Theo báo chí Ấn Độ, hôm qua, 25/06/2020, phát biểu tại Diễn đàn Bruxelles 2020, một đối thoại quan trọng thường niên giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: mối đe dọa Trung Quốc đối với Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á là một trong các lý do chính đã khiến Hoa Kỳ quyết định giảm bớt sự hiện diện quân sự tại châu Âu.
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh các hành động của chính quyền đảng Cộng Sản Trung Quốc hiện nay đang đe dọa “Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines”, Trung Quốc là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực Biển Đông. Ông Pompeo nói rõ: “Chúng tôi phải bảo đảm là quân đội Mỹ có mặt ở đúng vị trí, để có thể hóa giải các thách thức”.
Phát biểu của lãnh đạo ngoại giao Mỹ được đưa ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của khối. Trước thềm thượng đỉnh, ngày thứ Tư 24/06, ASEAN tổ chức hội nghị Cộng đồng Chính trị - An ninh của khối, với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN, dưới sự chủ trì của ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, đại diện quốc gia chủ nhà. Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông đã được nêu bật tại hội nghị. Đây là điều mà nhiều lãnh đạo ngoại giao ASEAN coi là thách thức an ninh hàng đầu của khối.
Philippines lên án ý đồ lập vùng ADIZ của Trung Quốc trên Biển Đông
Hôm qua, thứ Năm, 25/06, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines ra thông cáo lên án dự định lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc (ADIZ) tại Biển Đông là “bất hợp pháp”. Theo báo chí Philippinnes, bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana nhấn mạnh dự án lập vùng nhận dạng phòng không của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của các quốc gia ven bờ, vi phạm chính Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên tham gia
Nhật Bản không phải là thành viên ASEAN, nhưng tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, và một số khu vực khác tại châu Á, cũng khiến Tokyo rất quan ngại. Hôm qua, 25/06, trong một cuộc tiếp xúc với báo giới tại Câu lạc bộ các nhà báo nước ngoài ở Nhật Bản, ngoại trưởng Tara Kono khẳng định “Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi nguyên trạng tại biển Hoa Đông, Biển Đông, cũng như tại vùng biên giới với Ấn Độ, và Hồng Kông”.
Theo RFI
Hoa Kỳ truy nã 3 kỹ sư trong vụ đánh cắp bí mật công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc
Hoa Kỳ ra lệnh bắt giữ đối với một cựu chủ tịch của một công ty sản xuất chip thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và 2 kỹ sư khác với cáo buộc ăn cắp bí mật công nghệ từ công ty Micron Technology có trụ sở tại Idaho, Mỹ.
Hôm thứ Tư (24/6), một thẩm phán thẩm phán liên bang ở San Francisco đã ban hành lệnh bắt giữ 3 người này sau khi họ không đến trình diện.
Việc buộc tội của các kỹ sư đã nhiều lần bị hoãn lại theo thỏa thuận giữa phía Mỹ và luật sư của họ. Nhưng vào thứ Tư (24/6) trong một phiên điều trần dài 3 phút, một công tố viên Hoa Kỳ đã yêu cầu lệnh truy nã và nói với thẩm phán rằng cô biết các bị cáo sẽ không xuất hiện sau khi nói chuyện với luật sư của họ vào thứ Hai (22/6).
Công tố viên liên bang Laura Vartain Horn nói với thẩm phán rằng các bị cáo đã không có mặt ở đây mà không đưa ra lý do chi tiết. Do đó, một việc phù hợp cần làm là đưa ra lệnh truy nã cho từng bị cáo.
Công ty Trung Quốc Phúc Kiến Kim Hoa đã không nhận tội và nói rằng công ty này rất háo hức được ra tòa. Công ty United Microelectronics Corp (UMC) có trụ sở tại Đài Loan cũng không nhận tội.
Lệnh truy nã được đưa ra đối với cựu chủ tịch Phúc Kiến Kim Hoa Chen Zhengkun hay còn có tên gọi khác là Stephen Chen; He Jianting hay J.T. Ho; và Wang Yungming hay Kenny Wang. Cả 3 người này đều là công dân Đài Loan và các chuyên gia pháp lý cho biết có rất ít động lực để họ xuất hiện tại tòa án Hoa Kỳ. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ.
Trước đó vào thứ Sáu (12/6), tòa án Đài Loan cũng đưa ra phán quyết rằng Ho và Wang từng làm việc cho Micron trước khi chuyển đến UMC, và một nhân viên UMC thứ ba đã tham gia hoặc hỗ trợ trong vụ trộm bí mật công nghệ của Micron.
Tòa án quận Đài Trung đã phạt UMC 100 triệu Đài tệ (78,5 tỷ VNĐ). Bộ 3 sẽ phải ngồi tù trong khoảng thời gian từ 4,5-6,5 năm và bị phạt từ 4-6 triệu Đài tệ (3,1-4,7 tỷ VNĐ).
Micron lần đầu tiên kiện UMC và đối tác Trung Quốc - Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa - vào năm 2017 tại Mỹ vì ăn cắp bí mật thương mại, đặt ra tranh chấp giữa nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Hoa Kỳ và một trong những công ty lớn nhất châu Á thuộc ngành sản xuất chất bán dẫn theo đơn đặt hàng. Đây cũng là vụ án đầu tiên được đệ trình lên “Sáng kiến Trung Quốc” của chính quyền Tổng thống Trump - nhắm đến tội phạm trộm cắp bí mật thương mại, tấn công mạng và gián điệp kinh tế.
Vào tháng 10/2018, một vài ngày trước khi Sáng kiến Trung Quốc được công bố, Bộ Thương mại Mỹ phong tỏa việc bán thiết bị sản xuất chip của nước này cho Kim Hoa, để ngăn chặn việc công ty lên kế hoạch sản xuất chất bán dẫn.
Vào tháng 11/2018, UMC và Kim Hoa cùng với 3 cá nhân đã bị truy tố ở California và buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron.
Theo kết luận vụ án, các công tố viên yêu cầu Kim Hoa và UMC tịch thu chip và thu nhập từ công nghệ được cho là bị đánh cắp của Micron, cũng như cấm sử dụng công nghệ đó trong vòng 5 năm.
Văn Thiện
Theo thenations