Lũ lụt ở TQ: 'Chân Phật thấm nước, Thành Đô nguy nan'

Nguồn hình ảnh, Reuters
Nước lụt dâng lên khiến bàn chân của bức tượng Phật khổng lồ tại Trung Quốc bị ướt lần đầu tiên kể từ thời thập niên 1940 trở lại đây.
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật, cao 71 mét tại khu vực di sản Unesco, được chạm trổ vào núi đá ở gần Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, từ khoảng Thế kỷ thứ 8.
Bức tượng thường nằm cao trên mặt nước, nhưng khu vực này đã bị trận lụt nghiêm trọng nhất kể từ 70 năm qua gây ảnh hưởng nặng nề.
Bức tượng Phật là điểm thu hút khách cực kỳ nổi tiếng; tàu thuyền du lịch sông Dương Tử và Đập Tam Hiệp gần đó thường chở khách tới đây tham quan.
Truyền thông nhà nước nói 180 du khách đã được cứu khỏi dòng nước lụt dâng cao tại đây.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Bức tượng thường nằm cao trên mực nước, như trong ảnh này, chụp hồi tháng Hai

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Du khách và người đi lễ tới bằng tàu thuyền để thắp hương dưới chân tượng Phật

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Lần cuối cùng các ngón chân tượng - mỗi ngón to hơn kích thước người thật - bị ướt là hồi 1949

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tuy nhiên, từ tuần trước, nước đã dâng lên đến bệ tượng và tiếp tục dâng cao. Hình này chụp hôm 12/8
Theo Tân Hoa Xã, ở vùng này có lời nguyền rằng nếu chân tượng Phật bị ướt thì Thành Đô - nơi có 16 triệu dân - cũng sẽ bị ngập lụt.
Tỉnh Tứ Xuyên đã kích hoạt mức báo động khẩn cấp cao nhất sau nhiều tuần mưa lớn kỷ lục, mà đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Lực lượng cứu hộ được triển khai tới giúp sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm
Mức báo động ngập lụt cũng được đưa ra tại các tỉnh nằm dọc sông Dương Tử, Hải Hà, sông Tùng Hoa và sông Liêu, với cảnh báo có nguy cơ lở đất.

