
AUSTIN, Texas (NV) – Một giáo sư đại học Texas A&M, cũng là một nhà nghiên cứu của NASA, vừa bị truy tố các tội danh hình sự gồm cả việc âm mưu phạm pháp, khai gian với chính phủ, gian lận qua phương tiện viễn thông, do đã che giấu việc tham dự vào một chương trình của chính quyền Trung Quốc nhằm thu thập các kiến thức khoa học tân tiến từ nước ngoài.
Theo bản tin của tờ The Dallas Morning News, hôm Thứ Hai, 24 Tháng Tám, thì Giáo Sư Zhengdong Cheng, 53 tuổi, ở College Station, đã bị bắt hôm Chủ Nhật, theo loan báo của các công tố viên hôm Thứ Hai.
Ông Cheng bị cáo buộc là che giấu liên hệ trong chương trình tìm kiếm tài năng của chính quyền Trung Quốc, có tên “Talents Program,” theo đó thu hút và tuyển mộ các tài năng khoa học thế giới để giúp thúc đẩy phát triển khoa học cùng là an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế ở Trung Quốc.
Hồ sơ truy tố nói rằng trong mấy năm qua, Giáo Sư Cheng che giấu quan hệ với một trường đại học và ít nhất là một công ty Trung Quốc trong khi nộp đơn xin tài trợ nghiên cứu kỹ thuật cao từ trường Texas A&M và NASA.
Theo giao kèo ký kết với NASA, ông Cheng không được phép tham dự, cộng tác hay phối hợp, không chỉ với chính quyền Trung Quốc mà còn là với bất cứ đại học Trung Quốc hay công ty Trung Quốc nào.
Cũng theo hồ sơ truy tố, do có được các phương tiện của NASA, gồm cả trạm không gian quốc tế (ISS), Giáo Sư Cheng đã được trọng dụng và thăng cấp tại đại học Kỹ Thuật Quảng Đông, cùng là một số đại học khác, trong khi cũng phục vụ trong chương trình tài năng của chính quyền Trung Quốc. (V.Giang)
Nguoi-viet.com
ĐCSTQ đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng trên khắp thế giới nhằm chiêu mộ những chuyên gia và nhà khoa học hải ngoại để thu thập các công nghệ tối tân.
Việc chính quyền ĐCSTQ sử dụng dự án “Nghìn nhân tài” để đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ kinh doanh của Mỹ không phải là điều bí mật. Tuy nhiên, một báo cáo của Viện chính sách Chiến thuật Australia (ASPI) gần đây đã tiết lộ, chương trình “Nghìn nhân tài” chỉ là một trong số hơn 200 dự án tuyển dụng nhân tài của ĐCSTQ. Để chiêu mộ nhân tài khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, ĐCSTQ đã xây dựng một mạng lưới tinh vi gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng nhân tài trên khắp thế giới, và hiện quy mô vẫn đang được tiếp tục mở rộng.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 20/8 cho hay: Các trạm tuyển dụng này được phân bổ nhiều nhất ở Hoa Kỳ với 146 trạm, tiếp theo là Đức và Úc với 57 trạm mỗi nước, Anh là 49 trạm, Canada 47 trạm, Nhật Bản 46 trạm, Pháp 46 trạm. Ngoài ra, các trạm này cũng xuất hiện ở các quốc gia xa xôi như New Zealand và Thụy Điển.
Các trạm tuyển dụng này được thành lập lần đầu vào năm 2006, và số lượng chúng đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Tính riêng trong năm 2018, đã có tới hơn 115 trạm được thành lập. Các trạm tuyển dụng này đại diện cho chính phủ Trung Quốc trong việc mở rộng và chiêu mộ nhân tài ở nước ngoài.
Các quan chức ĐCSTQ thường ký hợp đồng vận hành các địa điểm này với các đoàn thể địa phương, chẳng hạn như: Hiệp hội đồng hương; hiệp hội doanh nghiệp; hiệp hội nghề nghiệp và hiệp hội cựu sinh viên; các công ty công nghệ và giáo dục; hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc tại các trường đại học ở nước ngoài.
Mức phí mà Bắc Kinh trả cho các đoàn thể này tương đương 29.000 USD cho mỗi người họ tuyển dụng được. Ngoài ra, chi phí hoạt động chung lên đến 22.000 USD mỗi năm.
Trạm tuyển dụng ở nước ngoài sẽ tổ chức cho các nhà khoa học ở hải ngoại đến Trung Quốc phỏng vấn. Họ thường phối hợp hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề chuyên gia nước ngoài của ĐCSTQ và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ đã liên hệ với hàng nghìn tổ chức nước ngoài để thu thập thông tin tình báo, khuyến khích chuyển giao công nghệ và chống lại các hoạt động bất đồng chính kiến, đồng thời ra sức thực hiện các mục tiêu khác của Bắc Kinh.
Kể từ năm 2018, chính phủ Hoa Kỳ đã chú ý đến chương trình “Nghìn nhân tài” của Trung Quốc, và có động thái chống lại chiến dịch thu hút chất xám này. Theo đó, chính quyền ĐCSTQ bắt đầu xóa thông tin về kế hoạch “Nghìn nhân tài” khỏi mạng lưới Internet và ra lệnh cho các tổ chức sử dụng nhiều phương pháp tuyển dụng bí mật hơn.
Một chỉ thị liên quan bị rò rỉ đính kèm báo cáo trên được ban hành ngày 29/9/2018 đề “Nhóm đánh giá dự án thanh niên “Nghìn nhân tài, Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia thuộc Cục Kế hoạch Trung Quốc” nêu rõ:
“Để tiếp tục đảm bảo sự an toàn cho các các nhân tài ở nước ngoài, đề nghị tất cả các đơn vị không sử dụng email trong quá trình phỏng vấn. Mà nên sử dụng điện thoại, fax … để thông báo dưới danh nghĩa mời trở lại Trung Quốc để tham gia các hội nghị học thuật, diễn đàn, v.v., Trong các thông báo bằng văn bản, không được có chữ “kế hoạch nghìn nhân tài”.
Mạng lưới khổng lồ này cũng trợ giúp quân đội ĐCSTQ tuyển dụng nhân tài.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng tất cả các tỉnh, thành phố và chính quyền cấp huyện của ĐCSTQ cũng đóng vai trò hàng đầu trong mạng lưới tuyển dụng nhân tài này. Hơn nữa, các kế hoạch tuyển dụng ngoài cấp quốc gia chiếm hơn 80%, số lượng các nhà khoa học được thu hút nhiều gấp bảy lần so với các chương trình cấp quốc gia.
Theo Nguyên Minh Thanh, Soundofhope.org
Tâm Thanh biên dịch - DKN