên trên biển.
Trong thông cáo nói trên, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo các quan chức Trung Quốc, trực tiếp phụ trách hay tham gia vào việc bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các tiền đồn quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông, sẽ không được cấp visa vào Mỹ. Việc hạn chế visa cũng có thể áp đặt đối với thân nhân đương sự. Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ có các biện pháp trừng phạt cụ thể nhắm vào các giới chức và doanh nghiệp, bị cáo buộc giúp quân đội Trung Quốc quân sự hóa nhiều thực thể địa lý tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam, Philippines và một số quốc gia khác đòi hỏi chủ quyền.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng thông báo về quyết định của bộ Thương Mại Mỹ, đưa 24 doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc vào danh sách đen các đối tượng bị trừng phạt. Trong số các doanh nghiệp bị trừng phạt có nhiều công ty thuộc tập đoàn xây dựng cảng biển hàng đầu Trung Quốc (China Communications Construction Company – CCCC). Tập đoàn CCCC, phụ trách việc xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng là một tập đoàn kinh tế công chủ yếu được Bắc Kinh sử dụng trong chiến lược toàn cầu « Một vành đai, Một con đường ».
Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết cụ thể là, kể từ năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng nhiều doanh nghiệp công trong hoạt động nạo vét và bồi đắp, với tổng cộng hơn 3.000 acre (tương đương hơn 12 km²) tại nhiều thực thể địa lý tranh chấp tại Biển Đông. Hoạt động nói trên « gây bất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các quốc gia láng giềng, gây vô số tổn hại về môi trường ». Bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh là Washington tiếp tục hậu thuẫn các đồng minh và đối tác trong khu vực, và sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt mới, « chừng nào Trung Quốc chưa chấm dứt hoàn toàn các hành động dùng vũ lực ở Biển Đông ».
Biển Đông : Trung Quốc bắn thử tên lửa chống tàu sân bay
Hôm qua, 26/08/2020, Trung Quốc bắn thử hai tên lửa vào khu vực giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa, nơi quân đội Trung Quốc đang tập trận. Theo một nhà bình luận về quân sự, tại Hồng Kông, ông Song Zhongping, các vụ bắn thử hỏa tiễn nói trên rõ ràng là « một dấu hiệu thách thức đối với Hoa Kỳ ». Hai vụ bắn tên lửa diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh, hôm 25/08, lên án trinh sát cơ Mỹ thâm nhập vào khu vực quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bột Hải.
Tên lửa DF-26, được bắn đi từ tỉnh Thanh Hải (tây bắc Trung Quốc), có tầm bắn 4.000 km, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Loại hỏa tiễn này nằm trong các vũ khí bị cấm trong Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), mà Hoa Kỳ muốn Trung Quốc tham gia. Tên lửa thứ hai là DF-21, có tầm bắn 1.800 km, là hỏa tiễn chống tàu sân bay, được bắn đi từ tỉnh miền đông Chiết Giang.
Theo RFI