Báo New York Times hôm qua, 10/05/2020, dẫn dự thảo thông báo của Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) và bộ An Ninh Nội Địa Mỹ, theo đó chính quyền Trung Quốc đang tìm cách chiếm đoạt « nhiều dữ liệu quý » về y tế liên quan đến các nghiên cứu về vác-xin, trị liệu, xét nghiệm tại các trường đại học và trung tâm nghiên cứu tư nhân. Các cơ quan phản gián Mỹ đặc biệt chú ý vì lực lượng tham gia chủ yếu vào chiến dịch này là « các tác nhân phi truyền thống », một cụm từ thường được dùng để chỉ các nhà nghiên cứu, các sinh viên cộng tác với tình báo Trung Quốc, làm việc trong các phòng thí nghiệm ở Mỹ. Cảnh báo của các cơ quan an ninh Mỹ sẽ được chính thức đưa ra trong những ngày tới.
Theo nhiều quan chức Mỹ, quyết định đưa ra cảnh báo nói trên nhắm vào các nhóm tin tặc của Bắc Kinh nằm trong một chiến lược chống gián điệp tin học rộng lớn hơn, với sự tham gia của Bộ chỉ huy Tác chiến Mạng và Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ (NSA). Hồi tuần trước, Washington và Luân Đôn cùng đưa ra cảnh báo chung về nguy cơ tin tặc nhắm vào các cơ quan y tế, dược phẩm, các cơ sở nghiên cứu y khoa và chính quyền nhiều địa phương. Không nêu đích danh, nhưng đối tượng nhắm đến của cảnh báo này là Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.
Bắc Kinh bác bỏ « 24 cáo buộc lố bịch » của giới chức Mỹ
Cuộc chiến truyền thông xung quanh đại dịch Covid-19 tiếp diễn trong kỳ nghỉ cuối tuần qua. Reuters, hôm nay 11/05, dẫn một bài viết được công bố trên trang mạng của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tối thứ Bảy, 09/05. Văn bản nội dung họp báo dài 30 trang, với 11.000 từ, cực lực bác bỏ « 24 cáo buộc lố bịch » của nhiều giới chức cao cấp Mỹ, chỉ trích Bắc Kinh trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đặc biệt bác bỏ các cáo buộc của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lên án Bắc Kinh che giấu thông tin về virus corona mới, cũng như nêu khả năng virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Về các đòi hỏi của tổng thống và ngoại trưởng Mỹ là phải việc gọi virus corona mới là « virus Vũ Hán » hay « virus Trung Quốc », bộ Ngoại Giao Trung Quốc dẫn các tài liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), theo đó tên của một loại virus không thể gắn liền với bất cứ một quốc gia nào.
WHO : Không có điện đàm ngày 21/01 giữa tổng giám đốc Tedros với Tập Cận Bình
AP cho hay, hôm thứ Bảy 09/05, Tổ Chức Y Tế Thế Giới ra một thông báo bác bỏ cáo buộc của tuần báo Đức Der Spiegel, theo đó tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có một cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/01/2020, và trong cuộc điện đàm này, lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu tổng giám đốc WHO trì hoãn công bố đại dịch, giữ lại các thông tin về khả năng virus gây bệnh Covid-19 lây từ người sang người.
Theo WHO, việc đưa ra các thông điệp « không chính xác » như vậy làm tổn hại đến các nỗ lực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và toàn thế giới trong việc hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19. Theo WHO, Bắc Kinh đã khẳng định việc virus lây từ người sang người ngay từ ngày 20/01/2020. Tuần báo Đức Der Spiegel dẫn thông tin từ Cơ quan tình báo Đức (BND). Hôm qua, Chủ Nhật 10/01, BND từ chối bình luận về vấn đề này. Vẫn theo Der Spiegel, tình báo Đức khẳng định thế giới đã bỏ lỡ 6 tuần lễ để kịp đối phó với đại dịch Covid-19, do chính sách che giấu thông tin của Trung Quốc.
Theo RFI
Covid-19: Ca nhiễm tăng trở lại, Trung Quốc phong tỏa cả một thành phố 700.000 dân

Việc dỡ bỏ phong tỏa đang gây lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Trung Quốc. Vào hôm nay 11/05/2020, giới chức y tế nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, với 10 trường hợp lây lan trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 10 ca, sau 14 trường hợp ghi nhận vào hôm qua.
Tình hình có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng ở tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, buộc chính quyền địa phương phải ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố Thư Lan (Shulan). Gần 700.000 dân bị cấm ra khỏi nhà.
Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde phụ trách khu vực ghi nhận:
« Sau Vũ Hán, đến lượt Thư Lan. Kể từ hôm qua Chủ Nhật, toàn bộ hệ thống chuyên chở công cộng của thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị đình chỉ hoạt động, không còn ai được phép ra vào thành phố, mọi loại xe cộ đều bị chặn lại ở lối vào thành phố, xe lửa phải đậu ở ga cho đến ngày 31/05.
Quyết định phong tỏa nghiêm ngặt được ban hành sau khi chính quyền phát hiện một trường hợp giống như một ổ dịch mới. Các ủy ban khu phố được lệnh phong tỏa toàn bộ các khu dân cư và làng xã trong địa phương của mình. 700.000 cư dân Thư Lan phải ở trong nhà. Tương tự như những gì diễn ra tại các thành phố lớn ở Hồ Bắc và Chiết Giang hồi đầu mùa dịch ở Trung Quốc, mỗi hộ chỉ có một người được quyền đi ra ngoài để mua hàng cần thiết.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, đầu mối gây lây nhiễm mới tại nơi này dường như là một phụ nữ 45 tuổi, nhân viên giặt ủi làm việc ở sở Công An thành phố. Bà đã lây bệnh cho người chồng, 3 chị em trong nhà và nhiều người thân khác. Giới y tế lo ngại trước sự kiện bệnh nhân này không hề đi đâu xa và cũng không hề tiếp xúc với người nhiễm virus.Để đề phòng lây lan, các trung tâm thể thao và tụ điểm giải trí như rạp chiếu bóng, quán karaoke đều bị đóng cửa, học sinh các lớp 9 và 12 vừa trở lại trường cũng phải nghỉ tiếp.
Không chỉ ở Thư Lan, mà tại Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19, nỗi lo ngại cũng tăng cao vì thành phố ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới vào hôm nay, 11/05, sau khi có một người được xác nhận nhiễm bệnh ngày hôm qua. Tình hình đặc biệt gây lo ngại vì từ hơn một tháng nay, địa phương này không ghi nhận một trường hợp lây nhiễm mới nào. »
Theo RFI