Nguồn hình ảnh, Getty Images
Trùng Khánh đã phải chống chọi với nhiều đợt lụt lội trong hè này. Hình chụp cảnh lụt lội tại Trùng Khánh hôm 14/8
Giới chức cảnh báo rằng lượng nước khổng lồ đang dâng lên ở khu vực Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện khổng lồ trên sông Dương Tử.
Bộ Thủy Lợi cảnh báo điều này có thể để gây ngập lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn, bao gồm cả thành phố lớn Trùng Khánh.
Theo BBC
Trung Quốc: Mưa lớn không ngừng ở nhiều tỉnh, bão Higos đổ bộ vào Quảng Đông
Đông Phương
Mưa lớn liên tục ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc gây ngập lụt, sạt lở đất… khiến nhiều hộ gia đình gặp nạn. Ngoài ra, bão số 7 Higos dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Đông.
Đỉnh lũ số 5 của sông Trường Giang và sông Hoàng Hà đã lần lượt hình thành vào ngày 17 và 18/8. Mưa lớn xuất hiện ở cả phía nam và phía bắc Trung Quốc đại lục. Trong đó, lũ lụt ở tỉnh Tứ Xuyên rất nghiêm trọng và lần đầu tiên trong lịch sử phải khởi động hệ thống ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp I; thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam bất ngờ có mưa to dữ dội và khu vực nội đô bị ngập lụt; lũ lụt ở thành phố Lũng Nam tỉnh Cam Túc gây ra nhiều vụ lở đất khiến hơn 300 ngôi nhà của hơn 1.300 cư dân bị ngập. Higos - cơn bão số 7 trong năm nay sẽ đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Đông.
Đỉnh lũ số 5 hình thành trên cả sông Trường Giang và Hoàng Hà
Theo báo cáo tổng hợp của truyền thông đại lục, vào lúc 5h06 sáng ngày 18/8, dòng chảy của Trạm thủy văn Đồng Quan (thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây) trên trung lưu sông Hoàng Hà đã tăng lên 5.050 m3/s. Theo quy định về việc đánh số lũ, đỉnh lũ số 5 năm 2020 của sông Hoàng Hà đã hình thành.
Vào lúc 2h chiều ngày 17/8, Cục Thủy văn sông Trường Giang thông báo rằng dòng chảy tại Trạm Thốn Than trên thượng nguồn sông Trường Giang đã tăng lên 50.400 m3/s. Theo quy định về phân số lũ, đỉnh lũ số 5 của sông Trường Giang năm 2020 đã được hình thành ở thượng nguồn; dự kiến mực nước đỉnh lũ ở trạm Thốn Than sẽ vượt mực nước đảm bảo từ 3 - 4 mét vào ngày 19/8 và dòng chảy tối đa vào hồ chứa Tam Hiệp sẽ đạt khoảng 70.000 m3/s.
(Lúc 13h ngày 16/8 đập Tam Hiệp mở 8 cửa xả lũ)
Mưa to dữ dội ở Tứ Xuyên liên tiếp không ngừng khiến tình hình lũ lụt trầm trọng
Tỉnh Tứ Xuyên đã phải hứng chịu những trận mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp và tình hình thiên tai vô cùng nghiêm trọng. Vào 10h sáng ngày 18/8, các ngón chân của tượng Lạc Sơn Đại Phật đã bị nhấn chìm dưới nước, bức tượng Phật ở tại vị trí giao nhau của 3 con sông là sông Mân Giang, sông Thanh Y và sông Đại Độ thuộc quận Thị Trung, thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Lúc 23h ngày 17/8, thị trấn Lục Hoa, huyện Hội Lý thuộc châu tự trị Lương Sơn cho biết, hồ chứa của trạm thủy điện Thương Điền ở thị trấn đang gặp nguy hiểm, mực nước hồ cách đập tràn khoảng 50 cm, dung tích chứa khoảng 5,2 triệu mét khối, thân đập xuất hiện tình trạng thấm nước.
Vào lúc 5h ngày 18/8, Tứ Xuyên lần đầu tiên trong lịch sử phải khởi động hệ thống ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp I (cấp cao nhất).
Cục Thủy văn Lạc Sơn cho biết vào lúc 6h ngày 18/8, thành phố Lạc Sơn đã bắt đầu ứng phó khẩn cấp kiểm soát lũ lụt cấp I. Đến lúc 7h05, Weibo chính thức của quận Ngũ Thông Kiều đưa ra thông báo, đỉnh lũ lớn nhất sắp đi qua cầu Ngũ Thông, yêu cầu cư dân dọc sông Mân Giang, sông Dũng Tư và sông Mang Khê phải sơ tán.
Ngoài ra, thiên tai nghiêm trọng cũng đã xảy ra ở nhiều thành phố và huyện khác ở tỉnh Tứ Xuyên gồm Thành Đô, Miên Dương, Đức Dương, My Sơn và Quảng Nguyên, v.v. Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu ở Tứ Xuyên sẽ đóng cửa từ ngày 18/8; khu thắng cảnh Hoàng Long Khê cổ trấn ở quận Song Lưu thành phố Thành Đô sẽ đóng cửa từ ngày 17/8, và khu thắng cảnh núi Nga Mi sẽ tạm dừng bán vé tham quan từ 2h ngày 16/8.
(Nước ngập đến tầng 2, Hoàng Long Khê cổ trấn bị ngập)
(Nước lũ cuốn trôi người ở Tứ Xuyên)
(Thành Đô đường biến thành sông)
(Xe cộ ùn tắc trên cầu, tiến thoái lưỡng nan ở Huyện Kim Đường, thành phố Thành Đô)
(Lũ lụt tập kích siêu thị ở Thành phố Đô Giang Yển cuốn trôi các hộp mì ăn liền)
