
Trước các cuộc phản kháng mạnh tại Belarus, chính quyền Minks đã chọn đối đầu và gia tăng trấn áp, nhiều nhà đối lập và lãnh đạo phong trào đã bị chính quyền bắt giữ.
Trong chuyến thăm Litva ngắn ngủi ngày 24/08/2020 trước khi đến Matxcơva để bàn tình hình Belarus, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, ông Stephen Biegun đã lên án các cuộc trấn áp thô bạo của chính quyền tổng thống Lukachenko.
Từ thủ đô Vilnius, thông tín viên đài RFI, Marielle Vitureau tường thuật :
"Một chuyến công du ngắn ngủi với các hoạt động dồn dập. Trong suốt chuyến thăm kéo dài có vài giờ, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ đã gặp gỡ nhà đối lập, bà Svetlana Tikhanovskaia, hội đàm với ngoại trưởng Litva và tham dự một diễn đàn lớn về tình hình Belarus.
Tại Vilnius, thông điệp đưa ra trước hết là nhằm gởi đến Minks, vào lúc Alexandre Lukachenko ngày càng lớn tiếng tố cáo sự can thiệp của các nước láng giềng.
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ nói : « Chúng tôi lên án các hành động vi phạm nhân quyền và hành xử thô bạo mà chúng ta đang chứng kiến tại Belarus kể từ sau ngày bầu cử. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Belarus trả tự do cho các tù nhân. Hoa Kỳ không thể và sẽ không chỉ đạo các sự kiện tại Belarus. Điều đó phải do chính người dân Belarus thực hiện. »
Sau nhiều cuộc điện đàm giữa các nguyên thủ và bộ trưởng của châu Âu trong những ngày qua, ông Stephen Biegun đã mở đầu cho các hoạt động ngoại giao. Một nghị sĩ châu Âu của Pháp, thuộc đảng của tổng thống Macron đã đến Vilnius. Nhiều chuyến công du của các nước châu Âu khác sẽ được thông báo, để thảo luận về tình hình Belarus, trước khi có cuộc họp cấp ngoại trưởng của các nước Liên Hiệp Châu Âu tại Berlin vào cuối tuần này."
Theo RFI
Người dân Belarus nghi ngờ cuộc bầu cử mà Tổng thống Alexander Lukashenko vừa thắng nhiệm kỳ lần thứ sáu vừa qua là gian lận, và yêu cầu ông từ chức.
“Chúng tôi chỉ có 2 yêu cầu: bầu cử công bằng và chấm dứt bạo lực”, Igor, 32 tuổi, cho biết khi tham gia biểu tình tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Minsk. Đám đông đang không ngừng hô vang khẩu hiệu “tự do” và “chúng tôi sẽ không bỏ qua, chúng tôi sẽ không tha thứ”, trang SCMP ngày 23/8 cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ kết quả cuộc bầu cử vừa rồi ở Belarus và cam kết sẽ trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm cho việc gian lận bầu cử và việc cảnh sát trấn áp và bắt giữ khoảng 7.000 người. Cũng có những cáo buộc tra tấn và lạm dụng trong đồn cảnh sát.
Lukashenko, 65 tuổi, nhà lãnh đạo châu Âu tại vị lâu nhất, đã ra lệnh đàn áp và bác bỏ yêu cầu tái tổ chức bầu cử của người biểu tình.
Đại diện cấp cao châu Âu phụ trách vấn đề đối ngoại ông Josep Borell cảnh báo Belarus không thể bị biến thành một “Ukraine thứ hai”.
“Chúng tôi không công nhận ông ấy [Lukashenko] là tổng thống hợp pháp. Cũng như chúng tôi không công nhận Nicolás Maduro. Vì vậy, Maduro và Lukashenko hiện đang trong tình trạng tương tự”, ông Borell nói, đồng thời giải thích rằng kể từ năm 2006 họ đã áp chế tài đối với ông Lukashenko, theo trang tin Times24 News.
Cuộc biểu tình lớn do những người bảo vệ dân chủ ở Belarus thực hiện có thể gây ra những hậu quả bất ngờ tại khu vực, thậm chí có thể tác động đến Nga.
Tờ Business Ukraine Mag đã đăng trên Twitter rằng các cuộc biểu tình này có thể châm ngòi cho phong trào tương tự ở Nga, tác động đến Tổng thống Putin, người gần đây vừa kéo dài nhiệm kỳ của mình thành công cho đến năm 2036.
“Cơn ác mộng tồi tệ nhất của Putin: đám đông khổng lồ tụ tập lần nữa ở Minsk hôm nay để yêu cầu chấm dứt chế độ độc tài của Lukashenko và chuyển đổi sang một nền dân chủ. Điện Kremlin đang ủng hộ Lukashenko trong bối cảnh lo ngại các sự kiện ở Belarus có thể truyền cảm hứng cho một cuộc nổi dậy tương tự của nhân dân Nga”, truyền thông đưa tin.
Theo The BL
Triệu Hằng dịch & biên tập