Nguồn hình ảnh, EPA
Tình hình chính trị trong tháng Tám năm 2020 tại Belarus và Thái Lan đang tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế và khu vực.
Tại Belarus, Tổng thống Alexandre Lukachenko mới xuất hiện trên truyền thông nhà nước trong quân phục và tay 'lên đạn' súng AK sau khi có hơn 100 ngàn người xuống đường vào tuần lễ thứ hai ở Minsk để phản đối ông và kết quả bầu cử tổng thống mà họ cho rằng ông đã gian lận.
Trong khi đó tại Bangkok, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha mới họp Hội đồng An ninh quốc gia và chỉ thị sẵn sàng 'đối phó' với biểu tình chính trị, sau khi đã có nhiều nhà hoạt động bị cảnh sát nước này bắt giữ.
Một số nhà bình luận người Việt nói với BBC News Tiếng Việt về các sự kiện trên, cũng như theo họ giới lãnh đạo ở Việt Nam có thể rút ra bài học gì.
Trước tiên, các nhà bình luận cho biết ý kiến của mình về việc liệu có gì chung và gây chú ý đối với công luận và giới quan sát Việt Nam qua các phong trào biểu tình, chính trị trong tháng này ở hai quốc gia nói trên.
Bà Lê Thị Minh Hà (cựu Cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Chiến lược, Bộ Công an Việt Nam): Theo tôi câu trả lời là có, bởi vì cả hai phong trào đều có mục đích chung là chính quyền phải thay đổi, nhiều người tham gia, không sợ chính quyền, còn ai đứng sau những cuộc biểu tình này ở Thái Lan chưa rõ.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh (nguyên Giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội): Điểm chung của phong trào biểu tình đang diễn ra ở Belarus và Thái Lan là cuộc đấu tranh của người dân chống lại chế độ mà họ cho là độc tài.
Tôi thấy, dân đã không thể mãi chấp nhận sự cai trị của một người, một nhóm người trục lợi và lừa đảo họ bằng các cuộc bầu cử hình thức và kết quả bầu cử gian lận.
Ông Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Điểm chung trong hai sự kiện, phong trào biểu tình đang diễn ra ở Belarus và Thái Lan, theo tôi, đó là việc người dân xuống đường đòi tự do dân chủ chống độc tài trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Điều này gây chú ý tới công luận và các giới quan sát của Việt Nam vì Việt Nam cũng đang là quốc gia độc tài, tuy có hơi khác hai nước kia, Việt Nam là độc tài toàn trị cộng sản.
Tiến sỹ Mai Thanh Sơn: (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Điểm chung dễ nhận thấy nhất trong phong trào xuống đường những ngày qua ở Belarus và Thái Lan là xu hướng chống độc tài và đòi hỏi dân của hóa đất nước ngày càng mạnh mẽ tại các quốc gia này.
Tại Belarus, Alexandre Lukashenko đã cầm quyền liên tục đến nay là 26 năm. Tôi không tin rằng, đất nước ngót 10 triệu dân này lại không thể tìm được người thay thế ông ta.
Từ khi Lukashenko lên nắm quyền năm 1994, chế độ an ninh trị, tưởng chừng đã bị xóa bỏ trong những năm 1991-1994, đã được tái lập. Chế độ độc tài không thể huy động được tất cả những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển đất nước. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi biết rằng, Belarus là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất châu Âu.
Ở Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha đã lên nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 2014 và sau đó trở lại làm thủ tướng dân sự. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về hành động đảo chính của ông ta chắc chắn còn in đậm trong ký ức của nhiều người.
Cuộc bầu cử năm 2019 cũng gây nên sự tranh cãi ồn ào. Đòi Chính phủ từ chức là chuyện không mới trong các cuộc biểu tình ở Thái Lan từ trước đến nay, nhưng đặt vấn đề về cải cách chế độ quân chủ thì là điều chưa có trong tiền lệ. Cả hai mục tiêu này đều hướng đến quá trình dân chủ hóa đất nước.
Nguồn hình ảnh, EPA
BBC: Theo quý vị đây là các phong trào dân chủ thực sự hay chỉ là những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, tranh thủ lòng dân để đạt mục đích, lợi ích chính trị nào đó?
Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi có thể trả lời ngắn gọn rằng theo góc nhìn của tôi đây là các phong trào có nguồn gốc đích thực dân chủ lành mạnh mà không là chủ nghĩa dân tuý.
Ông Lê Văn Sinh: Tôi thấy có sự khác nhau về bản chất giữa các phong trào đấu tranh của người dân vì sự tiến bộ xã hội - lịch sử, vì tự do và dân chủ đích thực với các thủ đoạn chính trị của ai đó nhằm lợi dụng sức mạnh của dân cho mục đích chính trị cơ hội của mình.
Phong trào đấu tranh của người dân chống lại chính quyền của Tổng thống Lukashenko ở Belarus và chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha ở Thái Lan phản ánh xu thế phát triển xã hội hiện đại. Không nên nhầm lẫn các phong trào này như là hậu quả của chủ nghĩa dân túy.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Theo quan điểm của cá nhân tôi, đây là các phong trào có nguồn gốc đích thực là đấu tranh dân chủ.
Tuy nhiên, vì hai nước này đều có tồn tại các đảng phải chính trị, nên không tranh khỏi có những sự kết hợp, hoặc tranh thủ nhằm hưởng lợi từ các đảng phái.
Đối với Belarus, với hàng trăm ngàn người với đầy đủ các thành phần tham gia biểu tình thì không thể nói là chiêu trò mị dân được.
Còn với Thái Lan, phong trào biểu tình xuất phát từ các trường đại học, giới trí thức luôn đi đầu trong các cuộc xuống đường. Mặt khác, việc đòi xem xét lại vai trò của hoàng gia Thái Lan cũng là chỉ dấu cho thấy đó là nguyện vọng đích thực của người dân.
Ông Mai Thanh Sơn: Tôi không nghĩ đến các mục tiêu không trong sáng hay biểu hiện của chủ nghĩa dân túy trong phong trào biểu tình mới đây ở Belarus và Thái Lan.
Các cuộc xuống đường ở Belarus không có thủ lĩnh. Ở Thái Lan cũng vậy, tất cả các nguồn tin khả tín đều không đề cập đến vai trò tổ chức của các đảng phái hay các nhà hoạt động xã hội có tên tuổi. Một số nhà hoạt động bị bắt là vì những hành vi cá nhân chứ không phải bị kết tội tổ chức biểu tình.
BBC: Có ý kiến cho rằng có chiêu bài dân túy và chủ nghĩa dân tộc được đội lốt đấu tranh dân chủ, nhân quyền, phản biện xã hội, xã hội dân sự hay bất đồng chính kiến ôn hòa nhằm chống chính quyền, do đó các cơ quan chức năng như công an, an ninh cần nhận thức rõ và cảnh giác, quý vị có đồng ý?
Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi không đồng ý vì thực chất ở đây chỉ lợi dụng coi họ (các giới trên) là dân tuý để đàn áp bảo vệ quyền lợi của chính nhà nước độc tài, nền tư pháp không độc lập.
Ông Lê Văn Sinh: Những ai nghiên cứu chính trị học mà cho rằng: người đấu tranh một cách ôn hòa vì tự do, dân chủ, nhân quyền, người bất đồng quan điểm với chính quyền độc tài, người hoạt động vì sự tiến bộ xã hội là những kẻ phản động, dân túy hay dân tộc chủ nghĩa thì nhà nghiên cứu đó là kẻ bất lương.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Việc gán ghép, cáo buộc, chụp mũ cho người đấu tranh là phản động, dân túy… là đặc trưng của các chế độ độc tài, dù là độc tài cá nhân, độc tài quân sự hay toàn trị. Lý do là các chế độ này thường sử dụng chiêu bài đó để dọn đường cho việc đàn áp, khủng bố người biểu tình.
Tôi hoàn toàn không tán thành với việc gán ghép, cáo buộc, chụp mũ của các nhà nước và chế độ độc tài.
Nguồn hình ảnh, EPA
Tổng thống Alexander Lukashenko
Ông Mai Thanh Sơn: Các nhãn "phản động", "dân túy", "dân tộc chủ nghĩa" luôn được chính quyền ỏ các quốc gia có xu hướng độc tài toàn trị "dán" cho những người bất đồng chính kiến.