Theo cảnh báo mưa dông màu vàng của Đài quan sát khí tượng trung ương lúc 6h ngày 18/8, dự báo sẽ có mưa to đến rất to ở khu vực phía bắc bồn địa Tứ Xuyên và nam cao nguyên Tây Tứ Xuyên từ 8h ngày 18/8 đến 8h ngày 19/8.
Mưa lớn liên tục ở tỉnh Vân Nam
Từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 17/8, toàn tỉnh Vân Nam đều có mưa. Theo dữ liệu từ Đài quan sát Quốc gia Trung Quốc, 3 khu vực có lượng mưa cao nhất ở tỉnh Vân Nam là huyện Hoa Bình thuộc thành phố Lệ Giang (104,0 mm), huyện Lục Xuân thuộc châu tự trị Hồng Hà (95,7 mm) và huyện Tung Minh thuộc thành phố Côn Minh (91,4 mm).
Ngày 17/8, tại khu vực nội đô của thành phố Côn Minh, Vân Nam đã xảy ra một trận mưa lớn, nước tích tụ trên nhiều tuyến đường trong khu đô thị. Chỗ sâu nhất lượng nước tích tụ lên tới 60 cm, giao thông bị ảnh hưởng. Mực nước sông Bàn Long (Panlong) dâng cao, đoạn từ cầu Phu Nhuận (Furun) đến cầu Nam Thái (Nantai) (Công viên Kim Ngưu) nước đã làm ngập hàng rào cảnh quan.
(Thành phố Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam)
(Thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam)
Mưa lớn ở Vân Nam sẽ còn tiếp tục. Cảnh báo mưa bão màu vàng của Đài quan sát khí tượng trung ương lúc 6h ngày 18/8 cho thấy ở các tỉnh miền nam Trung Quốc như Vân Nam, tây nam Quý Châu, tây nam Quảng Tây, duyên hải phía nam Quảng Đông, nam trung bộ Thiểm Tây… và phía bắc Trung Quốc như tây nam và đông Bắc Kinh, Thiên Tân, đông nam Hắc Long Giang, miền trung tỉnh Cát Lâm, miền trung và tây Liêu Ninh... đều có mưa to dữ dội.
Trong đó, có mưa lớn cục bộ (100-140 mm) ở bắc Liêu Ninh, nam Cát Lâm, tây Vân Nam và các nơi khác, ngoài ra còn có giông sét và gió giật mạnh.
Bão Higos đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông
Theo bản tin của Đài quan sát khí tượng trung ương, lúc 8h ngày 18/8, bão số 7 "Higos" trong năm nay đã được hình thành, cách thành phố Ngô Xuyên (Wuchuan), tỉnh Quảng Đông khoảng 660 km về phía đông. Theo dự báo, từ trưa đến tối ngày 19/8, bão Higos sẽ di chuyển trong khu vực duyên hải từ thành phố Dương Giang đến huyện Từ Văn tỉnh Quảng Đông, rồi sau đó đổ bộ vào đất liền.
Cục khí tượng Quảng Đông dự báo từ đêm ngày 18 đến ngày 20/8 sẽ có mưa rất to đến to dữ dội ở các huyện và thành phố phía tây Quảng Đông và thành phố Giang Môn; mưa to đến rất to ở các huyện và thành phố phía nam của Đồng bằng Châu Giang và thành phố Sán Vĩ. Ngày 18/8, sức gió trên biển Quảng Đông mạnh cấp 6 đến 8, tại khu vực Bắc Trung Bộ của Biển Đông có gió mạnh từ cấp 8 đến 9; ngày 19/8 có gió mạnh từ cấp 6 đến 8 trên cửa sông Châu Giang.
Các chuyên gia khí tượng nhắc nhở các tỉnh Quảng Đông, Hải Nam, Quảng Tây và Vân Nam cần đề phòng các thảm họa thứ cấp như ngập úng, lũ ống và sạt lở đất… có thể xảy ra do mưa lớn.
Đất đá trôi ở huyện Văn thuộc thành phố Lũng Nam tỉnh Cam Túc khiến 280.000 người bị ảnh hưởng
Gần đây, huyện Văn, thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc liên tục xảy ra những trận mưa lớn. Vào ngày 17/8, một số vụ lở đất đã xảy ra trên địa bàn huyện, khối đất đá tràn vào sông Bạch Thủy tạo thành hồ chắn, trầm tích bồi đắp khiến mực nước thượng nguồn dâng cao, hơn 300 hộ gia đình cùng 1.300 người dân đã bị ngập lụt và 48 người bị mắc kẹt trên mái nhà.
Để giảm bớt áp lực cho huyện Văn, Sở Thủy Lợi tỉnh Cam Túc đã ban hành thông báo yêu cầu hồ chứa Đại Đường (Datang) ở thị trấn Bích Khẩu (Bikou) xả 4.300 m3/s kể từ 8h30 tối ngày 17/8. Tuy nhiên, vẫn chưa biết liệu đợt xả lũ này có gây ra mối đe dọa lũ lụt cho các vùng hạ du hay không.
Kể từ ngày 11/8, hai trận mưa lớn đã xảy ra ở thành phố Lũng Nam, và gây lũ lụt ở 8 quận huyện như quận Vũ Đô, huyện Khang, huyện Văn, huyện Thành, huyện Lễ… Theo thống kê sơ bộ từ Cam Túc, tính đến 19h ngày 17/8, có 286.796 người của 80.288 hộ gia đình tại 1810 thôn và 153 thị trấn của 8 quận huyện trên đã bị ảnh hưởng. Trong đó có 38.661 người của 10.023 hộ gia đình phải chuyển đi; 1.273 ngôi nhà của 426 hộ bị sập và 5.076 ngôi nhà của 1.615 hộ bị hư hỏng nặng. Tổng cộng có 9.019 ngôi nhà của 2.880 hộ bị thiệt hại.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc được cho là luôn làm sai lệch, nên ngoại giới cho rằng tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn.
(Cầu bị đẩy sập ở huyện Văn, thành phố Lũng Nam, tỉnh Cam Túc)
(Người dân bị mắc kẹt trên mái nhà ở huyện Văn)
(Sạt lở núi và dòng mảnh vụn, bùn đất đổ về thành phố Lũng Nam)
Đông Phương
Theo The Epoch Times