Các khái niệm như "phản động" và "dân túy" thường được họ lý giải theo chiều hướng có lợi cho nhà cầm quyền. Hoạt động phản đối chính phủ hay đảng cầm quyền của một cá nhân hay tổ chức nào đó hoàn không đồng nghĩa với việc chống lại Tổ quốc hoặc tiến bộ xã hội. Vì thế việc chụp mũ "phản động" cho những người bất đồng chính kiến thực sự là mối nguy hại bất chấp hiến pháp cũng như quyền con người.
Chủ nghĩa dân túy luôn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng không phải là sự đe dọa chính đối với an ninh quốc gia, trừ khi chính các đảng phái chính trị cầm quyền sử dụng các chiêu bài dân túy để mị dân trên phạm vi toàn quốc một cách có hệ thống và lâu dài. Phương thức này thường gắn liền với chính sách ngu dân. Riêng "chủ nghĩa dân tộc" chỉ thực sự nguy hại khi nó bị đẩy đến cực đoan.
BBC: Qua những gì đang diễn ra tại Belarus và Thái Lan, nếu có một bài học có ý nghĩa và quan trọng nhất nào đó cần rút ra đối với ban lãnh đạo nhà nước và đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, thì đó là gì theo quý vị?
Bà Lê Thị Minh Hà: Theo tôi bài học đó là tôn trọng những ý kiến trái chiều, Quốc hội thông qua luật biểu tình, bỏ điều 4 Hiến Pháp và tiến hành bầu cử tự do.
Ông Lê Văn Sinh: Đổi mới chính trị, thực hiện cải cách dân chủ trong Đảng và xã hội một cách thực chất là con đường dẫn đất nước Việt Nam hội nhập nền văn minh nhân loại, dẫn tới sự phát triển thịnh vượng; con đường chống tham nhũng hiệu quả, chống sự tha hóa tuyệt đối; con đường hòa giải - hòa hợp dân tộc; con đường tạo ra sức mạnh dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Và theo tôi, đó là cách tốt nhất tránh được các xung đột xã hội diễn ra ở Hong Kong mới đây và đang diễn ra ở Thái Lan và Belarus.
Ông Nguyễn Vũ Bình: Bài học có ý nghĩa quan trọng nhất cần rút ra đối với nhà nước và đảng cộng sản đang cầm quyền là, ở đâu có áp bức, bất công là ở đó có đấu tranh. Ở đâu chưa có tự do, dân chủ là người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ. Người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ cho đến khi nào đạt được mới thôi, vì đó là khát vọng, nguyện vọng ngàn đời của con người nói chung, con người hiện nay nói riêng.
Một kinh nghiệm nữa cần lưu ý, nếu chuyển đổi, thay đổi từ độc tài sang dân chủ, cần thực hiện nghiêm túc, bằng các giải pháp đích thực để đưa tới tự do dân chủ cho người dân. Tất cả những thay đổi hình thức, giả dối hoặc nửa vời đều không đưa tới tự do dân chủ đích thực cho người dân. Và như vậy, người dân sẽ lại tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để đòi hỏi tự do cho cá nhân và dân chủ cho toàn xã hội.
Ông Mai Thanh Sơn: Tôi không nghĩ là phải chờ đến các phong trào biểu tình mới đây ở Hong Kong, ở Thái Lan hoặc tại Belarus, thì những người cộng sản Việt Nam mới học được điều gì đó. Biểu tình là một trong những phương pháp chính để họ giành chính quyền mà. Người Việt từ xưa đến nay vẫn có câu "tức nước vỡ bờ". Những người văn vẻ hơn thì hay trích Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với di ngôn "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc" hoặc Nguyễn Trãi với mệnh đề nổi tiếng "đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân".
Cùng là người Việt, chắc chắn các đảng viên cộng sản không ai không hiểu điều đó. Vấn đề chỉ là liệu họ có ý thức để hướng đến sự thay đổi cho "nước đỡ tức" và "sức dân được khoan thư" hơn hay không mà thôi. Tôi e rằng, với một nền giáo dục lỗi thời và lạc điệu, một hệ thống truyền thông luôn cung cấp "một nửa sự thật" như hiện nay, những bài học mà đảng cộng sản Việt Nam rút ra trong lịch sử cũng như mới học được trong thời gian gần đây sẽ chỉ được vận dụng theo một cách nào đó để "giữ vững chế độ" hơn là cải cách dân chủ.
Theo BBC